Chưa bao giờ ngành lông thú gặp khó khăn như bây giờ. Nếu trước đây, thời trang lông thú được xem là sản phẩm xa xỉ, sang trọng. Thì bây giờ dường như cả thế giới đang chống lại nó.
Chỉ riêng trong năm qua, Gucci, Versace, Michael Kors, Jimmy Choo, Furla, John Galliano và Donna Karan New York đã tham gia danh sách các thương hiệu thời trang “nói không với lông thú”. Tom Ford và Givenchy thay thế lông thú bằng da cừu, da bò và giả lông dạng fleece. Net-A-Porter, trang web kinh doanh hàng thời trang xa xỉ trực tuyến, đã ngừng bày bán sản phẩm sử dụng lông thú từ năm ngoái. Yoox, công ty mẹ của Net-A-Porter, cho biết đây là quyết định kinh doanh dựa trên phản hồi của khách hàng.
Về mặt luật pháp, lông thú chính thức bị cấm bày bán tại California, Mỹ. New York đang suy nghĩ về việc ban hành luật cấm. Còn Na Uy thì đang xem xét việc đình chỉ hoạt động các trang trại khai thác lông thú từ chồn và cáo.
Ngành công nghệ lông thú có đang giãy chết?
Không hẳn.
Theo lời Hiệp hội Quyền thú vật PETA, giới trẻ (dưới 30 tuổi) là những người yêu động vật, mong muốn bảo tồn thiên nhiên, và là giới chống đối lông thú. Tuy nhiên, một nguồn thông tin kinh tế khác cũng cho thấy giới trẻ mê mẩn lông thú; đặc biệt là khi dùng để viền áo khoác, tay áo, giày dép và làm đồ trang trí phụ kiện.
Thị trường thời trang lông thú thật vẫn có giá trị khoảng 40 tỷ đô-la Mỹ. Và một số những thương hiệu sử dụng lông thú cao cấp, như Canada Goose, Moncler, nằm trong danh sách được ưa chuộng nhất của giới trẻ.
Trước khi quyết định bạn muốn tẩy chay hay ủng hộ lông thú, hãy cùng xem lời biện giải của cả đôi bên.
Vì sao thời trang lông thú bị lên án
Những người yêu động vật lên án hành vi nuôi, giết thú chỉ vì bộ lông là vô nhân đạo. Việc hoạt động một trang trại nuôi dưỡng và lấy lông động vật cũng rất hao tốn tài nguyên. Phân thải động vật chứa hàm lượng phốt-pho và ni-tơ cực cao, gây nhiễm khuẩn sông ngòi. Công đoạn thuộc da, nhuộm lông sử dụng nhiều hóa chất độc hại; như formaldehyde hay nonylphenol ethoxylates.
Tuy nhiên, cũng lưu ý rằng sản phẩm lông thú bị tẩy chay nhiều nhất đa phần đến từ những loài động vật không được sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ví dụ chồn (mink), cáo (fox) và rái cá (beaver). Những chất liệu đến từ gia cầm được nuôi lấy thịt; như lông cừu, da bò, da dê; ngược lại đang được giới thời trang xa xỉ ưa chuộng hơn, vì chúng không bị xem là gây hoang phí tương tự.
“Thời trang lông thú giả mới là có hại cho môi trường”
Đại diện cho hiệp hội lông thú phản bác những ý kiến trên. Họ cho rằng, lông thú giả có hại cho môi trường nhiều hơn lông thú thật vì những lý do sau.
Đầu tiên, lông thú giả thường được làm từ acrylic, polyester hay sợi làm từ dầu mỏ.
Các sản phẩm làm từ dầu mỏ, từ cao su, nhựa đến vải vóc, mất hàng trăm năm để có thể phân hủy trong thiên nhiên. Trong khi đó, lông thú thật (cũng như da thuộc), hoàn toàn có thể phân hủy trong chỉ vài năm. Chưa kể, dầu mỏ là nguồn nhiên liệu ngày càng khan hiếm, không có khả năng tái tạo.
Sợi acrylic không phân hủy, gây ô nhiễm đường nước.
Các sợi vải vóc làm từ dầu mỏ, như polyester, acrylic hay polyamide, khi rã ra trở thành hạt vi nhựa. Những hạt vi nhựa này nhỏ li ti, không thể thấy bằng mắt thường. Vi nhựa (microplastic) đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể bị thủy sinh vật ăn phải, sau đó quay lại bàn tiệc hải sản của chúng ta. Nghiên cứu khoa học cũng cho thấy: nước uống đóng chai của chúng ta cũng nhiễm vi nhựa. Và khoa học chưa thể chứng minh những hạt vi nhựa này có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe con người nếu ăn, uống phải.
Thời trang lông thú giúp kiểm soát đàn thú hoang phá hoại.
Những loại động vật như chó sói đồng cỏ (coyote), cáo, hải ly hay thậm chí thỏ hoang nhân giống rất nhanh. Một số quốc gia, ví dụ Mỹ và Canada, cho phép săn bắn chúng để kiểm soát số lượng ngoài thiên nhiên. Tất cả những loài vật này đều có thể được sử dụng để lấy lông.
Cuối cùng, thời trang lông thú giả khó bền lâu.
Một chiếc áo lông thú thật có thể giữ nguyên chất lượng trong hàng vài thập kỷ, thậm chí là cả thế kỷ (với điều kiện được bảo dưỡng tốt). Trong khi đó, áo lông thú giả từ polyester khó có được độ bền tương tự. Thay vì chỉ mua một chiếc áo lông thú thật, bạn sẽ phải mua hàng tá chiếc áo lông thú giả để thay thế.
“Sản phẩm thời trang từ lông thú giả, chứa sợi nhân tạo gốc dầu mỏ, rất có hại cho môi trường. Nó đi ngược lại hoàn toàn khái niệm bảo vệ môi trường. Ngành công nghiệp lông thú mang lại một sự cân bằng cần thiết trong kinh tế và hệ sinh thái”.
– Keith Kaplan, giám đốc truyền thông, Hiệp hội Thông tin Lông thú Hoa Kỳ –
Vậy đâu là giải pháp vẹn toàn?
Có thể thấy cả hai bên đều có những lý giải dựa trên nghiên cứu khoa học, bằng chứng xác thực và số liệu. Có lẽ, cách tốt hơn để lựa chọn nên dùng lông thú thật hay lông thú giả nên phụ thuộc vào châm ngôn sống của bạn.
Nếu bạn là người yêu động vật: Thời trang lông thú giả
Các nhà mốt xa xỉ như Prada, Gucci có những sản phẩm giả lông mượt mà và dày dặn, trông không khác gì lông thú thật.
Bạn cũng có thể chọn sản phẩm từ những thương hiệu sử dụng lông thú giả làm bằng nhựa tái chế. Một số nhà mốt bao gồm: Stella McCartney (Anh), House of Fluff (Mỹ) và Calcaterra (Ý).
Nếu bạn là người tìm đến sản phẩm khó hư, lâu bền, lại có khả năng phân hủy thiên nhiên: Lông thú thật
Để bỏ tiền ra đầu tư cho một chiếc áo lông thú, chắc chắn bạn không phải là người hoang phí.
Tuy nhiên, một lựa chọn còn tốt hơn cho bạn là tìm đến những nhà mốt sử dụng lông thú dạng sản phẩm phụ (by-product). Đây là những sản phẩm đến từ gia cầm có thể dùng trong ngành thực phẩm. Ví dụ như da dê, lông cừu, da hươu nai và tuần lộc, cũng như lông thỏ. Một số thương hiệu tiêu biểu bao gồm Mou (Anh) và Brother Veillies (Mỹ).
>>> Xem thêm: LỊCH SỬ THỜI TRANG: LÝ DO THỰC SỰ VÌ SAO XUẤT HIỆN LÔNG THÚ GIẢ
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam