Thời trang thập niên 1960: Thập kỷ của sự phá cách

1960 là một thập kỷ sôi động đầy màu sắc của thời trang. Những thiết kế cách tân phá bỏ mọi quy củ của xã hội, thể hiện khát khao tự do phóng khoáng của một thế hệ nói chung và phụ nữ nói riêng

Cùng Bazaar điểm lại những trào lưu trang phục và biểu tượng tiêu biểu đã vẽ nên bức tranh sống động của thời trang thập niên 1960.

Thập niên của Swinging Sixties

Nổi bật nhất trong thập niên 1960 là phong trào Swinging Sixties ở London, trào lưu văn hóa tôn vinh tuổi trẻ trong thời kỳ kinh tế nước Anh khởi sắc trở lại sau Thế chiến thứ II. Thế hệ babyboomer, những đứa trẻ ra đời trong cuộc bùng nổ dân số sau chiến tranh, nay đã trưởng thành và khao khát tạo nên cuộc cách mạng văn hóa cho riêng mình. Họ ăn mặc theo trào lưu Mod (modernist) hiện đại và phá cách. Những bộ suit tân thời, trang phục hippie, họa tiết hình học, váy ngắn trên đùi nở rộ để phục vụ cho nhu cầu giới trẻ.

Năm 1965, siêu mẫu đầu tiên Jean Shrimpton xuất hiện tại cuộc thi đua ngựa ở Melbourne, Úc trong chiếc đầm không tay dáng suôn màu trắng với phần gấu ngắn trên gối 10 cm. Chiếc đầm là một sự tương phản hoàn toàn với trang phục kín đáo, chuẩn mực của người Úc và đồng thời làm dậy sóng dư luận toàn cầu. Khoảnh khắc thời trang ở Melbourne là một dấu hiệu cho những thay đổi lớn về văn hóa và xã hội của thời đại, là một huyền thoại và thực sự đã làm thay đổi hoàn toàn xu hướng ăn mặc của phụ nữ lúc bấy giờ.

jean_shrimpton_01

Jean Shrimpton và chiếc đầm ngắn gây tranh cãi

Mini Skirt lên ngôi

Một năm sau scandal gây tranh cãi của siêu mẫu Jean Shrimpton là năm của váy, đầm mi-ni. Khuynh hướng này còn được đánh dấu bởi sự ra đời của bộ sưu tập các mẫu đầm ngắn từ nhà thiết kế Mary Quant, nhà tạo mốt đi đầu cho trào lưu Mod.

Những chiếc mini-skirt này đã tạo thành cuộc cách mạng, phản ánh quan niệm tuổi trẻ và chứng minh nữ quyền. Mini-skirt giải phóng đôi chân phái đẹp để chúng được tự do, phục vụ nhịp sống và làm việc khoáng đạt của phụ nữ. Hầu hết các mẫu váy, đầm thời bấy giờ đều ngắn trên gối từ 4–5 inch (khoảng 10–12cm) tại New York và trên gối đến 7–8 inch (khoảng 18–20cm) tại London. Kiểu váy này kéo theo sự thịnh hành của mốt giày bốt đế bằng cổ cao.

twiggy-blonde-1960s-bob-pink-shift-dress

Twiggy

Một người mẫu khác đã có công lăng xê chiếc váy ngắn của Mary Quant chính là siêu mẫu Leslie Hornby, thường được biết đến với cái tên Twiggy. Cô được xem là một trong những biểu tượng thời trang nổi tiếng nhất thập niên 1960. Vóc dáng nhỏ nhắn, mái tóc ngắn ôm sát đầu, cặp mắt bồ câu to tròn được tôn lên nhờ cách chải mascara tỉ mỉ, Twiggy chính là thần tượng thời trang của các cô gái trẻ thời bấy giờ.

Trào lưu Hippie và Flower Power

Cuối thập niên 1960 chứng kiến sự lên ngôi của trào lưu hippie và phong trào Flower Power. Đây là thời điểm quyền năng của những bông hoa trỗi dậy trong các cuộc biểu tình phản chiến của người dân xứ cờ hoa ủng hộ Việt Nam.

Những người trẻ đấu tranh cho hòa bình, tự do, “make love, not war”. Những tín đồ của trào lưu hippie thời ấy mặc quần áo thêu hoa màu sắc tươi sáng, cài hoa lên tóc và mang hoa phân phát đến cảnh sát, báo giới, chính trị gia và người xem biểu tình như một cách thể hiện lòng yêu hòa bình.

4-Sensational-hippie-cult-in-60s

Trang phục của trào lưu hippe lúc bấy giời có kiểu dáng và chất liệu lấy cảm hứng từ nền văn hóa Ấn Độ và châu Phi. Vải sợi tự nhiên, nhuộm loang màu và họa tiết paisley vô cùng phổ biến. Nhiều người còn tự may lấy trang phục và trang trí phụ kiện, vật dụng cá nhân bằng cách đính hạt hoặc sợi tua rua. Giày sandal da hay thậm chí đi chân trần cũng là những đặc trưng của phong cách hippie thời đó. Cả nam giới và nữ giới đều để tóc dài và mặc quần jeans ống loe, nhuộm vải, dập vân, sơn màu.

The Beatles chính là ban nhạc có phong cách ăn mặc thay đổi rõ rệt theo trào lưu hippie. Ban đầu, họ nổi tiếng với kiểu tóc mop-top đặc trưng. Phần tóc sau dài đến cổ áo còn phần mái ngang suôn thẳng phủ xuống trán. Kiểu tóc này được sao chép rộng rãi trên toàn thế giới vào khoảng giữa năm 1964 đến 1966. Càng về cuối thập niên 1960, các thành viên theo đuổi phong cách hippie với kiểu tóc dài và râu quai nón rậm rạp. Về trang phục, những năm đầu thời kỳ cực thịnh của làn sóng Beatle-mania, họ mặc những bộ suit tối màu và dần dần chuyển sang các gam màu sáng hơn và áo in hoa văn paisley.

Biểu tượng thanh lịch Jackie O

Jackie-O-pink-suit

Jackie Kennedy Onassis không chỉ là vợ tổng thống Kennedy. Đệ nhất phu nhân còn đại diện cho phong cách và sự thanh lịch của nước Mỹ thập niên 1960.

Từ những bộ suit và đầm được may đo hoàn hảo đến những chi tiết nữ tính như chuỗi dây chuyền ngọc trai 3 vòng, găng tay dài đến khuỷa tay, Jackie O là người có công khiến chính trị trở nên thời trang hơn và truyền cảm hứng cho phụ nữ khắp thế giới đi theo phong cách cổ điển của bà.

Những kiểu áo khoác dạng hộp, tay và dáng lửng, kiểu suôn, phối cùng váy chữ A mà Jacqueline Kennedy thường sử dụng hoặc áo khoác phom dài, dáng suôn, tay tạo khối phồng rất được ưa chuộng. Trong hình ảnh hay xuất hiện trước công chúng của bà còn có chuỗi ngọc trai ngắn, găng tay và mũ hộp pillbox. Bộ suit màu hồng của Chanel cùng chiếc mũ hộp pillbox đồng bộ mà bà mặc ngay trong ngày phu quân bị ám sát đã trở thành trang phục biểu tượng gắn liền với hình ảnh Jackie O.

Sau khi chuyển đến New York, phong cách thời trang của Jackie thay đổi rất nhiều, trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn với quần ống rộng, áo blouse bằng lụa, khăn Hermès quấn quanh đầu, quần jean trắng mặc cùng áo cổ lọ. Phụ kiện đặc biệt không thể thiếu làm nên phong cách Jackie O là những chiếc mắt kính ruồi to bản mà thế giới gọi là kiểu mắt kính Jackie O.

Trào lưu Pop Art

20140310_pop-art-andy-warhol-souper-dress

Chiếc đầm giấy in tranh vẽ súp cà chua của Andy Warhol

Những năm 1960 cũng là thập niên phổ biến phong trào Pop art (viết tắt của chữ popular art, tức nghệ thuật đại chúng) với họa sỹ tiêu biểu là Andy Warhol. Ông đã biến những sự vật rất đỗi bình thường trở thành biểu tượng của thời đại. Những bức tranh hộp sốt cà chua Campbell hay chai Coke của ông chính là ví dụ. Ông đã sử dụng đến kỹ thuật kẻ, vẽ quảng cáo đương thời để thực hiện các tác phẩm của mình.

Phong cách nghệ thuật đó của Andy Warhol đã ảnh hưởng nhiều đến các nhà thiết kế thời trang đương thời và cả ngày nay. Cùng cái tên Andy Warhol, cụm từ “Pop-art fashion” đã trở thành một khái niệm mặc nhiên được chấp nhận trong giới thời trang. Cách phối hợp táo bạo những màu sắc đối chọi, như trong bức họa Marilyn Monroe thể hiện không khí sôi động đầy sức sống của thập niên 1960.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm