Tầm quan trọng của tuần lễ thời trang: Cỗ máy kinh tế khổng lồ

Khởi nguồn từ thế kỷ 17 đến nay, Tuần lễ thời trang vẫn là một phần không thể thiếu của ngành công nghiệp thời trang nói chung và kinh tế nói riêng ở các quốc gia

Vì tầm quan trọng của các tuần lễ thời trang, cứ một năm hai lần, ngành công nghiệp thời trang cao cấp lại tụ hội về các kinh đô thời trang lớn. Ảnh: ImaxTree

Hậu COVID-19, nhiều thương hiệu rời bỏ Tuần lễ Thời trang. Ralph Lauren, Michael Kors, Coach và Tory Burch không trình diễn trong Tuần lễ Thời trang New York. Tại London, Burberry, “linh hồn” của thời trang Anh quốc chỉ trình diễn bộ sưu tập dành cho Nam. Gucci, Saint Laurent, Bottega Veneta, Balenciaga – các thương hiệu chủ lực của Kering – không vắng mặt tại Tuần lễ Thời trang Paris, Milan.

Trong đại dịch, chúng ta cũng nghe nhiều hơn đến Metaverse hay NFT. Nhiều ý kiến cho rằng Tuần lễ Thời trang truyền thống sẽ thay đổi.

Nhưng đến nay, sau khi đại dịch chính thức kết thúc, các thương hiệu cũng quay trở lại trình diễn tại Tuần lễ Thời trang. Metaverse cũng dần lùi xa, đưa thời trang trở về với giá trị cốt lõi: xem được, chạm được, mua được.

Trong thời đại công nghệ số và vượt qua Covid-19, Tuần lễ Thời trang cổ điển vẫn giữ nguyên giá trị, tầm quan trọng và không thể thay thế hay xóa bỏ.

TUẦN LỄ THỜI TRANG BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Lịch thời trang truyền thống vốn do Vua Pháp Louis XIV quy định: trang phục Thu Đông giới thiệu vào tháng Hai, quần áo Xuân Hè giới thiệu vào tháng Chín hàng năm. Vào thế kỷ 17, dưới sự dẫn dắt của Louis XIV, Paris và nước Pháp là kinh đô thời trang thế giới. Việc phân định thời trang theo mùa khuyến khích người dân mua hàng một năm hai mùa, thúc đẩy kinh tế.

Khởi nguồn, đây là ý tưởng kinh doanh tuyệt vời. Người ta mua trang phục vì đó là các thiết kế mới nhất, chứ không phải vì họ thực sự cần. Truyền thống ấy được giữ vững đến ngày nay và càng phát triển rực rỡ.

Tầm quan trọng của các tuần lễ thời trang

Quỳnh Anh Shyn (trái) tại show diễn Onitsuka Tiger tại Milan. Ảnh: ImaxTree

Nền tảng phục vụ nhiều đối tượng

Show diễn thời trang truyền thống là một sự kiện “đúng người, đúng thời điểm”. Các biên tập viên, nhà bán lẻ, ngôi sao có tầm ảnh hưởng tụ họp lại để tạo ra và truyền tải giá trị văn hóa. Họ biến trang phục trở nên đáng khao khát. Hợp nhất các buổi trình diễn thành một lịch trình chặt chẽ, chúng ta có Tuần lễ Thời trang. Điều này giúp các thương hiệu giảm thiểu chi phí và tối đa hóa tác động đến hành vi tiêu dùng.

Tuần lễ Thời trang không chỉ dành cho các “gã khổng lồ” trong ngành. Các thương hiệu độc lập khi trình diễn cũng sẽ được hưởng lợi từ làn sóng xu hướng và các tác động mà chúng tạo ra. Trên Google, từ khóa tìm kiếm “trình diễn thời trang” đạt đỉnh vào mỗi mùa Tuần lễ Thời trang. Đó là cách các thương hiệu nhỏ lẻ “đứng trên vai người khổng lồ”, tiếp cận công chúng và khách hàng từ khắp thế giới.

Luôn thay đổi để đạt mục tiêu tiếp cận người tiêu dùng

Thu hút sự chú ý của người tiêu dùng là mục tiêu quan trọng nhất của các Tuần lễ Thời trang.

Năm 2018, Launchmetrics hợp tác với CFDA để phân tích tác động truyền thông của hơn 400 show diễn thời trang trong các Tuần lễ New York, London, Milan và Paris. Kết quả là công chúng quan tâm đến các thương hiệu thời trang nhiều nhất trong các tháng thời trang.

Một số thương hiệu có lượt đề cập trên mạng xã hội tăng đến 800% trong Tuần lễ Thời trang so với thời điểm khác trong năm. Từ lợi thế này, các nhà mốt sẽ chuyển đổi để tiếp thị thời trang đến người mua cuối cùng. Truyền thông, người nổi tiếng sẽ góp phần trong quá trình, truyền tải các thông điệp đến thị trường.

Trong đại dịch, nhiều thương hiệu thay đổi hình thức giới thiệu bộ sưu tập. Các show diễn vật lý trở thành trực tuyến. Gucci đã từ bỏ sàn diễn vật lý từ giữa năm 2020. Bộ sưu tập trực tuyến đầu tiên của nhà mốt Ý với tên gọi Epilogue, trình diễn kéo dài đến 12 giờ, thu hút 35 triệu lượt xem.

TikTok cũng bắt kịp xu hướng này khi khởi xướng Tháng Thời trang vào 9/2020, với sự tham dự của Prada và Celine.

Một guồng máy kinh tế khổng lồ

Các nhân vật có tầm ảnh hưởng trước thềm show diễn Coach tại New York. Ảnh: ImaxTree

Đằng sau vẻ hào nhoáng, thơ mộng hay lộng lẫy của trang phục, người nổi tiếng, người mẫu, Tuần lễ Thời trang là một guồng máy kinh tế, mang đến giá trị thặng dư. New York là Tuần lễ Thời trang được xem nhiều nhất thế giới. Với hàng triệu lượt xem, chúng tạo ra giá trị khoảng 887 triệu đô-la Mỹ mỗi năm.

Tuần lễ Thời trang mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp vệ tinh, từ tiếp thị, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất… Số lượng nhân công hoạt động trong ngành thời trang chiếm đến 6% lực lượng lao động của thành phố.

Tại Pháp, thời trang tạo ra đến hơn 600.000 công việc. Ngành công nghiệp thời trang Anh quốc đóng góp khoảng 32 tỉ bảng Anh mỗi năm cho nền kinh tế. Trong đó, mỗi Tuần lễ Thời trang sẽ mang về khoảng 374 triệu đô-la Mỹ. Tuần lễ Thời trang Milan đạt giá trị kinh tế khoảng 160 triệu bảng Anh, với nhân lực chiếm đến 12,5% lực lượng lao động của Ý.

Ở góc độ kinh tế – xã hội, ngành công nghiệp thời trang và Tuần lễ Thời trang đóng vai trò thực sự quan trọng. Với tầm ảnh hướng ấy, các Tuần lễ Thời trang cổ điển và quy luật trình diễn của chúng sẽ còn bền vững trong nhiều thế kỷ tới, như cách chúng tác động đến đời sống trong hơn bốn thế kỷ qua.

CÁC KINH ĐÔ THỜI TRANG QUAN TRỌNG:

Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm