Làm sao để phát huy năng lực sở trường?

Làm sao chạm đến đúng khả năng tiềm ẩn trong mỗi chúng ta và biết cách phát huy năng lực sở trường của bản thân?

Vì sao Murakami lại là một triệu phú nhà văn dù bắt đầu con đường viết lách khá muộn màng? Vì sao chàng trai Lý Giám Tiền lại quyết định bỏ học cấp 3 để chuyên tâm tự học và đăng quang Project Runway Vietnam 2014, đạt được những thành công mà nhiều người lớn tuổi hơn cậu phải ao ước. Họ đã và đang tạo ra những đổi thay lớn cho bản thân từ sự khẳng định đâu là năng lực sở trường của chính mình. Tuy nhiên, ban đầu không phải ai cũng có thể nhìn thấy rõ ràng được khả năng tiềm ẩn của bản thân. Thậm chí nhiều người rơi vào trạng thái hoài nghi, ảo tưởng, nhầm lẫn và thất vọng khi không đi trên đúng lối đi phù hợp với mình.

Ai cũng có thế mạnh riêng

Mỗi chúng ta là một tạo tác riêng biệt của tạo hóa, không ai giống ai, và có những đặc điểm tuyệt vời riêng. Cuộc sống luôn công bằng theo một cách nào đó khi không ai là hoàn hảo hay hoàn toàn thiếu năng lực. Mỗi người sở hữu một khả năng nào đó, vượt trội hơn người khác ở cùng lĩnh vực hoặc mạnh hơn các khả năng khác của chính chúng ta. Thang mức mới đánh giá về khả năng toàn diện con người không chỉ giới hạn ở chỉ số thông minh IQ (Intelligence Quotient) mà còn chia ra nhiều khía cạnh khác như EQ (Emotional Quotient): trí tuệ cảm xúc; SQ (Spiritual Quotient): chỉ số tinh thần; PQ (Physical Quotient): chỉ số thể chất. Điều cần thiết là làm sao chạm đến đúng khả năng tiềm ẩn trong mỗi chúng ta và biết cách phát huy năng lực sở trường của bản thân.

Tập trung khắc phục điểm yếu hay tập trung phát huy lợi thế bản thân?

Những nghiên cứu tâm lý gần đây chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân chính yếu dẫn đến sự ngừng trệ sáng tạo và tận hưởng cuộc sống chính là vì chúng ta dành quá nhiều thời gian tập trung vào những gì mà ta… không có! Đó có thể là đôi chân dài như người mẫu, khuôn mặt Vline…

Việc khắc phục những điểm yếu là cần thiết nhưng nếu cứ mải mê vào điều đó, chúng ta có thể mất đi thời gian quý giá để phát huy điểm mạnh bản thân. Thiên tài Steve Jobs cho rằng: “Đừng mắc kẹt trong những giáo điều, nghĩa là sống với những suy nghĩ của người khác”. Việc hiểu mình là một con người như thế nào luôn là yếu tố đầu tiên cho mọi thành công. Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, Haruki Murakami học về nghệ thuật sân khấu, làm việc trong một cửa hàng băng đĩa, nơi nhân vật chính của ông trong tác phẩm Rừng Na Uy, Toru Watanabe, đã làm việc. Một thời gian ngắn trước khi hoàn thành việc học, Murakami mở một tiệm cà phê chơi nhạc jazz. Ông nói: “Đến năm 29 tuổi tôi mới bắt đầu viết. Trước thời gian đó tôi chẳng có gì để viết”. Đôi khi bạn phải sống cuộc đời của chính mình cho hết sức hết lòng, hết mực chân thành, sau đó bạn mới tìm thấy một cái gì đó là khả năng của riêng mình.

Nhà văn người Nhật Haruki Murakami

Nhà văn người Nhật Haruki Murakami

Phải tìm thấy một cái gì đó của riêng mình, điều này thật sự quan trọng cho con đường đời của mỗi người. Những ngôi sao nổi tiếng ngày nay như Madonna hay Jennifer Lopez, ngày đầu vào nghề hẳn cũng ý thức được giọng ca mỏng và nhan sắc chỉ thuộc dạng ưa nhìn, sẽ ít có cơ hội nổi bật giữa ngàn sao nhạc pop khao khát nổi tiếng. Và thế là họ đi từ thế mạnh của mình: ở Madonna là khả năng sáng tác, tư tưởng nổi loạn, thay đổi không mệt mỏi trong phong cách thời trang, âm nhạc; ở Jennifer là niềm tự hào với đường cong bốc lửa, những bước nhảy điêu luyện và các bản nhạc dance sôi động. Đó là cách họ chinh phục thế giới.

Giá trị của việc phát huy thế mạnh riêng

Người Hà Nội vốn tự hào về một loại cây rau thơm chỉ có ở một khu vực nhất định: húng Láng. Cũng là loại cây ấy, nếu trồng ở khu đất khác hoặc không lên mùi thơm, hoặc ngả sang hương lá bạc hà hăng hắc. Cũng như vậy, khả năng mỗi người hay tài năng chưa bao giờ là nhân tố đại trà dễ thấy. Đó giống như một hạt giống mong manh, muốn nó đâm mầm nảy nở, ta phải tìm ra mảnh đất phù hợp và chăm chút với một điều kiện thổ nhưỡng chuyên biệt. Để làm được điều đó, bạn phải hiểu mình là “loại cây nào”, biết mảnh đất sống của mình là ở đâu.

Vất vả chốn chợ đời từ nhỏ, nghiệp kinh doanh như đeo bám người phụ nữ giàu ý chí Trần Thị Yến Nga. Bà học ngoại ngữ, kinh tế,  kiến thức về thiên nhiên và sức khỏe. Mong muốn làm ra sản phẩm tốt cho sức khỏe con người, bà đã cùng chồng nghiên cứu chế biến và mở cơ sở sản xuất trà thảo dược từ các nguyên liệu rong biển, rau củ quả. Lúc đầu, bà gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm không sử dụng chất bảo quản sẽ khó để được trong thời gian dài. Tuy nhiên, nếu sử dụng chất bảo quản sẽ gây hại nên bà nhất quyết không thay đổi quan điểm và đầu tư công nghệ đóng gói tiên tiến để bảo quản. Việc kiên định theo đuổi giá trị riêng này đã đem đến chuỗi giá trị làm nên lợi thế cạnh tranh cho cơ sở Trà Hùng Phát của nữ doanh nhân Yến Nga.

Một trong những cách để thành công là hãy chọn đúng tài năng nổi bật nhất của bạn và từng bước phát triển nó.

Câu chuyện đánh thức bản lĩnh

BZ_TalkingPoints_Tamly_06_15-1

Joey Pang sinh ra ở Vân Nam, Trung Quốc rồi theo gia đình chuyển đến Hồng Kông khi cô ba tuổi. Trong khi bố mẹ muốn cô lập gia đình yên phận nội trợ thì với mong muốn trở thành một nghệ sỹ, Pang đã bắt đầu bằng nghề trang điểm. Nhưng cô dần dần thấy nghiệp cầm cọ phấn vẽ mắt không còn hứng thú và cảm giác mình chưa phát huy hết một đam mê đầy mãnh lực nào đó chất chứa trong người.

Thế rồi quyết sống với châm ngôn “Cuộc sống là phải theo đuổi ngọn lửa đam mê của chính bạn”, những ám ảnh thường trực của các hình xăm chiếm lĩnh lấy cô. Joey Pang đã vượt qua chính mình và sự áp đặt của gia đình để theo đuổi nghiệp xăm mình từ năm 2006. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều kênh thông tin uy tín thế giới như CNN, AP hay The Travel Channel… đã phải tuyên dương những đột phá, cách mạng trong lĩnh vực nghệ thuật xăm mình của cô. Joey Pang đã đi tiên phong trong áp dụng nghệ thuật thư pháp Trung Hoa và dùng các lớp màu thủy mặc tinh tế đặc trưng của hội họa châu Á vào công nghệ xăm mình.

Năm 2015 này, Joey Pang là một trong 3 nhân vật được một thương hiệu bia nổi tiếng chọn tham gia vào video clip cho chiến dịch quảng bá sản phẩm toàn châu Á “Đánh thức bản lĩnh”.

Bạn có biết?

Bằng sáng chế thường thuộc về những người biết phát huy tối đa thế mạnh của mình. Với phụ nữ, càng ngày giới này càng hiểu tầm quan trọng của việc tận dụng sở trường mình có nên số bằng phát minh được cấp ra cho họ tăng rõ rệt theo thời gian:

+ Tỷ lệ bằng được cấp:

– 9% bằng sáng chế năm 1990

– 14% bằng sáng chế năm 2000

+ Số bằng nữ giới nhận:

– 16.312 bằng sáng chế năm 2008

– 22.984 bằng sáng chế năm 2010

Bài: Hoài Vũ, Nghi Lạc – Ảnh: Getty Images

Theo Harper’s Bazaar  Việt Nam số tháng 6/2015

Xem thêm