Siêu Trăng xanh đầu tiên năm 2024 rơi vào rằm tháng 7 âm lịch

Siêu trăng xanh lớn nhất và sáng nhất năm 2024 sẽ xuất hiện vào rạng sáng ngày 19/8.

Hiện tượng siêu trăng xanh (super blue moon) đầu tiên của năm 2024. Ảnh: space.com

Một cảnh tượng hiếm hoi trên bầu trời sẽ xảy ra vào rạng sáng thứ Hai 19/8. Sự kiện này sẽ không xảy ra lần nữa trong nhiều năm. Đó là sự kiện trăng tròn có thể được gọi đồng thời là siêu trăng (supermoon) và trăng xanh (blue moon).

Theo trang tin về thiên văn học Space, hiện tượng siêu Trăng xanh đầu tiên của năm 2024 sẽ diễn ra vào đêm nay, đúng vào Rằm tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam. Vào đúng 1h27 sáng ngày 19/8 (giờ Việt Nam), mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái Đất và được chiếu sáng hoàn toàn bởi mặt trời, mang đến ánh sáng kỳ ảo lung linh.

Hiện tượng trăng xanh (blue moon)

Khi nào thì có hiện tượng trăng xanh?

Với chu kỳ các pha của Mặt trăng kéo dài khoảng một tháng và có 12 tháng trong một năm, chúng ta sẽ thường có 12 lần trăng tròn mỗi năm.

Tuy nhiên, mỗi pha của Mặt trăng thực sự chỉ mất 29,5 ngày để hoàn thành, nghĩa là tổng cộng 354 ngày cho 12 chu kỳ đầy đủ. Con số này thấp hơn nhiều so với 365/366 ngày trong một năm dương lịch. Do đó, cứ khoảng hai năm rưỡi lại có một lần trăng tròn thứ 13. Lần trăng tròn bổ sung này thượng được gọi là trăng xanh (blue moon).

Tên gọi Trăng xanh bắt nguồn từ đâu?

Trong quá khứ, người da đỏ và người châu Âu đã đặt tên cho các kỳ trăng tròn riêng biệt tùy theo sự kiện xảy ra định kỳ hàng năm. Lần lượt, từ trăng tròn tháng Giêng cho đến tháng 12 hàng năm là:

  1. wolf moon (trăng sói)
  2. snow moon (trăng tuyết)
  3. worm moon (trăng trùn)
  4. pink moon (trăng hồng)
  5. flower moon (trăng tròn mùa hoa)
  6. strawberry moon (trăng mùa dâu tây)
  7. buck moon (trăng nai)
  8. sturgeon moon (trăng cá hồi)
  9. harvest moon (trăng thu hoạch)
  10. hunter’s moon (trăng săn bắn)
  11. beaver’s moon (trăng rái cá)
  12. cold moon (trăng lạnh).

Bởi lần trăng tròn thứ 13 vô cùng hiếm, không có trong lịch trăng rằm hàng năm, do đó được gọi là trăng xanh (blue moon).

Vui vui: Trong ngạn ngữ tiếng Anh có câu “Once in a blue moon” (Khi trăng xanh xảy ra), ám chỉ điều gì đó vô cùng bất thường và hiếm thấy.

Không rõ thuật ngữ trăng xanh bắt nguồn từ đâu. Có thể là cách phát âm sai của từ không còn được sử dụng nữa là “belewe” có nghĩa là phản bội. Có suy nghĩ cho rằng cái tên bắt nguồn từ “sự phản bội” của chu kỳ đều đặn của Mặt trăng đối với những người thờ cúng đang cố gắng xác định vị trí và thời gian của Mùa Chay trong năm dương lịch.

Trăng xanh có phải là trăng chuyển sang màu xanh không?

Hiện tượng Trăng xanh không phải màu xanh! Trăng xanh vẫn giữ nguyên màu như bất kỳ trăng tròn nào khác ngoại trừ hai trường hợp hiếm hoi:

  • Trong quá trình nguyệt thực, Mặt trăng có thể chuyển sang màu đỏ như máu, chỉ được chiếu sáng bởi ánh sáng bị bầu khí quyển Trái đất bẻ cong quanh bề mặt Mặt trăng. Vì nguyệt thực chỉ xảy ra trong thời gian trăng tròn và trăng xanh là một loại trăng tròn, nên rất hiếm khi trăng xanh có màu đỏ.
  • Trong những trường hợp rất hiếm, Mặt trăng có thể có màu xanh, nhưng trong trường hợp này, màu sắc sẽ xuất hiện do nhìn Mặt trăng qua lớp bụi trong bầu khí quyển của chúng ta, có thể là từ một vụ phun trào núi lửa gần đây. Tuy nhiên, nhìn từ không gian, Mặt trăng sẽ trông xám xịt như mọi khi.

Một số hình ảnh chụp cảnh trăng xanh cho thấy mặt trăng màu xanh do các nhiếp ảnh gia đã chỉnh sửa màu ảnh, dùng filter…

Hiện tượng siêu trăng (supermoon)

Khi nào thì hiện tượng siêu trăng xảy ra?

Đây là một thuật ngữ phổ biến hơn là một thuật ngữ khoa học. Quỹ đạo của mặt trăng có hình bầu dục, do đó ở một số thời điểm mặt trăng gần hơn với trái đất so với những khoảnh khắc khác. Siêu trăng xảy ra khi pha trăng tròn (rằm) đồng bộ với cận điểm với Trái đất.  Điều này thường chỉ xảy ra ba hoặc bốn lần một năm và liên tiếp, do quỹ đạo của mặt trăng liên tục thay đổi.

Mặt trăng supermoon có gì đặc biệt?

Khi trăng tròn xuất hiện tại điểm gần Trái Đất nhất trong quỹ đạo của nó, mặt trăng trông to tròn hơn 14% và sáng hơn 30% so với mặt trăng ở các đêm bình thường.

Khi trăng xanh gặp siêu trăng: Một mùa rằm hiếm có

Trăng xanh xảy ra hai đến ba năm một lần. Ảnh: Andrew Bret Wallis/Getty Images

Theo NASA, trung bình cứ hai hoặc ba năm lại có một lần trăng xanh, nhưng trăng xanh cũng là siêu trăng thì thậm chí còn hiếm hơn. Khoảng thời gian giữa các siêu trăng xanh có thể lên tới 20 năm – nhưng nhìn chung, trung bình là 10 năm.

Như vậy, sau mùa rằm âm lịch tháng 7/2024, lần tiếp theo sẽ diễn ra hiện tượng siêu trăng xanh sẽ là tháng Giêng 2037, NASA ước tính.

Làm sao để ngắm siêu trăng xanh vào mùa rằm tháng Bảy âm lịch 2024?

Trăng rằm tháng Bảy âm lịch năm 2024 sẽ sáng và tròn nhất vào rạng sáng thứ Hai lúc 1h27 sáng.

Để ngắm nhìn siêu trăng, mọi người không cần thiết bị đặc biệt nào, chỉ cần tìm một nơi thoáng đãng để có thể quan sát rõ ràng. Tuy nhiên, nếu có ống nhòm ngắm sao và kính thiên văn thì sẽ giúp nhìn thấy các chi tiết trên bề mặt Mặt Trăng mà mắt thường không nhìn thấy được.

Nếu bạn không thể thức khuya để ngắm trăng thì không sao, bởi các tối Chủ Nhật, thứ Hai và thứ Ba, trăng sẽ vẫn rất tròn và sáng, dù không đạt đến đỉnh điểm.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm