Ra đời ngày 12 tháng 2 cách đây đúng 73 năm, chiếc áo Bar jacket là một thiết kế huyền thoại của Christian Dior. Với tuổi đời như vậy, chiếc áo khoác Bar Jacket đã thay đổi như thế nào? Hãy cùng xem sự thay đổi qua năm tháng của chiếc áo huyền thoại này.
Dấu ấn New Look của Christian Dior
Tháng 2 năm 1947, Christian Dior ra mắt bộ sưu tập với 2 dòng sản phẩm: Corolle và En huit. Các thiết kế nhanh chóng nhận được sự khen ngợi từ giới mộ điệu. Trong số đó, một chiếc áo khoác với kiểu dáng lạ mắt đặc biệt thu hút sự chú ý. Đó chính là chiếc áo khoác Bar jacket.
Thiết kế này thú vị đến mức được nhắc tên liên tục trong hầu hết các đầu tạp chí thời trang lớn nhỏ lúc bấy giờ. Carmel Show, tổng biên tập Harper’s Bazaar Mỹ bấy giờ, từng dành những lời hoa mỹ để nói về sáng tạo của Christian Dior: “Đây là thiết kế mang đậm dấu ấn New Look”.
Tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ
Chiếc áo khoác Bar ra đời trong một hoàn cảnh khá thú vị. Christian Dior vốn thường lui tới quán bar của khách sạn sang trọng Plaza Athénée. Ông luôn nung nấu giấc mơ tạo ra một thiết kế tôn vinh sự nữ tính, quyến rũ của người phụ nữ. Trong một lần ngồi ở quán bar, nhà thiết kế trẻ tuổi này đã nảy ra những ý tưởng đầu tiên.
Chiếc áo Bar gây chú ý bởi thiết kế rất tôn dáng. Những đường cắt ôm gọn dáng người. Bờ vai mềm, nhấn eo, xoè ra ở phần hông, vạt được chần bông để tăng độ phồng cho hông. Chiếc áo Bar jacket gây sốt vì nó giúp tăng sự nữ tính của người mặc, thay vì giấu đi như nhiều kiểu áo vest khác.
Áo khoác Bar jacket được làm từ 4 mảnh lụa shantung màu ngà mềm mại. Để hoàn thành chiếc áo nịnh dáng này, có thể cần hơn 500 giờ làm việc.
Chiếc áo khoác Bar được ưa chuộng đến mức trở thành item bị đạo nhái nhiều ở thời kỳ đó. Bản thân Christian Dior cũng liên tiếp biến hoá đứa con cưng. Chiếc áo khoác Bar Jacket xuất hiện trong hầu hết 22 bộ sưu tập dưới thời Christian Dior.
Những phiên bản áo khoác Bar Jacket dưới thời Christian Dior
Những biến tấu của áo khoác Bar jacket
Dưới thời Yves Saint Laurent
Sau khi Christian Dior qua đời, người trợ lý thân tín Yves Saint Laurent trở thành người kế nhiệm. Dưới thời của “cậu trai trẻ tuổi, hay xấu hổ nhưng vô cùng tài năng” này, chiếc áo khoác Bar lại mang một hơi thở mới.
Yves Saint Laurent đem sự sang trọng của thời trang cao cấp làm điểm nhấn cho biến thể của chiếc áo Bar. Ông đặt cái tên mới cho nó là Trapeze. Làn gió mới này dĩ nhiên gặp phải nhiều sự phản đối. Sau đó, Marc Bohan, người tại vị ở Dior trong suốt 28 năm sau đó, đã làm hài lòng giới mộ điệu với phiên bản Bar của mình.
Dưới thời Gianfranco Ferré
Đến thời Gianfranco Ferré, Bar lại mang nét quyền uy, đầy khiêu khích, như chính phong cách sáng tạo của nhà thiết kế người Ý này. Bar trong ngôn ngữ thời trang của Gianfranco Ferré là chiếc đầm dáng chữ A với phần tùng xoè rộng. Thiết kế mang đến vẻ uy nghi, quyền lực cho người mặc.
Dưới thời John Galliano
Vì luôn yêu thích thời trang sân khấu và trang phục điện ảnh, John Galliano lại biến show diễn của Dior thành không gian kịch nghệ. Từ năm 1996, các thiết kế Bar jacket cũng vì thế mà có chút cường điệu theo hơi hướng kịch.
Dưới thời Raf Simons
Raf Simons lại chọn sự đơn giản và hiện đại cho phiên bản Bar của mình. Thanh lịch, hiện đại, nhưng dường như nét đặc trưng của Bar – khả năng tôn vinh vóc dáng nữ tính – không được bộc lộ rõ.
Biến tấu hiện đại của chiếc áo Bar trứ danh trong bộ sưu tập Haute couture thu đông 2012 của Raf Simons
Dưới thời Maria Grazia Chiuri
Năm 2015, Maria Grazia Chiuri là nhà thiết kế nữ đầu tiên kế vị đế chế Dior. Chiếc áo khoác Bar jacket, dưới góc nhìn của bà, được nhuốm màu nữ tính nhẹ nhàng. Đây là một cái nhìn khác hẳn với sự nữ tính qua con mắt của các nam nhân, các giám đốc sáng tạo nam trước đây.
>>> Xem thêm: DIOR RA MẮT TÚI XÁCH MỚI ĐỂ GHI NHỚ CỬA HÀNG LỊCH SỬ 30 MONTAIGNE
Harper’s Bazaar Vietnam