Vén màn bí mật tranh “Bữa ăn tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci nhờ công nghệ Google

Bản copy của bức tranh sơn tường nổi tiếng của Leonardo Da Vinci, "Bữa ăn tối cuối cùng" (The Last Supper) vừa được Google sao chép số hóa cho dự án Google Arts & Culture

London’s Royal Academy of Art vừa là bảo tàng nghệ thuật, vừa là học viện tụ họp các nghệ sỹ bậc thầy của Anh Quốc. Ảnh: Royal Academy of Arts

Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London (London’s Royal Academy of Arts) là đơn vị nghệ thuật mới nhất bắt tay cùng dự án Google Arts & Culture. Cho dự án này, hơn 200 tác phẩm nghệ thuật tại học viện đã được sao chép, lưu trữ ở thể số hóa, cho phép khách tham quan và chiêm ngưỡng qua mạng. Đây là dự án đặc biệt hữu ích trong đại dịch cúm corona, khi chúng ta không thể đi du lịch để tận mắt thưởng lãm các tác phẩm.

Nổi bật nhất trong số các tác phẩm mà Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London đưa vào dự án Google Arts & Culture kỳ này có lẽ là bức tranh sơn dầu The Last Supper (Bữa ăn tối cuối cùng).

The Last Supper dưới bàn tay Leonardo Da Vinci

Ảnh: Google Arts & Culture / London’s Royal Academy of Arts

Theo Kinh thánh, bữa ăn tối cuối cùng của chúa Jesus diễn ra cùng các môn đồ. Tại bữa ăn, chúa Jesus tuyên bố mình sẽ bị phản bội bởi một trong những người ngồi cùng bàn tiệc này. Tất cả các môn đồ cùng phủ nhận. Nhưng sau đó, Judas đã nộp chúa Jesus cho nhà cầm quyền La Mã vì 30 đồng bạc.

Leonardo Da Vinci đã khắc họa lại bữa tối kinh điển trong Kinh thánh này qua một bức bích họa. Bức vẽ cao 4 mét, dài 8 mét trên tường nhà thờ Santa Maria delle Grazie ở Milan, Ý. Nó là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất lịch sử hội họa Tây phương.

Sự thất bại của Leonardo Da Vinci

Bức bích họa The Last Supper trên tường Santa Maria delle Grazie đã bị hư hỏng nặng. Mặc dù nó liên tục được tu sửa, bức bích họa này đã tróc vảy lấm tấm ở nhiều chỗ.

Lý do lớn nhất là vì: Leonardo Da Vinci vốn chưa bao giờ vẽ tranh bích họa (fresco) khi nhận vẽ bức tranh này. Những nghệ sỹ vẽ fresco thời bấy giờ luôn vẽ tranh trên tường ướt. Họ dùng bột màu nước để pha với vôi quết lên tường ướt, đảm bảo màu sẽ bền vững khi lớp vôi khô. Leonardo Da Vinci thì ngược lại. Ông không thích kiểu vẽ fresco truyền thống vì nó bắt họa sỹ phải vẽ thật mau; lại không cho phép tạo những mảng màu đậm nhạt có chiều sâu vì bột màu nước thiếu đi sự linh hoạt của màu dầu. Kết quả là ông dùng màu dầu vẽ lên tường khô, tạo nên một bức vẽ thường xuyên hư hỏng và cần phải tu sửa.

Phiên bản sơn dầu của bức tranh The Last Supper được treo trên tường Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London. Ước tính vẽ từ 1515-1520, sử dụng màu dầu trên nền vải. Ảnh © James Harris

May thay, khi vẽ bức The Last Supper, Leonardo Da Vinci đã cho phép các học trò của mình sao chép lại tác phẩm kinh điển. Hai học trò của ông, Giampietrino và Giovanni Antonio Boltfraffio, được cho là đã làm nên phiên bản sơn dầu được lưu trữ tại Học viện Nghệ thuật Hoàng gia London.

Những chi tiết phai mờ theo thời gian

Judas là người duy nhất bị ẩn trong bóng tối, quay mặt đi khỏi người xem. Trong tay cầm bao tiền đựng 30 đồng bạc mà Judas sẽ được nhận từ dân La Mã do bán đứng chúa Jesus. Ảnh: Google Arts & Culture / London’s Royal Academy of Arts

Do được vẽ bằng sơn dầu trên bề mặt vải nên phiên bản phụ này trường tồn hơn theo năm tháng. Nó giữ lại được nhiều chi tiết sắc sảo hơn so với bản gốc nay đã phai nhạt. Một số chi tiết vừa được phát hiện bao gồm: chân của chúa Jesus; lọ muối bị đổ bên cánh tay Judas (trong văn hóa châu Âu thế kỷ 16, việc đổ lọ muối hàm ý điều xấu sắp diễn ra), hay ngón tay chỉ lên trời của Thomas.

>>> Xem kỹ bức tranh The Last Supper tại website Google Arts & Culture.

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm