Thực hư mối liên hệ giữa đường chân váy và nền kinh tế?

Đường chân váy là đường bao dưới cùng, quyết định độ dài của loại trang phục này. Một học thuyết cho rằng nó cũng quyết định vận mệnh kinh tế

Những thiết kế xuân hè 2014 (từ trái sang) của Oscar de la Renta, Derek Lam, Phillip Lim

Năm 1926, nhà kinh tế học người Mỹ George Taylor lần đầu giới thiệu học thuyết Hemline Index (tạm dịch: đồ thị đường chân váy). Thuyết này cho rằng chúng ta có thể dự đoán nền kinh tế Mỹ dựa trên xu hướng mặc váy của phụ nữ.

Cụ thể, ở mỗi thời điểm, xu hướng chọn váy của phụ nữ sẽ khác nhau. Lấy độ cao của đường chân váy (hemline) so với mặt đất, ta vẽ được một đồ thị phác họa sự thay đổi về xu hướng chọn váy của nữ giới qua thời gian.

Theo George Taylor, các thay đổi này chính là những diễn biến của kinh tế. Nói một cách ngắn gọn và dễ hiểu nhất: Phụ nữ có xu hướng mặc váy càng ngắn thì kinh tế càng phát triển và ngược lại.

Mối liên hệ không thể phủ nhận giữa chân váy phụ nữ và kinh tế

Không ít lần được các tên tuổi lớn trong giới tài chính – kinh doanh sử dụng như nguồn tài liệu chính thức để dự đoán “vận mệnh” kinh tế nhưng Hemline Index luôn gây nhiều tranh luận mỗi khi được đề cập đến. Kẻ nói đúng, người bảo chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Duy chỉ có George Taylor vẫn ung dung với lập trường của mình, bởi những minh chứng lịch sử rất khó phủ nhận: năm 1929, khủng hoảng tài chính xảy ra khi phụ nữ Hoa Kỳ chuộng những chiếc váy dài phủ chân. Còn những năm thịnh vượng của kinh tế Mỹ ở thập niên 1960, trào lưu váy ngắn đã lên ngôi.

Đó mới chỉ là hai trong số nhiều “sự trùng hợp” khác trong lịch sử. Năm 2009 hai nhà nghiên cứu Marjolein Van Baardwijk và Philip Hans Franses đặt lại vấn đề về Hemline Index.

Hai ông đã thu thập, so sánh các số liệu kinh tế và thời trang trong vòng 90 năm trở lại. Kết quả cho thấy các diễn biến kinh tế trong gần một thế kỷ qua gần như trùng khớp với xu hướng lên xuống đường chân váy của phụ nữ.

Và không nói đâu xa, nếu tinh ý, bạn sẽ thấy những kiểu váy maxi, midi… có đường chân váy thấp đã trở thành xu hướng trong giai đoạn suy thoái kinh tế từ năm 2008 đến nay.

Xu hướng đến, đi, và xoay vòng

duong-chan-vay-2-1

Váy ngắn là biểu tượng thời trang của thập niên 1960

Sẽ thật chủ quan khi nói phụ nữ, mà cụ thể là cách chọn váy của họ, đưa lối để nền kinh tế đi vào thời khủng hoảng hay huy hoàng. Tôi cho rằng phần đông phái đẹp không chủ ý làm đảo điên thị trường, bởi mỗi người phụ nữ ở từng thời điểm, từng độ tuổi và tùy vào từng trường hợp cá nhân sẽ có những yếu tố ảnh hưởng đến quyết định chọn mặc chiếc váy nào.

Đó mới chính là nguyên nhân để đồ thị đường chân váy kia thăng trầm nhiều phen chứ không phải vì bất kỳ một mục đích kinh tế nào khác.

Khi nhìn vào một chiếc váy, phụ nữ như đang nhìn vào đôi chân của chính họ. Những cô gái trẻ với đôi chân đẹp sẽ chẳng ngại ngùng khoe chúng khi mặc những chiếc váy ngắn. Đổi lại, nam giới hẳn cũng muốn được ngắm nhìn những đôi chân nuột nà kia. Vì thế năm 1964, váy “miniskirt” của Mary Quant ra đời, thách thức mọi chuẩn mực cổ điển về sự “kín cổng cao tường” như một lẽ dĩ nhiên để đáp ứng nhu cầu của số đông. Không lâu sau, trào lưu mặc ngắn lan rộng trong mọi tầng lớp, đối tượng, kể cả phụ nữ trung niên và các quý bà. Năm 1968, cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy tái hôn cùng tỷ phú người Hy Lạp Aristotle Onassis trong chiếc áo cưới của Valentino có đường chân váy cao trên gối 7 inch. Cơn sốt váy ngắn kéo dài đến gần 10 năm.

Trong khoảng thời gian này, đường chân váy cứ cao lên từng ngày và đến đầu thập niên 1970 thì váy ngắn đã “không thể ngắn hơn được nữa”. Đến lúc này, những chiếc váy dài lại trở về thống lĩnh thời trang. Trên các sàn diễn thời trang thế giới, các nhà mốt thay nhau giới thiệu những mẫu váy có độ dài, kiểu dáng và màu sắc đa dạng mà tiêu điểm là váy midi với đường chân váy nằm ở khoảng giữa đầu gối và mắt cá chân.

Cứ thế, những chiếc váy cứ hết ngắn lại dài theo thời gian. Điều này không khó hiểu bởi thời trang là một chuỗi các xu hướng diễn biến không ngừng. Bên cạnh đó, sự đa dạng về “nhu cầu thời trang” của người tiêu dùng khiến cho đường chân váy của Hemline Index càng thăng trầm khó đoán.

Đường chân váy phụ nữ của năm 2014

Xuan-He-2013-1

Những thiết kế xuân hè 2013 (từ trái sang) của: Rochas, Guy Laroche, Chanel, Balmain, Dolce & Gabbana

Mùa thời trang xuân hè 2013 chứng kiến sự trở lại bất ngờ của những đường chân váy cao. Không chỉ đa dạng về độ dài cũng như hình dáng của đường chân váy, các mẫu váy ngắn còn mang dấu ấn rất riêng của người sáng tạo.

Jason Wu mang các tiêu chuẩn cắt may truyền thống vào mẫu váy ngắn có cấu trúc cầu kỳ, Victoria Beckham phá cách khi phối chiếc váy ngắn màu trắng đơn giản với thân áo thể thao, Chlóe nữ tính khi phủ thêm cho váy ngắn một lớp ngoài mỏng manh, Versace thì táo bạo hơn với mẫu váy ngắn xẻ đùi trong khi Balenciaga đầy ngẫu hứng với những đường chân váy uốn lượn. Nếu một sự trùng hợp nữa sẽ xảy ra thì đây có vẻ là một dấu hiệu vui của kinh tế.

VUI VUI

Bên cạnh học thuyết Hemline Index của George Taylor, một số nghiên cứu khác còn cho rằng đường chân váy của phụ nữ tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nam giới.

Một thống kê cho thấy: 29% nam giới có liên quan đến tai nạn giao thông thừa nhận đã để mắt đến những phụ nữ mặc váy ngắn trên phố thay vì tập trung vào đường đi.

Bài: Vân Hiếu – Ảnh: Reuters, Tư liệu

Xem thêm