Tết hôm qua, Tết hôm nay

Trải qua vài chục năm phát triển của xã hội, mâm cỗ ngày Tết hôm nay mới đủ đầy. Nhưng phải nếm mùi khó khăn, thiếu thốn mới thấy hết ý nghĩa của mâm cỗ bây giờ

Giờ đây, đối với rất nhiều người, câu nói “đói quanh năm, no ba ngày Tết” đã trở thành quá vãng. Nhưng nếu xét về thời gian thì chỉ mới hơn mười mấy năm trước, vào dịp cuối năm, chuyện cố lo cho gia đình cái Tết tươm tất cũng từng là cả một sự nhọc nhằn.

KHÔNG DỄ ĐỂ CÓ ĐƯỢC MỘT MÂM CỖ NGÀY TẾT

Vào thời chưa xa ấy, những người chủ gia đình như bố mẹ tôi phải thu vén suốt cả tháng trời. Cái lo đầu tiên là nồi bánh chưng. Theo tem phiếu, mỗi nhân khẩu chỉ được một cân gạo nếp, một lạng đỗ xanh. Gạo nếp và đỗ xanh mậu dịch thì khỏi phải nói. Gạo cứng, lại nhiều đầu ruồi. Đỗ thì tạp nham, hạt to hạt nhỏ, vớ phải hạt “nhọn” thì chỉ có gẫy răng. Lấy đâu ra nếp ngon, đỗ đẹp để nấu nồi bánh. Lại phải dành dụm tiền để mua gạo, đỗ ngoài chợ. Vậy là mất đứt dăm chục đồng tiền lương. Thịt lợn để gói bánh chưng cũng trông vào tem phiếu, nhưng không phải lúc nào cũng mua được. Nếu không dậy từ bốn, năm giờ sáng đi xếp hàng thì có khi chỉ mua được cân bạc nhạc, về kho tàu ăn dần. Có năm nhà khó quá, mấy ngày Tết nhà tôi chỉ có hai bữa cơm thực sự là cỗ: chiều ba mươi và sáng mồng Một. Nói bánh chưng lại nhớ đến lá dong, cũng mua mậu dịch. Lá dong mậu dịch thường nhỏ, héo úa, bên ngoài bó lá đẹp, bên trong rách tả tơi, sâu đục lỗ chỗ. Muốn có lá dong đẹp phải ra chợ, nhưng rất đắt. Có năm nhà tôi phải gói bánh bằng những tấm lá to hơn bàn tay, bánh nhỏ như bánh vét khuôn.

Bánh chưng, món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết

Bánh chưng, món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết

Bánh chưng với thịt lợn là thế. Các thứ khác như măng khô, miến, mộc nhĩ, nấm hương… cũng chỉ ngày Tết mới có. Đến bánh, mứt, kẹo lại càng khó hơn. Mậu dịch bán theo tiêu chuẩn, mỗi nhà được mua một hộp mứt hai lạng rưỡi, giống y như nhau. Có hộp mứt đỏ rực rỡ đặt lên bàn thờ tổ tiên là tốt lắm rồi, chẳng may bên trong mứt bí có chảy nước, miếng cà-rốt có mốc xanh thì cũng đành chịu. Hồi sơ tán, tôi thấy ở nông thôn bà con lũ lượt đi nổ bỏng. Bỏng gạo đem về trộn với mật, ép thành bánh, tiếp khách đến chúc Tết. Hoặc nấu kẹo lạc, gói giấy pơ-luya cho sang. Đêm ba mươi Tết nào anh em tôi cũng nấu kẹo lạc. Có năm nấu hỏng, đường cháy, ăn đắng nghét nhưng tiếc của, tiếc công vẫn cứ ăn.

Ở thành phố lại có phong trào nướng bánh quy gai, quy xốp. Lò nướng quy gai, quy xốp mọc lên khắp nơi. Nguyên liệu là đôi ba cân bột mì, dăm quả trứng, cân đường (có khi là đường phên), vài lạng mỡ thay bơ… Đi từ sáng sớm đến tối mịt, mang về mấy cân bánh quy, có “mẻ” cháy sém mà cả nhà vẫn hân hoan. Lớp con trẻ bây giờ nghe bố mẹ kể lại chuyện xưa cứ mắt tròn mắt dẹt, tưởng như chuyện cổ tích. Nhưng những người ở độ tuổi của tôi trở lên thì không ai quên được.

BZ-TET-NAY-TET-XUA-1

MÂM CỖ NAY ĐỦ ĐẦY MÀ KHÔNG NGON NHƯ TRƯỚC

Tết ngày nay khác xưa lắm. Các bà, các mẹ vẫn giữ thói quen có từ thời bao cấp là mua sắm theo lối tích trữ. Trong khi đó, những cô gái trẻ bây giờ đủng đỉnh hăm bảy, hăm tám Tết, thậm chí có người chiều ba mươi Tết mới rảo một vòng qua chợ hay siêu thị. Vài chục phút là đủ hết các thứ cần thiết. Măng, miến ngâm sẵn, gà thịt sẵn, thịt lợn, thịt bò thái sẵn. Ngại nấu nướng thì mua đồ ăn sẵn. Bánh chưng cũng đặt hay mua luôn cho tiện. Ở thị thành, chả mấy ai hì hục gói, luộc bánh chưng như ngày trước, trừ nhà nào muốn có không khí đầm ấm bên bếp lửa. Bánh kẹo thì đủ loại, nhìn hoa cả mắt. Mà biên độ giá cả rộng vô cùng, ai cũng có thể mua. Hoa quả cũng thế, nào cam Thái, nào nho Mỹ, nào táo Trung Quốc…

Tết đến, hàng nội, hàng ngoại chen nhau chật các gian hàng từ thành thị đến nông thôn. Mua đồ đi biếu cũng tiện, có sẵn các giỏ quà Tết trang trí đẹp mắt với rượu, chocolate, mứt, bánh kẹo, thuốc lá, cà-phê… phù hợp với mọi túi tiền.

BZ-TET-NAY-TET-XUA-6

Tết nay nhìn lại Tết xưa, mới thấy cuộc sống thay đổi quá nhanh. Rất nhiều đồ ăn ngày xưa chỉ đến Tết mới có thì nay đã là chuyện hàng ngày trong bữa cơm ở nhiều gia đình. Từ ao ước “ăn no mặc ấm” đến được “ăn ngon mặc đẹp” là cả một chặng đường xã hội đã đi qua. Song có điều rất lạ là lâu nay, trong khi đồ ăn thức uống ê hề thì xem ra nhiều người rất… ngại ăn. Cỗ bàn ngày Tết thịnh soạn thường chỉ có người trong gia đình, thêm vài ba người ruột thịt thân thích, còn muốn mời ai lại phải đến ra Giêng. Mà cỗ bàn ngày Tết hôm nay đâu phải xoàng. Trước Tết, các bà, các chị nội trợ đã dày công mua sắm, mục đích là làm mâm cỗ để mọi người ăn ngon miệng. Vậy mà nhiều khi vẫn cứ ế như thường. Ngay hộp mứt với đủ thứ đồ ngon vật lạ, đặt trang trọng trên bàn cũng chẳng mấy khi có người đụng tới, khá lắm chỉ có đám con trẻ. Hộp mứt mở ra rồi lại đóng vào, mời mãi khách mới nhón cái kẹo, miếng mứt gọi là ăn cho khỏi “mất dông”, còn thì tí tách hạt bí, hạt dưa hay “hạt dẻ cười”. Hóa ra là cái ăn bây giờ không còn hấp dẫn như ngày trước.

Tất nhiên là ngày nay, vẫn còn nhiều gia đình phải vất vả lo toan ngày Tết, vẫn còn những đứa trẻ mơ về Tết như ngày xưa tôi đã từng mơ. Nhưng về đại thể, Tết đã có biến chuyển khác nhiều so với trước đây, trong đó cái ăn không còn như các cụ ngày xưa trông chờ vào “ba ngày Tết”.

VẬT CHẤT DƯ DẢ, ĐỜI SỐNG TINH THẦN LÊN NGÔI

BZ-TET-NAY-TET-XUA-2

Mức sống đã được nâng cao, cùng với sự phát triển của hệ thống dịch vụ đã khiến chuyện ăn trong dịp Tết hầu như không quan trọng. Vật chất không còn khó khăn thì tinh thần lên ngôi. Vài năm trở lại đây, nhu cầu đi du lịch trong dịp Tết theo quy mô gia đình, điểm đến là danh lam thắng cảnh ở cả trong và ngoài nước, ngày càng tăng.

Một số gia đình trẻ cố gắng tiến hành thủ tục chúc Tết, mừng tuổi các cụ từ trước hay vào ngày mồng Một, mồng Hai để lên đường đi du lịch. Chẳng thế mà sau ngày mồng Một Tết, nhiều tuyến đường ách tắc vì xe cộ, nhiều danh lam thắng cảnh hoặc khu vui chơi giải trí chật ứ những người là người.

Vợ chồng bạn tôi lại khác. Mấy Tết rồi, sau trưa mồng Một, cả nhà lên đường. Xe ô-tô có đủ đồ ăn thức uống, thậm chí có cả bếp gas, xoong nồi, mắm muối, chăn màn. Mỗi năm họ đi một nơi, mà toàn là nơi ít người đến. Năm thì đi Cao Bằng, năm Điện Biên, nghe nói năm nay sẽ đi Hà Giang. Anh chị ấy bảo ở chỗ ồn ào lâu rồi, Tết phải tìm đến nơi ít người. Có hôm đi đường đói bụng, họ dừng lại ở đỉnh đèo Phadin. Bà con dân tộc đi chơi Tết về xúm quanh để xem hai anh chị người Kinh hì hụi… rán bánh.

Tết về, nhớ chuyện cũ nghĩ chuyện mới, lại thấy cuộc đời là thế. Đã có lúc tưởng chừng không thể vượt qua, khi qua rồi nghĩ lại vẫn thấy kinh ngạc: Tại sao có thể qua được năm tháng ấy? Đó là câu chuyện dài mà thế hệ chúng tôi không quên. Kể lại chuyện Tết xưa cũng là để trân trọng cuộc sống đầy đủ hôm nay, cho dù không phải tất cả đã đủ đầy, bởi đây đó vẫn còn một số gia đình không có bánh chưng ngày Tết. Tôi ao ước, giá như có phong tục: Bắt đầu mỗi bữa cỗ, người ta húp bát cháo hoa tượng trưng cho thời khốn khó để biết quý miếng ăn ngon đang có. Nhờ đó, con cháu chúng ta mới biết trân trọng những gì cha ông đã làm để có được ngàn vạn cái Tết thắm tươi như hoa đào mỗi độ xuân về.

Bài: Bảo Ngọc – Ảnh: Anh Dũng, Tư Liệu

Xem thêm