Một nữ doanh nhân nổi tiếng networking và phơi phới yêu đời, dạo gần đây quyết định không để mắt đến truyền hình, không xem báo, không vào mạng… Chị nói không muốn nạp những cảm xúc tiêu cực khi đọc những cái ác, cái xấu đang dầy đặc trên mặt báo, trên các trang mạng. Tôi thấy chị có lý.
Gieo NHÂN gặt quả
Để không phải ôm rơm nặng bụng, tôi nhất quyết chỉ thu vào cho mình những gì giúp lên tinh thần. Nghe nói “dượng Tony” lúc này đang hớp hồn dân mạng bởi những bài chia sẻ cười té ghế. Tôi gõ Google vào Tony Buổi sáng, tò mò đọc “Chuyện tiền chuyện bạc”.
Mở đầu bằng câu kinh điển: “Dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước để đo lòng người”, nhưng Tony Buổi sáng có lý do để nói khác: “…hãy lấy tiền ra đo, một số lòng người đo được bằng tiền. Nhiều người có thể giữ mình ở mức vài ba triệu, nhưng có thể thay đổi trước vài ba tỷ…”. Và sao nữa? “…nó sẽ trở thành ông chủ, sai khiến mình, khiến mình khổ miết. Rồi lúc chết đi, mới giở nắp quan tài thều thào nói lời cuối, rằng “ngày xưa tui biết tiền chết không mang theo được như vầy thì tui đã khác. Nói xong đóng nắp quan tài lại rồi chết”.
Hahaha. Chết rồi ai cũng như ai, người ta khác nhau lúc sống. Sống như thế nào? Theo Tony Buổi sáng: “…Tham là phải có, nếu không, sống sẽ vô vị, làm việc sẽ kém động lực đi… Nhưng tiền phải do mình làm thì mới là của mình. Quy luật cơ bản nhất của mọi quy luật là nhân-quả… Tây Tàu gì đều có quy luật này”.
Học cách kiếm tiền mà không “để đồng tiền leo lên đầu lên cổ” làm mù tâm trí, có lẽ là bài học phải học hoài, bởi ai cũng cần có tiền trong suốt cuộc đời mình. Muốn sống tử tế cũng cần phải có tiền. Tiền tốt cần có “trái tim” chăng? Nữ doanh nhân Ngô Thanh Loan, chủ resort Bamboo Village, Phan Thiết có lần chia sẻ: “Điều tôi muốn đạt đến cùng của một dự án kinh doanh là mọi người đều chiến thắng! Nhà đầu tư, đối tác, khách hàng, nhân viên… ai cũng có phần lợi của mình. Cả vật chất lẫn tinh thần. Với tôi, khi tiến hành dự án nào mà tôi cảm thấy đối tác xem đích đến chỉ là tiền, mọi thứ khác đều là bàn đạp thì tôi sẽ dừng lại… cuộc chơi!”.
Vòng tay THIỆN nguyện
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo một thời làm kinh doanh bên trời Tây, mười năm nay trở về Việt Nam làm quản lý chương trình của một tổ chức phi chính phủ phòng chống nạn mua bán người. Những ngày này, chị ngược xuôi khi thì ở Long Xuyên, vùng đất giáp ranh Campuchia, khi cheo leo trên một bản làng vùng cao… giáp biên giới Trung Quốc. Nghĩ đến hình ảnh của chị, tôi lạc quan. Đó là một phụ nữ có tài kể chuyện hài hước, nhưng công việc của chị là đến với những cuộc đời đẫm đầy nước mắt. Trái tim nhiệt huyết, vòng tay ấm áp của chị và tổ chức thiện nguyện Pacific Links Foundation đã níu lại những số phận phụ nữ đang sa chân xuống hố. Những ngôi nhà Nhân Ái ở Long Xuyên, Lào Cai là tổ ấm, lớp học nghề của những trẻ gái từng bị bán dâm qua biên giới được hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Mỗi lần gọi chị, là nghe tiếng chị sôi nổi, giọng cười haha. Nhưng tôi biết, chị đang bèo nhèo sau một chặng đường vượt dốc bươn lên cho được ngôi nhà ở cao nhất trên núi, nghèo nhất ở một bản làng nào đó ở Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu… để gặp một em gái sắp bị bán qua biên giới hoặc vừa được giải cứu trở về. Nhìn hình ảnh chị bươn bả trên dốc núi, rồi thấy cái khoảnh khắc chị cười tươi tắn giữa những em gái cũng cười tươi, như chưa hề qua những bầm dập của cuộc đời, tôi thấu hiểu chị đang muốn giành giật lại cho cuộc đời này những gì.
Đến với cái ĐẸP
Trên hành trình đi tìm cái đẹp trong nghệ thuật, dường như nghệ sỹ thị giác Ly Hoàng Ly luôn rung động trước những câu chuyện đẹp của con người. Gần đây là câu chuyện của Thanh Thủy, “một nữ họa sỹ khác biệt”. Hơn 30 năm trước, một bé gái xinh đẹp ra đời ở một bệnh viện nước Pháp, nhưng khoảnh khắc toàn phúc ấy đã vụt biến, vì gần như lập tức người ta đã phát hiện ở bé những dấu hiệu của hội chứng Down-Trisomy 21. Đọc câu chuyện Thanh Thủy lớn lên, học chữ, học đàn, học bơi, vẽ tranh, sử dụng máy tính và vượt lên số phận như thế nào qua lời kể của người mẹ trong cuốn sách “Une artiste différente – A different artist”, không ai không xúc động thán phục. Đầu năm 2015, họa sỹ Thủy đã có một cuộc triển lãm cá nhân với tranh của cô được một nhà làm khăn lụa ở Lyon in lên khăn. Nhìn thấy nghệ thuật đã làm một con người nở hoa ra sao trên mảnh đất khô cằn, Ly cảm nhận: “Tình yêu thương là điều giá trị nhất trong cuộc sống này. Ý chí vươn lên cùng niềm tin mãnh liệt dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào là điều tối quan trọng để sống hữu ích”.
Tôi lần nữa nghiệm ra rằng, khi điều tồi tệ xảy ra, cách đơn giản nhất là… nhắm mắt lại, quên đi. Nhưng rồi chúng ta phải mở mắt nhìn ở lăng kính khác, sống với thực tế những điều đúng-sai, và chọn cách ứng xử.
Bạn nghĩ sao khi đọc câu chuyện này (trích sách Bạn chỉ sống có một lần): Cuối buổi học của học sinh lớp 7, cô giáo yêu cầu học sinh viết danh sách 7 kỳ quan thế giới. Tất cả đều có đáp án giống nhau, ngoại trừ một học sinh viết: “Em nghĩ 7 kỳ quan của thế giới là: Chạm – Nếm – Nhìn – Nghe – Cảm nhận – Cười – Yêu thương”.
TÔ MÀU NHỮNG NIỀM VUI:
Hãy đưa chút ý thích bất chợt vào nhịp sống đều đặn mỗi ngày!
Bạn hãy cùng họa sỹ tài hoa Valentina Harper cá nhân hóa những bức vẽ tinh tế trong bộ sách tô màu của cô (Nxb Trẻ, 2015).
Không cần có kỹ năng của họa sỹ , bạn vẫn có thể thỏa sức sáng tạo với sắc màu và làm nên những bức tranh lộng lẫy theo cảm xúc riêng của mình.
Những họa tiết mềm mại, phức tạp được Valentina kết hợp với những lời lẽ mang lại sự phấn chấn tinh thần.
Bạn có dịp nhận ra sự tự do có thể được diễn đạt như thế nào, và bằng cách riêng của mình, bạn nhân lên những niềm vui, cái đẹp và sự kỳ ảo của thế giới chúng ta đang sống.
Bài: Trúc Quân. Ảnh: Getty Images
Harper’s Bazaar Việt Nam số tháng 9/2015