Thay vì dành cho nhau những lời động viên sau ngày dài bận rộn, sao ta lại sa vào chuỗi phàn nàn về chuyện đồ đạc chưa đúng chỗ, hàng rào tỉa chưa đúng cách… và khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng?
Nếu có dịp ngồi nghe “lỏm” các đức ông chồng trò chuyện, bạn có thể nhận ra họ cũng kêu ca hàng giờ về gia đình chẳng khác gì phụ nữ. Một trong những vấn đề bị đem ra than vãn nhiều nhất chính là thói ưa cằn nhằn của các bà vợ. Có đủ thứ nguyên do để vợ bắt đầu “bật đài”, nhưng với các anh thì đa số toàn là chuyện không đâu.
Chồng nhỡ đi giày vào nhà tắm, vứt rác ra sàn nhà, quên không mặc thêm áo cho con… thế là gương mặt vốn xinh đẹp của vợ bỗng chuyển thành cau có. Rồi những câu làu bàu luôn bắt đầu bằng: “Anh lúc nào cũng thế” tuôn ra. Chẳng ít người chồng phải thở dài mà bảo: “Không biết phải làm những gì để vừa lòng vợ nữa, cáu bẳn suốt cả ngày!”. Với các anh, những chuyện ấy có gì đâu mà phải làm to chuyện lên thế.
Thế nên mới có một chuyện cười. Người đàn ông được chọn giữa một người vợ xinh đẹp và chiếc ti-vi mới. Anh đã chọn ngay chiếc ti-vi, bởi ít nhất thì anh có thể tắt tiếng nó, còn với vợ thì không.
Nói đi cũng phải nói lại, cáu kỉnh cũng chẳng phải là đặc quyền của riêng phụ nữ. Không ít đấng mày râu cũng khó tính, cũng ưa cằn nhằn và hay để ý những sai sót nhỏ của người khác. Vợ, bạn gái dù cẩn thận đến đâu, cũng không tránh được việc bị anh nhắc nhở, góp ý… liên tục từ trong nhà ra ngoài đường. Có không ít phụ nữ lấy phải người chồng quá kỹ tính nên thường xuyên thấy áp lực và mệt mỏi.
Chuyện bé xé ra to
Nếu nhìn lại, có lẽ chúng ta đều có thể nhận ra rằng các cặp vợ chồng thường bất hòa bởi những vấn đề rất vặt vãnh: Xe đậu không đúng chỗ, nhà hút bụi chưa sạch, xem ti-vi xong quên không tắt… Nghịch lý là những điều ấy thường chỉ “to tát” trong mắt người này, mà lại là quá nhỏ nhoi trong mắt người kia, dẫn đến hậu quả là chúng không bao giờ được giải quyết triệt để.
Thực ra, để ý đến những điều nhỏ nhặt là bản tính của từng người. Chúng ta được sinh ra, dạy dỗ để quan tâm, chăm sóc mọi điều, từ nhỏ nhặt đến lớn lao. Ở một mặt, tính cách ấy giúp chúng ta nhanh nhạy trong nhìn nhận những thiếu sót để sửa đổi. Người quá cẩn thận thì hay để ý đến tiểu tiết, nên việc họ dễ cáu vì những lỗi lầm nhỏ của người khác cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.
Bên cạnh đó, sự cáu kỉnh ấy cũng là một biểu hiện cho thấy những căng thẳng trong cuộc sống hiện đại. Con người giờ đây gánh trên vai rất nhiều trách nhiệm. Phụ nữ vừa phải thành đạt trong đời sống, lại vừa phải là một người vợ, một người mẹ chu toàn. Đàn ông cũng vậy, cả ngày đi làm, giải quyết, điều hành những chuyện lớn, vậy mà buổi tối về mọi thứ không đâu vào đâu, không như ý muốn, dễ nổi cáu lắm chứ.
Trách nhiệm chồng chất không khỏi có lúc sẽ đẩy chúng ta vào trạng thái căng thẳng. Và khi ta càng căng thẳng thì đôi mắt lại càng nhạy cảm với những thứ bừa bãi, khiếm khuyết của người sống cùng. Đôi môi đẹp kia đâu có thích buông ra những lời làu bàu, chẳng qua là vì ta đang mệt mỏi đấy thôi.
Vì thế, phụ nữ dù ở cương vị nào, dù sự nghiệp thành đạt đến đâu, nhiều khi cũng vẫn bị người đàn ông của mình gọi là kẻ “ưa chấp nhặt”. Hay ngược lại, đàn ông ra đường thì phóng khoáng là thế, về tới nhà vẫn bị vợ thở dài ngao ngán.
Thế rồi, nhiều khi người ta không biết rằng chính những điều nhỏ nhặt bình thường ấy, tích tiểu thành đại, dần dần sẽ trở thành một trong những lý do khiến một mối quan hệ đi đến căng thẳng. Đâu có thiếu những người khác ngưỡng mộ sự thành công, khéo léo của mình, sao cứ phải gắn bó với một người chỉ suốt ngày càu nhàu, chê trách?
Mặt trái của sự cầu toàn
Dường như bất cứ ai đạt tới vị trí cao trong xã hội đều là một ví dụ tốt cho tinh thần của chủ nghĩa hoàn hảo. Dẫu ai cũng biết rằng sự hoàn hảo thực sự vốn là điều không tưởng, nhưng không phải vì thế mà người ta ngừng đặt ra các yêu cầu cao cho mình.
Tính cách ấy chắc chắn là tốt cho sự nghiệp của chúng ta. Thế nhưng, liệu chủ nghĩa hoàn hảo có giúp đời sống hôn nhân của chúng ta trở nên tốt đẹp hơn hay không? Đó là một câu hỏi không dễ trả lời.
Một người cầu toàn thường có xu hướng nhìn vào khiếm khuyết hơn là nhìn vào những gì đã đạt được. Chúng ta muốn cải thiện những sai lầm, khiếm khuyết của cả mình và người khác. Do đó, khi ngắm một bức tranh, ta chỉ nhìn thấy một nửa vẻ đẹp, bởi một nửa tâm trí còn băn khoăn xem tranh có chỗ nào cần sửa chữa hay không.
Trong cuộc sống gia đình cũng vậy, chúng ta có thể vì muốn tất cả phải vẹn toàn mà quên mất niềm vui được ở cạnh người bạn đời. Thay vì dành cho nhau những lời động viên, khen ngợi sau ngày dài bận rộn, ta lại sa vào chuỗi phàn nàn về chuyện đồ đạc chưa đúng chỗ, hàng rào tỉa chưa đúng cách… và khiến không khí gia đình trở nên căng thẳng.
Không chỉ vậy, một người quá cầu toàn có thể khiến người bạn đời cảm thấy áp lực. Chúng ta đã phải đóng vai một người mạnh mẽ, hoàn hảo ngoài xã hội, giờ lại phải hoàn hảo nốt trong từng câu nói, bước đi khi ở nhà. Cuộc sống nếu cứ như vậy như vậy thì liệu còn mấy chỗ cho niềm vui?
Những lời phàn nàn nho nhỏ hàng ngày vốn có tác dụng để người ta nhận ra những thiếu sót của mình và hiểu nhau hơn. Thế nhưng, khi quá đà, chúng có thể tích thành quả bom làm nổ tung mọi thứ. Một sự nhịn chín sự lành, câu nói ấy không phải lúc nào cũng mang ngụ ý khuyên bạn cam chịu, mà còn nhắc bạn về ứng xử.
Vì thế, đừng để cuộc sống trở thành tập hợp của những cơn cáu kỉnh bởi những điều lặt vặt. Giả sử lúc này bạn có bực mình vì một chút sự lộn xộn trong nhà, cũng nên tự nhủ: “Thôi nào! Đừng cằn nhằn” và tham khảo những lời khuyên của tiến sỹ Laura Schlessinger. Bà là tác giả của các cuốn sách về hôn nhân gia đình từng nằm trong danh sách bán chạy nhiều tuần liền theo tổng hợp của nhật báo New York Times (Mỹ), trong đó có The Proper Care and Feeding of Husband.
LỜI KHUYÊN CỦA LAURA SCHLESSINGER
Khi bạn chưa hài lòng với điều lặt vặt nào đó trong gia đình, hãy tự xắn tay vào làm. Đừng yêu cầu chồng giải quyết những điều chỉ có bạn thấy khó chịu. Quan trọng hơn, khi tự mình thực hiện, bạn sẽ không còn bực mình vì thấy anh không chịu làm theo cách bạn muốn.
Tuy nhiên, nên động viên chồng cùng làm. Sự đồng thuận của cả hai vợ chồng là điều quan trọng để duy trì hôn nhân tốt đẹp. Hãy bàn bạc cùng anh để tìm ra cách giải quyết các vấn đề bạn chưa hài lòng, thay vì suốt ngày cằn nhằn về chúng một cách thiếu thiện chí.
Trò chuyện với chồng để biết rõ hơn những khó khăn anh gặp phải trong cuộc sống thường nhật và không hiểu nhầm những hành động của anh.
Dù là một người cầu toàn tới đâu trong công việc và sự nghiệp, khi về với gia đình, bạn hãy thả lỏng mình và “mạo hiểm để trở thành người không hoàn hảo”. Khi biết mình không hoàn hảo thì bạn cũng dễ dàng chấp nhận sự không hoàn hảo của chồng.
Đôi khi, bạn nên học cách im lặng dù rất khó khăn để kiềm chế khi thấy những sự bừa bãi trong gia đình. Tuy nhiên, sự im lặng nhiều lúc là cần thiết. Bạn nên bình tâm suy nghĩ lại liệu điều ấy có đáng để không khí trong nhà trở nên căng thẳng hay không.
Bài: Phương Linh – Ảnh: Getty Images