Theo đuổi nghệ thuật, dễ và khó

Trên hành trình theo đuổi nghệ thuật, nghệ sĩ phải vượt qua nhiều khó khăn, từ vật chất đến tinh thần. Cần lưu tâm những gì để nuôi dưỡng tình yêu và sức bền trong địa hạt này?

Theo đuổi nghệ thuật ở Việt Nam là một hành trình dài và nhiều trở ngại. Ảnh: Shutterstock

Theo đuổi nghệ thuật ở Việt Nam là một hành trình dài và nhiều trở ngại. Ảnh: Shutterstock

Vừa qua, Harper’s Bazaar có dịp tham dự buổi bảo vệ Luận án Tốt nghiệp của sinh viên Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ngoài những tác phẩm và quá trình thực hành nghệ thuật, tôi còn nghe nhiều tâm sự của các sinh viên, về hành trình nuôi dưỡng đam mê và ước mơ trong nghệ thuật.

Hàng năm, việc tuyển sinh nghệ thuật tại Việt Nam thường gặp khó khăn, với lượng ứng tuyển thấp. Các trường như Đại học Nghệ thuật Huế, Học viện Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội hay các bộ môn nghệ thuật cổ truyền như tuồng, chèo, cải lương… có số lượng ứng tuyển rất thấp.

Theo NSND Nguyễn Văn Quang – Cựu Hiệu trưởng Học viện Múa Việt Nam – tuyển được thí sinh có năng khiếu đã khó, đến khi duy trì việc học còn khó hơn, bởi nhiều gia đình không muốn con theo ngành phải luyện tập vất vả mà lúc ra trường đi làm lương lại không cao.

Đây chỉ là một trong nhiều thực trạng nếu theo đuổi nghệ thuật tại Việt Nam. Mỗi ngành nghề đều có những khó khăn và thuận lợi riêng. Nghệ thuật không ngoại lệ. Làm thế nào để sống được với nghề? Làm thế nào để  đi đường dài trong nghệ thuật? Hay đích đến xa hơn là nổi tiếng.

NSƯT Thành Lộc từng bộc bạch rằng: “Làm nghệ sĩ ai lại không mong mình nổi tiếng. Vì đó là cách mình biết rằng những sản phẩm của mình được đón nhận và yêu thích”.

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi muốn mang đến một vài góc nhìn cụ thể từ người trong cuộc, trong quá trình theo đuổi hành trình nghệ thuật tại Việt Nam.

Những rào cản khi theo đuổi nghệ thuật

Phạm Rồng và ba tác phẩm dự kiến (bên trái) trong đồ án tốt nghiệp tại Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: NVCC

Năm 2013, Phạm Rồng đậu Đại học Bách Khoa. Lúc này, anh mới khám phá ra đam mê nghệ thuật. Thế là, anh nghỉ ngang Bách Khoa, ghi danh thi vào Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.

Tháng rồi, Phạm Rồng vừa bảo vệ Luận án Tốt nghiệp, chuyên ngành Tranh sơn mài. Khi theo đuổi nghệ thuật, theo anh, mỗi thời điểm lại có một khó khăn.

Anh chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất đối với tôi là gia đình phản đối và những định kiến của xã hội về nghề này. Ngoài ra, cũng giống đa số các bạn sinh viên khác, gánh nặng về tài chính là một thách thức tương đối lớn”. Không nhận được sự ủng hộ từ gia đình nên anh “quyết định tự kiếm tiền để trang trải cuộc sống và theo đuổi con đường mà tôi đã chọn”.

nghệ sĩ piano Lương Tố Như

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như. Trang phục: Sandro

Còn với Lương Tố Như, nghệ sĩ piano Việt – Pháp, từng theo học Nhạc viện Boulogne-Billancourt tại Pháp, hiện đang làm việc ở Việt Nam, khó khăn khi hoạt động nghệ thuật tại nước nhà là sự khác biệt văn hóa Đông – Tây.

“Tại châu Âu, nghệ thuật là một quá trình tích lũy qua nhiều thế kỷ. Mình không dám khẳng định sự khác biệt ít hay nhiều, nhưng rõ ràng điều này ở trong tiềm thức của người dân cũng như chính phủ châu Âu, và cũng là một nét đặc trưng trong văn hoá của họ.

Nghệ thuật không chỉ mang tính chất giải trí, nghệ thuật mang tính văn hoá, lịch sử. Chúng giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển xã hội tại châu Âu. Chính vì vậy, việc thực hành nghệ thuật của nghệ sĩ tại châu Âu chắc chắn có sự thuận lợi hơn, vì đó là cả một quá trình tích luỹ về nhận thức trong lịch sử qua hàng ngàn, hàng trăm năm, và nó vẫn tiếp tục được bảo tồn phát triển theo một chiều hướng đó.

Một ví dụ rất đơn giản nói lên quá trình tích lũy về văn hóa nghệ thuật trong xã hội châu Âu là ở Pháp, nghệ sĩ là một nghề thực thụ. Nhà nước có trả lương cho nghệ sĩ tự do khi thực hành nghệ thuật đủ một số giờ nhất định trong tháng. Mức lương tối thiểu đó không cao nhưng đủ để nghệ sĩ có thể sinh sống khỏe mạnh như những công dân khác, và có thể dành toàn bộ tâm trí của mình vào việc hoạt động nghệ thuật. Có rất nhiều điều kiện cần và đủ để một nước đạt được đến bước phát triển này”.

>>> ĐỌC TIẾP: NGHỆ SĨ PIANO LƯƠNG TỐ NHƯ XÂY DỰNG SÂN CHƠI CHO NGHỆ SỸ NHẠC CỔ ĐIỂN

Bạn muốn theo đuổi nghệ thuật?

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như chia sẻ về quá trình theo đuổi nghệ thuật. Trang phục, Maje

Nghệ sĩ piano Lương Tố Như. Trang phục, Maje

Để nuôi dưỡng đam mê và theo đuổi nghề nghiệp, Phạm Rồng chuyển sang những nghề tay trái khác như vẽ minh họa các ấn phẩm. Anh bộc bạch: “Nếu bạn “muốn sống bằng nghề” (dù là ở khía cạnh tài chính hay khía cạnh đam mê), nhưng bạn “không sống được” (có thể do cạn tiền hay đam mê), thì rõ ràng rồi, bạn phải làm thêm một “nghề tay trái” (hoặc một sở thích, một đam mê mới) để duy trì cuộc sống. Đó là tất yếu, vì bạn không còn lựa chọn nào khác đâu”.

Đồng quan điểm, nghệ sĩ piano Lương Tố Như cho rằng “làm nghệ sĩ thực thụ là nghề cần rất nhiều đam mê và tình yêu với nghệ thuật, để mỗi lựa chọn của mình đều phải trong sáng. Chỉ có đam mê và tình yêu nghệ thuật mới cho nghệ sĩ động lực để vượt qua những khó khăn về mặt tài chính và tinh thần”.

Tuy nhiên, Tố Như cho rằng “có những khái niệm mọi người có thể hiểu rõ hơn”. Đó là, “Có những nghệ sĩ đi theo những dòng nghệ thuật thị trường. Một số khác lại lại nghiên cứu, thực hành những dòng nghệ thuật mà thị trường khó tiếp cận và đón nhận hơn. Làm nghệ sĩ không phải làm giáo viên dạy nghệ thuật, mà là thực hành một bộ môn nghệ thuật đem đến cảm xúc và suy nghĩ của mình cho khán giả”.

Người thực hành nghệ thuật cần quản lý ba khía cạnh chính:

Nghệ sĩ Phạm Rồng tại một triển lãm tranh của đồng nghiệp

Nghệ sĩ Phạm Rồng tại một triển lãm tranh của đồng nghiệp

– Quản lý tài chính

Ông bà ta đúc kết “an cư lạc nghiệp”. Khi tài chính ổn định, người thực hành nghệ thuật mới có đầu óc để tập trung suy nghĩ về sáng tác.

– Quản lý thời gian

Nhạc sĩ Quốc Bảo cho hay anh đang tập lại thói quen chín giờ sáng mỗi ngày sẽ ngồi vào bàn viết. “Làm quen dần với nếp sống “công chức”, buộc mình tuân theo một thứ kỷ luật tự tạo, ấy là nhiệm vụ của một nghệ sĩ. Đó mới là nghệ sĩ đích thực, khác với người “có tính nghệ sĩ” làm việc tùy tiện, tùy hứng”.

– Quản lý sức khỏe

“Sức khỏe là tài nguyên quý giá nhất, không chỉ với nghề họa sĩ mà còn với tất cả các ngành nghề khác”, Phạm Rồng nhận định. Chỉ khi có sức khỏe, người nghệ sĩ mới có tinh lực, cảm hứng để tập trung sáng tác.

Sức khỏe tinh thần của nghệ sĩ

Coco Lee, danh ca nổi tiếng với ca khúc A love before time trong phim Ngọa hổ tàng long. Ảnh: Shutterstock

Coco Lee, danh ca nổi tiếng với ca khúc A love before time trong phim Ngọa hổ tàng long. Ảnh: Shutterstock

Tháng rồi, công chúng toàn cầu tiếc thương khi danh ca Coco Lee qua đời vì trầm cảm. Trước đó, nhà thiết kế Kate Spade hay Lee Alexander McQueen cũng tạ thế vì lý do tương tự. Trong làng giải trí Hàn Quốc, nhiều nghệ sĩ trầm cảm và tự kết liễu bản thân như Sulli, Kim Jonghyun, Choi Jin Sil…

Vì sao nghệ sĩ dễ trầm cảm? Chuyên gia tâm lý Kim Byung Soo của Hàn Quốc cho hay: “Những nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, nghệ sĩ với sức sáng tạo nghệ thuật, luôn có nguy cơ mắc chứng trầm cảm cao hơn người bình thường. Bởi nghệ sĩ vốn luôn trải qua những biến động cảm xúc thường xuyên, mà điều này liên hệ trực tiếp tới chứng trầm cảm”. Làng giải trí và nghệ thuật nhiều cạnh tranh. Rất khó để ngăn cản áp lực và những hệ lụy tâm lý với người nổi tiếng. Các ngôi sao luôn thường có áp lực phải duy trì phong độ và nỗi sợ bị vượt qua.

Nhưng trên tất cả, theo Phạm Rồng: “Chăm chỉ, nỗ lực, luôn cố gắng và không ngại trau dồi bản thân, không ngại thất bại. Đó là những phẩm chất cần thiết để vượt qua giông tố của nghề này”.

 “Mình nghĩ làm nghệ sĩ thực thụ là một nghề cần rất nhiều đam mê và tình yêu với nghệ thuật, để mỗi lựa chọn của mình đều phải trong sáng. Chỉ có đam mê và tình yêu nghệ thuật mới cho nghệ sĩ động lực để vượt qua những khó khăn về mặt tài chính và tinh thần”

– Nghệ sĩ piano Lương Tố Như.

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam 

Xem thêm