Kabuki, hay ca vũ kịch, là một trong những nét văn hóa cổ truyền đặc trưng nhất xứ Phù Tang. Những tưởng Kabuki đã lùi vào quá vãng, thì giờ đây, chúng đã xuất hiện trở lại. Với diện mạo mới mẻ hơn, ngay trên chính sàn diễn của thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.
Địa điểm tổ chức show diễn chính là Bảo tàng Miho. Nơi này cách cố cung Kyoto về phía Đông Nam khoảng một giờ lái xe. Kiến trúc Miho được mô phỏng từ cuốn tiểu thuyết “Chân trời đã mất” với địa danh hư cấu Shangri-la. Đó là thung lũng được vẽ lên trong trí tưởng tượng, đẹp đẽ tựa thiên đường nơi hạ giới.
Ở nơi giao thoa giữa đất trời ấy, từng dàn người mẫu bước ra trong tiếng nhạc huyền hoặc. Với gương mặt được tô vẽ cẩn thận, mái tóc đánh rối tung bay, họ khiến người xem không khỏi tự nhủ: phải chăng đây là màn tái hiện hình ảnh ngôi sao nhạc rock David Bowie? Chiếc áo zigzag ấy, đường kẻ ấy, những cầu vai độn ấy! Chúng gợi nhớ đến khắc khoải show diễn Ziggy Stardust năm 1972 và Aladdin Sane một năm sau đó.
Và dĩ nhiên, câu hỏi trên cũng chính là lời giải đáp. Trong buổi diễn dòng Cruise 2018, nhà thiết kế Pháp Nicolas Ghesquière đã hợp tác cùng nhà thiết kế lừng danh đến từ Nhật Bản Kansai Yamamoto, để một lần nữa chính thức ghi tên mình vào trang sử thời trang đương đại thế giới.
Louis Vuitton: Điểm giao thoa kim cổ
Đối với giới mộ điệu, Kansai Yamamoto đã là cái tên không còn quá xa lạ. Ông chính là người đã tạo nên các bộ trang phục mang đậm hơi thở avant-garde của David Bowie. Sự cộng hưởng của hai mái đầu vĩ đại đã tạo nên những kiệt tác ấn tượng nhất lịch sử. Ở đó, họa tiết Kabuki và mỹ thuật truyền thống Nhật Bản được lồng ghép khéo léo, định hình nên bộ trang phục huyền thoại vinyl bodysuit ‘Tokyo Pop’ và áo choàng Kanji.
Trở lại show diễn Louis Vuitton lần này, Yamamoto tiếp tục phát huy bản sắc Kabuki vào từng trang phục. Từ hình tượng đôi mắt đến hình ảnh nghệ nhân và cách trang điểm đầy ấn tượng. BST chính là hiện thân hiện đại nhất của một trong những giá trị văn hóa cổ truyền nhất.
Louis Vuitton: Khi truyền thống là giá trị bất biến
Song hành cùng Kabuki, BST còn đi xa hơn khi trình làng các trang phục mang đậm tính nghệ thuật. Đó là phần họa tiết đẹp huyễn hoặc như tranh vẽ, được lấy từ những minh họa manga cổ điển và đỉnh cao của mỹ thuật Nhật Bản giai đoạn Momoyama (từ 1573 đến 1615), với tinh thần thượng tôn thiên nhiên hùng vĩ.
Ngoài ra, BST lần này còn cho thấy óc sáng tạo vô hạn của nhà thiết kế. Ông đã khéo léo lồng ghép trang phục cổ Nhật Bản vào lối ăn mặc hiện đại. Từ mẫu thắt lưng obi, quần ống thụng hay phần áo đính kết, xử lý vai mô phỏng áo giáp Yoroi và Do-Maru dành riêng cho Samurai. Từng trang phục như minh chứng rõ ràng cho thấy giá trị bất biến của nền văn hóa cổ truyền.
Phụ kiện và lối trang điểm cũng là chi tiết khiến người xem cảm thấy vô cùng thích thú. Đây có phải là chiếc mũ lấy hứng cảm từ mũ giáp Kabuto hay nón lính Nhật trong đại chiến thế giới lần thứ hai? Hãy nhìn vào phần rìa vải quấn bên dưới mũ kia, và bạn sẽ nhận ra rằng óc sáng tạo của con người là không có giới hạn!
Harper’s Bazaar Việt Nam