Chủ tịch hiệp hội dệt may Việt Nam: “Cần thống nhất các nguồn lực để đưa Thời trang Việt đi xa”

Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang lý giải những hạn chế trong xuất khẩu của thời trang Việt và ảnh hưởng của dịch Covid-19 qua những con số

Từ trái sang: Chị Trần Nguyễn Thiên Hương – Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam, NTK Tuyết Lê, anh Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, chị Trang Lê – CEO Multimedia JSC, chị Hà Thị Hoa – Giám đốc Tơ lụa Hà Bảo.

Hội thảo Thời trang và Nhan sắc do Harper’s Bazaar tổ chức đề cập đến nhiều khía cạnh của hai ngành công nghiệp. Mở đầu buổi toạ đàm là lời gợi mở của chị Trần Nguyễn Thiên Hương – Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam. Nói đến thời trang, người ta nghĩ đến những yếu tố như sáng tạo và giải trí. Nhưng lại gần như quên mất tầm quan trọng của ngành dệt may. Chính vì vậy, những chia sẻ của anh Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam đã đem đến nhiều kiến thức thiết thực cho buổi tọa đàm.

Hiện trạng ngành dệt may qua những con số

Anh Vũ Đức Giang cho biết: Nước ta hiện nay có hơn 6.000 doanh nghiệp. Năm 2019, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 36.4 tỷ USD. Sản phẩm xuất chủ yếu là quần áo, vải thô, sợi vải. Bên cạnh đó còn có nguyên phụ liệu ngành may mặc.

Mục tiêu năm 2020 là xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 đã làm sức mua toàn cầu giảm mạnh. Từ đó, kéo theo tình trạng tồn kho sản xuất của nước ta. Ước tính 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ngành may mặc chỉ đạt khoảng 15 tỷ. Theo anh Giang, mục tiêu năm 2020 này rất khó đạt được.

Vì sao doanh nghiệp Việt vẫn loay hoay câu chuyện xuất khẩu?

Từ phải sang: Anh Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam, chị Trang Lê- CEO Multimedia, chị Trần Nguyễn Thiên Hương – Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam.

Không chỉ thẳn thắn chia sẻ những con số cụ thể, anh còn chỉ ra điểm mạnh và hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường xuất khẩu ra thế giới.

Một trong những nguyên do chính là sự thiếu chuyên nghiệp và tính thống nhất. Anh Vũ Đức Giang cho biết, còn khá nhiều doanh nghiệp Việt vừa và nhỏ đang hoạt động riêng lẻ. Sự không thống nhất này đã làm giảm đi đáng kể nguồn lực của thời trang Việt. Bên cạnh đó, nhân lực chưa đáp ứng được chuẩn quốc tế. Ví dụ như sự thiếu hụt trình độ ngoại ngữ cũng được nhắc đến.

Đề xuất thành lập Hiệp hội Thời trang Việt Nam

Câu chuyện thiếu sự liên kết giữa các nhân tố trong ngành thời trang Việt không hề mới. Chính vì vậy, ban tổ chức hội thảo và hội đồng thảo luận đã có một đề xuất: Thành lập Hiệp hội Thời trang Việt Nam!

Đây được kỳ vọng sẽ là sân chơi cho những nhà thiết kế trong nước. Giúp họ kết nối với những doanh nghiệp ngoại quốc đang muốn tiếp cận với ngành thời trang Việt. Đồng thời thống nhất các nguồn lực về một mối, tạo tiền đề phát triển Thời trang nước nhà.

>>> Xem thêm: TƯƠNG LAI NGÀNH THỜI TRANG VIỆT: MUỐN PHỤC HỒI PHẢI THAY ĐỔI

Harper’s Bazaar Vietnam

Xem thêm