Thức khuya là một trong những thói quen không tốt của nhiều người. Tùy theo từng độ tuổi, người ta thức khuya do ôn thi, xem phim, chạy deadline, lướt mạng, tán chuyện. Thức khuya thường xuyên sẽ gây nên những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe. Bazaar Vietnam sẽ chỉ ra những tác hại của thức khuya với phụ nữ nhất định bạn nên biết.
Tìm hiểu về cơ chế nghỉ ngơi của cơ thể
Theo đồng hồ sinh học của cơ thể, khoảng thời gian từ 23 – 5 giờ sáng là thời điểm các cơ quan thực hiện quá trình thải độc. Vì vậy, lúc này cơ thể chúng ta cần được nghỉ ngơi.
Khi bạn nghỉ ngơi, cơ thể sẽ tiến hành thực hiện quá trình thanh lọc cơ thể:
• Từ 21 – 23 giờ: Cơ thể cần được thư giãn, yên tĩnh để hệ miễn dịch đào thải các chất độc.
• Từ 23 – 1 giờ: Nên ngủ say để gan thực hiện thải độc.
• Từ 1 – 3 giờ: Mật thực hiện thải độc.
• Từ 3 – 5 giờ: Phổi thực hiện thải độc.
• Từ 0 – 4 giờ: Tủy sống thực hiện quá trình tạo máu.
• Từ 5 – 7 giờ: Ruột già thực hiện thải độc. Thời điểm này bạn nên thức dậy và vệ sinh cá nhân.
• Từ 7 – 9 giờ: Nên ăn sáng để ruột non hấp thụ chất dinh dưỡng.
Nếu bạn thức khuya, quá trình này sẽ bị rút ngắn lại, cơ thể tích trữ độc dẫn đến hệ miễn dịch bị giảm sút rõ rệt. Đặc biệt, vào ban ngày, hệ thần kinh của chúng ta hoạt động rất mạnh. Cơ quan này cần được nghỉ ngơi để phục hồi vào ban đêm. Việc thức khuya sẽ khiến cơ thể liên tục làm việc, không được nghỉ ngơi. Như vậy, tinh thần và năng suất làm việc của ngày hôm sau cũng sẽ bị ảnh hưởng.
>>> Đọc thêm: ĐI TÌM LỜI GIẢI CHO VẤN ĐỀ THỨC KHUYA CÓ RỤNG TÓC KHÔNG
Các tác hại của thức khuya với phụ nữ
Tác hại của thức khuya với phụ nữ là gì? Thường xuyên thức khuya sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực và hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe, cụ thể:
1. Tác hại của việc thức khuya đối với phụ nữ: Da bị lão hóa nhanh chóng
Thức khuya khiến cho hoạt động điều tiết của các tế bào da thay đổi thất thường. Từ đó gây ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của tế bào biểu bì. Tác hại của việc thức khuya đối với phụ nữ là làm cho da bị mất cân bằng độ ẩm, dẫn đến hư tổn, lão hóa.
Bên cạnh đó, thức khuya khiến nội tiết tố bị rối loạn, tiết ra nhiều chất nhờn, gây bít tắc lỗ chân lông dẫn đến nổi mụn.
>>> Đọc thêm: 15 CÁCH CHỐNG LÃO HÓA DA MẶT VÔ CÙNG HIỆU QUẢ
2. Gây rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt
Trong lúc ngủ, cơ thể có nhiệm vụ bài tiết hormone cân bằng giúp ngăn ngừa tình trạng rối loạn nội tiết. Phụ nữ thường xuyên thức khuya sẽ khiến quá trình sản xuất hormone bị đảo lộn, dẫn đến thiếu hụt hoặc mất cân bằng hormone. Đây là nguyên nhân gây nên rối loạn nội tiết tố, tăng nguy cơ mắc bệnh u xơ tử cung ở phụ nữ.
Chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn là một trong những tác hại của việc thức khuya với phụ nữ. Thức khuya sẽ khiến hoạt động của buồng trứng và tuyến yên bị rối loạn. Nồng độ progesterone, estrogen và quá trình trao đổi chất trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng theo.
Sự mất cân bằng nội tiết tố do thức khuya có thể khiến bạn mệt mỏi, bị hội chứng tiền kinh nguyệt, thậm chí mất kinh. Phụ nữ có thói quen thức khuya còn thường có những biểu hiện bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt như:
• Máu ra ít hoặc ra nhiều hơn so với bình thường
• Máu có màu nâu, đen
• Đau bụng dữ dội
• Chóng mặt, mệt mỏi
>>> Đọc thêm: TOP 15 CÁCH LÀM GIẢM ĐAU BỤNG KINH NGAY LẬP TỨC
• PHỤ NỮ ĐẾN THÁNG ĂN GÌ CHO NHANH HẾT? 27 THỰC PHẨM NÊN VÀ KHÔNG NÊN
3. Tác hại của việc thức khuya đối với phụ nữ: Dễ mắc các bệnh về tim mạch
Khi thức khuya, cơ thể sẽ giải phóng ra cortisol. Đây là hormone làm tăng huyết áp. Theo nghiên cứu của bệnh viện Brigham and Women tại Boston, những người 1 ngày ngủ ít hơn 5 tiếng sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người ngủ đủ giấc là 39%. Vì vậy, thức khuya là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tim mạch.
4. Tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh ung thư vú
Theo nghiên cứu, phụ nữ có thói quen thức khuya có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn với người ngủ đúng giờ gấp 1,5 lần. Thức khuya khiến hormone estrogen và progesterone bị mất cân bằng. Tình trạng này không chỉ gây rối loạn kinh nguyệt, giảm ham muốn tình dục mà còn tăng nguy cơ ung thư vú.
Thức khuya còn khiến quá trình sản xuất melatonin bị rối loạn. Đây là hormone có vai trò tạo cảm giác buồn ngủ, giúp não bộ nghỉ ngơi, điều hòa quá trình trao đổi chất và chống lại sự hình thành của các khối u trong cơ thể.
5. Tăng nguy cơ thừa cân, mắc bệnh béo phì và tiểu đường
Ban đêm là thời điểm hệ tiêu hóa cần phải nghỉ ngơi. Thức khuya khiến nhu cầu ăn uống của bạn tăng cao. Bạn sẽ dần hình thành thói quen ăn đêm do thức khuya. Thói quen này khiến lượng calo nạp vào cơ thể càng cao, gây tích tụ mỡ thừa, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Ngoài ra, thức khuya còn khiến quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể bị rối loạn. Đây là một trong các tác hại của thức khuya khiến nồng độ glucose trong máu tăng cao, dẫn đến nguy cơ thừa cân và tiểu đường.
>>> Đọc thêm: 4 THỰC ĐƠN EAT CLEAN 7 NGÀY GIẢM CÂN VÀ MỠ BỤNG HIỆU QUẢ
6. Các tác hại của thức khuya với phụ nữ: Tiềm ẩn nguy cơ bị trầm cảm
Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thức khuya thường có nguy cơ mắc chứng trầm cảm hơn những người ngủ đúng giờ.
Thức khuya khiến đồng hồ sinh học của cơ thể bị rối loạn, là nguyên nhân dẫn đến rối loạn lo âu, phiền não, trầm cảm.
7. Khiến thị lực bị giảm sút
Thức khuya làm tăng lưu giữ chất lỏng xung quanh mắt, tạo nên quầng thâm, bọng mắt. Ngủ không đủ giấc còn khiến cho quá trình sản xuất nước mắt bị gián đoạn, gây nên tình trạng khô mắt.
Tình trạng mắt bị khô kéo dài sẽ dẫn đến đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, ngứa mắt hoặc đau nhức, mờ mắt.
Nếu thức khuya để làm việc, mắt của bạn sẽ thường xuyên phải tiếp xúc ánh sáng xanh của các thiết bị điện tử. Việc này yêu cầu mắt phải hoạt động và điều tiết nhiều hơn. Tình trạng này kéo dài sẽ gây tổn thương võng mạc, thoái hóa điểm vàng mắt, dẫn đến thị lực giảm sút nghiêm trọng.
8. Tác hại của thức khuya với phụ nữ: Suy giảm trí nhớ
Ngủ là thời gian não bộ được thư giãn, nghỉ ngơi. Khi thức khuya, não bộ bạn phải tiếp tục làm việc. Thức khuya thường xuyên khiến não bộ không được nghỉ ngơi đầy đủ, dễ gây suy giảm trí nhớ.
9. Ảnh hưởng hoạt động của hệ tiêu hóa
Các vi khuẩn trong đường ruột có sự thay đổi rõ rệt giữa ngày và đêm. Thức khuya khiến số lượng vi khuẩn đường ruột mất cân bằng, dẫn đến bệnh về tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu. Ngoài ra, thức khuya còn khiến dạ dày tăng tiết dịch axit gây viêm loét dạ dày.
Thời gian ngủ là lúc các tế bào niêm mạc trong dạ dày tái tạo và phục hồi. Khi thức khuya, các tế bào này sẽ không được nghỉ ngơi, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng suy yếu.
>>> Đọc thêm: THỨC KHUYA KHÔNG ĂN KHÔNG GIẢM CÂN VÌ NHỮNG LÝ DO NÀY!
10. Xuất hiện triệu chứng chóng mặt, đau đầu, mất tập trung và suy nhược cơ thể
Ngủ không đủ giấc khiến các dây thần kinh không được nghỉ ngơi, phải hoạt động ở cường độ cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất thăng bằng, xây xẩm và chóng mặt. Ngoài ra, thức khuya còn gây nên chứng đau đầu, đau nửa đầu, suy nhược cơ thể.
11. Tăng nguy cơ mắc các chứng rối loạn tâm thần
Thức khuya khiến tinh thần bị căng thẳng, dẫn đến chứng rối loạn tâm thần. Thức khuya lâu dần sẽ dẫn đến chứng mất ngủ. Vì vậy nhiều người sẽ có xu hướng tìm đến các loại thuốc ngủ, thuốc an thần. Điều này sẽ càng khiến chứng rối loạn tâm thần trầm trọng hơn.
12. Suy giảm hệ miễn dịch, một tác hại của thức khuya với phụ nữ
Ngủ đúng giờ giúp cơ thể có khoảng thời gian nhất định để tăng cường hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ nhất trong giai đoạn của giấc ngủ say.
Thức khuya khiến chất lượng của giấc ngủ không được đảm bảo dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch. Phụ nữ thức khuya thường xuyên sẽ dễ mắc các bệnh về hô hấp, sức khỏe bị ảnh hưởng.
Trên đây là những tác hại của việc thức khuya đối với phụ nữ mà bạn không nên bỏ qua. Bạn nên ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc và có thói quen sinh hoạt, ăn uống khoa học để bảo vệ sức khỏe nhé!
>>> Đọc thêm: 9 THỰC PHẨM GIÚP CẢI THIỆN QUẦNG THÂM MẮT TỪ BÊN TRONG
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam