Tập đoàn LVMH Moët Hennessy Louis Vuitton tuyên bố sẽ tuyển dụng 25.000 nhân sự trẻ dưới 30 tuổi, từ nay đến hết 2022. Người đại diện LVMH giải thích, có hai nguyên nhân chính: Một là để giúp giảm thiểu tình trạng thất nghiệp ở người trẻ tuổi, hai là để bổ sung lực lượng lao động và nghệ nhân ngày càng mai một trong giới chế tác xa xỉ phẩm.
Tại một buổi họp báo ở tổng cục hôm thứ Tư 22/9 vừa qua, bà Chantal Gaemperle, Phó tổng giám đốc tập đoàn phụ trách mảng nhân sự, đã chia sẻ các kế hoạch tuyển dụng của LVMH trong thời gian tới. Việc bổ sung 25.000 nhân sự trẻ dưới 30 tuổi đồng nghĩa với việc tăng cường 20% lượng nhân sự ở độ tuổi này của tập đoàn LVMH.
Doanh số LVMH đã trở lại mức độ trước đại dịch
Ông trùm ngành xa xỉ phẩm đã có sự tăng trưởng đột biến trong nhiều tháng qua. Vì đại dịch, người tiêu dùng không thể đi du lịch nên tiết kiệm tiền đầu tư cho các sản phẩm thời trang và làm đẹp cao cấp. Bên cạnh đó, thị trường Bắc Mỹ và châu Âu đã mở cửa khiến nhu cầu mua sắm tăng vọt.
Theo báo cáo tài chính của LVMH, doanh số nửa năm đầu 2021 đã tăng 11% khi so với cùng kỳ năm 2019 trước khi đại dịch bắt đầu hoành hành. Khách hàng chủ yếu đầu tư cho trang phục và phụ kiện từ hai thương hiệu đinh của tập đoàn là Louis Vuitton và Dior.
Nhóm khách hàng của các thương hiệu cũng dần trẻ hóa, đòi hỏi những thiết kế mang phong phạm streetwear như giày sneaker hạng sang và quần cargo. Vì lý do này, việc trẻ hóa đội ngũ nhân sự để có thể theo kịp nhu cầu khách hàng là điều tất yếu.
>>> Xem thêm: LOUIS VUITTON, DIOR LÀ “NGỖNG ĐẺ TRỨNG VÀNG” CỦA TẬP ĐOÀN LVMH
Những chiến dịch tuyển dụng nhân sự trẻ của tập đoàn LVMH
Chiến dịch tuyển dụng được LVMH gọi là Craft the Future (xây dựng thế hệ mới), xoay quanh 280 thể loại công việc khác nhau tại tập đoàn. Ở những khu vực như Ý, Đức và Nhật Bản, LVMH sẽ mở lớp đào tạo cho những kỹ năng như làm bánh ngọt hay làm rượu vang. Còn riêng tại Pháp, LVMH mong muốn tìm 5000 thực tập sinh, và 2500 nhân viên toàn thời gian.
Đặc biệt, thể loại công việc đang cần nhân sự cấp bách nhất chính là ở khâu chế tác sản phẩm đồ da. Theo hiệp hội chuyên ngành Comité Colbert, ngành chế tác da thuộc rất khó tuyển nhân sự trẻ, mặc dù LVMH đã đầu tư 120 triệu Euro cho các chương trình đào tạo.
Được biết, LVMH có trường dạy nghề riêng, gọi là Institut des Métiers d’Excellence. Trường nghề này đã thu nhận 339 học viên năm nay, nhưng vẫn không đủ so với số lượng nhân sự mà tập đoàn cần tuyển dụng. Lý do vì ngành sản xuất, chế tác bị xem là công việc tay chân, không được xem trọng như những ngành công nghệ hay truyền thông có vẻ cao sang hơn.
“Số liệu khiến chúng tôi rất lo lắng. Vì thị trường thật sự thiếu sót nhân tài”, bà Chantal Gaemperle nói. “Nói đến LVMH thì mọi người thường nghĩ đến sản phẩm tuyệt đẹp của chúng tôi, nên thường muốn làm việc ở vị trí truyền thông và quảng cáo. Nhưng sự thật là chúng tôi còn nhiều vị trí bị bỏ ngỏ ở lĩnh vực sản xuất, IT, chuỗi cung ứng, và kể cả nhân sự”.
Cơ hội cho giới trẻ toàn cầu
Bên cạnh đó, tập đoàn LVMH cũng mở nền tảng đào tạo qua mạng gọi là Inside LVMH. Đây là trường dạy nghề online miễn phí của LVMH. Sau khi đăng ký tài khoản, thí sinh có thể truy cập 50 giờ đồng hồ các nội dung liên quan đến ngành nghề xa xỉ phẩm. Khi hoàn tất khóa học, thí sinh sẽ được cấp bằng chứng nhận từ LVMH.
Bắt đầu từ 28/9/2021, Inside LVMH sẽ mở khóa đào tạo mới, không giới hạn đối tượng, tình trạng học vấn hay quốc gia.
>>> Xem thêm: LVMH THÂU TÓM THƯƠNG HIỆU OFF-WHITE CỦA VIRGIL ABLOH
Ảnh: LVMH. Trích Reuters, LVMH News
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam