Trung Quốc có món quốc bảo được gọi là “Ngũ tinh xuất đông phương lợi Trung Quốc”, chính là chiếc băng tay dệt bằng gấm Thục Cẩm. Thục Cẩm được ví như “mẹ của các loại gấm trên thế gian”. Với chất liệu gấm dệt hoa lệ và quý giá như vậy làm nền, không khó hiểu khi chuyện tình của Quý Anh Anh và Dương Tịnh Lan trong phim Thục Cẩm Nhân Gia lại trở nên đẹp đẽ đến nao lòng.
Quý Anh Anh cố gắng đưa ngành gấm vươn xa, trở thành “Nữ hoàng Thục Cẩm”, còn Dương Tịnh Lan kiên trì theo đuổi tình yêu, cuối cùng rước được mỹ nhân về nhà. Đây đúng chuẩn là câu chuyện ghi chép hành trình trưởng thành của một nữ doanh nhân thời cổ đại. Một cư dân mạng đã bình luận vui rằng: Thục Cẩm đẹp như thế, xin cho tôi một tấm! Tình yêu ngọt ngào như vậy, xin cho tôi cả một lô!
Thục Cẩm, chất liệu làm nên haute couture Trung Hoa
Gấm Tứ Xuyên, hay còn gọi là thổ cẩm (thục cẩm) Tứ Xuyên mang trong mình những câu chuyện lịch sử đầy màu sắc. Với kỹ thuật dệt tinh xảo và vai trò quan trọng trong các mối quan hệ thương mại, gấm Tứ Xuyên là cầu nối giữa các nền văn hóa, phản ánh sự phát triển kinh tế của Trung Quốc qua nhiều triều đại. Gấm Tứ Xuyên được ví như chất liệu haute couture của Trung Quốc, bởi nó chính là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực, từng được dùng làm vật phẩm cống nạp cho các triều đình và hoàng gia của các quốc gia khác.
Dùng chất liệu gấm trong phim Thục Cẩm Nhân Gia để nói về sự thịnh vượng của triều đại nhà Đường với con đường tơ lụa
Dựa trên bối cảnh lịch sử có thật và kết hợp với nguyên tác tiểu thuyết, Thục Cẩm Nhân Gia ghi lại hành trình Quý Anh Anh (Đàm Tùng Vận thủ vai) từ một cô gái mê mẩn Thục Cẩm trở thành “đại lão” trong ngành dệt gấm. Phim đã mượn câu chuyện của Quý Anh Anh để nói về ngành buôn gấm thượng hạng thời xưa.
Trong phim Thục Cẩm. Nhân Gia, Quý Anh Anh không phải tay ngang học dệt gấm mà đến từ một gia tộc giàu kinh nghiệm lâu đời.
Bạn nghĩ gia đình Quý Anh Anh chỉ là một gia đình dệt vải thông thường? Sai rồi!
Thời Trung Quốc cổ đại, dân gian có câu “Nửa tấm lụa đỏ, một thước gấm, buộc đầu trâu đổi lấy than”, từ bài thơ Lão Ông Bán Than. Như nhiều mặt hàng quý giá, lụa gấm không chỉ là hàng hóa mà còn được sử dụng như tiền tệ. Tại sao? Trên hết vì tiền xu kim loại quá nặng.
Trong các phiên giao dịch lớn, việc vận chuyển tiền là một thử thách. Trong khi đó, lụa gấm vừa nhẹ nhàng, vừa có giá trị cao, trở thành lựa chọn tối ưu để thay thế tiền tệ. Theo Cựu Đường Thư – Thực Hoặc Chí, các giao dịch thời nhà Đường thường dùng “lụa là gấm vóc kết hợp với tiền đồng”. Vì vậy, chi tiết trong Thục Cẩm Nhân Gia khi đề cập đến việc “quân đội dùng gấm thay lương thực” hoàn toàn có căn cứ lịch sử. Trong sách còn ghi lại, thời Đường Hiến Tông, khi cử quân dẹp loạn, đã ban thưởng 30.000 tấm lụa để hỗ trợ quân phí.
Rõ ràng, xưởng dệt Hoán Hoa của gia đình Quý Anh Anh không chỉ là một xưởng nhuộm thông thường, mà phải gọi là “Xưởng đúc tiền Hoán Hoa” thì đúng hơn!
Vị thế của Thục Cẩm thời nhà Đường không thể thay thế, đại biểu cho kỹ thuật tỉ mỉ, nét đẹp hoa mỹ và sự giàu có của Trung Quốc.
Trong văn hóa châu Á, tơ lụa có tổng cộng 14 kiểu dệt cổ điển: lăng, la, sầu, đoạn, châu, phưởng, sa, quán, tiêu, cát, nhung, nê, đề, và cẩm. Điểm khác biệt giữa chúng chủ yếu nằm ở cấu trúc vải và công nghệ dệt. Điều quan trọng nhất chúng ta cần biết là trong số đó, Thục Cẩm chính là kiểu dệt tơ lụa quý giá nhất.
Kiểu dệt gấm Thục Cẩm rất chặt tay, tốn nhiều tơ hơn khi so với kiểu dệt sa mỏng mảnh và xuyên thấu. Mặt vải mềm, mịn và óng ả, tạo cảm giác cao cấm hơn đoạn. Gấm đặc biệt còn được dệt nổi, nên cầu kỳ và mất nhiều thời gian chế tác hơn nhung, vốn thường được dệt trơn.
Vì sự đắt đỏ và cầu kỳ, gấm Thục Cẩm nằm trong nhóm Tứ đại danh cẩm (bốn loại vải nổi tiếng) là “Vân, Thục, Tống, Tráng”, được xem là nguồn thu thuế quan trọng của triều đình.
Một lý do khiến gấm Thục Cẩm trở nên quý giá chính là lợi thế địa lý không thể thay thế trên con đường tơ lụa.
Thục Cẩm được sản xuất tại Ích Châu (nay là khu vực Thành Đô). Từ đó, gấm đi qua Kim Ngưu, Bao Xá, Đương Lạc và các con đường Thục đạo khác, được vận chuyển ra Bắc đến Trường An, rồi từ đó đưa sang các quốc gia Tây Vực để tiêu thụ. Đây chính là con đường tơ lụa mà mọi người đều quen thuộc.
Tuy nhiên, khi Trương Khiên lần đầu trở về từ chuyến sứ mệnh lần đầu sang Tây Vực, ông hào hứng báo với Hán Vũ Đế: “Bệ hạ đoán xem tôi thấy gì ở Afghanistan? Chính là Thục Cẩm của chúng ta!” Điều này có nghĩa là Thục Cẩm, do quá đặc biệt, đã sớm được bán ra quốc tế trước cả khi con đường Tơ Lụa được chính thức hình thành.
Lịch sử cho rằng gấm Thục Cẩm từ vùng đất Thục, đã đi qua Vân Nam, Miến Điện, Ấn Độ, Pakistan, và đến Trung Á. Tuyến đường này còn được gọi là “Nam tuyến Con Đường Tơ Lụa” hay “Thục Ấn Đạo”. Không chỉ có vậy, Thục Cẩm còn được vận chuyển qua Kim Giang vào Mân Giang, rồi theo sông Trường Giang xuôi xuống, đến cửa biển, và thông qua “Con Đường Tơ Lụa trên Biển” để mở rộng thị trường bán hàng tới các quốc gia Đông Nam Á.
Đến lúc này, ba kênh (Con Đường Tơ Lụa Bắc, Nam, và Biển) đều phục vụ cho việc tiêu thụ Thục Cẩm. Với thời thế, địa lợi và nhân hòa, Thục Cẩm vượt qua những kiểu dệt lụa khác, vươn lên trở thành chất liệu thượng hạng được săn đón.
Kỹ thuật dệt Thục Cẩm là một di sản phi vật thể Trung Hoa
Năm 2009, kỹ thuật dệt Thục Cẩm được đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên ở Trung Quốc, nhưng cần lưu ý rằng, điều được công nhận là kỹ thuật dệt Thục Cẩm, chứ không phải chính gấm Thục Cẩm. Những tấm Thục Cẩm cổ xưa giờ thì trở thành di vật bảo chứng cho kỹ thuật dệt Thục Cẩm vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Có thể ví điều trên với tình yêu. Vật chất sẽ dần bị thời gian làm phai mờ, nhưng tình yêu trừu tượng, như kỹ thuật dệt, sẽ trường tồn. Chính tình yêu của những nghệ nhân với gấm đã giúp bảo tồn kỹ thuật thủ công gia truyền này qua bao thế hệ.
Dân gian tương truyền rằng: “Những sợi tơ đỏ như một lời thề nguyện, không lời nhưng lại chất chứa bao tình cảm sâu đậm.” Chắc hẳn, tất cả những điều đẹp đẽ trên đời này đều phải trải qua thử thách của “thời gian và sự chân thành”. Tình yêu như Thục Cẩm, cần được dệt lên bằng sự kiên trì và sự thấu hiểu giữa hai trái tim. Và đó cũng là ý nghĩa đằng sau việc khai thác chất liệu gấm di sản trong phim Thục Cẩm Nhân Gia.
TIN LIÊN QUAN:
- 8 phim truyền hình Trung Quốc lên sóng trong tháng 12/2024
- Thục cẩm nhân gia Đàm Tùng Vận đóng có hay không?
Harper’s Bazaar Vietnam