Gala NUIT DE LA MODE đưa chuyên gia haute couture Pháp tới VN làm tọa đàm

Sự kiện "NUIT DE LA MODE" thuộc khuôn khổ mùa Thời trang và Thiết kế do viện Pháp tại Việt Nam tổ chức đã mang đến những chia sẻ thú vị về thời trang cao cấp nước Pháp.

Viện Pháp tại Việt Nam vừa tổ chức sự kiện Gala NUIT DE LA MODE nhân kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Pháp – Việt. Sự kiện kết hợp giữa tọa đàm và show diễn thời trang đã diễn ra tại khách sạn Sofitel Plaza, TP. Hồ Chí Minh.

Trong buổi tọa đàm, các diễn giả của chương trình đã chia sẻ những thông tin xoay quanh ngành thời trang cao cấp (haute couture); bí quyết cho sự sáng tạo của ngành thời trang Pháp; cũng như tầm ảnh hưởng của thời trang Pháp đối với thời trang Việt Nam.

Đêm gala cũng giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập của Top 3 thí sinh đạt giải tại cuộc thi thiết kế thời trang Fashion in Paris và BST Safari của thương hiệu thời trang Mr Crazy & Lady Sexy.

Gala NUIT DE LA MODE chia sẻ góc nhìn của các chuyên gia về ngành thời trang cao cấp nước Pháp

Sự kiện NUIT DE LA MODE có sự tham gia của bà Trần Nguyễn Thiên Hương – Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam trong vai trò người dẫn dắt, đồng thời là một diễn giả của chương trình. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự tham gia của các diễn giả đến từ kinh đô thời trang Pháp:

  • Ông Lucas Delattre – Giảng viên Học viện Thời trang Pháp.
  • Ông Nicolas Delarue – Giám đốc truyền thông và đối ngoại tại Liên đoàn Thời trang cao cấp và Thời trang Pháp, đơn vị tổ chức các tuần lễ thời trang Paris danh giá.

Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar – Bà Trần Nguyễn Thiên Hương

Ông Lucas Delattre và ông Nicolas Delarue

Tọa đàm NUIT DE LA MODE chia sẻ về ảnh hưởng của thời trang cao cấp Pháp đối với ngành thời trang Việt Nam

Tại buổi tọa đàm, thông qua những chia sẻ về lịch sử của ngành công nghiệp thời trang cao cấp nước Pháp, ông Lucas Delattre và ông Nicolas Delarue đã làm sáng tỏ định nghĩa về một khái niệm quen thuộc trong ngành thời trang mà hầu hết người Việt đang hiểu sai, đó là “haute couture”.

Hai diễn giả cho hay, “haute couture” là một thương hiệu đã được đăng ký bản quyền tại Pháp. Ngay tại kinh đô thời trang, chỉ có 14 nhà mốt được công nhận là haute couture. Khái niệm này không đơn thuần là thời trang cao cấp mà có thể dịch chính xác là “thời trang may đo cao cấp” – những thiết kế độc bản, được thiết kế và may hoàn toàn thủ công theo số đo của khách hàng.

Hai diễn giả cũng đồng quan điểm rằng các NTK Việt Nam có kỹ năng tuyệt vời trong việc ứng dụng kỹ thuật may đo thủ công trong các sản phẩm thời trang.

>>> XEM THÊM: HAUTE COUTURE LÀ GÌ: SỰ NGHIÊM NGẶT CỦA CHUẨN MỰC MAY ĐO CAO CẤP

Bên cạnh đó, Lucas Delattre và Nicolas Delarue cũng nhấn mạnh, ngành thời trang Pháp không giới hạn về quốc tịch. Nước Pháp luôn mở rộng cánh cửa để chào đón những NTK tài năng từ khắp nơi trên thế giới. Đó cũng là lý do Viện Pháp tại TP.HCM tổ chức cuộc thi Fashion in Paris để tìm kiếm những tài năng thiết kế trẻ tại Việt Nam.

Bà Trần Nguyễn Thiên Hương nhìn nhận những ảnh hưởng của thời trang cao cấp nước Pháp đối với Việt Nam

Trong phần chia sẻ của mình, bà Trần Nguyễn Thiên Hương  – Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Việt Nam đã khẳng định tầm ảnh hưởng của thời trang cao cấp nước Pháp đến ngành thời trang Việt Nam.

Bắt đầu từ những năm 2000 cho đến nay, rất nhiều NTK Việt như: NTK Nguyễn Công Trí, NTK Hoàng Hải đã ghi được dấu ấn riêng trên bản đồ thời trang thế giới khi thiết kế của họ được các ngôi sao Hollywood, các hoa hậu quốc tế… chọn mặt gửi vàng để xuất hiện tại các sự kiện danh giá.

Không dừng lại ở đó, các tạp chí thời trang tại Việt Nam như Harper’s Bazaar, Elle, L’OFFICIEL, Her World cũng góp phần đưa thời trang cao cấp đến gần hơn với công chúng yêu thời trang. Qua đó, có thể thấy rằng thời trang Việt đã từng bước vượt ra khỏi biên giới đất nước để sải bước trên sàn diễn các Tuần lễ thời trang lớn của thế giới.

Bà Trần Nguyễn Thiên Hương cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam có khả năng đóng góp rất lớn cho ngành thời trang thế giới nhờ lịch sử hàng nghìn năm về nghề tơ lụa cùng kỹ năng gia công thủ công cực kỳ tỉ mỉ.

Các nhà thiết kế trẻ tham gia cuộc thi Fashion in Paris mang tới tiết mục trình diễn thời trang tại Gala NUIT DE LA MODE

Mở đầu cho đêm sự kiện là phần trình diễn của hai BST đồng giải Ba cuộc thi Fashion in Paris là How can we forget it của NTK trẻ Phạm Đào Khánh Duy và Paris Olympic của NTK Lượm.

BST How can we forget it của NTK Phạm Đào Khánh Duy

BST How can we forget it truyền tải thông điệp về mối liên hệ giữa quần áo và con người thông qua ký ức từ thời thơ ấu đến lúc trưởng thành. Thông qua việc sử dụng những vật liệu thân thuộc như quần áo cũ, dây nịt, trang sức cũ, thảm dệt, Khánh Duy mong muốn gợi nhắc phần nào ký ức tuổi thơ của mỗi người, từ đó nâng cao nhận thức cộng đồng về tái sinh vòng đời quần áo.

BST Paris Olympic của NTK Lượm

Trong khi đó, BST Paris Olympic gửi gắm ước mơ của NTK người dân tộc Ba Na về hành trình từ buôn làng Tây Nguyên đến Paris − thành phố đăng cai Thế vận hội 2024. BST gồm 4 thiết kế, tận dụng từ những bộ quần áo cũ được quyên góp cho người đồng bào có hoàn cảnh khó khăn.

BST Mùa hoa của NTK Nguyễn Nhật Nghi

Sự kiện NUIT DE LA MODE được tiếp nối với phần trình diễn BST Mùa hoa – giải Nhì cuộc thi Fashion in Paris của NTK Nguyễn Nhật Nghi. Cô mang đến bộ sưu tập kết hợp giữa nét văn hoá đặc trưng của 2 nước Việt – Pháp với áo tứ thân cùng hoạ tiết quốc hoa của nước Pháp là loài hoa diên vĩ.

BST Motherland của NTK trẻ Đặng Thị Trà My

Người trình diễn cuối cùng là NTK trẻ Đặng Thị Trà My với BST Motherland. Cô đã mang đến BST lấy cảm hứng từ hồi ức về quê nhà và người bà thân thương ở Hà Nội. Chính cảm xúc ý nghĩa và cách truyền tải tinh tế qua ngôn ngữ thời trang đã giúp Trà My giành giải quán quân cuộc thi Fashion in Paris. Phần thưởng dành cho Trà My là một chuyến tu nghiệp ngắn hạn tại Paris vào năm 2024 do Học viện Thời trang Pháp – nơi được mệnh danh là trường đào tạo thời trang danh giá nhất nước Pháp tài trợ.

CÁC SỰ KIỆN LIÊN QUAN:


Tạp chí Thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm