Thiết kế của Iris van Herpen đem lại cảm giác người mẫu không phải đang mặc trang phục mà đang “trú ngụ” trong đó
Khi thời trang giao hòa cùng kiến trúc, trong tiếng Anh chúng ta có thuật ngữ Fashitecture (kết hợp giữa từ fashion và architecture). Một ví dụ điển hình của fashitecture là thiết kế dưới đây của kiến trúc sư người Anh gốc Iraq Zaha Hadid. Để gây quỹ cho Quỹ bảo vệ động vật hoang dã WWF, bà đã thiết kế nên chiếc đầm lưới lấy cảm hứng từ chính công trình kiến trúc nổi tiếng do mình thiết kế, tòa nhà ThyssenKrupp ở Đức.
Ngược lại, các nhà thiết kế thời trang lại tìm thấy những cảm hứng tuyệt vời từ các công trình kiến trúc từ cổ xưa đến hiện đại. “Thiết kế trang phục là kiến trúc nên những chuyển động”, đó là câu nói nổi tiếng của Pierre Balmain, nhà thiết kế người Pháp xuất thân từ một kiến trúc sư. Coco Chanel cũng từng so sánh thời trang với kiến trúc bởi cả hai đều chú trọng đến các tỷ lệ cân xứng.
Phong cách Baroque được ưa chuộng trong Fashitecture
Khi nhắc đến những thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ kiến trúc, đầu tiên phải kể đến phong cách baroque. Sự cầu kỳ, hoa mỹ của nghệ thuật baroque trên những chi tiết trang trí bên trong cung điện Versailles hay thánh đường Saint Peter ở Vatican là nguồn cảm hứng trong các thiết kế thời trang mang xu hướng baroque.
Dolce & Gabbana đã dành trọn bộ sưu tập Thu Đông 2013–2014 để ca ngợi vẻ đẹp của những công trình kiến trúc theo phong cách baroque xứ Sicily, quê hương của Domenico Dolce. Còn trong bộ sưu tập Xuân Hè 2014, họ tái hiện hình ảnh các công trình kiến trúc điêu tàn của Sicily cổ đại trên những thiết kế đầm và chân váy.
Những hình ảnh này cũng xuất hiện trên phụ kiện túi xách và gót giày, đặc biệt là những đôi giày có phần gót mô phỏng theo những cây cột chạm khắc của những ngôi đền cổ.
Ngược lại, Giorgio Armani lại tìm cảm hứng từ kiến trúc uốn lượn của những ngôi đền chùa ở Trung Quốc để làm nên phom dáng uốn cong, chĩa nhọn của những chiếc đầm trong bộ sưu tập Xuân couture 2009 của thương hiệu Armani Privé.
Iris Van Herpen, nhà thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ kiến trúc cho…hầu hết các bộ sưu tập
Thời trang và kiến trúc đều là những thiết kế vật chất che phủ, trang hoàng trên vật thể, trong thời trang thì đó là cơ thể con người. Dù vật liệu có thể khác nhau nhưng đường nét và cấu trúc đều được phô diễn ở mọi hình thái không giới hạn. Điều này được thể hiện rõ trong các thiết kế của Iris van Herpen. Nhà thiết kế người Hà Lan được mệnh danh là Alexander McQueen nữ vì cô có phong cách thiết kế độc đáo thách thức thị giác của người xem, tương tự như nhà thiết kế quá cố.
Iris van Herpen thể hiện mối tương quan giữa thời trang và kiến trúc theo cách mà cô tưởng tượng cơ thể người mẫu không phải đang mặc trang phục mà đang trú ngụ trong đó. Do đó những thiết kế của Iris sử dụng kỹ thuật thủ công và in 3D để tạo nên những phom dáng đầy cấu trúc và hình khối như một công trình kiến trúc thật sự trên cơ thể người. Những show diễn của cô cũng mang đậm tính nghệ thuật sắp đặt độc đáo.
Khi thời trang kết hợp với kiến trúc hiện đại
Marcel Marongiu, nhà thiết kế cho thương hiệu Guy Laroche lại ngưỡng mộ các công trình kiến trúc hiện đại của kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry. Anh đã biến hình ảnh những ô cửa kính nhỏ chi chít và đường nét lượn sóng nhấp nhô đặc trưng trong phong cách kiến trúc của Frank Gehry thành những họa tiết trên những chiếc đầm và túi xách trong bộ sưu tập Xuân Hè 2013.
Mary Katrantzou, nhà thiết kế được mệnh danh là nữ hoàng họa tiết cũng từng học ngành kiến trúc và thiết kế nội thất. Trong bộ sưu tập resort 2014, cô đã đưa hình ảnh những tòa chung cư cao tầng ở São Paulo (Brazil) do chính mình chụp hiển thị dưới dạng họa tiết 3D trên những bộ trang phục.
Trong khi đó, nhà thiết kế Massimiliano Giornetti lại lấy cảm hứng từ phong cách kiến trúc hiện đại của kiến trúc sư người Mexico Miguel Angel Aragonés vào trong bộ sưu tập của Salvatore Ferragamo. Đó là những bộ suit, áo khoác mang đường nét mạnh mẽ, cứng cáp và đầy cấu trúc. Massimiliano Giornetti cũng khai thác “tài nguyên” có sẵn của thương hiệu, những thiết kế giày của nhà sáng lập Salvatore Ferragamo để tạo nên những đôi giày mũi vuông với phần quai bản rộng bằng da rắn. “Ferragamo đã thiết kế nên những đôi giày lấy ý tưởng từ đường nét và hình khối của kiến trúc”, Massimiliano cho biết.
Tổng hợp – Ảnh: style.com