Tập đoàn LVMH vẫn trụ vững trước những sóng gió kinh tế. Báo cáo kết quả tài chính quý 1/2024, tập đoàn LVMH thu về 20,7 tỉ euro, tăng trưởng hữu cơ 3% so với cùng kỳ năm trước.
Con số này khá nhỏ so với mức tăng trưởng hai con số vào những giai đoạn đại dịch. Như tập đoàn đã nhận định từ trước, doanh số có mức tăng trưởng giảm dần khi giá tăng vì lạm phát và tỉ suất cho vay cao khiến phân khúc tiêu dùng trung lưu (upper middle class) và tệp khách hàng khát vọng (aspirational customer) thắt lưng buộc bụng. Tuy nhiên, so sánh với nhiều công ty thời trang khác, LVMH đã có một khởi đầu năm mới tốt đẹp mặc cho sự bất ổn trong kinh tế và chính trị toàn cầu.
Tập đoàn LVMH tăng trưởng 3% hữu cơ trong quý 1/2024
Tập đoàn đưa ra tóm tắt về tình hình chung như sau:
- Châu Âu và Hoa Kỳ tăng 2%, phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ trong chi tiêu của khách hàng Trung Quốc khi đi du lịch
- Nhật Bản ghi nhận tăng trưởng doanh thu hai con số
- Các địa phận còn lại của châu Á giảm 6%
Các nhà phân tích chuyên ngành xa xỉ phẩm tại công ty tư vấn đầu tư Bernstein cho biết, kết quả này “nói chung là ổn” so với giai đoạn vừa qua, khi cả thế giới chìm trong lo lắng về chiến tranh bùng nổ.
Cụ thể hơn, tập đoàn LVMH tăng trưởng hữu cơ ở các hạng mục Thời trang và Ngành hàng da thuộc (2%), Nước hoa và Mỹ phẩm (7%), Bán lẻ (11%). Trong khi đó, những hạng mục giảm gồm Rượu và Thức uống có cồn (-12%) cùng Trang sức và Đồng hồ (-2%).
Ở hạng mục Thời trang và Ngành hàng da thuộc, các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Loro Piana, Rimowa và Berluti đều có sức phát triển tốt quý đầu năm. Dòng túi xách Speedy P9 nhiều màu sắc của giám đốc sáng tạo Pharrell Williams đặc biệt có sức hút cao, trong khi đó tất cả sản phẩm của Dior và Loro Piana đều bán chạy. Ở Celine, được đón nhận nhất là dòng túi xách l’Arc de Tromphe với logo biểu tượng.
Ở hạng mục Mỹ phẩm và Nước hoa, việc mở rộng các kênh phân phối đã giúp tăng doanh thu. Dior phát triển nhanh nhờ phiên bản son môi Rouge Dior cải tạo, cùng với các dòng nước hoa Sauvage, J’Adore và Miss Dior. Trong khi đó, Guerlain tăng trưởng nhờ dòng nước hoa Aqua Allegoria.
Ở hạng mục Đồng hồ và Trang sức, các thương hiệu đều đang thúc đẩy những chiến dịch quảng bá lớn toàn cầu. Các thương hiệu trang sức từ Tiffany & Co đến Bulgari và Chaumet đều tập trung nhấn mạnh vào tính di sản của thương hiệu. Trong khi đó, các thương hiệu đồng hồ gồm Hublot, Zenith và TAG Heuer thì đề cao sự sáng tạo và công nghệ mới.
Về mặt bán lẻ, Sephora một lần nữa lại đạt được sức tăng trưởng tốt khi những ngày tháng giãn cách xã hội kết thúc. Sau Quý 1/2024, tập đoàn LVMH vẫn tiếp tục mở rộng mạng lưới cửa hàng cho Sephora ở Mỹ, tuy nhiên sẽ rút khỏi Hàn Quốc khi không thể cạnh tranh với chuỗi Olive Young.
Sự thay đổi hậu COVID-19
Ngành công nghiệp xa xỉ phẩm đang điều chỉnh theo nhu cầu tăng trưởng chậm lại, sau một thời gian doanh số phất lên vượt trội vì đại dịch. Giai đoạn đại dịch, người tiêu dùng không thể đi du lịch nên dồn tiền vào mua xa xỉ phẩm. Khi các quốc gia ngừng giãn cách xã hội, nhiều người bị cuồng chân đã đi mua sắm như một cách chăm sóc tinh thần bản thân.
Nay, khi thế giới trở về với cân bằng, cộng thêm những bất ổn do chiến tranh ở châu Âu, đã khiến người tiêu dùng một lần nữa hạn chế mở hầu bao khi họ lo sợ về tương lai. Trong khi đó, phân khúc khách hàng siêu giàu vẫn đều đặn mua sắm và đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì mức tăng trưởng.
Công ty đầu tư Barclays dự đoán rằng tốc độ tăng trưởng của ngành xa xỉ phẩm sẽ chậm lại ở mức một con số trong năm nay, giảm từ mức gần 9% vào năm 2023 và hai con số của hai năm trước đó.
Sự phục hồi của thị trường Trung Quốc
Các nhà đầu tư hiện lo lắng về sự phục hồi ở chính Trung Quốc, nơi giá bất động sản giảm và tỷ lệ thanh niên thất nghiệp đã làm giảm nhu cầu về thời trang cao cấp. Tuy nhiên, dân du lịch Trung Quốc lại đổ dồn về châu Âu và Nhật Bản, dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số ở các thị trường này.
Giám đốc tài chính LVMH, ông Jean-Jacques Guiony, cho biết ông “khá hài lòng” với sức mua từ khách hàng Trung Quốc. Ông cho biết, doanh số của Louis Vuitton toàn cầu đến từ khách hàng Trung Quốc đã tăng khoảng 10%, với tỉ lệ ngày càng tăng bên ngoài Trung Quốc đại lục khi họ tiếp tục đi du lịch, đặc biệt là ở Nhật Bản và ở một mức độ nào đó ở châu Âu.
Các thương hiệu của tập đoàn LVMH liên tục tổ chức những sự kiện để đón đầu các cư dân của thị trường tỉ dân, từ những show diễn thời trang (Louis Vuitton Pre-Fall, Dior Cruise) cho đến các triển lãm (Loewe). Bên cạnh đó, tập đoàn vẫn tiếp tục xúc tiến dự án phát triển khu phức hợp mua sắm và giải trí miễn thuế trên đảo Hải Nam, tạo ra một thiên đường mua sắm mới ở Trung Quố .
LOUIS VUITTON PRE-FALL 2024: PHONG CÁCH PHÁP GIAO THOA CÙNG TINH THẦN TUỔI TRẺ TRUNG QUỐC
DÀN SAO HÀN TRUNG SIÊU HOT TỀ TỰU VỀ HỒNG KÔNG DỰ SHOW LOUIS VUITTON MEN PRE-FALL 2024
Với sự phát triển trong Quý 1/2024, tập đoàn LVMH vượt mặt ngành nông nghiệp Pháp về sản lượng xuất khẩu
Theo một báo cáo mới của công ty tư vấn đầu tư Asterès được chia sẻ trên tờ Financial Times, doanh số từ xuất khẩu túi xách và nước hoa toàn cầu của LVMH đã vượt qua doanh xuất khẩu rượu vang của nước Pháp từ năm ngoái.
Công ty mẹ của Louis Vuitton, Dior, Loewe, Bulgari… chiếm 4% tổng sản lượng xuất khẩu của Pháp vào năm 2023. Trong khi doanh số từ phô-mai Camembert và rượu vang của Pháp này chỉ chiếm 3,2% tổng sản lượng xuất khẩu. Điều này cũng được phản ánh trong báo cáo tài chính Quý 1/2024 của tập đoàn LVMH, khi các sản phẩm thuộc hạng mục Rượu và Thức uống có cồn giảm 12% toàn cầu.
Tuần trước, công ty báo cáo rằng châu Á chiếm xấp xỉ 40% tổng doanh số bán hàng. Mỹ chiếm 25%. Còn Pháp chiếm chưa đến 10% doanh thu toàn cầu của LVMH.
Trích dẫn Reuters, LVMH, FT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar