Thành công đến từ trí tưởng tượng

Trong mỗi người đều ẩn chứa tiềm năng để trở thành vĩ đại. Thế nhưng, không ai có thể biến tiềm năng thành sự thật nếu họ không có ước mơ

Khi khởi đầu sự nghiệp, lời khuyên chúng ta thường nghe từ bạn bè hay các bậc tiền bối là hãy trở nên thực tế. Việc hiểu rõ thực tế tất nhiên là rất quan trọng. Những người thành công đa số là người hiểu rất rõ quy luật của cuộc sống. Tuy nhiên, trí tưởng tượng và sự mơ mộng có thể giúp bạn thành công hơn, thậm chí có thể thay đổi toàn bộ cuộc đời bạn.

“Stay Hungry, Stay Foolish”

Khi CEO của Apple, Steve Jobs ra đi, cả thế giới đã cùng nhắc lại câu nói nổi tiếng của ông “Hãy luôn khao khát, hãy luôn khờ khạo”. Tuy nhiên, không dễ dàng gì để bạn giữ được sự “khờ khạo” của mình. Nếu nhìn lại, thời tuổi trẻ ai mà chẳng có những ước mơ lớn. Thế nhưng, cùng với việc trải qua nhiều thử thách và va vấp, ước mơ dần trở nên bé nhỏ lại, thậm chí trở thành số không với một số người.

steve-jobs-stay-hungry-stay-foolish

Người ta cho rằng việc cứ mãi là một kẻ mộng mơ chỉ đưa đến thất bại. Ai có thể thành công khi “chân không đứng vững trên mặt đất”? Khi tác phẩm Harry Potter thành công, người ta cũng có thể nói rằng J. K. Rowling là một nhà văn, hư cấu là việc bà phải làm. Với những lĩnh vực khác, trí tưởng tượng và mơ mộng không phải là điều nên đặt lên trên. Thế nhưng hãy nghĩ về Steve Jobs. Điều gì đã khiến cho một thanh niên từng phải bỏ học vì học phí quá cao, từng phải chờ những suất ăn từ thiện trở thành người thay đổi thói quen sử dụng máy tính của cả một thế hệ? Đó là lòng đam mê ư? Không đâu. Thời đó Steve Jobs còn rất trẻ và như những người trẻ khác, anh vẫn còn có bao nhiêu câu hỏi về bản thân mình cần phải giải đáp. Bí quyết của Steve Jobs chính là sự “khờ khạo” và mơ mộng của một người mang khát vọng tạo nên cách mạng.

Trí tưởng tượng và những giấc mơ không biến bạn thành kẻ ảo tưởng hay thiếu thực tế. Ngược lại, nó thậm chí còn tiếp thêm sức mạnh cho khả năng sáng tạo và là một phần không thể thiếu để bạn nhìn sâu sắc hơn vào thực tế. Nếu không thể hình dung và khao khát về một tương lai khác hẳn những gì đang nhìn thấy trước mặt thì làm sao ta muốn tìm ra cách để thay đổi hiện tại?

Một mặt khác, trong bài phát biểu, J.K. Rowling nói rằng: “Không như bất cứ một sinh vật nào khác trên thế gian này, loài người có thể học và hiểu biết mà không cần phải trải nghiệm. Họ có thể đặt ý nghĩ của bản thân vào trí óc của kẻ khác, tưởng tượng mình trong hoàn cảnh của đồng loại”.

Hiểu về người khác giúp ích gì cho thành công của chúng ta ư? Người xưa vẫn nói “biết mình biết người trăm trận trăm thắng” đấy thôi. Bạn không thể trở thành một doanh nhân thành công hay tạo ra những sản phẩm tốt khi không hiểu nhu cầu của mọi người, không mang tới cho họ thông điệp họ cần. Trí tưởng tượng cho phép ta dự đoán những điều chưa xảy ra và hơn hết, nó mang lại cho ta sự tự tin để sẵn sàng tiến bước.

Hãy lớn lên, đừng già đi

Chính Steve Jobs đã có lần hóm hỉnh nói rằng: “Người già ngồi xuống và hỏi “Cái đó là cái gì”. Còn đứa trẻ hỏi “Tôi có thể làm được gì với nó?”. Đúng như  vậy, chỉ có những người già cỗi mới nhất nhất phải tuân theo những định nghĩa có sẵn. Trong khi đó, những trái tim trẻ trung không bao giờ muốn thế giới quanh họ đứng im trong sự nhàm chán. Vậy nên, đừng để mình già đi, với những điều bạn rút ra từ thực tế, hãy tiếp tục nuôi dưỡng những ước mơ.

BZ140_Talking-Point_trituongtuong

Với đa số mọi người, rào cản lớn nhất của những ước mơ không phải là khó khăn, nghèo túng mà là sự tự vừa lòng. Khi đạt tới một mức độ thành công, không ít người cho rằng thế là đủ. Họ cho rằng mình đã đi tới đỉnh cao và giới hạn của bản thân.Người ta tưởng nếu có điều gì có thể thay đổi, nó sẽ phải đến từ bên ngoài. Họ quên mất rằng trí tưởng tượng của con người là không có giới hạn, không có điểm dừng.

Dẫu trí tưởng tượng và những giấc mơ không mang lại một kết quả có thực, nhưng chúng là cách để giữ trái tim và nhiệt huyết của chúng ta được mãi trẻ trung. Chỉ có bạn là người duy nhất có thể hình dung chính xác mình sẽ trở thành như thế nào và cũng là người duy nhất biến tất cả những điều đó thành sự thật. Nhà triết học Hy Lạp Plutarch từng nói rằng: “Những gì chúng ta đạt được trong nội tâm sẽ thay đổi được sự thật bên ngoài”. Và đó hẳn là những gì mà nhiều người như Steve Jobs hay J.K. Rowling đã thực hiện được

3 câu hỏi giúp đánh thức khả năng tưởng tượng:

Thinking business woman looking up on speech empty bubble isolat

Có nhiều người biết rất rõ giá trị của ước mơ và trí tưởng tượng nhưng cuộc sống khiến những điều ấy trong bản thân họ ngủ quên. Vậy có cách nào để đánh thức khả năng tưởng tượng trong bạn?

Hãy thử nhắm mắt hình dung về cuộc sống và công việc của mình với ba câu hỏi:

– Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn loại bỏ một điều gì đó khỏi cuộc sống của mình?
– Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thêm một điều nào đó cho cuộc sống của bản thân?
– Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn thay đổi một điều bạn không muốn hay không thể thay đổi?

Khi hình dung ra câu trả lời, bạn sẽ thấy kể cả những lúc cuộc sống tưởng chừng như không thể thay đổi, trí tưởng tượng vẫn sẽ giúp bạn vẽ ra một tương lai hoàn toàn khác. Những câu hỏi chính là nhiên liệu đầu tiên cho trí tưởng tượng.

Điều quan trọng là phải can đảm, sẵn sàng cho những khả năng mà giấc mơ không giới hạn của bạn dẫn tới, sau đó mới là lên kế hoạch cho những hành động. Không ai đánh thuế những giấc mơ, vì vậy đừng tự trói buộc mình. Hãy cứ mơ, để nhờ đó bạn có thêm sức mạnh và hiểu rõ hơn về những khả năng vẫn còn tiềm ẩn của bản thân.

Bài: PT. Ảnh: Getty Images

Xem thêm