Thủ công mỹ nghệ Việt Nam: Sống lại một thuở vàng son

Đúng thế, thủ công nghiệp Việt Nam đã thoát khỏi nguy cơ bị mai một. Tuy nhiên, ngành này vẫn còn một đoạn đường rất dài để có thể lấy lại vị thế của thời hoàng kim

Trong thế kỷ XXI này, Việt Nam đã tiến xa trong việc hội nhập với thế giới. Song song với những thành tựu đó, nhiều thứ thuộc về bản sắc riêng dần bị mai một. Thủ công mỹ nghệ nằm trong số đó. Nhiều làng nghề từng có nguy cơ biến mất, để láy chỗ cho sản phẩm của công nghiệp hiện đại. May sao, tất cả đã và đang thay đổi.

Cơ hội phục hồi và phát triển thủ công mỹ nghệ Việt Nam

Cùng với trào lưu trở về thiên nhiên , thủ công mỹ nghệ có cơ hội phục hồi. Nhiều làng nghề nhận được các đơn hàng của nước ngoài.

Tính đến cuối năm 2017, cả nước có 5.407 làng nghề đang hoạt động. Có 1.748 làng nghề được công nhận theo tiêu chí làng nghề của Chính phủ. Hơn 10 triệu lao động đang làm việc trong các làng nghề thủ công. Giá trị kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,7 tỷ đô la Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, hình thức kinh doanh thông dụng nhất của doanh nghiệp Việt hiện nay là gia công cho các thương hiệu đến từ các quốc gia phát triển.

Thực trạng hàng thủ công mỹ nghệ cao cấp tại Việt Nam

Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hahanco nằm ở làng nghề sừng Thụy Ứng, huyện Thường Tín, Hà Nội. Đây là một trong số cơ sở sản xuất ký hợp đồng chế tác đồ trang sức với Hermès. Đến đây, ta thấy nhiều sản phẩm thực hiện theo thiết kế của Hermès đẹp ngỡ ngàng. Không nói ra, không ai nghĩ chúng xuất phát từ ngôi làng nhỏ bé ven đô Hà Nội.

Tất nhiên, chất lượng đi kèm giá cả. Giá thành mỗi món đồ của Hermes nằm ngoài tầm tay với của nhiều người Việt. Đã nhiều người đặt câu hỏi: Cùng tay nghề thủ công, cùng một kỹ thuật sản xuất, tại sao sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài có giá cao gấp bội hàng do người Việt thiết kế? Câu trả lời khá đơn giản: thẩm mỹ và chất lượng. Anh Vũ Thanh Liêm, chủ sở hữu Hahanco, từng cho biết: Tìm được người có đủ trình độ và thẩm mỹ để thiết kế sản phẩm tại Việt Nam không dễ.

Một doanh nhân cho biết: Chị đã nỗ lực tìm các cơ sở trong nước để đặt các mặt hàng thủ công cao cấp với số lượng giới hạn. Câu trả lời chị luôn nhận được là: Chị đặt ít quá, chúng tôi không làm. Chị đề nghị sẵn sàng trả giá cao để làm sản phẩm cao cấp. Câu trả lời là: “Không. Thợ của chúng tôi không quen làm”. Có thực người thợ Việt Nam không có khả năng làm sản phẩm cao cấp?

Leinné và câu chuyện từ chiếc nón đan

Trên con đường Lê Lợi sầm uất, nổi bật nhất là trung tâm mua sắm Takashimaya. Nếu bạn băng qua bên kia đường, nằm sâu bên trong công trường Lam Sơn đang xây dựng, bạn sẽ tìm thấy Leinné. Tiệm nằm trên lầu một của căn chung cư kiểu Pháp cổ. Mở cửa ra, đập vào mắt bạn là những chiếc nón đan bày khắp cửa tiệm. Tôi nhớ bản thân đã ngạc nhiên thế nào khi nhìn thấy chúng. Bởi lẽ, chúng trông tinh tế vô cùng. Vẻ đẹp của chúng không thua kém bất kỳ tạo tác của nhà mốt nào trên thế giới.

thủ công mỹ nghệ

Những chiếc nón đan của Leineé

“Đây các thiết kế của tôi” – chị Hải Minh, người sáng lập Leinné chia sẻ. Gia đình chị sở hữu một doanh nghiệp gia công nón đan hơn 20 năm. “Khác với những cơ sở khác, nhà chúng tôi sản xuất số lượng rất ít cho các nhà thiết kế tại Ý và Pháp. Vào năm 2016, mẹ tôi muốn đóng cửa xưởng. Tôi tự hỏi: Thay vì sản xuất số lượng ít, vì sao lại không bán trực tiếp cho khách hàng Việt Nam. Từ đó, Leinné ra đời. Lúc đầu, tôi chỉ là muốn làm thử thôi, nhưng lại thành công vượt quá tưởng tượng”. Chị Minh chia sẻ: Ra mắt vào năm 2017, Leinné đã tăng trưởng gấp đôi chỉ trong vòng hai năm.

thủ công mỹ nghệ

Chân dung chị Hải Minh

Thành công đến từ cách xây dựng thương hiệu

“Mỗi thương hiệu đều có một câu chuyện đằng sau”. Chị Minh kể: “Nếu chỉ kể câu chuyện của thủ công mỹ nghệ truyền thống, thì khó xây dựng được thương hiệu”. Sản phẩm của Leinné phải tạo được mối liên hệ riêng tư với người sở hữu. Cảm xúc được tạo ra khi bạn chạm vào và ôm lấy chúng. Làm từ các chất liệu tự nhiên như lá cọ raffia, mỗi sản phẩm của Leinné đều khác biệt.

Chị Minh nhấn mạnh: “Đối tượng khách hàng của chúng tôi là những người phụ nữ đi nhiều, nhìn thấy nhiều. Tâm hồn họ rộng mở. Họ hiểu được giá trị của sản phẩm mình sở hữu và ủng hộ lối sống thời trang bền vững”.

thủ công mỹ nghệ

Lá cọ rafia, chất liệu cho những sản phẩm đan của Leineé

Bên cạnh các bộ sưu tập ready-to-wear, Leinné còn ra mắt bộ sưu tập couture State Of Raw. “Đó là một bước tiên phong. Tôi mong chứng minh được rằng những thứ mộc mạc cũng có thể sang trọng và thanh lịch”. Trong năm nay, chị Minh đang ấp ủ kế hoạch đưa Leinné sang Pháp và ra thế giới.

thủ công mỹ nghệ

Một thiết kế từ bộ sưu tập couture State of Raw

Hanoia và bài học về sự thức thời

Tạm biệt Leinné, tôi đến với Hanoia. Những người yêu thủ công mỹ nghệ Việt không xa lạ với cái tên này. Thương hiệu này mới ra đời cách đây hơn ba năm. Tuy nhiên, những người tạo dựng ra thương hiệu đã có cái duyên với sơn mài từ nhiều năm trước đó.

Năm 1997, tại một ngôi làng nhỏ gần Bình Dương, một nhóm nhỏ các nhà thiết kế nước ngoài gặp gỡ những nghệ nhân sơn mài Việt. Họ cùng chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật sơn mài. Ngành này đang có nguy cơ mai một. Họ quyết định họp lại dưới một mái nhà để tìm hướng phát triển mới cho sơn mài.

Công việc khởi đầu chỉ là thiết kế những đôi guốc sơn mài cho các tín đồ thời trang. Sau đó, họ chuyển sang chế tác phụ kiện thời trang cao cấp cho các nhà mốt có uy tín ở châu Âu. Đó chính là tiền đề để nhiều năm sau, Hanoia ra đời.

Bí quyết nằm ở sự sáng tạo

Điều tôi thích nhất ở Hanoia chính là sự độc đáo và sáng tạo trong mỗi thiết kế thủ công mỹ nghệ. Chúng khác hẳn sản phẩm của các làng nghề trong nước. Chị Nguyễn Tuyết Thanh, CEO của Hanoia, cho biết: “Hiện Hanoia có hai xưởng sơn mài ở hai đầu Nam Bắc với 300 thợ thủ công lành nghề. Thiết kế do một nhóm các nhà thiết kế châu Âu chịu trách nhiệm. Họ đã nhiều năm sống ở Việt Nam. Họ yêu văn hóa Việt và diễn đạt tình yêu ấy qua cách nhìn đương đại độc đáo”. Các thiết kế mang phong cách phương Tây, nhưng vẫn tôn trọn vẹn vẻ đẹp của sơn mài Việt.

thủ công mỹ nghệ

Sản phẩm sơn mài của Hanoia. Chụp bởi Sébastien Löffler

thủ công mỹ nghệ

>>> Xem thêm: Bluemoon – tuyệt tác sơn mài từ Hanoia

Thay đổi công nghệ để tăng năng suất lao động

Một trong những trở ngại của các làng nghề thủ công mỹ nghệ trong thời đại mới là năng suất. Làm tay không thể bì được với máy móc. Chúng ta vẫn quan niệm rằng thủ công nghệ nghĩa là tạo tác làm hoàn toàn bằng tay. Nhưng không phải như vậy.

Chị Thanh cho biết: “Nhờ sự phát triển của công nghệ, một số khâu sản xuất sơn mài đã có sự hỗ trợ của máy móc: Khâu mài, khắc… chẳng hạn. Gỗ thay bằng MDF. Sơn ta thay thế bằng nhiều loại sơn công nghiệp phong phú hơn. Nhưng đồ sơn mài muốn hoàn hảo phải có đôi tay khéo léo của người thợ. Mỗi lớp sơn được phủ lên đều phải mài cho mỏng. Không có công thức cần mài bao nhiêu. Tất cả phụ thuộc vào cảm giác. Chỉ bàn tay người thợ mới cảm nhận được lúc nào độ mịn đã đủ và lớp sơn chưa bị tổn thương. Ngay cả khi phun sơn, chuyển động của dòng sơn cũng phải mỏng tuyệt đối và uyển chuyển để tạo nên độ sâu mượt tinh tế”.

thủ công mỹ nghệ

Cơ hội và thách thức

Hanoia hay Hahanco vẫn chỉ là vài trường hợp cá biệt. Đa số người làm nghề thủ công Việt vẫn ngại thay đổi. Nhiều người còn tự hào: “Kỹ thuật của chúng ta có từ ngàn năm trước”. Chúng ta đang sống trong thì hiện tại. Nhu cầu và quan niệm thẩm mỹ của ngày nay khác ngày xưa. Giữ khư khư lấy quá khứ, không muốn thay đổi, có phải là quan niệm đúng đắn?

Bên cạnh lý do trì trệ và bảo thủ còn có vấn đề giá cả. Chị Thanh trải lòng: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi là giá thành đối với khách hàng trong nước. Thị trường hàng xa xỉ Việt Nam còn quá non trẻ. Những thương hiệu cao cấp “made in Vietnam” như chúng tôi không nhiều”. Khách Việt sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm nhập khẩu cao cấp, nhưng với hàng Việt thì chưa.

Cần bắt kịp xu hướng

Năm nay, xu hướng thời trang đang thịnh hành là những chiếc nón và túi đan mây tre lá. Những chiếc “It bag” kiêu hãnh tỏa sáng trong các showroom thời trang cao cấp. Các sản phẩm tuyệt đẹp này chủ yếu được sản xuất tại Indonesia hay Philippines.

Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu mây tre đan. Nhưng chúng ta chuộng sản xuất hàng loạt với giá rẻ. Những chiếc túi đan rẻ tiền bày rất nhiều ngoài chợ có chất lượng thấp. Về các làng nghề mây tre đan, tỷ lệ lớn khách hàng là các công ty Trung quốc. Nhiều người tiêu dùng Việt thì than là túi mây tre làm xước trang phục của họ. Rất nhiều hàng sơn mài lại làm ẩu, dễ trầy nứt. Tất cả những yếu điểm này làm mất giá hàng thủ công của chúng ta.

Để kết luận, xin đặt ra câu hỏi cho những người làm thủ công mỹ nghệ truyền thống: “Không lẽ Việt Nam không thể có thêm nhiều Leinné hay Hanoia? Hàng thủ công cao cấp đang lên trên toàn thế giới. Chúng ta sẽ đứng bên lề hay nhập cuộc chơi?”

>>> Xem thêm: Xu hướng túi đan 2019

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm