8 thương hiệu thời trang gắn liền với hình ảnh hoa hồng

Hoa hồng đã được dùng làm biểu tượng thời trang của nhiều thương hiệu, bởi vì chúng đa dạng sắc thái và ý nghĩa

Đầm cocktail bằng đũi tơ tằm với họa tiết hoa hồng trong BST Xuân Hè 1956 của thương hiệu thời trang Pháp Christian Dior. Ảnh: Laziz Hamani/Dior

Những họa tiết hoa hồng vừa trở lại dẫn đầu xu hướng thời trang mùa Xuân Hè 2024. Nhưng có một số thương hiệu thời trang đã từ lâu chọn hoa hồng làm loài hoa biểu tượng cho mình. Với những thương hiệu này, hoa hồng đi theo họ suốt những năm tháng kể từ ngày thành lập đến nay, chứ không phải một thiết kế theo mùa hay xu hướng.

Hãy cùng Harper’s Bazaar điểm qua hình ảnh hoa hồng trong dòng chảy lịch sử của các thương hiệu thời trang cao cấp.

Thương hiệu đầu tiên dùng hoa hồng làm biểu tượng là Paul Poiret

Môtíp hoa hồng của Paul Poiret do họa sỹ Paul Iribe thực hiện. Ảnh: The Met

Ngày nay, nói đến những thương hiệu thời trang dùng hoa hồng làm biểu tượng, chúng ta thường nhắc đến Dior, Valentino… nhưng từ dịp đầu thế kỷ 20 đã có một thương hiệu khác làm điều này. Đó là Paul Poiret, nhà couturier người Pháp gầy dựng một thương hiệu haute couture tuy có tuổi đời ngắn ngủi nhưng đã để lại dấu ấn khó phai trong làng thời trang cao cấp.

Paul Poiret bắt đầu xây dựng thương hiệu riêng vào năm 1903. Ông yêu thích phom dáng suôn mềm, không bị gò bó bởi corset hay gọng váy lót (petticoat). Đặc biệt ông yêu thích phom dáng xứ viễn Đông và Trung Đông. Nhà thiết kế này đã mạnh dạn may quần thụng và áo khoác kiểu kimono cho khách hàng của mình.

Hoa hồng thêu trên nhãn quần áo Paul Poiret. Ảnh: Clotilde Coueille / Studio KWEI / Vintage by Rosemaine

Hoa hồng, với xuất xứ từ Trung Đông và châu Á, cũng quyến rũ Paul Poiret. Năm 1908, ông đặt họa sỹ Paul Iribe vẽ cho mình một bông hồng, và biến bông hoa này thành biểu tượng thương hiệu. Hoa hồng được thêu lên nhãn mác trang phục và dùng để trang trí salon của ông.

Paul Poiret cũng là nhà thiết kế thời trang cao cấp đầu tiên ra mắt hương nước hoa riêng; ông gọi tác phẩm là La Rose de Rosine. Ra mắt năm 1912, La Rose de Rosine được họa sỹ Paul Iribe thiết kế vỏ hộp và cũng được tô điểm với bông hồng Paul Poiret.

Nước hoa Rose de Rosine. Ảnh: Poiret Perfumes

Khi nhà mốt này lụi tàn vào năm 1929 vì Thế chiến I và cuộc Đại Khủng Hoảng, không còn nhiều người biết đến Paul Poiret ngày nay. Tuy nhiên, hương nước hoa La Rose de Rosine có tuổi đời lâu dài hơn khi được tái sinh năm 1991.

Hoa hồng kiều diễm, thanh tao của thương hiệu Christian Dior

Đầm dạ hội Tableau Final, thuộc bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 1951 của Christian Dior. Ảnh: Willy Maywald/Adagp

Nói đến hoa hồng trong các thiết kế thời trang cao cấp, không thể không nhắc đến thương hiệu thời trang cao cấp nước Pháp do quý ngài Christian Dior sáng lập.

Lớn lên trong vườn hoa hồng nhà trồng ở Villa les Rhumbs thuộc ngôi làng Granville, Normandy, Christian Dior đã mang cảm hứng từ những khu vườn đó vào thời trang. Ông biến các đóa hoa thành những chi tiết trang trí váy áo, mũ nón từ sàn diễn đầu tiên năm 1947. “Nữ hoàng của các loài hoa” cũng là thành phần chính của hương nước hoa đầu tiên của nhà mốt, Miss Dior.

Đầm dạ hội Musique de fête bằng lụa organza Marie-Antoinette blue, nhấn eo bằng hoa hồng. Thiết kế thuộc bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 1955 của Christian Dior. Ảnh: Laziz Hamani

Hoa hồng khi kết hợp với Dior luôn gợi nên hình tượng một quý cô kiêu kỳ đỏng đảnh. Hoa hồng 3D xếp bằng vải điểm xuyết phần eo siết chặt, làm bật nên khí chất thanh nhã của người mặc. Một số mẫu đầu có vạt xếp tầng như những cánh hoa. Phối hợp với mũ ren và găng tay, người phụ nữ Dior như một nàng công chúa xuống phố.

“Tôi thiết kế femme fleurs, những người phụ nữ mong manh như hoa. Vai suôn mềm, ngực bung nở như nhụy hoa, eo nhỏ nhắn như cành cuốn cong, thân váy xoè như cánh hoa”.

– Christian Dior –

Ảnh: Dior

Phát huy tinh thần của Christian Dior, trong thế kỷ 21, Giám đốc sáng tạo mảng trang sức của Dior, Victoire de Castellane đã liên tiếp giới thiệu những bộ sưu tập trang sức mang hình hài hoa hồng. Vườn hồng của Victoire de Castellane hình thành qua những BST như Bois De Rose, Rose Dior Couture, Rose Dior Bagatelle hay Rose Dior Pré Catelan. Mỗi BST mang một cá tính và đặc trưng khác biệt. Từ thân, lá đến những đóa hoa hồng, tất cả đều được Victoire tôn vinh thành công nét đẹp cao quý thông qua từng thiết kế.

Tương tự, dòng mỹ phẩm của thương hiệu Dior cũng phát huy tối đa sức mạnh của hoa hồng. Không chỉ trích xuất hương thơm cho nước hoa, Dior còn nghiên cứu phát triển kem dưỡng da, nước thần… chứa chiết xuất hoa hồng tháng Năm nổi tiếng của ngôi làng Grass phía Nam nước Pháp.

Hoa hồng nổi loạn của thương hiệu Alexander McQueen

Thiết kế trong Bộ sưu tập Linh hồn hoa hồng của Alexander McQueen. Ảnh: ImaxTree

Nếu hoa hồng của Christian Dior dịu dàng, thì hoa hồng của Alexander McQueen nổi loạn. Như cách NTK Lee Alexander McQueen đã biến họa tiết tartan kẻ sọc carô của quý tộc Scotland thành biểu tượng của sự nổi loạn, anh cũng “phù phép” để hoa hồng đỏng đánh biến thành chiến binh gai góc.

Đầm Sarabande bằng lụa organza điểm xuyết hoa hồng vải và hoa hồng thật. Ảnh: The Met

Trong số hàng loạt thiết kế hoa hồng của Lee Alexander McQueen, giới mộ điệu nhớ nhất đến BST Xuân Hè 2007 và chiếc váy đầm Sarabande (ảnh trên) phủ đầy hoa hồng màu sắc u ám. Anh đã dùng hoa thật xen lẫn với hoa vải để tạo ra thiết kế đặc biệt có 1-0-2 này.

“Tôi sử dụng hoa vì chúng sẽ tàn phai. Không có gì là mãi mãi. Bộ sưu tập này có một sự mong manh dễ vỡ, với ý tưởng rằng không có gì là vĩnh viễn, vẻ đẹp đó sẽ biến mất.”

– Lee Alexander McQueen –

Thiết kế váy hoa hồng đỏ xếp nếp của Alexander McQueen

Đầm Rose Dress, mùa Thu Đông 2019. Ảnh: Alexander McQueen

Khi Lee Alexander McQueen qua đời, Sarah Burton đảm nhận vị trí Giám đốc Sáng tạo và viết tiếp hành trình còn dang dở. Bà mở ra kỷ nguyên của riêng mình nhưng vẫn không quên phát huy ADN của nhà mốt. Đặc biệt là các sáng tạo với hoa hồng.

Hoa hồng dưới bàn tay của Sarah Burton rực rỡ, sắc sảo, bớt vẻ u buồn thường thấy trong thiết kế của Lee Alexander McQueen. Đáng nhớ nhất chính là chiếc váy màu đỏ đồ sộ được giới thiệu tại show diễn Thu Đông 2019 (ảnh trên). Được làm từ vải taffeta với những đường xếp nếp phức tạp, ngay từ khi xuất hiện, thiết kế này như tự mình thông báo với toàn bộ khách mời: “Nhìn đi, đây chính là biểu tượng mới của Alexander McQueen!”.

Kaia Gerber mặc đầm hoa hồng nghìn cánh trong show Alexander McQueen Xuân Hè 2020. Ảnh: ImaxTree

Hoa hồng dưới bàn tay Sarah Burton đôi khi kết hợp với vẻ đẹp trừu tượng. Ví dụ như mùa Xuân Hè 2020, bà giới thiệu hai mẫu đầm rất phồng, thoạt nhìn có thể giống hoa cẩm chướng, thược dược, ở góc độ khác giống hoa hồng nghìn cánh, và cũng gợi nhắc đến những tảng đá nhiều hải quỳ.

Triển lãm Alexander McQueen về hoa hồng

Ảnh: Alexander McQueen

Năm 2020, nhà mốt Anh thậm chí đã tổ chức triển lãm tại London mang tên Roses – Hoa hồng để vinh danh những sáng tạo từ loài hoa này. Không gian trưng bày các thiết kế biểu tượng. Từ hoa hồng xếp 3D, họa tiết in trên vải, xếp nếp cho đến thêu đính, v.v.

Hoa hồng kịch nghệ và rực rỡ của Valentino

Ảnh: Valentino

Tại Valentino, hoa hồng không chỉ là biểu tượng của thời trang cao cấp, mà còn là đại diện của vẻ đẹp vượt thời gian. Năm 1963, nhà mốt bổ sung vào kho lưu trữ một thiết kế mang tính biểu tượng. Chiếc váy cocktail màu đỏ với những bông hoa hồng xếp ngay ngắn quanh đường viền trở thành chủ đề được bàn tán khắp nơi.

Hoa hồng haute couture Valentino

Ảnh: Valentino

Đến thời của Giám đốc sáng tạo Pierpaolo Piccioli, Valentino phát huy mạnh mẽ giá trị của kho lưu trữ di sản. Nổi bật trong đó là BST Haute Couture mùa Thu Đông 2022. Người ta thấy những đóa hồng khổng lồ nở trên váy, trên cổ chân và cả túi xách của người mẫu. Ông giới thiệu một loạt diện mạo táo bạo, khiến giới mộ điệu buộc phải nghe đến, phải biết đến và khao khát được trở thành chủ nhân sở hữu các thiết kế mới.

Zendaya Valentino

Zendaya trong thiết kế của Valentino trên thảm đỏ. Ảnh: GettyImage

Dưới bàn tay Pierpaolo Piccioli, hoa hồng Valentino hiện đại nhưng không làm mất đi sự lãng mạn vốn có. Như mới đây thôi, chúng ta được thấy Zendaya tỏa sáng trong thiết kế của nhà mốt Ý tại lễ trao giải SAG 2023. Chiếc váy haute couture may đo riêng màu hồng nhạt, đuôi cá, cúp ngực, phủ đầy hoa hồng giúp nữ diễn viên Gen Z nổi bật trên thảm đỏ. Các chuyên gia thời trang đều cho rằng nữ chính Euphoria là ngôi sao mặc đẹp nhất trong buổi tối đó.

Bông hồng quyến rũ của Dolce & Gabbana

Naomi Campbell với vòng cổ hoa hồng của Dolce & Gabbana, mùa Xuân Hè 2024. Ảnh: ImaxTree

Dolce & Gabbana nổi tiếng với những thiết kế hoa trái sum suê, rực rỡ. Đó là cam quýt và hoa cam thơm xinh xắn, cẩm tú cầu tươi mát, anh túc đỏ rực rỡ… Trong số đó, hoa hồng đóng một vai trò lớn. Bởi vì hoa hồng là loài hoa có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, quê hương của hai nhà thiết kế

Ảnh: ImaxTree

Cụ thể, BST mùa Thu Đông 2015 của cặp bài trùng Domenico Dolce & Stefano Gabbana đã đi vào lịch sử như là một trong những BST thể hiện rõ rệt ADN của nhà mốt. Âm hưởng Phục Hưng cùng những điểm nhấn vương giả gợi nhắc về một thời xưa cũ hoàng kim của vùng đất Sicily. Điểm xuyết là hình ảnh bông hoa hồng đỏ trên nền vải ren, tuyn cao cấp nhằm tôn vinh người phụ nữ nước Ý sành điệu, nóng bỏng và rất đỗi nữ tính.

Sàn diễn runway Dolce & Gabbana Alta Moda 2020 là cầu thang đá trải hoa hồng

Sàn diễn runway Dolce & Gabbana Alta Moda 2020 là cầu thang đá trải hoa hồng. Ảnh: Dolce & Gabbana

Qua đến năm 2020 trong show diễn Alta Moda (tương đương haute couture), hai NTK một lần nữa sử dụng hoa hồng làm điểm nhấn cho các thiết kế váy lộng lẫy của mình. Sàn catwalk là cầu thang đá lát đầy hoa hồng tươi khiến giới mộ điệu mê đắm. Gần đây hơn, trong BST Xuân Hè 2024, hoa hồng được dùng làm vòng cổ và phụ kiện trang trí phối kèm các bộ sưu tập.

Hoa hồng chiết trung của Gucci dưới thời Alessandro Michele

Ảnh: Kate Jones London

Dưới thời Alessandro Michele, Gucci đã chuyển mình trở thành một trong những nhà mốt thành công nhất và trở thành nhà kiến tạo xu hướng lẫy lừng dẫn đầu làng thời trang cao cấp trong một khoảng thời gian dài.

Ở thời kỳ đỉnh cao tại Gucci, Alessandro Michele không ngần ngại thử nghiệm và phá vỡ những quy tắc. Một trong những điều có thể thấy rõ rệt xuyên suốt các thiết kế của Alessandro thời điểm này là sự sặc sỡ, khoa trương đầy tính chiết trung (eclectic) trong các thiết kế.

Hình ảnh hoa hồng được nhiều lần sử dụng như một biểu hiện khác của trào lưu logomania do chính ông khởi xướng. Họa tiết in hoa hồng xuất hiện dày đặc trên các thiết kế xuyên suốt các mùa, đặc biệt trên những bộ đồ của nam giới.

Với Gucci, hoa hồng không phải là đặc quyền riêng của phái nữ. Một người đàn ông hoàn toàn có thể sành điệu, phong cách và ấn tượng với hoa hồng, khi chọn thiết kế của Gucci.

Những bông hoa vải thực tế của Đỗ Mạnh Cường

Đầm hoa hồng và nón đồng bộ từ BST The Muse 2 năm 2018 của Đỗ Mạnh Cường. Ảnh: Kiếng Cận team

Việt Nam cũng có những loại hồng đặc sắc, như hồng cổ Huế, hồng cổ Sapa… và không ngạc nhiên khi các nhà thiết kế Việt Nam cũng đam mê hoa hồng. Tiêu biểu chính là NTK Đỗ Mạnh Cường.

Trong suốt hành trình làm nghề của anh, từ thương hiệu DO MANH CUONG, DMC by Đỗ Mạnh Cường hay SIXDO, họa tiết hoa hồng chưa từng bị bỏ quên. Anh đặc biệt yêu thích miêu tả hoa hồng theo khía cạnh thực tế nhất: Những bông hoa vải xếp như thật, thường là màu đỏ, đen, trắng hay hồng, được dùng để trang trí váy áo, mũ nón và túi xách của thương hiệu Việt này. Bên cạnh đó, mẫu đầm hoa hồng (ảnh trên) đã trở thành một đặc trưng của thương hiệu.

Ảnh: SIXDO

Khi chuyển sang thiết kế dòng sản phẩm giá mềm SIXDO, Đỗ Mạnh Cường vẫn duy trì hình ảnh họa tiết hoa hồng. Gần đây nhất, tại New York Fashion Week, anh giới thiệu 50 mẫu thiết kế ấn tượng trên sàn runway hình chữ S. Họa tiết chấm bi được phối hợp với các mẫu hoa hồng to bản, tạo ra ấn tượng thị giác và giúp thương hiệu Việt gây tiếng vang trên sàn diễn nước bạn.

Hoa hồng khâu mắt xích là ADN của Trần Hùng

Hương Ly trong BST “The Lovers” năm 2018 của Trần Hùng

Những ai đã theo dõi Trần Hùng kể từ khi anh còn là một thí sinh trên show truyền hình thực tế Project Runway Vietnam 2015 đều biết rằng nhà thiết kế này mê đắm thiết kế nữ tính, tràn ngập hình ảnh hoa cỏ. Ngay từ những bộ sưu tập đầu tiên, anh đã thường xuyên trang trí đầm dạ hội với các bông hồng vải 3D hay thêu, vẽ họa tiết.

BST Xuân Hè 2021. Ảnh: Võ Thịnh

Theo thời gian, anh thay đổi cách áp dụng hình ảnh hoa hồng vào trang phục. Bông hoa hồng tách cánh, được định hình bởi những đường khâu móc xích bắt đầu trở thành hình ảnh nhận diện của Trần Hùng.

Đặc biệt, kiểu thiết kế hoa hồng này rất phù hợp với thương hiệu Việt đi theo hướng phát triển bền vững. Bởi Trần Hùng có thể tận dụng vải thừa, vải vụn chắp vá lại với nhau để tạo ra hình bông hồng, vẫn xinh đẹp quyến rũ bởi những đường hở nhưng lại thân thiện với môi trường.

BST Thu Đông 2023. Ảnh: Võ Thịnh

Trong số những thương hiệu thời trang liệt kê trong bài viết này, Trần Hùng là nhà thiết kế duy nhất áp dụng kỹ thuật khâu móc xích và tạo hình nghệ thuật 2D cho đóa hoa hồng.

Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar

Xem thêm