Kim cương tổng hợp: Xu hướng của ngành trang sức

Trên con đường tìm chỗ đứng giữa thời đại phát triển bền vững, các công ty trang sức đang thử nghiệm với xu hướng đá quý mới: sử dụng kim cương nhân tạo

Kim cương tổng hợp là gì? Về cấu trúc hóa học, chúng không khác mấy so với kim cương thiên nhiên. Ảnh: Kim cương nhân tạo của Lightbox, một đầu tư mới từ tập đoàn De Beers

Cả thế giới đang bắt đầu nói nhiều hơn về sống xanh và phát triển bền vững. Ngành công nghiệp thời trang, làm đẹp dĩ nhiên không nằm ngoài xu hướng đó. Các nhà sản xuất thời trang ưu tiên vải vóc thân thiện với môi trường. Ngành mỹ phẩm tung ra các sản phẩm với thành phần chiết xuất thiên nhiên, hữu cơ. Về phần mình, các nhà kim hoàn tìm đến những loại đá quý thân thiện với môi trường hơn. Và từ đó, kỷ nguyên của kim cương tổng hợp bắt đầu.

Theo chuyên gia phân tích thị trường kim cương Paul Zimnisky, mới năm 2016 thì kim cương tổng hợp chỉ chiếm khoảng 3,5% tổng thị trường trang sức đá quý vào năm 2016, tương đương 1 tị đô-la Mỹ doanh thu. Nhưng đến năm 2022 đã tăng lên thành 12 tỉ đô, và ước tính sẽ chạm cột mốc 16,5% tổng thị trường vào năm 2023. Trong khi đó, doanh thu từ kim cương thiên nhiên đã chững lại từ năm 2015 đến nay.

Nếu bạn đang tìm cho mình một món trang sức kim cương, liệu bạn có nên lựa chọn mẫu làm từ kim cương tổng hợp hay vẫn nán lại với kim cương thiên nhiên? Hay bạn chưa rõ kim cương tổng hợp là gì? Trong bài viết này, Harper’s Bazaar sẽ giải mã cho bạn để bạn có thể đưa ra những quyết định phù hợp nhất với bản thân.

Vì sao kim cương tổng hợp ra đời?

Ngành khai thác đá quý bị lên án là một trong những ngành công nghiệp có hại nhất cho môi trường và con người. Nghề đào mỏ tìm kim cương là một trong những nghề nguy hiểm nhất hành tinh. Từ nguy cơ sập hầm mỏ, nhiễm bệnh phổi vì không khí dưới hầm mỏ, đến bị sốt rét do muỗi sinh sôi nảy nở trong môi trường ẩm ướt. Chưa kể, những người thợ mỏ còn có mức lương rất thấp, so với giá trị được bán ra cuối cùng của một viên kim cương. Chẳng vì vậy mà đôi khi nghề khai thác kim cương bị gọi với cái tên: Kim cương máu.

Chính vì vậy, nhiều người muốn tìm một giải pháp khác. Một giải pháp bền vững cho ngành đá quý và trang sức. Câu trả lời đến từ các nhà khoa học là kim cương nhân tạo (hay còn gọi là kim cương tổng hợp).

Công nghệ kim cương nhân tạo được phát minh vào giữa thế kỷ 20. Những viên tinh thể tổng hợp đầu tiên được chế tạo năm 1954 cho General Electric để gắn vào lưỡi dao công nghiệp, không đủ chất lượng để làm trang sức. Phải đến thời gian gần đây thì hiệu quả sản xuất mới tăng vọt, tạo ra những viên tinh thể có chất lượng cao. Do đó, mãi đến thập niên 2010 thì kim cương tổng hợp mới thực sự xuất hiện trên thị trường trang sức một cách đại trà.

Kim cương tổng hợp là kim cương thật hay giả?

Kim cương tổng hợp của nhà Swarovski

Kim cương tổng hợp không phải là kim cương giả. Khái niệm kim cương giả được dùng để mô tả các loại đá quý mô phỏng kim cương, ví dụ như cubic zirconia, topaz, moissanite hay thủy tinh. Còn kim cương tổng hợp là loại có cấu trúc giống hệt với kim cương thiên nhiên; điểm khác biệt duy nhất là tinh thể nhân tạo được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Trong tự nhiên, kim cương bắt nguồn từ carbon dioxide. Khi bị đè nén 160 km dưới bề mặt trái đất, nung nấu trong nhiệt độ 1200ºC, carbon dioxide hóa thành tinh thể kim cương. Các nhà khoa học đã tái hiện quá trình này trong phòng thí nghiệm để tạo nên kim cương tổng hợp, ở một thời gian chỉ mất vài tuần.

Chính vì vậy, không có sự khác biệt về cấu trúc cốt lõi giữa kim cương tự nhiên và kim cương tổng hợp. Bởi lẽ những đặc tính như độ cứng, độ phản quang, độ trong suốt, nước kim cương đều y hệt. Nếu có sự khác biệt, đó là kim cương tổng hợp do được “nuôi lớn” trong phòng thí nghiệm nên không sở hữu những tạp chất thường thấy trong tinh thể thiên nhiên. Ví dụ, kim cương nhân tạo không có nitơ, bọt khí và nước, không bị vương sạn đá.

Vì lẽ đó, kim cương nhân tạo cũng phải được định giá dựa trên chứng chỉ 4C. Điểm khác biệt duy nhất là nguồn gốc của chúng, hay rộng hơn, là tác động đến môi trường và con người.

Theo lời bà Nadja Swarovski, thành viên ban quản trị thương hiệu Swarovski, kim cương nhân tạo là xu thế của tương lai. Mượn lời của Viện đá quý Hoa Kỳ, bà nhấn mạnh: “Kim cương dù sao vẫn là kim cương”.

Nên chọn kim cương tổng hợp hay kim cương thiên nhiên?

Prada áp dụng kim cương tổng hợp trong dòng trang sức hàng hiệu (fine jewelry). Ảnh: Prada

Nếu bạn muốn tìm mua sản phẩm đầu tư: Hãy chọn kim cương thiên nhiên.

Hiện nay, do công nghệ làm nên kim cương nhân tạo còn mới mẻ nên chi phí ban đầu vẫn khá cao. Tuy nhiên, khi công nghệ ngày một bão hòa thì mức giá sản phẩm ngày càng thấp. Ngược lại, các quặng mỏ ngày càng khan hiếm trữ lượng kim cương thiên nhiên, khiến các công ty phải liên tục đi tìm khu khai khẩn mới.

Do đó, nếu bạn muốn mua kim cương như một cách trữ tài sản và đầu tư cho tương lai, hãy chọn kim cương thiên nhiên. Đặc biệt là các lựa chọn đã được chứng thực nguồn gốc, đến từ các nguồn khai thác có đạo đức, không bóc lột nhân công và có quy trình hạn chế gây ô nhiễm mội tường. Mức giá của những viên kim cương này là hoàn toàn xứng đáng; có thể xem chúng như tạo tác độc bản từ Mẹ Thiên nhiên, có một không hai và chứa đựng những tinh hoa được đúc kết từ hàng triệu năm hình thành.

Những viên kim cương thiên nhiên này sẽ giữ nguyên giá trị khi bán lại, thậm chí tăng lên trong trường hợp chúng là kim cương màu fancy. Còn kim cương nhân tạo thì hầu như mất giá hoàn toàn.

Nếu bạn muốn tìm mua sản phẩm để đeo hàng ngày: Hãy chọn kim cương nhân tạo.

Trong hầu hết các trường hợp, ở cùng giá trị 4C, viên kim cương nhân tạo hầu như sẽ có mức giá thấp hơn từ 30% đến 60% so với kim cương tự nhiên. Sở dĩ có mức giá chênh lệch này đến từ hiệu quả sản xuất. Thời gian và chi phí cần thiết để tạo nên một viên kim cương trong phòng thí nghiệm thấp hơn rất nhiều so với việc khai thác kim cương ngoài quặng mỏ.

Bản báo cáo của Paul Zimnisky cho thấy, kim cương thiên nhiên có giá trị dao động từ khoảng 7,000 đến 5,000 đô-la Mỹ/carat. Trong khi đó, giá trị của kim cương tổng hợp từ khoảng 5,000 đô-la Mỹ/carat vào năm 2016 đã rớt xuống chỉ còn 1,400 đô vào năm 2022. Giá thành giảm chủ yếu vì ngày càng có nhiều nhà cung cấp kim cương tổng hợp, và hiệu suất sản xuất đã tăng trưởng khi công nghệ ngày càng hoàn thiện.

Chính vì vậy, nhiều bạn trẻ đang tìm đến kim cương nhân tạo như một lựa chọn cho nhẫn đính hôn hay nhẫn cưới với mức giá dễ chấp nhận hơn. Lỡ có đánh rơi mất nhẫn hay đôi bông tai thì cũng không quá lấy làm tiếc.

Những người không có ý đồ bán lại nữ trang của mình cũng không nhất thiết phải quan tâm tới giá trị đầu tư của kim cương, nếu chỉ đơn giản là muốn có mẫu trang sức đẹp để đeo hàng ngày.

>>> XEM THÊM: PRADA GIỚI THIỆU TRANG SỨC NẠM KIM CƯƠNG NHÂN TẠO

Với những người quan tâm đến môi trường: Chọn kim cương tổng hợp.

Nếu kim cương thiên nhiên hao tốn nhiều tài nguyên để đào và có khả năng bóc lột sức lao động nghèo nếu không được chứng thực nguồn gốc, thì kim cương nhân tạo không vướng phải các vấn đề này. Tuy nhiên, kim cương tổng hợp vẫn cần một lượng năng lượng lớn để tạo thành, chứ không “xanh” hoàn toàn.

Muốn lựa chọn kim cương màu fancy? Lựa chọn tùy vào bạn.

Kim cương màu xanh fancy làm trong phòng thí nghiệm của Fred. Ảnh: LVMH

Một số những viên kim cương độc đáo nhất thế giới không chỉ có nước trong, mà còn những sắc độ tuyệt đẹp như vàng, đỏ, hồng, xám, đen, xanh lá cây, xanh dương… Chúng được gọi là kim cương màu fancy.

Kim cương màu fancy thường là dòng kim cương không hề mất giá khi đầu tư, thậm chí chỉ tăng giá theo thời gian, vì số lượng quá khan hiếm ngoài thị trường. Cụ thể, loại kim cương hồng và đỏ được ưa chuộng nhất đến từ mỏ Argyle ở Úc, mà bây giờ đã cạn kiệt hoàn toàn (Tiffany & Co. sở hữu những viên đá hồng đẹp nhất cuối cùng từ mỏ kim cương này).

Trước sự khao khát kim cương màu fancy, các phòng thí nghiệm đã chạy nước rút để tìm ra công nghệ tái tạo chúng một cách nhân tạo. Một số thành quả ưu việt nhất đến từ Lightbox (công ty con của “ông lớn” De Beers) và Fred (thương hiệu trang sức dưới trướng tập đoàn xa xỉ LVMH). Họ thành công tạo ra kim cương màu xanh dương và màu hồng. Nhưng các màu sắc khác thì chưa có thành quả.

Do đó, nếu là người yêu kim cương có màu fancy thì bạn không có quá nhiều lựa chọn từ các phòng thí nghiệm.

>>> XEM THÊM: KIM CƯƠNG MÀU FANCY: MÀU NÀO QUÝ HIẾM, ĐÁNG ĐẦU TƯ NHẤT?

Những thương hiệu cao cấp, uy tín cung cấp kim cương tổng hợp

Pandora

Ảnh: Pandora

Pandora chỉ mới bắt đầu bán trang sức với kim cương tổng hợp từ tháng 8/2022. Nhưng thương hiệu đã mở rộng rất nhiều lựa chọn trước sự đón nhận của người tiêu dùng. Thương hiệu này đang phát triển với sứ mệnh “dân chủ hóa kim cương”.

Swarovski

Ảnh: Swarovski

Nhà Swarovski nổi tiếng với pha lê. Nhưng dưới sự chỉ dẫn của bà Nadja Swarovski, Swarovski đang thử sức với hướng phát triển bền vững sử dụng kim cương tổng hợp. Cụ thể, nhân kỷ niệm 10 năm của Atelier Swarovski, họ đã cho ra mắt bộ sưu tập “Created Diamond”. Đánh dấu cột mốc này bằng việc mở bán một bộ sưu tập với 100% kim cương tổng hợp. Mặc dù các sản phẩm này chỉ được bán thử nghiệm ở 10 điểm tại Mỹ, đây vẫn là động thái mang tính thử nghiệm đáng hoan nghênh. Trên hết, nó cho thấy quan điểm thú vị của Swarovski về loại đá quý này.

Fred

Ảnh: LVMH

Thương hiệu Fred trực thuộc tập đoàn LVMH đã trở thành nhà chế tác kim hoàn đầu tiên áp dụng kim cương nhân tạo vào trong các tạo tác kim hoàn của mình. Mùa hè 2023, thương hiệu tung ra bộ sưu tập Happy Blue Shades, với tâm điểm là những viên kim cương xanh nhân tạo được cắt theo giác cắt hình thoi độc quyền của Fred. Với sự bảo trợ từ tập đoàn LVMH, chắc chắn những viên kim cương tổng hợp này sẽ không mất giá.

Lightbox Jewelry

Một số mẫu thiết kế sử dụng kim cương nhân tạo của Lightbox

Đây là phân nhánh của tập đoàn trang sức và kim cương De Beers nổi tiếng thế giới. Chính vì vậy, bạn có thể tin tưởng vào chất lượng của Lightbox. Dưới sự đầu tư của De Beers, Lightbox cho ra rất nhiều mẫu mã kim cương nhân tạo độc đáo; ví dụ kim cương đa sắc hay có độ carat lớn. Chưa kể là mẫu mã của Lightbox trẻ trung và hiện đại.

Trích dẫn FT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm