Hàng ngàn cửa hàng phải đóng cửa tắt đèn. Lệnh cấm ra đường tại các thành phố lớn như New York, San Francisco, Los Angeles… đã làm thiệt hại doanh số cho hàng loạt trung tâm thương mại và cửa hàng thời trang. Người tiêu dùng cũng hạn chế mua sắm, chỉ chi tiền cho nhu yếu phẩm như thực phẩm hay đồ dùng vệ sinh nhà cửa.
Đây là tình cảnh hiện tại của giới thời trang và bán lẻ tại Mỹ.
“Chúng ta đều đang đối mặt với cảnh phải đóng cửa doanh nghiệp”, nhà thiết kế và doanh nhân Tory Burch nói. “Một vài đơn vị thậm chí không có doanh thu. Một số khác phải cắt chi phí xuống mức độ thấp nhất có thể”.
Trước tình cảnh này, ngành thời trang và bán lẻ tại Mỹ kêu gọi chính phủ phải mau chóng ra gói tài chính hỗ trợ. “Nếu không, toàn bộ một ngành công nghiệp sẽ biến mất”, Tory Burch khẳng định.
Tình hình ngành thời trang tại Mỹ trong giai đoạn cúm COVID-19
Tạm thời, một loạt các thương hiệu thời trang đã hỗ trợ chính phủ bằng cách may khẩu trang và quần áo bảo hộ. Như Christian Siriano, Brandon Maxwell hay Nhã Khanh. Tuy nhiên, ngược lại, họ cũng cần chính phủ giải cứu.
Ba phương án cấp thiết nhất bao gồm:
1. Gói hỗ trợ tiền mặt, để họ không cần phải sa thải nhân viên
2. Cho phép các doanh nghiệp giảm tiền thuê nhà
3. Được miễn thuế trong vòng 12 tháng tới
Tory Burch, Tom Ford đệ thư đến Nhà Trắng
Để giải thích rõ ràng các yêu cầu trên, hiệp hội các nhà thiết kế Hoa Kỳ (CFDA) cùng 90 tổ chức bán lẻ và thời trang vừa gửi thư đến Nhà Trắng.
Bức thư mở đầu bằng việc tuyên dương sự nỗ lực của chính phủ trong công tác phòng chống sự lây lan của bệnh dịch. Nhưng ngay sau đó, lá thư được viết thẳng thừng, “Việc thiệt hại kinh tế và yêu cầu các cửa hàng đóng cửa là không thể bàn cãi. Chắc chắn, chúng tôi sẽ phải sa thải hàng loạt nhân viên để cắt giảm chi phí, dẫn đến tình hình thất nghiệp tăng cao. Vấn đề trước mắt là đảm bảo chính phủ hỗ trợ tài chính, cho phép các hộ kinh doanh tăng cường vay vốn để không phải đối mặt với việc phá sản”.
“Ngành thời trang đã bị tấn công từ mọi phía. Ngành công nghiệp thời trang Mỹ trị giá 400 tỷ đô, mang lại công ăn việc làm cho 4 triệu người. Còn ngành bán lẻ là một trong những ngành hàng lớn nhất nước Mỹ, tuyển dụng khoảng 53 triệu người dân”.
– chủ tịch CFDA Tom Ford tuyên bố.
Tom Ford cũng cho biết, lá thư đến Nhà Trắng là thành quả của Tory Burch. “Tory Burch đã nhanh chóng kêu gọi hàng loạt đại diện của ngành thời trang và bán lẻ để phác thảo lá thư gửi lên Tổng thống”.
Được biết, tham gia kêu gọi cùng Tory Burch có các lãnh đạo cấp cao tại những thương hiệu thời trang lớn như Gap, Levi’s, Ralph Lauren, tập đoàn Tapestry (sở hữu Coach, Stuart Weitzman và Kate Spade), cùng tập đoàn Capril Holdings (đại diện Michael Kors, Versace và Jimmy Choo).
Chính phủ Hoa Kỳ đang thảo luận gói hỗ trợ tài chính lên đến 2 ngàn tỷ đô-la Mỹ.
Hiện tại, Tory Burch đã đóng toàn bộ các cửa hàng vật lý. Trong khi chờ đợi quyết định từ Nhà Trắng, cô đã đăng biển giảm giá 30% cho toàn bộ mặt hàng trên trang thương mại điện tử của hãng. Tuy nhiên, theo lời nhà thiết kế Prabal Gurung: “Không thể bán hàng giảm giá cho qua cơn dịch này”.
>>> Xem thêm: NGƯỜI DÂN HỒNG KÔNG BÁN THÁO TÚI XÁCH, NỮ TRANG ĐỂ TRANG TRẢI TRONG DỊP CÚM CORONA
Harper’s Bazaar Việt Nam