Tom Ford Plastic Innovation Prize: Cuộc thi tìm chất liệu thay thế nhựa

Cuộc thi có giải thưởng lớn với 1,2 triệu đô-la Mỹ. Cùng với đó là sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư để đưa chất liệu mới sáng chế này ra thị trường vào năm 2025. 

Giới thiệu cuộc thi đi tìm chất liệu thay thế nhựa dùng một lần Tom Ford Plastic Innovation Prize

Các thành phố lớn ngày nay đã áp dụng những biện pháp tái chế nhựa. Tuy nhiên, không phải loại nhựa nào cũng có thể tái chế. Chỉ có một số loại nhựa cứng cáp như nhựa PET (chai nước), nhựa PPE (hộp nhựa) mới có thể được tái chế. Còn những loại nhựa mỏng như bao nilon thì lại không thể được tái chế.

Mà ngành thời trang lại sử dụng rất nhiều loại nhựa mỏng này. Các túi đựng quần áo, túi xách đều được đọng gói trong các túi bọc màng mỏng. Nhựa màng mỏng khi mắc kẹt vào máy móc có thể gây ngưng trệ quá trình sản xuất.

Vì vậy, nhu cầu cấp thiết là tìm ra một chất liệu thay thế xuất hiện. Lý tưởng nhất là chất liệu này không cần phải tái chế.

Giải thưởng Tom Ford Plastic Innovation Prize

Vào cuối năm ngoái, Tom Ford đã công bố hợp tác với tổ chức Lonely Whale của Adrian Grenier và chi nhánh cố vấn 52HZ để khởi động Giải thưởng sáng tạo nhựa Tom Ford. Hay còn gọi là Tom Ford Plastic Innovation Prize.

Cuộc thi Tom Ford Plastic Innovation Prize khuyến khích các nhà thiết kế, nhà sản xuất, nhà phát minh tạo ra một giải pháp thay thế cho chất liệu nhựa. Chất liệu này sẽ có thể phân huỷ sinh học. Nó cũng có thể dùng thay cho nhựa màng mỏng. Theo đó, khi nằm lâu trong đất hoặc trôi ra biển, chất liệu mới sẽ tự phân huỷ. Mà không cần sự tác động của con người.

Tom Ford

Tiến sĩ Dune Ives, CEO của Lonely Whale, giải thích rằng tuy nhựa chỉ xuất hiện khi được sử dụng trong một thời gian ngắn, nó mang tác hại dài lâu vì không thể phân huỷ. “Nhựa sẽ không bao giờ thật sự biến mất”, bà cho biết. “Câu chuyện về nhựa bắt nguồn với một giải thưởng sáng tạo. Và giải pháp cho cuộc khủng hoảng plastic này có thể được tìm thấy trong một câu chuyện mới về sự ra đời [của một chất liệu khác]”.

Thực tế, cuộc tìm kiếm chất liệu mới thay cho nhựa là hoàn toàn khả thi. Năm 1869, John Wesley Hyatt đã phát minh ra celluloid. Đây là chất dẻo đầu tiên trên thế giới có thể được dùng thay thế cho ngà voi trong quả bóng bi-da. Ông đã giành được giải thưởng Phelan & Collender cho thành quả này.

Tom Ford: “Biến điều không thể thành có thể”

Nhà thiết kế Tom Ford nhận ra phần lớn rác thải nhựa đều đến từ ngành công nghiệp thời trang. Cụ thể, có từ 1 đến 5 nghìn tỷ túi polyester bị bỏ đi mỗi năm. “Mọi món hàng thời trang mà bạn mua đều được đóng gói trong một túi nhựa sử dụng một lần”, ông cho biết.

Hội đồng giám khảo cho cuộc thi Tom Ford Plastic Innovation bao gồm những gương mặt đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau. Đó là Tiến sĩ Andrew Forrest, nhà sáng tạo và chủ tịch tập đoàn Fortescue Metals Group và quỹ Minderoo Foundation; nhà thiết kế thời trang Stella McCartney; Giám đốc phát triển bền vững tại ngân hàng quốc tế Morgan Stanley, Audrey Cohoi; John John Florence; nhà vô địch thế giới hai lần bộ môn lướt ván tại Olympic; Steven Kolb, Giám đốc điều hành của Hội đồng các nhà thiết kế thời trang Hoa Kỳ, cùng nhiều tên tuổi khác.

“Trên thế giới có rất nhiều tài năng, sự sáng tạo và các phát minh. Và ta chỉ cần một ý tưởng tuyệt vời và sự thúc đẩy để thổi bùng tiềm năng của một ai đó. Để biến điều không thể thành có thể”

– Tom Ford –

Ông cũng cho biết thêm, cuộc thi muốn khuyến khích những nhà phát minh đam mê lĩnh vực này tin vào khả năng thay đổi thế giới của họ. “Môi trường đang rất cần một giải pháp chống rác thải nhựa plastic. Vì thế chúng ta có nhiệm vụ sát cánh bên nhau và phát triển một giải pháp tân tiết. Để biến môi trường thành một chốn an toàn hơn cho các thế hệ sau”, ông nói.

THÔNG TIN THÊM

Các bài thi gửi về sẽ được chấp nhận từ nay đến ngày 24/ 10. Những người lọt vào vòng chung kết sẽ được công bố vào đầu năm 2022. Tom Ford Plastic Innovation đã nhận được hơn 170 đơn đăng ký từ 39 quốc gia và 6 lục địa. Bạn có thể tìm hiểu thêm thông tin về chương trình tại đây.

Ảnh: Tom Ford
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm