Năm 2022 là một cột mốc đặc biệt tại thành phố cà phê Buôn Ma Thuột, khi nhiều nghệ sĩ danh tiếng như Nhạc sĩ Đức Trí, nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, nhạc sĩ Dương Thụ, đạo diễn Cao Trung Hiếu… đến đây sản xuất nhiều chương trình nghệ thuật. Có thể kể đến Vở vũ kịch Chuyện kể 3 văn minh cà phê, một sản phẩm du lịch đặc biệt – khác biệt – duy nhất trên thế giới; đêm nhạc Tri ân những tri âm; ra mắt đĩa than Thanh âm tỉnh thức….
Tiếp nối sự thành công ấy, để chào đón xuân 2023, trong hai ngày 29 – 30/01/2023, Bảo tàng Thế giới Cà phê tại đây đã tổ chức chương trình Tôi ở đây để phụng sự, gồm có buổi hoà nhạc cổ điển Cảm hứng Chiềng đi; thưởng lãm bộ sưu tập thổ cẩm đương đại Xuân trên bản thượng từ nhà thiết kế La Phạm; Tết trồng cây, sự kiện thường niên từ năm 2018; Lễ dựng nêu các cộng đồng dân tộc Việt Nam; Hội thi ủ rượu cần…
Trong chuỗi hoạt động mừng Tết Quý Mão 2023, chương trình Tôi ở đây để phụng sự mở rộng cho cộng đồng địa phương, du khách tới Buôn Ma Thuột. Chương trình nhằm tôn vinh tinh hoa văn hoá của các dân tộc ít người tại Việt Nam, giúp đóng góp làm phong phú, đa dạng nền văn hoá bản địa trong cộng đồng hơn 49 dân tộc tại Đắk Lắk. Chương trình đã nhận được sự đồng hành, quan tâm lớn của nhiều lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, TP.Buôn Ma Thuột và các Sở ban ngành cũng như khách tham dự.
Ngày Tết 2023 thấm đẫm văn hóa bản địa ở Buôn Ma Thuột
Buổi hoà nhạc Cảm hứng Chiềng Đi
Buổi hoà nhạc Cảm hứng Chiềng Đi lần đầu được tổ chức tại bản Chiềng Đi, Vân Hồ, Sơn La. Nhóm nghệ sĩ đã chọn Thành phố Cà phê là điểm đến để công diễn lần thứ 3 sau Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh.
Được biết trong năm 2023, Cảm hứng Chiềng đi sẽ công diễn ở nhiều quốc gia trên thế giới như: Úc, Mỹ, Châu Âu… sau khi đã công diễn ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam tại Việt Nam.
Tại chương trình hòa nhạc cổ điển diễn ra ở Buôn Ma Thuột dịp Tết 2023, dịch giả Trịnh Lữ nói:
“Có thể đây là lần đầu tiên nhiều được nghe những âm thanh của các nhạc cụ Tây phương kể câu chuyện về chính những người đồng bào, kể về làng xã mình chứ không phải chơi nhạc của Bach hay Mozart mà một người nào đấy không biết… Mong rằng ngoài những chương trình có tính chất tầm cao như chương trình Cảm hứng Chiềng đi thì Bảo tàng Cà Phê tiếp tục đại chúng hóa, phổ thông hóa những nguồn cảm hứng rất giản dị, tốt lành bằng những hoạt động văn hoá nghệ thuật”.
Bộ sưu tập thời trang Xuân trên bản thượng
Bộ sưu tập thời trang Xuân trên bản thượng gồm 20 thiết kế thực hiện dành riêng cho chương trình, sử dụng chủ yếu các chất liệu tự nhiên, bản địa tại Việt Nam như: thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc H’Mông, Dao, Thái…; lụa tơ tằm, vải gai, vải lá dứa…
Theo chia sẻ của Nhà thiết kế La Phạm: Thời trang như nhân duyên, một cầu nối để chị truyền tải những tinh hoa văn hoá Việt với thế giới bằng những thiết kế đương đại, có sự giao hòa và tính ứng dụng cao ở nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa. Đây cũng là cách để chị và nhiều người tìm về cội nguồn văn hoá của mình. Bộ sưu tập thổ cẩm đương đại đặc biệt đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham dự, theo dõi trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh đó lần Nhà thiết kế La Phạm, trong dịp tới làm việc tại Buôn Ma Thuột lần này cũng là cơ hội để chị tìm hiểu nhiều hơn về các chất liệu vải thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc nơi đây và có thể thực hiện một bộ sưu tập riêng để giới thiệu trong dịp Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 sắp tới.
>>> ĐỌC THÊM: HỌC NHUỘM VẢI VỚI MÀU TỰ NHIÊN TẠI WORKSHOP EMPOWER WOMEN ASIA
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam