Dầu CBD là gì: Những điều bạn cần biết trước khi sử dụng

Cơn sốt dầu CBD đang bùng nổ toàn cầu. Bạn biết gì về loại dầu này?

Dầu CBD đang được ca ngợi là chữa bách bệnh. Tuy nhiên điều này không đúng. Hãy tìm hiểu kỹ về dầu CBD là gì trước khi chạy theo trào lưu lạm dụng hoạt chất CBD.

Tôi là một người mắc chứng mất ngủ nặng. Lên giường đi ngủ nhưng những lo toan của ngày hôm sau cứ khiến tôi thao thức. Cho đến một ngày, chị bạn tôi mách: “Sao không thử CBD? Thứ này giúp ngủ tốt lắm đấy”. Sau đó, chị ấy hăm hở xách cho tôi mấy lọ bé bằng chai serum, cùng mấy gói kẹo dẻo. “Dùng cái nào cũng được em ạ. Dầu thì chỉ ngậm một giọt dưới lưỡi trước khi ngủ. Kẹo dẻo thì dùng hai viên. Khoảng 30 phút là có hiệu quả”.

Thoạt nhiên tôi từ chối: “Em không muốn lạm dụng thuốc ngủ đâu”.

Chị cười: “Không hại như thuốc ngủ đâu em. Dầu CBD thiên nhiên hoàn toàn, đảm bảo không gây nghiện”.

Trước khi chị bạn đề nghị, tôi chưa bao giờ tìm hiểu hoạt chất CBD. Thoạt nghe thì cứ như một loại tiên dược, nhưng thực chất có phải vậy? Vậy dầu CBD là gì và sử dụng như thế nào? Hãy cùng Harper’s Bazaar tìm hiểu.

Dầu CBD là gì?

CBD thực chất không chỉ có định dạng dầu, mà còn có kẹo nhai, thuốc hút… Đặc điểm chung là chúng đều chứa hoạt chất cannabidiol hay CBD. Đây là hoạt chất được chiết xuất từ một thứ cây quen thuộc: marijuana (hemp). Tiếng Việt gọi là cỏ.

Marijuana khi hút trực tiếp có tác dụng gây “phê”. Từ hàng ngàn năm trước Công Nguyên, marijuana đã được sử dụng trong các nghi lễ tế thần trong nhiều tôn giáo vì được tin là mang tính chất kết nối tâm linh. Tại Ấn Độ, marijuana rất quen thuộc trong nghi lễ thiền định. Ở Hy Lạp cổ đại, cây này được xem là loại thuốc trị bệnh đau buồn. Tại Việt Nam, marijuana cũng có tên khác là cây gai dầu, lanh Mèo hay lanh Mán. Người miền núi phía Bắc trồng cây này lấy sợi làm quần áo, dùng như gia vị nấu ăn, và cả trong phúng điếu.

Khả năng gây “phê” của gai dầu tạo ra bởi hai hoạt chất cannabinoid thành phần, THC và CBD. Trong khi, THC (tetrahydrocannabinol) là chất có khả năng gây kích thích, thì CBD là hoạt chất có tính gây thư giãn.

Hiệu ứng của dầu CBD trên cơ thể là gì?

Hiện nay có những nghiên cứu khoa học xoay quanh CBD, nhưng đa phần còn rất ít và mờ nhạt. Sự ca tụng hiệu quả của CBD thường đến từ góc nhìn cá nhân của một số người đã sử dụng. Nào là chữa ung thư, bệnh Alzheimer, cơ địa rối loạn fibromyalgia gây đau cơ và khớp…

Thực chất, theo lời khuyến cáo chính thức từ Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ, chưa có bất cứ nghiên cứu nào cho thấy dầu CBD có khả năng chữa những bệnh trên. Các nhà nghiên cứu hiện tại chỉ đồng tình rằng CBD có hai tác dụng tốt cho sức khỏe: Khả năng giảm đau và giúp thư giãn.

1. Kháng viêm, giảm đau

Hoạt chất CBD tác động trực tiếp vào thụ thể cannabinoid. Đây là một phần của hệ thống endocannabinoid trong cơ thể chúng ta, tham gia vào một loạt các quá trình sinh lý bao gồm sự thèm ăn, cảm giác đau, tâm trạng và trí nhớ.

Trong phòng thí nghiệm, CBD đã được chứng minh có thể kháng viêm, dẫn đến chức năng giảm sưng, giảm đau. Cách giảm đau của hoạt chất CBD rất khác với morphine chiết xuất từ cây cần sa. Trong khi morphine hoạt động nhanh và mạnh khiến cơn đau biến mất ngay lập tức, CBD chỉ khiến cho cơn đau suy giảm xuống đến mức độ đủ nhẹ để chịu được. Các nhà nghiên cứu đồng ý rằng hoạt chất CBD có thể được áp dụng chung với thuốc giảm đau để cắt giảm hàm lượng thuốc giảm đau sử dụng – lý do vì sao, tôi sẽ đề cập thêm ở đoạn sau.

2. Giúp thư giãn

Trong khi THC gây kích thích và lo âu, thì CBD lại có tác dụng an thần. Đây là vì CBD kích hoạt serotonin, thụ thể giúp chúng ta điều tiết stress và sự lo lắng, mang lại hiệu ứng tựa như thuốc chống trầm cảm.

Như vậy, sử dụng CBD có thể giúp tôi ngủ ngon vì nó xoa dịu những cơn đau đầu do stress, nhưng không thật sự tạo cảm giác buồn ngủ cho cơ thể. Hiệu ứng của CBD khác với viên uống melatonin chứa hormone điều tiết chu kỳ thức – ngủ của cơ thể, tạo cảm giác buồn ngủ thực sự. Thậm chí, nếu dùng CBD quá liều (nhiều hơn 600 đến 1,200 milligram/ngày), bạn sẽ có thể bị tác dụng ngược lại là mất ngủ.

Dầu CBD lên ngôi trong cơn khủng hoảng thuốc giảm đau

Lúc biết được CBD là một phần của cây marijuana, ban đầu, tôi cũng ngại thử. Tuy nhiên, chị bạn tôi không đồng tình. Theo chị ấy, do khoa học tiên tiến đã tách được hoạt chất CBD ra khỏi “cỏ”, nó không có những tác dụng như việc sử dụng thứ cây nguyên bản. Dùng dầu CBD chẳng khác gì việc bôi axít hyaluronic lên mặt. Axít hyaluronic có thể được chiết xuất từ bì lợn, gân gà, thậm chí tròng mắt bò… Chúng ta chẳng ai nghĩ bôi loại axít đó là lấy mấy thứ này đắp lên mặt, đúng không?

Ngoài ra, chị bạn tôi là một người ngại lạm dụng thuốc. Chị ấy khen ngợi dầu CBD là một giải pháp tốt cho những người cần sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên. Chị ấy cũng chia sẻ với tôi thông tin về cơn khủng hoảng nghiện thuốc giảm đau tại Mỹ.

Bạn có biết, nhiều loại thuốc giảm đau sử dụng chiết xuất từ cây thuốc phiện?

Chúng được gọi là thuốc có nguồn gốc opioid. Trong số đó bao gồm cả morphine, pethidine và codein. Tương tự như thuốc phiện, lạm dụng thuốc giảm đau gốc opioid có thể gây nghiện và thậm chí tử vong.

Ở Mỹ đang xuất hiện thực trạng đáng sợ khi có hơn 50.000 ca tử vong vì thuốc giảm đau riêng trong 2017. Những cái tên lớn trong ngành dược ở Mỹ đang vướng vào những vụ kiện cấp liên bang để đền bù cho những gia đình bị hút vào vòng xoáy nghiện thuốc giảm đau. Cụ thể, tập đoàn Johnson & Johnson bị phạt 572 triệu đô-la Mỹ. Còn tập đoàn Purdue Pharma cùng gia đình điều hành, gia đình tỷ phú Sackler, thì đối mặt với mức phạt từ 10 đến 12 tỷ đô-la Mỹ.

Chính vì vậy, hoạt chất CBD đang được khen ngợi là một phương pháp thay thế thuốc giảm đau gốc thuốc phiện. Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) vừa công bố sẽ viện trợ kinh phí trị giá 3 triệu đô-la Mỹ cho các hãng dược để nghiên cứu thuốc giảm đau từ dầu CBD.

Đừng nhầm lẫn hoạt chất CBD với việc hút cỏ marijuana

Chị bạn thường nhắc tôi: “Em dùng CBD thì được. Miễn sao đừng đụng vào THC hay hút cỏ”.

Thực chất, ngành công nghiệp marijuana (hemp) mới bước vào giai đoạn sơ khởi. Vốn bị xem là chất kích thích, nó bị cấm rộng rãi toàn cầu, nên cũng ít được nghiên cứu. Chỉ gần đây, khi Mỹ và Canada từ từ chấp thuận hemp, mới xuất hiện nhiều nghiên cứu sâu sắc hơn.

Trước đây, hình ảnh marijuana gắn liền với giới hippie của thập niên 70. Được dân hippie ca tụng là thứ chất “mang lại hòa bình cho nhân loại”, vì marijuana không gây nghiện, chỉ gây đê mê và thư giãn. Tuy nhiên, nhiều tin tức mới cho thấy hút cỏ quá liều cũng có thể gây tử vong. Một số người mắc phải chứng bệnh CHS, cannabinoid hyperemesis syndrome, tức chứng nôn mửa sau khi hút cần sa. Một số bác sỹ cho rằng việc thương mại hóa CBD tại Mỹ đã cho phép người dùng tăng liều lượng hút lên, dẫn đến việc ngộ độc các hoạt chất cannabinoid trong cỏ. Mới đây tại Mỹ cũng đã xuất hiện nhiều ca bệnh nặng và tử vong do sử dụng thuốc lá điện tử chứa THC.

Nhìn chung, khoa học đến giờ chỉ khen riêng hoạt chất CBD mà thôi.

Dầu CBD là gì? Nó cũng là một sản phẩm đi theo xu hướng làm đẹp thiên nhiên

Cẩn thận trước cơn sốt CBD

Nếu tìm hiểu kỹ càng hơn về CBD, bạn sẽ thấy hoạt chất này đã gây sốt đến mức độ nào.

Hiện tại, CBD xuất hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ thời trang, làm đẹp đến ẩm thực. Nào là kem dưỡng da, son môi và dầu dưỡng tóc khoe “dầu CBD hấp thụ qua da có tác dụng giảm viêm, chống đau” với mức giá từ vài chục đến vài trăm đô-la Mỹ. Nào là trang phục tập thể thao, yoga có chứa tinh dầu CBD “giúp xoa dịu cơ bắp khi tập thể dục”. Chưa kể những quán ăn phục vụ sinh tố chứa dầu CBD “cho một ngày thư giãn”.

Khoa học vẫn còn đang mò mẫm nghiên cứu về marijuana nói chung và CBD nói riêng. Hiện tại bạn chỉ nên tin tưởng vào những sản phẩm đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận. Danh sách này đang giới hạn ở phiên bản dầu uống, kẹo dẻo và thực phẩm bổ sung dạng viên. Còn về những sản phẩm đang mọc lên như nấm sau “cơn mưa” CBD, xin đừng đụng vào!

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm