Lâu đài tráng lệ của Ann Getty

Chuyên gia thiết kế nội thất nổi tiếng của nước Mỹ đã tự dựng lên cho riêng mình một lâu đài tráng lệ tại thành phố San Francisco

Previous Next

Sau khi cuốn sách Interior Style xuất bản, Anne Getty dường như bị vây quanh bởi những người hâm mộ. Chuyên gia về nội thất cao cấp đã nức danh từ lâu nhưng đây là lần đầu tiên bà cởi mở, chia sẻ những kiến thức, thông tin, bí quyết sâu sắc nhất về sự nghiệp của mình. Và rồi, một buổi chiều thứ Sáu, bà đã mở cánh cửa mời đội ngũ Bazaar tới biệt thự tuyệt đẹp của mình tại San Francisco (Mỹ) như hé lộ cho chúng tôi biết thêm về thế giới riêng của mình.

 

NGƯỜI KẾ THỪA CỦA NHÀ GETTY

Ann Getty là vợ của tỷ phú Gordon Getty. Hai người thừa kế khối tài sản trị giá đến 2 tỷ đô-la Mỹ từ việc kinh doanh dầu của gia đình Getty. Tuy vậy, Ann và Gordon đều phát triển sự nghiệp riêng. Trong khi Ann say mê với việc thiết kế nội thất thì Gordon tập trung vào việc soạn nhạc cổ điển. Họ đang điều hành Ann & Gordon Getty Foundation.

Ngồi trong căn phòng ăn lắp đầy gương và đồ đạc mạ vàng, dưới một chiếc đèn chùm vàng, món đồ từng thuộc sở hữu của bậc thầy thời trang Daisy Fellowes, quý bà với làn da trắng như sứ, mái tóc đỏ rực rỡ, vui vẻ chia sẻ cho chúng tôi nghe về kế hoạch của chuyến đi Paris sắp tới: “Tôi đang định cùng Ivy (cháu gái của Ann Getty) đi dạo thật nhiều ở đó”. Vừa nghe Ann kể chuyện, chúng tôi vừa ngắm bộ trang phục thanh lịch của bà: áo len cashmere xanh nhạt phối cùng quần Lolo Piana màu nâu sẫm, điểm nhấn nơi cổ là chiếc khăn cashmere màu kem pha xanh lá được thắt nút thật khéo léo. Thật khó tin người phụ nữ có dáng điệu dịu dàng này lại là một bậc thầy về những món nội thất đầy cầu kỳ, phức tạp và đồ sộ.

 

RỜI KHỎI THẾ GIỚI COUTURE

Cũng như căn nhà của mình, Ann Getty là hiện thân của sự trau chuốt, cầu kỳ và xa xỉ. Bà là một khách hàng thân thiết của các hãng thời trang danh tiếng, đặc biệt với dòng Haute Couture. Như lạc vào hoài niệm về kinh đô ánh sáng, bà mê mải kể cho chúng tôi những câu chuyện về các show thời trang cao cấp: “Tôi thường tham gia các đêm diễn couture, nhưng các nhà thiết kế vẫn bảo tôi là vị khách hàng kém kiên nhẫn nhất mà họ biết. Tôi không ưa nổi việc phải đứng hàng giờ để thử đồ, kim gắn xung quanh. Song, tôi đã làm như thế với hãng Yves Saint Laurent và Valentino, tôi cũng mê Balmain thời Oscar de la Renta còn ở đó”.

Có lẽ, chính các hãng thời trang cũng mê bà. Với chiều cao và thân hình lý tưởng, Ann Getty không khác gì một người mẫu thực thụ. Bà từng diện đầm đính vàng của Emanuel Ungaro và trang sức hàng đầu của JAR để đi khắp nơi trên thế giới, từ St. Petersburg, Luân Đôn đến New York. Giờ đây, fashionista xinh đẹp này đã tạm rời xa những trang phục cầu kỳ để tập trung vào công việc thiết kế nội thất trong studio. Bạn có thể bắt gặp Ann trong chiếc áo trắng cài khuy của Gap (nhưng chắc chắn chiếc áo ấy được là cẩn thận) và chiếc jeans Levi’s may riêng cho Ann.

Ann Getty mỉm cười “than thở”: “Trong nhiều năm nay, Hermès là công ty duy nhất sản xuất quần đủ dài cho đôi chân tôi”. Tuy nhiên, hiện giờ quý bà này lại dành sự ưu ái cho các thương hiệu thời trang của Mỹ.

Có lẽ điều ấy một phần bởi phong cách sống của Ann Getty đang thay đổi: “Thật buồn cười khi tôi được miêu tả là một người ham mê phù hoa. Chuyện ấy không còn khiến tôi quan tâm nữa. Tôi chỉ ra ngoài mỗi tháng một lần, chỉ để duy trì vị thế đã được người ta gán cho”. Điều mà Ann chú trọng bây giờ là sản phẩm, khách hàng, đội ngũ của mình.

 

CÔ TIỂU THƯ CHĂM CHỈ

Năm 1995, người dân thành phố San Francisco ngỡ ngàng khi thấy Ann Getty thành lập công ty chuyên về thiết kế nội thất. Tuy nhiên, những người đã thân quen với Ann từ lâu thì chẳng ngạc nhiên trước việc ấy. Từ lâu, người phụ nữ tưởng chừng chỉ quan tâm tới trang phục lụa là đã thiết kế ra không ít món nội thất độc đáo có một không hai cho gia đình và một số khách hàng chọn lọc.

Bà đã tìm kiếm ý tưởng, chắt lọc những tinh hoa nội thất từ nhiều vùng đất trên thế giới, từ nước Ý cổ kính tới những quốc gia xa xôi như Trung Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam.

Ngôi nhà của bà chứa đựng những tinh túy mà bà đã dồn góp suốt cuộc đời mình. Những bức tường được bao phủ bằng vải gauze hoa của Trung Quốc và tranh của các danh họa như De­gas, Matisse, Renoir… Chiếc ghế bành mạ vàng của vua George sánh cùng những bức tượng sứ nhỏ từ thế kỷ XVIII của Trung Quốc và ánh lấp lánh từ chiếc đèn nhiều ngọn của Hubert de Givenchy.

Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi công ty của Ann Getty nhanh chóng thu hút không chỉ những người yêu nội thất kiểu xưa, những nhà sưu tập cổ điển mà cả những nhân vật chuộng xu hướng hiện đại. Gia đình Ann cho biết từ xưa bà đã thường xuyên tự thêu những chiếc gối, sửa lại những chiếc thảm cổ và thậm chí tự tay khâu vá những chiếc ghế đệm. Mọi thứ đối với Ann phải thật hoàn hảo, và cái đẹp hoàn hảo thì chinh phục được tất cả mọi người.

 

NGƯỞI PHỤ NỮ TÀI BA

Nếu ai đó còn nghi ngờ tinh thần làm việc của Ann Getty sau nhiều năm chứng kiến bà tiệc tùng không ngớt, thì có lẽ họ nên tới làm việc cùng bà. Hàng ngày, Ann là người đến văn phòng sớm nhất khi chưa có ai ở đó. Bà lái chiếc xe chạy điện rất dễ thương của gia đình, chở cháu đến các trận đá bóng. Ngôi nhà tráng lệ của bà là nơi mọi người trong đại gia đình đều yêu thích. “Cháu tôi thích đến đây bơi lội, đó là cách rất tốt để chúng tiêu bớt năng lượng”, Ann chia sẻ. Chưa kể, mỗi Chủ Nhật, bà lại là người chủ trì một bữa tiệc tại gia và đảm bảo khách mời sẽ có những chiếc bánh cookie homemade thật ngon lành làm quà lúc ra về.

Ann kể rằng nhà của bà lúc nào cũng có những vị khách đến và đi, đôi khi đầy bất ngờ. Có lần, Gor­don Getty, chồng bà, phải ngơ ngác hỏi vợ: “Người lang thang quanh nhà ta là ai vậy em?”. Hóa ra, họ đã mời Valery Gergiev, chỉ huy dàn nhạc nổi tiếng người Nga đến chơi rồi quên rằng đã sắp xếp để ông ở tại nhà khách của gia đình.

Hiếu khách, lịch thiệp là vậy, nên dù Ann muốn rời bỏ thế giới sôi động để tập trung vào việc thiết kế nội thất, thì thế giới ấy vẫn muốn níu bà ở lại. Người ta nhờ bà lên kế hoạch cho một bữa tiệc tôn vinh các nhà khoa học từ Gladstone Institutes. Nhiều nhà tổ chức triển lãm thường xuyên ghé qua mượn các tác phẩm hội họa để trưng bày. Đó là chưa kể Ann thường xuyên phải bàn bạc với đầu bếp của gia đình, chuẩn bị thực đơn cho bữa dạ tiệc để ủng hộ Smithsonian Instution.

Dù vậy, vị phu nhân xinh đẹp không lấy thế làm phiền lòng. Bà chia sẻ: “Người thuộc giới hàn lâm luôn là những vị khách mà chúng tôi chào mừng. Họ mang đến sự sinh động cho những cuộc trò chuyện quanh bàn ăn. Gần đây, chúng tôi đang nói chuyện về những mảng tối của đời sống”.

Ngoài ra, Ann còn có một sở thích khá “độc” là nghiên cứu hóa thạch. Thậm chí bà còn tham gia vào kế hoạch đi tìm xác ướp trên sa mạc ở Ethiopia. “Chúng tôi tìm thấy xương của một sinh vật tồn tại cách đây 4,4 triệu năm. Đó là giai đoạn tiến hóa sớm nhất của con người”, Ann tiết lộ. Khi không làm tất cả những việc trên, Ann Getty chỉ tập trung chăm lo cho khu vườn của mình, một khu vườn với những loài cây đẹp như chính bà vậy.

Bài: Diane Dorrans Saeks. Ảnh: Douglas Friedman. Chuyển Ngữ: P.T  

Xem thêm