Thời trang thập niên 1920: phóng khoáng flapper

Những cô nàng flapper phóng khoáng trở thành chuẩn mực về lối sống và phong cách ăn mặc của phụ nữ thời kỳ này

Trước đây, phụ nữ chẳng dám khoe ra đôi chân và đôi tay của mình. Nhưng đến thập niên 1920, những bộ đầm họ mặc trở nên ngắn hơn. Nhiều phụ nữ còn dùng phấn hồng để phủ lên đầu gối nhằm giúp vùng da này trông khỏe mạnh và hồng hào

 

THỜI ĐẠI MỚI

Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, tại Hoa Kỳ, tầng lớp trung lưu bỗng trở nên giàu có. Bên cạnh đó, giới trẻ tỏ ra phẫn nộ đối với các thế hệ trước vì hàng triệu người cùng trang lứa đã bỏ mạng trên chiến trường. Cuộc sống sung túc, nỗi uất hận cũng như thái độ dửng dưng sau chiến tranh khiến giới thanh niên quay sang chống đối những định ước xã hội đương thời. Họ khao khát tạo ra nền văn hóa của riêng mình. Biểu hiện của điều đó là họ không muốn ăn mặc và hành xử như những thế hệ trước. Táo bạo hơn, họ còn tán đồng việc khỏa thân, hẹn hò kiểu hiện đại, nghe những điệu nhạc jazz sôi động do các nghệ sỹ gốc Phi trình diễn.

fashion-1920s-flapper

Gắn liền với những năm tháng của thập niên 1920 là sự ra đời của dòng nhạc jazz, flapper và các buổi hẹn hò thâu đêm. Người ta nhún nhảy quay cuồng theo điệu nhạc để thoát li những quan niệm truyền thống ràng buộc và thực tại của xã hội.

 

NÀNG FLAPPER NỔI LOẠN

Flapper là hình ảnh kiểu mẫu của những phụ nữ thời đó. Họ sống phóng khoáng, mặc váy ngắn, trang điểm đậm, uống rượu, tự do yêu đương, tận hưởng buổi tối ở các câu lạc bộ nhạc jazz và khiêu vũ điên cuồng. Giống như đàn ông, thế hệ phụ nữ mới cũng lái xe đạp, xe hơi, bắt đầu đi làm bên ngoài và thách thức những định kiến về vai trò của phụ nữ trước đó.

clara-bows

Clara Bow

 

Đại diện tiêu biểu cho thế hệ flapper ấy là diễn viên nổi tiếng của thời đại phim câm, Clara Bow. Cô là hiện thân của sex và tình yêu với sex mà không ngại thể hiện điều đó trước khán giả của mình. Rất nhiều phụ nữ học theo phong cách của Clara Bow, cô nghiễm nhiên trở thành một trong những người ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến thời trang thập niên 1920.

 

TRẺ HƠN, NGẮN HƠN VÀ KHÔNG ĐƯỜNG CONG

Nếu như trước đó, phụ nữ thường trông già hơn tuổi thật với những trang phục rườm rà và tóc búi cầu kỳ thì giờ đây những chuẩn mực ấy đã bị thay đổi. Phái đẹp thích bắt chước hình ảnh của những cô nàng thanh thiếu niên dáng thẳng, ngực nhỏ đương độ dậy thì. Lần đầu tiên, phụ nữ dám khoe ra đôi chân và đôi tay với những kiểu đầm ngắn (ngang bắp chân hoặc đến gối), ống tay áo ngắn rồi dần dần thay thế bằng kiểu không tay. Vòng ngực được “san phẳng” bằng kiểu đầm chất liệu nhẹ, dáng suôn và rộng, eo trễ để xóa bỏ những đường cong. Bề mặt vải thường được thêu, in họa tiết, đính hạt tỉ mỉ và công phu.

Từ trái sang: diễn viên Alice Joyce, diễn viên Louise Brooks, nhà thiết kế Coco Chanel

Từ trái sang: diễn viên Alice Joyce, diễn viên Louise Brooks, nhà thiết kế Coco Chanel

 

Đến giữa thập kỷ, những mẫu đầm đính hạt công phu trở nên rất phổ biến. Kiểu tất không có đường nối dệt bằng tơ nhân tạo óng ánh cũng dần được ưa chuộng để giúp phụ nữ khoe ra đôi chân trần gợi cảm.

 

TIỀN THÂN CỦA ĐẦM COCKTAIL

Những kiểu đầm ngắn màu nổi bật dành cho buổi tối được đính hạt và tua rua cầu kỳ lúc bấy giờ đã khởi phát cho sự ra đời của kiểu đầm cocktail sau này.

fashion-1920s-3

Diễn viên Louise Brooks

 

NHỮNG PHỤ KIỆN ĐIỂN HÌNH

Đó là giày cao gót có quai ôm cổ chân dạng bít mũi, mũ vành đơn giản, phổ biến nhất là kiểu cloche ôm sát đầu có vành nhỏ đội sụp xuống tận mắt. Thế nhưng đến cuối thập kỷ, những kiểu băng-đô lông vũ dần soán ngôi thống trị của mũ, đặc biệt là khi phối hợp với các trang phục ban đêm. Trang sức phụ nữ thường đeo là chuỗi ngọc trai dài có nút thắt hoặc vắt lên vai phải và những kiểu vòng băng kim loại đeo ở bắp tay. Một chất liệu thời trang mới là tơ nhân tạo được dùng làm tất không đường nối. Giai đoạn này, phụ nữ rất thích cuộn tròn viền miệng tất xuống dưới.

 

CHUẨN MỰC CỦA CÁI ĐẸP

Phụ nữ để tóc ngắn uốn cong hoặc kiểu đuôi ôm sát da đầu và mỗi bên tai là một lọn tóc cong lớn. Lông mày tỉa thật mỏng giúp tôn lên gương mặt. Trang điểm tập trung nhấn vào đôi mắt để trông to hơn. Môi tô hình trái tim chúm chím nhằm thu hẹp chiều ngang. Trào lưu này đã giúp ngành công nghiệp mỹ phẩm phát triển rầm rộ vào thập niên 1920.

fashion-1920s-2

Nghệ sỹ Josephine Baker

Bài: Tổng hợp – Ảnh: Tư liệu

Xem thêm