Mùa lạnh đến, còn gì sung sướng hơn được xì xụp bát lẩu cay? Vị cay của ớt ngay lập tức làm ấm cơ thể chúng ta. Cá nhân tôi mê món lẩu Thái. Nhưng, bạn thân của tôi có tuýp da mụn sợ rằng ăn cay gây nổi mụn. Vì vậy, việc đi chơi của hai chúng tôi vô cùng “trắc trở” vào mùa lạnh, vì cả hai đứa chẳng dễ gì đồng tình trong việc chọn chỗ ăn!
Nếu bạn có tuýp da mụn, hẳn bạn cũng từng nghe lời khuyên nên hạn chế ăn cay. Điều này có thật? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu ngọn nguồn sự việc.
Ăn cay có gây nổi mụn?
Để tỏ tường vấn đề này, chúng ta phải tìm hiểu vì sao làn da chúng ta nổi mụn.
Nhân mụn hình thành khi lỗ chân lông bị nghẹt do bã nhờn, tế bào chết, bụi bẩn. Những vi khuẩn gây mụn trên làn da, gọi là Cutibacterium acnes, khiến khu vực này trở nên viêm nhiễm. Quá trình này tạo nên những nốt mụn sưng đỏ, bọc mủ.
Theo một nghiên cứu đăng tải trên chuyên san da liễu Journal of Clinical and Aesthetic Dermatology cho thấy, mụn thực chất là một căn bệnh hình thành từ viêm nhiễm. Những món ăn khiến cơ thể tạo nên phản ứng viêm cũng vì vậy khiến làn da dễ nổi mụn hơn.
Trong trường hợp của món cay: Ớt có tác dụng kháng viêm, nhờ các hoạt chất Capsaicinoid. Vì vậy, ăn ớt cay không thật sự gây nổi mụn!
Trường hợp nổi mụn khi ăn cay vì…
Lý do chính là bởi vì những món cay cũng thường khá mặn. Lẩu thái, mì ăn liền tôm chua cay, snack cay…tất cả những món này đều có hàm lượng muối rất cao. Mà muối là một tác nhân gây mụn. Chính vì vậy, đôi khi, bạn bị nổi mụn sau khi ăn cay không vì ớt, mà vì đã nạp quá nhiều muối vào cơ thể.
Một lý do khác có thể đến từ lycopene. Cả ớt (cũng như cà chua) đều có lycopene. Đây là một loại sắc tố thực vật có tính axít. Khi lycopene tiếp xúc với da, nó có thể làm thay đổi độ pH của làn da. Từ đó khiến da bị dị ứng và gây mụn quanh miệng. Tất nhiên, không phải ai cũng có phản ứng này – vì nó phụ thuộc vào cơ địa dị ứng của mỗi người.
>>> Xem thêm: DƯỠNG DA VỚI HOA CÚC CALENDULA: PHƯƠNG THỨC TRỊ MỤN, KHÁNG VIÊM TỰ NHIÊN
Tuy nhiên, ăn cay có thể ảnh hưởng xấu đến da
Như bạn đã thấy, việc ăn cay không nhất thiết gây mụn ở phần lớn số đông. Nhưng, ăn quá cay có thể khiến da bạn bị ửng đỏ, thậm chí là hình thành bệnh đỏ mặt (rosacea).
“Ớt không gây phản ứng ở tất cả mọi người. Nhưng một số ít, có cơ địa nhạy cảm với ớt, sẽ gặp phản ứng này”, theo bác sỹ da liễu Rachel Nazarian ngụ tại New York. “Căn bản, món ăn nhiều ớt sẽ khiến các mao mạch trên mặt bạn nở ra. Điều này tạo nên làn da ửng đỏ. Nếu ăn ớt ở mức độ quá cay, và quá nhiều lần, thì các mao mạch này thậm chí có thể bị nứt vỡ ra”.
Bác sỹ Nazarian cũng cho rằng, không chỉ món ăn cay gây nên tình trạng đỏ mặt này. Cồn, caffeine, và thậm chí nhiệt độ nóng cũng tạo triệu chứng tương tự.
Nên ăn cay, chỉ một ít thôi
Đây là lời khuyên từ giới khoa học. Ăn cay điều độ, không quá cay, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Bạn có thể tự tin dùng ít lát ớt tươi, hoặc ớt bột trong bữa ăn hàng ngày. Lý do vì ăn ớt mang lại nhiều tác dụng cho sức khỏe như:
1. Tăng cường quá trình trao đổi chất
Hoạt chất capsaicin trong ớt có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Quá trình trao đổi chất chậm lại khi bạn ít vận động, khi cơ thể lão hóa đi, và có thói quen ăn uống không lành mạnh. Để hiểu thêm về việc vì sao nên giữ cho quá trình trao đổi chất hoạt động mạnh mẽ, hãy đọc bài viết sau.
>>> Xem thêm: VÌ SAO THÓI QUEN NHỊN ĂN, ĂN ÍT CÓ THỂ KHIẾN BẠN TÍCH MỠ BỤNG
2. Vị cay hạn chế cơn thèm đồ ngọt, kiểm soát cân nặng
Cơn thèm ngọt sẽ bị “xóa sổ” sau khi bạn ăn món gì đó cay cay, the the. Món ăn cay, hoặc the lạnh như bạc hà, đều có tác dụng kềm sự thèm ăn. Vì vậy mà nhiều nghiên cứu cho thấy, ăn cay có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng tự nhiên.
3. Giúp bảo vệ bao tử
Vị cay của ớt đôi khi khiến nhiều người cảm thấy đau quặn bụng. Tuy nhiên, điều có thể khiến bạn ngạc nhiên là hoạt chất capsaicin trong ớt có khả năng kiềm axít bao tử. Nhiều nghiên cứu cho thấy, dùng ớt cay có thể chống lại bệnh loét dạ dày.
Tuy nhiên, nếu bạn mắc bệnh viêm loét đại tràng (IBD), hội chứng ruột kích thích, hay chứng khó tiêu dyspepsia, thì bạn nên hạn chế ăn cay. Đây là kết luận của bác sỹ Edwin McDonald từ trường đại học UChicago tại Mỹ.
Harper’s Bazaar Việt Nam