René Lacoste, nhà sáng lập thương hiệu
Cậu trai René Lacoste khi mới 18 tuổi đã yêu thích tennis. Dù tham gia đại học Polytechnic School ở Bordeaux, anh dành nhiều thời gian tập tennis. Tình yêu với quần vợt cuối cùng khiến anh bỏ học để đầu quân theo bộ môn này một cách chuyên nghiệp. Dần dần, René Lacoste được biết đến với danh hiệu Vận động viên tennis cừ khôi nhất thế giới vào giai đoạn 1926–1927. Xuyên suốt sự nghiệp thi đấu của mình, ông thắng đến 7 giải Grand Slam.
Quay lại năm 1923. Lúc này, René Lacoste mới 19 tuổi. Trước thềm chung kết tennis Davis Cup, anh có một giao kèo với đội trưởng của mình: “Nếu tôi thắng trận đấu, anh phải mua cho tôi chiếc cặp da cá sấu”.
Tuy nhiên, René không thắng trận đấu ấy – và dĩ nhiên là không thắng được chiếc cặp da cá sấu. Nhưng sự dũng mãnh của anh trên sàn đấu khiến giới báo chí Hoa Kỳ bắt đầu gọi anh với biệt danh là chú “cá sấu của sân tennis”.
Quá yêu thích biệt danh này của mình, năm 1927, René Lacoste đã tìm đến bạn thân của mình là nhà thiết kế Robert George để thiết kế một chú cá sấu cho bản thân. Rồi anh thêu biểu tượng cá sấu lên áo khoác của mình. Hình ảnh cá sấu đã đi đôi cùng René Lacoste từ lúc ấy.
Thương hiệu Lacoste khởi nguồn từ tình yêu của René Lacoste với tennis
Năm 1930, René Lacoste nghỉ hưu. Mới 26 tuổi, chàng trai vẫn nhiều hoài bão. Năm 1933, René thành lập hãng thời trang Lacoste khi bắt tay với André Gillier, chủ tập đoàn dệt may lớn nhất nước Pháp thời bấy giờ. Chàng trai trẻ lấy hình ảnh chú cá sấu là biểu tượng của thương hiệu.
Tennis cũng chính là lý do chiếc áo polo huyền thoại ra đời. Năm 1933, trang phục của vận động viên tennis rất bất tiện. Vốn, các vận động viên phải mặc áo sơ-mi, đeo cà vạt và mặc quần tây. Kiểu trang phục cứng nhắc, không thấm hút mồ hôi và khó mà chạy nhảy được.
Để khắc phục những nhược điểm đó, René Lacoste đã tạo ra chiếc áo Polo L.12.12. Chiếc áo bằng chất liệu thấm hút mồ hôi, thoải mái khi vận động, nhưng vẫn trông trang trọng nhờ thiết kế cổ bẻ.
“Không có sự thanh lịch, chiến thắng thôi chưa đủ [đối với tennis]”.
– René Lacoste –
Thực chất, áo polo không phải một thiết kế mới mẻ gì. Nó đã xuất hiện từ cuối thế kỷ 1800 tại Anh. Vì được các vận động viên bộ môn polo đấu bằng ngựa sử dụng, nên chiếc áo này còn được gọi là áo polo. Chỉ có điều, chẳng ai nghĩ đến việc áp dụng chiếc áo này vào những bộ môn thể thao khác. Cho đến khi René Lacoste đưa nó vào bộ môn quần vợt.
Và chiếc áo polo Lacoste đã trở thành một hiện tượng.
Những sự bứt phá khác của Lacoste
Không chỉ ngừng lại ở việc cách tân một chiếc áo thể thao, René Lacoste còn sáng chế nên dụng cụ chơi quần vợt. Năm 1960, ông nhận bằng sáng chế cho hệ thống cản lực trên vợt tennis. Năm 1963, ông sáng chế nên vợt đánh tennis bằng thép.
“Nhà sáng chế. Nếu có thể được ghi chú một công việc lên danh thiếp của tôi, tôi muốn mọi người gọi mình là nhà sáng chế. Tôi đã theo đuổi sự sáng tạo trong suốt cuộc đời của mình”.
– René Lacoste –
Chiếc áo polo của Lacoste cũng là một trong những trang phục đầu tiên mang tố chất phi giới tính (unisex). Tố chất này được công nhận từ thập niên 1950 trở đi.
Không chỉ dừng lại với trang phục thể thao, thương hiệu Lacoste mở rộng địa hạt với nước hoa Eau de Toilette (đầu tiên ra mắt vào thập niên 1960); mắt kính (giới thiệu vào năm 1978); túi xách (năm 1981); và giày thể thao (năm 1991).
Năm 2012, thương hiệu Lacoste được bán lại cho tập đoàn Maus Frères SA. Năm 2018, thương hiệu Lacoste ăn mừng 85 năm thành lập. Hãng mang đến Việt Nam buổi triển lãm 85 NĂM – DI SẢN LACOSTE tại Saigon Centre.
Thương hiệu tạo nên trào lưu
Qua thời gian, biểu tượng cá sấu của Lacoste đã khiến nhiều thương hiệu khác phải học hỏi. Có thể kể đến Ralph Lauren và chú ngựa và gấu Teddy. Tommy Bahama với biểu tượng cá kiếm. American Eagle thì sử dụng biểu tượng đại bàng. Tất cả đều được thêu ngay ngực, tựa chiếc áo polo đầu tiên của Lacoste.
Thậm chí, một thương hiệu Hồng Kông, Crocodile Garments, từng bị Lacoste kiện ra tòa vì sử dụng biểu tượng cá sấu. Crocodile Garments sử dụng biểu tượng cá sấu quay mặt về bên trái, trong khi Lacoste sử dụng hình tượng cá sấu quay đầu về bên phải. Mãi đến năm 2003 thì hai bên mới giải quyết ổn thỏa. Crocodile Garments có thể sử dụng logo cá sấu với điều kiện “con cá sấu có đuôi dựng lên thẳng đứng, mắt to hơn và da nhiều vảy hơn” khi so với logo cá sấu Lacoste.
>>> Xem thêm: LACOSTE THAY THẾ LOGO CÁ SẤU BẰNG 10 LOÀI ĐỘNG VẬT CÓ NGUY CƠ TUYỆT CHỦNG
Vì sao chiếc áo polo của Lacoste đặc biệt?
Qua công đoạn savoir-faire của nhà mốt Pháp, chúng ta có thể hiểu vì sao chiếc áo polo này đã làm thay đổi ngành quần vợt.
Chiếc áo đầu tiên được làm từ chất liệu Petit Piqué. Cách dệt tạo nên chất liệu có họa tiết như tổ ong, có tính co giãn cao, thấm hút mồ hôi tốt. Chiếc áo này cho phép người chơi thoải mái khi vận động. Logo hình cá sấu cần 1200 đường kim mũi chỉ để hoàn thiện. Và trải qua 25 bước kiểm tra chất lượng để đảm bảo chiếc áo không có bất kỳ lỗi nào khi xuất xưởng.
>>> Xem thêm: SỰ THAY ĐỔI CỦA ÁO POLO “CÁ SẤU” LACOSTE THEO DÒNG THỜI GIAN
ĐỊA CHỈ MUA SẮMCông ty Danh Giá Fashion hiện là đơn vị phân phối độc quyền của nhãn hàng thời trang Lacoste tại Việt Nam. TP. HCM New World Hotel – 76 Lê Lai, Quận 1 HÀ NỘI Ba Trieu Boutique – 1 Bà Triệu, Q. Hoàn Kiếm |
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Vietnam