Lịch sử áo dài: Văn hóa Tây phương đã cách tân tà áo dài như thế nào?

Hãy cùng Bazaar tản mạn về chiếc áo dài Việt Nam qua nhiều thăng trầm trong lịch sử. Một trang phục mà theo tác giả là gần nhất với sự hoàn hảo

Lịch sử áo dài cách tân ảnh hưởng từ văn hóa Tây phương

Trong lịch sử áo dài Việt Nam, vui nhất là khi thấy làng thời trang thế giới mấy năm gần đây thấp thoáng nhiều thiết kế cách tân lấy âm hưởng từ tà áo dài Việt Nam. Lại còn được các ca sỹ nổi tiếng hay minh tinh Hollywood như Rihanna, Michelle Williams mặc dự tiệc thảm đỏ hoặc lên sân khấu biểu diễn. Xem show, xem giới nghệ sỹ thế giới mặc thì thấy tự hào, áo dài Việt đã tạo cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế lừng danh chẳng kém kimono của Nhật hoặc sườn xám nhà Tàu.

Tuy nhiên, có lúc trong lòng dấy lên chút xót xa. Vì những cách điệu của họ đôi lúc hơi quá, làm mất đi sự hoàn hảo vốn có của áo dài. Sở dĩ tôi nói vậy là vì tà quốc phục nước Việt sở hữu cấu tứ âm dương đăng đối chỉn chu, có tĩnh có động, có mở và đóng, có trước và có sau.

Lịch sử áo dài cách tân ảnh hưởng từ văn hóa Tây phương

Michelle Williams diện trang phục của Prada lấy cảm hứng từ áo dài

Lịch sử áo dài cách tân: Ký ức áo dài Le Mur và áo dài tay raglan

Chiếc áo xứ tôi hay lắm. Thời hai ông Lê Phổ – Cát Tường theo Tây học, mang cái tư duy văn minh về, mỗi người chọn một hướng phát triển cho tấm áo đàn bà nước nhà.

Lê Phổ chọn tư duy cấu trúc, chiếc áo cắt lối raglan của người phương Tây, lại chuẩn mực trong tiềm thức chân-thiện-mỹ của người Việt về một “manh áo lành”, cho vai tròn, lưng ong và bờ ngực đẹp như khuôn tượng.

Áo dài raglan có tay nối thẳng với cổ, thay vì chắp ở vai. Thiết kế tạo cảm giác vai tròn trịa, suôn mềm. Ảnh: Instagram Áo dài Thị @aodaithi

Ông Cát Tường chọn du nhập cái phong vị phù phiếm đỏm dáng của đàn bà Tây phương mà minh chứng cho cái sức sống kỳ lạ của áo dài. Áo dài của ông lấy tên Tây, dựa theo tên ông mà thành Le Mur. Có thời, áo này còn được gọi là “áo dài Phong Hóa”, do ông Cát Tường từng tham gia những hoạt động cải tạo xã hội do báo Phong Hóa và nhóm Tự Lực Văn Đoàn chủ trương.

Áo dài Lemur từ bảo tàng áo dài của Sĩ Hoàng. Kiểu áo này kết hợp những yếu tố Tây phương như: không cổ, tay ngắn hoặc không tay, thậm chí có tay phồng. Ảnh: Nhân Dân

Nói đến ông Cát Tường, không nhiều người hay biết, ông cũng là họa sỹ tham gia vẽ loạt hí họa Lý Toét và Xã Xệ trên báo Ngày Nay và là giáo sư hội họa trường Thăng Long. Thời đó, ông thường bỏ công sáng chế nhiều kiểu quần áo dài để sinh hoạt ngoài xã hội, áo ngắn mặc trong nhà, gây thành phong trào ăn mặc theo lối mới: giản dị kín đáo, nhưng vẫn yểu điệu thướt tha, làm tăng vẻ đẹp, hình dáng người mặc khiến phụ nữ rất thích. Hiệu may áo dài của ông ở đường Lê Lợi là nơi cung cấp những mẫu áo Le Mur mới nhất.

Ông Cát Tường với những kiểu áo dài tân thời khi ấy đã mở những buổi diễn từ Bắc chí Nam. Bà thứ phi Mộng Điệp, trong Nam là cô Phùng Há, cô Hòa Vân là những giai nhân đầu tiên mặc áo Le Mur, nức tiếng văn minh tân kỳ.

Cô Nguyễn Thị Hậu, người đầu tiên mặc Le Mur (áo dài Phong Hóa)

Những cách tân mạnh dạn trong lịch sử áo dài

Sau thời hai ông Lê Phổ – Cát Tường, văn hóa Huê Kỳ lấn át nét hoa mỹ rặt Phú-lang-sa của Le Mur. Sau hai ông chỉ có thêm bà Trần Lệ Xuân biến tấu chiếc cổ áo dài cho giống áo nữ hoàng hay cổ áo mấy cô đào Mỹ, ngực cài brooch, tay đeo găng trắng, rất sang trọng và gợi tình. Bà này hay in cây trúc quân tử lộn ngược trên mình áo, ẩn chứa nhiều tà ý lẫn lòng dâm dục, nên bị phái thủ cựu cự nự một thời.

Bà Trần Lệ Xuân mặc áo dài raglan cách điệu không cổ, in hình cây trúc quân tử lộn ngược với nhiều ẩn ý

Người Mỹ mang theo văn hóa Mỹ vào Việt Nam, với nhảy đầm bước salon và hippy. Ve cổ chiếc áo dài cũng hẹp lại, những đường pence nơi eo được bỏ đi cho hợp với vẻ đẹp ngực phẳng của cô người mẫu Twiggy hay Edie Sedgwick hồi cuối 1960. Vạt áo có khi cao đến trên gối, ống quần nhỏ.

Mấy cô thanh nữ còn mặc với quần tây, đeo kiếng mát giống bà phu nhân tổng thống Kennedy, to như mắt ruồi, màu trà hay đen tuyền, gọi là kiếng Jackie’O (theo tên lóng bà tổng thống phu nhân Huê Kỳ). Họ mặc áo dài hippy, hay gọi là áo dài mini, đeo kiếng cú mèo, cưỡi Honda Dame hay Lambretta, đẹp hết ý!

Rồi giải phóng vô, tới thời cả dân tộc kiêng khem, áo dài may cũng phải tằn tiện, nên kiểu vạt ngắn ấy tồn tại trong tủ đồ mấy nhà “tiểu tư sản’” cho đến những đợt thi hoa hậu áo dài đầu tiên.

Người mình mặc áo xứ mình

Bây giờ người ta may những chiếc áo mặc cho mannequin hay cho người mẫu. Mấy cô gái đẹp bận áo dài, cô nào tới cuối runway cũng hất cái tà sau đánh rầm vô mặt khán giả hàng front-row, ngó hỗn và thô.

Có cô ca sỹ mặc áo dài với quần bó như đôi vớ dài, bằng như mặc áo không quần hoặc giống mấy người đàn bà Hồi giáo, Ấn giáo chi đó. Có lần tôi bị người bạn mắng cho mấy mắng. Người này khá mến mộ cô ca sỹ nọ nên lên tiếng bênh thần tượng. Tôi chỉ biết xin lỗi, không dám cãi thêm sợ bạn giận, nhưng bụng còn ấm ức lắm.

Show diễn Cám ơn Sài Gòn của Công Trí (tháng 11–2013) trình diễn áo dài in hiện đại với thái độ trân trọng và văn minh

Phàm chiếc áo dài, ông Lê Phổ vận dụng sở học, cha ông bao đời phù tinh túy, âm dương đăng đối hoàn hảo. Sở dĩ bà Nhu (Trần Lệ Xuân) sau này cách tân chiếc cổ mà chấp nhận được, là bởi bà lấy đi chiếc cổ áo thì bù lại eo hạ rất thấp, vạt to và dài. Đó là luật, thân trên đã hở thì dưới phải kín. Lấy đi một chi tiết, phải trả lại cho đăng đối phần khác.

Bữa nọ tôi gặp cô Phương Dung Nhạn trắng Gò Công ca ở phòng trà We. Trông cô lộng lẫy quắc thước trong bộ áo dài đỏ thắm, nhưng cô ngoắc tôi ra, giọng tỏ ra rất phiền lòng: “Em coi, họ ráp làm sao bụng chị bự quá! Hôm nay lên ca mà ăn bận vầy kỳ thiệt là kỳ!”.

Tôi coi lại tấm áo cho cô. Quả tình, phần tà áo dùng vải chi hiện đại lắm, voile dệt kim tuyến, lại còn xếp pleat, vừa phản quang sáng bóng, vừa phồng, lại gồ lên đường ráp thô thiển, biểu sao đẹp cho đặng!

ĐỌC THÊM

Bạn có thể tham khảo thông tin về sự Tây hóa của tà áo dài qua quyển sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày nay, của tác giả Phạm Thảo Nguyên.

>>> Xem thêm: LỊCH SỬ ÁO DÀI VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ, TỪ THẾ KỶ 17 ĐẾN NAY

Bài: Trác Thúy Miêu
Ảnh: Reuters, Kiếng Cận
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm