Dấu ấn Nhật Bản hiện diện trong làng thời trang thế giới từ khi nào?

Khi ào đến phương Tây cách đây ba thập kỷ, những kiến tạo mới của thời trang Nhật Bản đã gây bao ngạc nhiên sửng sốt

Từ trái sang: Các thiết kế Xuân Hè 2015 của Marni, Loewe và Alexander McQueen

Dấu ấn của thời trang Nhật Bản hiện diện trong mọi ngõ ngách của ngành công nghiệp thời trang thế giới. Này là những mẫu thắt lưng obi trong bộ sưu tập mới nhất của BCBGMAXAZRIA, Maison Martin Margiela hay Marni. Kia là kiểu “bao chân” của Prada cách đây vài mùa, một dạng giày gợi lên phom dáng của kiểu sandal đế bằng của người Nhật hay bộ sưu tập Harajuku Mini của Gwen Stefani bày bán ở chuỗi cửa hàng Target. Thời trang lạ lùng của xứ sở mặt trời mọc đã hòa quyện tự nhiên vào thời trang chuẩn mực phương Tây. Câu chuyện ấy thực sự bắt đầu từ những năm 1980, khi những nhà thiết kế như Rei Kawakubo và Issey Miyake làm bùng lên một cuộc cách mạng với những sáng tạo táo bạo làm lu mờ ranh giới giữa thời trang và nghệ thuật.

Khiêu khích những chuẩn mực của thời đại

Hãy tưởng tượng bạn là một khách mời tại show diễn đầu tiên ở Paris của nhà thiết kế Rei Kawakubo của nhà Comme des Garçons hợp tác cùng Yohji Yamamoto. Công chúng mê thời trang tại Paris vẫn quen với những show diễn haute couture hào nhoáng với dàn chân dài không thể hoàn mỹ hơn bỗng chốc bị chấn động bởi một thứ mới mẻ, khiêu khích những chuẩn mực và mang tầm nhìn vượt thời đại. Tất cả người mẫu đều mặc những trang phục bất đối xứng màu đen và đi giày bệt, trông giống những cậu trai theo như cách nhìn nhận lúc bấy giờ. Các thiết kế không tuân theo nguyên tắc về hình khối, đều quá khổ và rộng rinh giúp người mẫu di chuyển mà không cần dè dặt thận trọng. Giới phê bình gọi bộ sưu tập ấy của Comme des Garçons là “Hiroshima chic collection”. Gu thẩm mỹ khác lạ của Rei Kawakubo cũng được đánh giá cao và mô tả là gần với nghệ thuật ý niệm hơn thời trang. Những nhà tiên phong như Kawakubo đã đặt nền móng mở đường cho sự trỗi dậy một thế hệ mới từ Jun Takahashi của hãng Undercover đến Junja Watanabe và Tao Kurihara của Comme des Garçons hay Limi Feu, con gái Yohji Yamamoto.

BZ_TalkingPoints_Japan_01_15-3

Bộ sưu tập Comme des Garçons giai đoạn 1981–1986

Vậy chính xác thì thẩm mỹ Nhật Bản đã làm thay đổi cách chúng ta ăn mặc ra sao? Claire Wilcox, người phụ trách mảng thời trang của bảo tàng Victoria & Albert, London nhận định khi đến Pháp, thời trang Nhật Bản đã tạo nên một tác động mạnh mẽ, làm gián đoạn những chuẩn mực về hình dáng của thời trang phương Tây. Đó là những thiết kế xiên lệch, không tuân theo nguyên tắc hình khối, phom dáng nào, tương phản hoàn toàn với một thời đại được dẫn dắt bởi những kiểu cầu vai cứng cáp và trang phục ôm sát cơ thể của Alaïa. Thẩm mỹ của các nhà thiết kế Nhật như đi ngược lại với vóc dáng cơ thể. Chiếc đầm Pleats Please xếp pli nhuyễn của Issey Miyake khi chuyển động cùng người mặc không giống bất cứ form dáng tự nhiên nào và bộ sưu tập gây tiếng vang của Kawakubo làm xô lệch hoàn toàn những gì đang được tôn vinh về đường cong cơ thể con người. Một sự khiêu khích khác nữa của thời trang Nhật Bản với thời đại là nó vắng bóng bảng màu đa dạng mà thay vào đó, mọi thứ đều tuyền một màu đen huyền bí. Nhà thiết kế người Bỉ Ann Demeulemeester nhớ lại: “Đó là một bước đi táo bạo – sự khởi đầu cho một nền tự do mới đối với tôi, trong tư cách một nhà tạo mẫu và một phụ nữ”. Cô đã không ngần ngại dấn thân theo đuổi gu thiết kế mới mẻ đầy hứa hẹn ấy, bỏ qua các xu hướng thời đại, tôn thờ sự táo bạo và tập trung vào tông monochrome.

pleat please-issey-miyake-1993

Bộ sưu tập Pleat Please của Issey Miyake lần đầu ra mắt năm 1993

issey-miyake-pleat-please

Chiến dịch quảng cáo Pleat Please năm 2009

Có thể nói đầu thập niên 1980 thực sự là thời khắc thẩm mỹ kiểu Nhật làm nên một cuộc cách mạng và sau đó dần hòa quyện với thời trang thế giới. Sự tác động của nó lớn đến nỗi Valerie Steel, giám đốc bảo tàng Fashion Institute of Technology, New York phải thốt lên: “Nhật Bản là đất nước ngoài phương Tây đầu tiên gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến vậy cho thời trang toàn cầu”.

Len lỏi mọi ngõ ngách thời trang hiện đại

Những nàng Lolita, geisha, những tín đồ của Harajuku đã vượt ra ngoài biên giới nước Nhật từ lâu và chu du khắp thế giới, trở thành cảm hứng cho nhiều bộ sưu tập và thời trang đường
phố của giới trẻ Âu, Mỹ. Trên hành trình chiều ngược lại, từ trường của nền văn hóa và thời trang Nhật Bản đã mang nhiều nhà thiết kế đến xứ hoa anh đào tìm nguồn cảm hứng mới: Marc Jacobs, Karl Lagerfeld, John Galliano, Jeremy Scott…

BZ_TalkingPoints_Japan_01_15-6

Alexander McQueen Xuân Hè 2015

Ngày nay, khi nói về cảm hứng Nhật Bản, người ta không còn gắn liền nó với concept “Ma”, tức khoảng trống rộng rãi giữa cơ thể và trang phục, hay concept mỗi trang phục làm nên từ một mảnh vải duy nhất (không qua cắt, nối) mà Issey Miyake đề xướng. Người ta nghĩ nhiều hơn đến dáng dấp của trang phục truyền thống Nhật Bản hay những yếu tố gợi nên miền đất này như hoa anh đào, võ sĩ judo, origami, những họa tiết với tông màu đối lập mạnh… Nếu như Marc Jacobs đưa mẫu thắt lưng obi, quần ống thụng như dành cho samurai, áo dạng kimono vào bộ sưu tập Marc by Marc Jacobs thu đông 2014, Alexander McQueen đã tạo ra hàng trăm trang phục theo phong cách Nhật như đưa thắt lưng obi, guốc hai răng geta lần lượt vào bộ sưu tập 2005, 2008…. Hậu bối của McQueen, Sarah Burton cũng tạo nên một bộ sưu tập xuân hè 2015 đậm chất nữ chiến binh, những nàng geisha với chiếc mặt nạ cách điệu từ mặt nạ của các diễn viên vũ kịch kabuki. Và còn nhiều nữa những tên tuổi đã nhìn về đất nước phương Đông xa xôi cho bộ sưu tập mới nhất của mình: BCBGMAXAZRIA, Jill Stuart, Suno, Mason Martin Margiela, Antonio Marras, Roland Mouret, Herve Leger, Marni…

Alexander McQueen từng đưa thắt lưng obi, guốc hai răng geta lần lượt vào bộ sưu tập 2005, 2008...

Mẫu giày Alexander McQueen Spring 2008 lấy cảm hứng từ guốc geta

Thời trang của Nhật Bản mang đậm tính nghệ thuật nên đã trở thành chủ đề cho nhiều triển lãm, như Future Beauty: 30 Years of Japanese Fashion ở Bảo tàng Nghệ thuật Seattle, Mỹ (2013) và Bảo tàng nghệ thuật hiện đại ở Queensland, Úc (1-11- 2014–15-2-2015). Mỗi thiết kế được trưng bày như kể một câu chuyện của riêng nó về hình khối, cách tạo phom, xếp gấp, xử lý chất liệu táo bạo, về sự thách thức những chuẩn mực của thời trang phương Tây buổi đầu đến sự đón nhận nồng hậu của phương Tây không lâu sau đó.

Những ca sỹ say mê thời trang xứ anh đào

Gwen Stefani với nhóm nhảy phụ họa Harajuku Girls hào hứng đặc biệt với kiểu thời trang Harajuku độc đáo. Lady Gaga cũng từng gây thích thú với bộ đầm dài kết từ hàng trăm chú mèo Hello Kitty đủ kích cỡ, màu sắc. Katy Perry cũng chuộng hình tượng Hello Kitty nhưng theo lối gothic hầm hố. David Bowie đã nổi đình đám trong thập niên 1970 với trang phục biểu diễn đậm chất Nhật do Kansai Yamamoto thiết kế.

Lady Gaga mặc chiếc đầm làm từ những chú mèo Hello Kitty của Nhật Bản

Lady Gaga mặc chiếc đầm làm từ những chú mèo Hello Kitty của Nhật Bản

Bài: Trinh Pak. Ảnh: Tư Liệu

Xem thêm