CHẤT LIỆU VẢI TÁI CHẾ CIRCULOSE CỦA H&M CÓ THẬT SỰ “XANH”?

Thương hiệu fast fashion Thụy Điển H&M thông báo sẽ bắt đầu tung ra những BST đầu tiên sử dụng Circulose. Bạn biết gì về loại vải tái chế này?

H&M vừa thông báo, tập đoàn đã sẵn sàng tung ra những bộ sưu tập đầu tiên làm từ vải Circulose. Đây là một loại chất liệu vải tái chế, do công ty Re:newcell của Thụy Điển nghiên cứu.

Đây là một bước giúp H&M trở nên bền vững hơn, người đại diện tập đoàn nói. Mục tiêu của H&M là đến năm 2030, tất cả những bộ sưu tập của hãng sẽ được làm từ vải tái chế hoặc vải có nguồn gốc bền vững. Tuy nhiên, vải Circulose có thực sự “xanh” như trong quảng cáo?

Vải Circulose là gì?

Đây là một chất liệu khiến những người yêu thời trang bền vững vô cùng hưng phấn.

Chất liệu vải tái chế này được làm từ cotton 100%. Nguồn cotton đến từ áo thun và vải denim cũ. Những món trang phục cũ này được xé vụn ra, tẩy sạch màu và loại bỏ những thứ đính kết thêm thắt (như dây khóa, sequin). Sau khi được xử lý, chúng để lại một hỗn hợp sợi cellulose – tức chất xơ từ bông gòn cotton. Hỗn hợp này sẽ được ép lại, sấy khô và dùng để dệt sợi mới.

Thao tác lọc vải vụn để sẵn sàng tái chế. Ảnh: Dezeen

Công ty sản xuất chất liệu Circulose, Re:newcell cho biết, chất liệu vải tái chế này sẽ giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của thời trang.

  • Vải Circulose có tất cả những đặc tính của cotton.
  • Vì là cotton nên vải Circulose có thể phân hủy sinh học.
  • Tuy nhiên, vì là chất liệu tái chế nên Circulose cần ít nước và hóa học để xử lý hơn, khi so sánh với cotton “gin”.
  • Giá cả của Circulose phải chăng khi so sánh với những chất liệu vải khác trên thị trường.

Chất liệu Circulose sẵn sàng được may sản phẩm mới.

Bộ sưu tập Circulose của H&M có thật sự thân thiện với môi trường?

Bắt tay với Re:newcell, H&M sẽ cho ra mắt bộ sưu tập đầu tay vào mùa xuân 2020. Thương hiệu thời trang đã nhá hàng với một số hình ảnh đầu tiên của bộ sưu tập.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động môi trường đã lên án hành động này của H&M là green washing, tức “giả bộ xanh”. Theo lời Venetia La Manna, một nhà hoạt động môi trường tại London, vấn đề lớn nhất của H&M là sản xuất quá nhiều, quá nhanh, và liên tục thúc đẩy khách hàng phải đi mua sắm. Cho dù trang phục có được làm từ vải tái chế, việc chúng bị mua một cách không cần thiết, rồi bị vứt bỏ tại những bãi chôn lấp rác thải, cũng khiến cho chúng không hề eco-friendly.

“Thời trang nhanh (fast fashion) sẽ không bao giờ có thể thân thiện với môi trường.”

– Venetia La Manna

Hãy ưu tiên styling lại các trang phục đang có trong tủ quần áo của bạn, thay vì mua đồ mới, La Manna đề nghị. Những biện pháp khác là trao đổi trang phục với bạn bè hay tại các phiên chợ trao đổi quần áo.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm