Vải tweed (đọc là tuýt) là một chất liệu có bề dày lịch sử lâu đời trong văn hóa Anh. Từ những năm 1800, chất liệu tweed đã thịnh hành trong trang phục đời thường của người dân tại đây. Tuy nhiên, vải tweed của những thời kỳ đầu rất khác với chất liệu tweed mà chúng ta quen thuộc trong những bộ cánh thời trang mới nhất hiện tại.
Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu sự thay đổi của tweed trong hàng trăm năm qua. Và cùng xem vì sao một chất liệu vốn dùng để may quần áo nhà nông đã trở thành một trong những chất liệu thời thượng nhất hiện tại.
Vải tweed là gì?
Tweed là một chất liệu đan dệt (knit). Thường sợi vải làm nên tweed sẽ dày dặn, hơi thô, có kiểu đan không quá chặt tay.
Thuở sơ khai, vải tweed vốn được làm từ sợi len. Ban đầu, màu sắc, độ nặng và kiểu đan của vải tweed gói gọn trong phạm vi cho phép của kiểu dệt len. Kiểu đan dệt của chất liệu tweed cổ điển có khả năng chống gió và thấm tốt. Chẳng vì vậy mà tweed vốn được dùng để may áo khoác và mũ nón cho nông dân Anh vào cuối thế kỷ 18.
Nhưng với sự phát triển của những chất liệu sợi mới, tweed ngày nay ngày càng đa dạng. Từ sợi tự nhiên như cotton, đến sợi tổng hợp như polyester, thậm chí lấp lánh từ sợi kim loại… Bây giờ, vải tweed muôn hình vạn trạng.
Cái tên của vải tweed đến từ đâu?
Không ai rõ thực hư nguồn gốc của cái tên vải tweed. Tuy nhiên, nguồn tin cho rằng, thực chất, loại vải này vốn được gọi là tweel (đọc như twill, một cách dệt vải). Vào năm 1826, một thương gia tại London đã viết chữ tweel thành chữ tweed.
Vì sao ông viết sai thì không ai biết. Có người cho rằng, ông chỉ đơn giản là viết sai chính tả. Có người lại cho rằng, ông nghĩ đây là vải đến từ vùng Tweed của Scotland nên mới sửa tên lại. Cho dù cái tên có là gì đi nữa, thì chất vải này được ưa thích và bán sạch. Cái tên tweed cũng trở nên thịnh hành từ đấy.
Sơ lược lịch sử vải tweed
Những người đầu tiên sử dụng tweed là nông dân ở Scotland, vào năm 1700. Lúc này, chất liệu tweed được thiết kế để có khả năng chống thấm, chống rét tuyệt đối. Vải tweed của thời kỳ này rất dày, nặng, thô, và không có bất cứ họa tiết rõ rệt nào.
Vào thập niên 1830, giới quý tộc Anh khám phá ưu điểm của vải tweed. Khả năng chống lại thời tiết ẩm ương của nó khiến tweed được ưa chuộng để may áo khoác cho người hầu trong các gia đình quý tộc Anh. Các gia đình quý tộc còn đặt dệt tweed riêng theo màu sắc và ý thích của mình.
Sau những năm 1840, kỹ thuật sản xuất mới khiến vải tweed trở nên rẻ hơn. Lúc này, tweed trở nên thịnh hành trong giới ưa săn bắn và câu cá. Không chỉ vì nó giúp giữ ấm cho người mặc, mà vì hoa văn của tweed còn giúp thợ săn ngụy trang vào cảnh cây cối xung quanh, mang lại lợi thế cho họ khi săn bắn.
Qua nhiều thập niên, tweed không còn được dệt tay, mà được dệt tự động bằng những guồng máy công nghiệp. Cách dệt này nhanh, rẻ, lại sản xuất được khối lượng lớn. Những sự phát triển này đã vải tweed đến với giới bình dân, những người mong muốn được ăn mặc sang trọng như giới quý tộc, nhưng lại không thể bỏ ra quá nhiều tiền đầu tư cho một bộ trang phục.
Ban đầu, vải tweed vốn là chất liệu dành riêng cho trang phục nam. Tuy nhiên, sau khi được Coco Chanel tích hợp vào áo khoác Chanel La Veste, thì vải tweed bắt đầu xuất hiện nhiều hơn trong thời trang nữ.
>>> Xem thêm: VẢI TWEED, NHÂN CHỨNG CHO MỐI TÌNH GIỮA COCO CHANEL VÀ CÔNG TƯỚC XỨ WESTMINSTER
Vì sao tweed là chất vải sang trọng?
Ngày nay, tweed được xem là chất vải kiêu kỳ. Tuy nhiên, làm sao một chất liệu vốn dành cho nông dân lại trở nên sang trọng? Câu trả lời chính là vì quý tộc Anh.
Bạn còn nhớ, giữa thế kỷ 19, vải tweed trở nên thịnh hành trong giới thích đi săn và câu cá. Mà cả hai bộ môn thể thao này đều là thứ tiêu khiển xa xỉ của giới quý tộc. Từ lúc đó, tweed đã trở thành một chất vải quý tộc.
Đến những năm 2000, tweed lại trở thành cho minh chứng gốc gác của các gia đình giàu có tại Anh. Con cháu những gia đình này bắt đầu mặc lại trang phục vải tweed của ông cha mình để lại. Vì chỉ có tầng lớp thượng lưu lúc ấy mới có thể mua được chất liệu này.
Tính chất của vải tweed
Độ thông thoáng: Thấp
Khả năng hấp thụ mồ hôi: Bình thường
Khả năng giữ nhiệt: Cao
Độ co giãn: Thấp
Khả năng bị sờn, xù vải: Cao
Vải tweed có thân thiện với môi trường?
Trong thời đại hiện nay, vấn đề chất liệu vải xanh luôn được quan tâm hàng đầu.
Đối với chất liệu tweed được làm từ sợi len
Vải tweed, do được dệt từ vải len, thì có thể phân hủy thiên nhiên. Tất nhiên, việc nuôi cừu tiêu tốn nhiều tài nguyên, đất đai và nguồn nước. Đàn cừu gặm cỏ có thể khiến trọc núi đồi, gây lở đất. Như vậy, chúng phải được di chuyển, xoay vòng giữa những các trảm có khác nhau để ngăn chặn điều này xảy ra.
Ngược lại, việc trồng cỏ nuôi cừu không cần nhiều hóa chất trừ sâu như việc trồng cotton. Len cũng không cần nhiều hóa chất trong khâu xử lý như viscose. Len cũng là chất liệu khá bền vững nếu được bảo quản kỹ lưỡng. Sản phẩm bằng vải len cũ có thể dùng để tái chế và dệt vải tweed mới.
Các loại tweed cách tân, làm từ polyester và sợi tổng hợp
Tất nhiên là loại vải này thì không phân hủy thiên nhiên. Tuy nhiên, nó có thể tích hợp sợi polyester tái chế.
>>> Xem thêm: BƯỚC VÀO THẾ GIỚI QUÝ TỘC ANH QUA DOWNTON ABBEY: THE MOVIE
Harper’s Bazaar Việt Nam