BẢO TÀNG NGHỆ THUẬT, KHÔNG GIAN MỚI CỦA THỜI TRANG

Người ta đã quen nhìn thấy các mẫu thiết kế thời trang trên sàn diễn hay các trung tâm mua sắm. Tuy nhiên, thời trang giờ đây đã tiến thêm đến một không gian mới: các bảo tàng.

Một góc triển lãm Alexander McQueen: Savage Beauty

Một góc triển lãm Alexander McQueen: Savage Beauty

Cả gian phòng nhuốm chút gì đó hơi rờn rợn trong tiếng rít nhẹ của gió. Chiếc đầm lụa bóng màu nâu đen phập phồng hết cỡ, phần phật dưới lực thổi của thiết bị tạo gió đặt dưới sàn. Đập vào mắt người xem ở hướng đối diện là tủ kính trưng bày năm bộ trang phục dưới ánh đèn mờ tỏ, đủ để nhìn thấy từng chi tiết và cũng đủ âm u phù hợp với chủ đề của gian triển lãm: Romantic Gothic. Các vị trí khác của căn phòng đều tràn ngập những bộ đầm đen cầu kỳ, như những nàng ma cà rồng quý tộc hiện ra giữa bóng tối.

20140910_bao-tang-thoi-trang-alexander-mcqueen-the-met

Các thiết kế của Alexander McQueen tại bảo tàng The Met, New York

Mỗi thiết kế đứng đó như một tác phẩm nghệ thuật đã đi vào lịch sử. Giờ đây, dưới lời hiệu triệu của vị thần nghệ thuật, chúng đang thầm kể câu chuyện của riêng mình. Đây là chiếc đầm một người mẫu đã mặc và đứng giữa sàn diễn cho bốn cánh tay rô-bốt phun màu năm 1999. Kia là bộ đầm chiffon trắng xếp tầng trong hình ảnh ba chiều của siêu mẫu Kate Moss ở cuối màn diễn Thu Đông năm 2006. Mỗi thời khắc xưa lại hiện về nguyên vẹn trong tâm trí người xem như một thước phim không gián đoạn về cuộc đời nhà thiết kế.

Từ tư cách những thương phẩm, mỗi chiếc đầm, đôi giày cao 25cm hay chiếc mũ rực rỡ đã nghiễm nhiên trở thành tác phẩm nghệ thuật đi cùng thời gian. Giờ đây chúng có giá trị ngang bằng những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc của các nghệ sỹ lừng danh.

 

 

Cuộc đấu tranh đòi chỗ đứng nghệ thuật

Đưa các thiết kế lên vị thế xứng đáng của chúng cũng chính là mục đích cuối cùng của một cuộc triển lãm thời trang. Rõ ràng khát vọng ấy trở thành hiện thực khi mà cứ mỗi phút giây trôi qua, các bảo tàng lớn trên thế giới lại sẵn sàng tổ chức thêm nhiều cuộc triển lãm như vậy. Ấy là chúng ta còn chưa tính tới những cuộc trưng bày nhỏ trong các gallery hay trung tâm thương mại.

Ngày càng có nhiều các cuộc triển lãm đình đám, tôn vinh thời trang và nghệ thuật diễn ra: triển lãm Culture Chanel ở Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc, triển lãm Daphne Guinness ở Fashion Institute of Technology, triển lãm The Art of Bvlgari: La Dolce Vita 1950–1990 tại bảo tàng De Young ở San Francisco.

20140910_bao-tang-thoi-trang-bulgari-liz-taylor-emerald

Chiếc vòng khảm emerald Columbia của Liz Taylor được trưng bày tại triển lãm The Art of Bvlgari: La Dolce Vita

Thời trang đang từng bước vượt xa ý nghĩa thương mại, bước ra khỏi sàn diễn và những boutique để đến với các bảo tàng. Ở nơi đây, các mẫu thiết kế không còn là những sản phẩm tiêu dùng mà đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Và như vậy, bảo tàng đã trở thành một không gian của thời trang.

Đây là một phần của cuộc tranh đấu trên quy mô lớn để giới chuyên gia cũng như công chúng dần chấp nhận quan điểm: thời trang cũng là nghệ thuật. Người thiết kế thời trang chính là những nghệ sỹ. Họ sáng tạo, làm việc trên vải vóc, da thuộc và các chất liệu khác nữa. Thiết nghĩ, cũng đã đến lúc nên trao cho những con người làm việc bằng óc sáng tạo và đôi tay khéo léo này danh hiệu đó. Các nhà quản lý bảo tàng khắt khe nhất cũng đang dần chấp nhận điều này.

Nơi diễn ra cuộc triển lãm các thiết kế của Alexander McQueen, Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York, cũng chính là nơi đã mở đầu cho hình thức triển lãm thời trang. Tại nơi này hơn 30 năm trước, cố biên tập viên thời trang Diana Vreeland của Harper’s Bazaar Mỹ, dưới sự dẫn dắt của giám đốc bảo tàng khi đó là Philippe de Montebello đã làm một nghiên cứu về Yves Saint Laurent, nhà tạo mẫu đầu tiên tổ chức trưng bày ở bảo tàng.

Tuy nhiên, nếu tìm về nguồn gốc của sự kết hợp giữa bảo tàng thời trang, phải kể đến nỗ lực của Christian Dior lúc sinh thời. Trước cả năm 1947, thời điểm bộ sưu tập New Look của hãng nổi lên như một làn sóng thời trang mới, Dior đã có mối quan hệ mật thiết với các nghệ sỹ đương thời. Ông dựng cả một gallery vào năm 1925 để trưng bày tác phẩm của các nghệ sỹ như Picasso, Dali, Klee, Giacometti và Dufy từ khi họ chưa nổi tiếng. Tiếp nối điều này, triển lãm Christian Dior và Các nghệ sỹ Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh năm 2008 đã mượn mười tác phẩm đương đại nước này để khắc họa lịch sử và thương hiệu huyền thoại đến từ Pháp.

20140910_bao-tang-thoi-trang-dior-pushkin

Triển lãm Inspiration Dior tại bảo tàng Pushkin, Nga

20140910_bao-tang-thoi-trang-dior-hokusai

Thiết kế Dior lấy cảm hứng từ tranh khắc gỗ Nhật Bản của Hokusai

Ngoài ra, trong triển lãm Inspiration Dior giữa năm 2011 tại Bảo tàng Pushkin, Nga, hãng Dior cũng thể hiện tham vọng tạo sự tương quan so sánh những thiết kế của mình với các tác phẩm nghệ thuật khác. Ở đó bạn có thể bắt gặp sự tương đồng giữa bức tranh The Great Wave Off the Coast of Kanagawa (1848) của danh họa Katsushika Hokusai đặt cạnh chiếc áo khoác Suzurka-San (2007). Ngoài ra, các tác phẩm của Klimt, Renoir, Sargent, Van Gogh cũng đã được mượn từ những bảo tàng lớn trên thế giới để làm minh chứng cho sự nối kết chặt chẽ giữa những cảm hứng sáng tạo của Dior và hội họa.

Bên cạnh việc tạo cho mình mối quan hệ gần gũi nhất với nghệ thuật, các hãng thời trang còn thông qua trưng bày để tôn vinh các sáng chế tiến bộ của thời đại. Với tinh thần du lịch, đề cao những chuyến hành trình khám phá, Louis Vuitton đã có cuộc triển lãm Louis Vuitton Voyages tại Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc. Những chiếc va-li kiêm tủ quần áo hay giường ngủ, phòng tắm và thậm chí cả một căn nhà di động hoàn chỉnh chính là những sáng tạo thủ công của hãng để bắt nhịp với thay đổi của thiên niên kỷ mới. Triết lý của hãng là những tiến bộ về công nghệ và phương tiện vận chuyển đã thay đổi toàn bộ xã hội. Chẳng có lý do gì để Louis Vuitton không đánh dấu bước ngoặt này bằng những sản phẩm đa chức năng, đáp ứng nhu cầu con người thời đại.

 

Đưa thế giới xa hoa đến gần hơn với công chúng

Nói tới dịch chuyển, không thể không nhắc đến trào lưu di động của các triển lãm thời trang. Giờ đây, bạn chẳng phải đi đâu xa để chiêm ngưỡng các tác phẩm thời trang khi những bảo tàng đã tự đến bên bạn. Việc chủ động tiếp cận công chúng chính là mục đích quan trọng thứ hai của các triển lãm thời trang.

Một ví dụ tiêu biểu là cuộc triển lãm ấn tượng Mobile Art của Chanel. Không gian của Mobile Art chính là một bảo tàng di động khổng lồ do nữ kiến trúc sư tài năng Zaha Hadid thiết kế. Bảo tàng lấy cảm hứng từ chiếc túi 2.55 huyền thoại của Chanel này “di chuyển” từ Hồng Kông đến New York và còn dừng lại ở một số địa điểm khác, mang theo tác phẩm của 20 nghệ sỹ đương đại trên khắp thế giới.

Nhờ vậy, nhiều tầng lớp công chúng ở nhiều khu vực trên toàn cầu có thể được chiêm ngưỡng các thiết kế. Không chỉ người dân ở London có thể đến Bảo tàng Victoria and Albert để xem triển lãm mũ của nhà thiết kế Stephen Jones (2009) mà ngay cả cư dân châu Úc cũng có thể đến Brisbane để chiêm ngưỡng tác phẩm của bậc thầy này. Những triển lãm khác của Jones cũng diễn ra gần đây ở Istanbul và Bảo tàng Mode tại Antwerp, Bỉ.

20140910_bao-tang-thoi-trang-stephen-jones

Các mẫu mũ của Stephen Jones from một triển lãm

Không chỉ vậy, triển lãm, bằng ngôn ngữ nghệ thuật giàu có của mình, sẽ thay cho những bản thông cáo báo chí khô khan kể lại thiên sử ca của thương hiệu. Nhờ đó, người xem sẽ nhận thức rõ hơn rằng thiết kế của hãng này không chỉ có chất liệu tuyệt hảo, đường may trau chuốt mà còn được đúc kết từ kỹ thuật thủ công truyền đời qua hơn trăm năm lịch sử nhân loại. Có thể sắp tới đây, làn sóng triển lãm thời trang sẽ là duyên cớ hình thành nên trào lưu: mua sắm không chỉ để khẳng định đẳng cấp bản thân mà còn vì những câu chuyện ẩn chứa sau tên các nhãn hiệu.

Còn với đại bộ phận công chúng, chưa bao giờ thế giới thời trang cao cấp lại mở rộng cửa với họ đến thế. Trước đây, thế giới này chỉ trải thảm cho một bộ phận nhỏ những cá nhân có lối sống vương giả. Giờ đây ai ai cũng có thể chạm vào, mân mê và thán phục trước một sản phẩm thời trang cao cấp trong cự li gần nhất có thể.

Xin được kể một câu chuyện thay cho lời kết. Năm 1930, một nhà độc tài muốn chuyển cả ngành công nghiệp thời trang của Paris đến Đức. Một chính khách đã can ngăn bằng lý lẽ: “Bất kể sức mạnh nào đi nữa cũng đều có chung số phận là tàn lụi trước thời trang”. Vậy nên, một khi thời trang đã muốn được khẳng định là nghệ thuật thì khó có gì ngăn cản được tham vọng ấy. Vị trí trang trọng của các triển lãm thời trang trong các bảo tàng danh giá là minh chứng hùng hồn cho điều đó.

Bài: Diễm Trinh. Ảnh: AFP, Tư liệu
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm