Thời trang Rap Việt: Vì sao dân chơi hip hop thích dây xích đeo cổ hầm hố?

Dây xích đeo cổ không chỉ là thứ trang sức thể hiện gu thời trang. Món trang sức này còn mang tính chất biểu tượng quan trọng đối với bộ môn rap và hip hop.

Huấn luyện viên Wowy Nguyễn và chiếc dây xích đeo cổ trên Vòng Chinh phục chương trình Rap Việt. Ảnh: Rap Việt

Trên chương trình Rap Việt, hẳn bạn đã thấy các huấn luyện viên Wowy, Binz, cùng nhiều thí sinh diện dây xích đeo cổ. Nó không chỉ là một món trang sức gây ấn tượng cho thí sinh trên sân khấu. Mà trang sức mắt xích đã từ lâu là một đặc điểm văn hóa của hip hop và rap.

Huấn luyện viên Binz với chiếc dây xích lấp ló ở cổ áo thun. Ảnh: Rap Việt

Văn hóa hip hop và rap đã thay đổi khá nhiều từ khi nó được chính thức khai sinh vào thập niên 1970. Âm nhạc, lời rap, cách chơi beat… Nhưng có một điểm vẫn bất biến. Đó chính là trang sức.

Thuở khai sinh hip hop: Thập niên 1970

Hip hop và rap là một cách giãi bày nỗi lòng của những người thuộc địa vị xã hội thấp. Gia cảnh bần cùng, sinh ra và lớn lên tại những khu ổ chuột, không có cơ hội tìm việc làm tốt. Cuộc sống cơ cực đã tạo nên cơn căm phẫn, nguồn cảm hứng viết lên những lời nhạc.

Những kẻ khốn khó viết nên bản nhạc rap và hip hop đầu tiên chưa từng nghĩ mình sẽ có thể kiếm ra đủ tiền để mua trang sức đắt tiền. Nhưng khi họ đủ thành công rồi, thì họ phải chứng tỏ bản lãnh của mình. Và không gì tốt hơn để chứng tỏ điều này với những món trang sức bằng vàng, đính kim cương lấp lánh.

Rapper Kurtis Blow và những dây xích đeo cổ lóa mắt. Ảnh: New Wave Magazine

Người khai sinh trào lưu này trong cộng đồng rap và hip hop là rapper Kurtis Blow. Ông là rapper đầu tiên công phá thị trường âm nhạc đại chúng của Mỹ, thành công ký hợp đồng  với một hãng sản xuất âm nhạc lớn. Album The Breaks của ông là album hip hop đầu tiên đạt chứng nhận đĩa vàng (có lượng tiêu thụ đạt hơn 500,000 bản tại Mỹ). Để chứng tỏ thành công của mình, Kurtis Blow liên tục xuất hiện trong dây xích đeo cổ vàng. Các rapper khác nhanh chóng học theo.

Thập niên 1980: Các rapper cạnh tranh qua lượng dây xích vàng đeo trên cổ

Hai rapper Eric B và Rakim gây sốc với những chiếc dây xích đeo cổ bằng vàng. Ước tính, mỗi dây đeo này trị giá 100,000 đô-la Mỹ. Ảnh: Tumblr

Đến thập niên 1980, hip hop trở nên ngày càng thịnh hành. Các ca khúc hip hop và rap liên tục được chơi trên đài radio và TV, mang lại thu nhập khá cho các nghệ sỹ. Đi đôi với tiền hoa hồng cao là tiền vào như nước. Sử dụng nó như thế nào như hợp lý? Chỉ có thể là trang sức!

Rapper LL Cool J khai sinh mẫu nhẫn 4 ngón. Ảnh: LL Cool J

Không chỉ có dây xích vàng đeo cổ, những món trang sức hầm hố và to bản khác cũng được trọng dụng. Đồng hồ vàng. Nhẫn đeo khắp bốn ngón. Thậm chí là những đôi giày thể thao phiên bản giới hạn. Các rapper đá xéo, công kích lẫn nhau qua những món đồ xa xỉ này. Ai sở hữu nhiều hơn, người ấy thành công hơn.

Thập niên 1990: Dây xích vàng đeo cổ trở thành phương thức marketing

Sau hai thập kỷ, hip hop trở thành một phần của ngành công nghiệp âm nhạc đại chúng. Các nghệ sỹ đường phố cùng nhập hội, thành lập những công ty sản xuất riêng. Nếu trước đây họ chỉ là rapper nổi danh, nay, họ trở thành các nhà sản xuất quyền lực.

Những món trang sức to bản, đắt tiền không chỉ được minh họa trên bìa các album. Mà chúng được thăng hạng, giăng khắp các biển bảng quảng cáo lớn. Khi hip hop và rap được thương mại hóa, những món trang sức này cũng đồng dạng, trở thành một phương thức marketing, quảng cáo cho độ thành công của dòng nhạc này.

Rapper Jay-Z và bộ trang sức đồng bộ. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Timothy White

Lúc này, chỉ sở hữu một dây xích đeo cổ bằng vàng chưa đủ. Nó phải là món đắt nhất. Đôi khi trị giá cả trăm nghìn đô-la Mỹ. Và một dây thôi không đủ. Rapper phải diện đồng bộ: nhẫn vàng trên tay, đồng hồ trên cổ tay.

Từ thập niên 2000 trở đi, kim cương nhập hội

Nếu vào thập niên 1970, rap và hip hop là âm nhạc của những kẻ bị xã hội bỏ quên. Thì qua đến thập niên 2000, những người nghệ sỹ chơi rap và hip hop lại được các tập đoàn đa quốc gia chào đón. Họ trở thành gương mặt đại diện của những nhãn hàng lớn. Và nguồn thu nhập của họ trở nên khổng lồ hơn bao giờ hết.

Rapper người Mỹ Nelly đại diện cho hãng nước tăng lực. Jay-Z (chồng Beyoncé) thì có giày thể thao. Năm 2004, rapper 50 Cent trở thành đại diện cho nhãn hàng nước Vitaminwater với điều kiện được mua cổ phần trong công ty. Khi Vitaminwater được bán cho tập đoàn Coca-Cola, chàng rapper này bỏ túi 100 triệu đô-la Mỹ ngon ơ.

Đừng quên Eminem. Anh nhận giải Oscar khi làm nhạc phim cho bộ phim điện ảnh 8 Mile, bộ phim dựa trên cuộc đời của anh. Chính bộ phim này cũng đạt doanh thu 242 triệu đô-la Mỹ tại các phòng vé.

Rapper Pharrell Williams bên nhà sản xuất Nigo tại lễ trao giải MTV năm 2006. Trên cổ anh là dây N.E.R.D mang hình ảnh của anh và các bạn cùng nhóm. Nó được khảm toàn bộ bằng kim cương, kể cả kim cương màu. Thiết kế từ Jacob the Jeweler trị giá 1 triệu đô-la mỹ. Ảnh: Grailed

Vô hình chung, các rapper thành công trở thành các doanh nhân. Địa vị xã hội của họ thăng hạng. Và họ tiếp tục sử dụng trang sức như món đồ chứng tỏ bản lãnh cá nhân.

Đến năm 2005, các nhóm hip hop (crew) định vị bản thân khi sử dụng dây đeo cổ nạm kim cương nạm theo biểu tượng nhóm. Các thành viên đều sở hữu một dây để chứng tỏ lòng trung thành với đội hữu.

Ngoài các món trang sức truyền thống, thập niên 2000 còn xuất hiện một món kỳ lạ khác: bọc răng kim loại (grillz). Những bộ hàm niền răng bằng vàng bạc, đính pha lê hay đá quý, được cho là ý tưởng của nhà thiết kế gốc Việt Johnny Đặng. Anh hợp tác với rapper Nelly và Paul Wall, chế tác nên bộ bọc răng cho họ trong MV Grillz. Mẫu trang sức mới lạ này gây nên một cơn sốt tại Mỹ và châu Âu. Ước tính, bộ grillz đắt đỏ nhất thuộc sở hữu của Lil Wayne, trị giá 150,000 đô-la Mỹ.

Katy Perry (trái) và Miley Cyrus (phải) mang cặp grillz loé sáng trên răng lên thảm đỏ MTV. Ảnh: Wire Images

Biểu tượng của địa vị xã hội

Thuở khai sinh, nhạc rap và hip hop là một phương tiện để những người thấp cổ bé họng kêu oan về nỗi niềm của mình. Họ có thể là người da màu, bị xã hội da trắng đàn áp. Hoặc là những người nghèo khổ không được xã hội kính trọng. Rap là tiếng nói của những con người khốn khó, chứ không phải chỉ là âm nhạc của những buổi tiệc tùng hay ăn chơi.

Và vì vậy, khi một ít những người trở nên nổi tiếng, giàu có nhờ bộ môn âm nhạc này, thì họ phải chứng tỏ cho cả thiên hạ thấy rằng: Đừng ai khinh thường tôi, vì tôi có tài và có thể thành công. Không gì tốt hơn trang sức, đồng hồ đắt đỏ để chứng minh điều này.

Trang sức là biểu tượng cho thấy: Người nghệ sỹ đã thoát khỏi những khó khăn mà ca khúc của họ ghi chép lại. Một biểu tượng của quyền lực, sự thành công và sự giải thoát.

Huấn luyện viên Wowy Nguyễn và Dế Choắt, thí sinh về đội mình, tại vòng Chinh phục Rap Việt. Ảnh: FB Wowy Nguyễn

>>> Xem thêm: DÀN HUẤN LUYỆN VIÊN CHƯƠNG TRÌNH RAP VIỆT KHOE PHONG CÁCH THỜI TRANG COOL NGẦU

Trích Kulture Hub, Highsnobiety
Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm