Dù được tỷ phú chống lưng, hãng thời trang cao cấp này vẫn phá sản

Một trong những thương hiệu cao cấp của làng thời trang Mỹ, Sies Marjan, vừa chính thức tuyên bố đóng cửa vĩnh viễn. Không ai có thể ngờ được điều này.

Các người mẫu mặc trang phục Sies Marjan trên thảm đỏ giải thưởng CFDA 2019

Sies Marjan, thương hiệu thời trang cao cấp của Mỹ, do nhà thiết kế 35 tuổi Sander Lak lèo lái, vừa tuyên bố sẽ đóng cửa vĩnh viễn vì dịch cúm corona.

“Là một công ty độc lập không phụ thuộc vào sự trợ giúp của các tập đoàn, chúng tôi không có đủ sức để vượt bão COVID-19. Tôi rất tiếc phải tuyên bố chính thức đóng cửa Sies Marjan”, nhà thiết kế Sander Lak nói. Cùng thời điểm ấy, tài khoản Instagram của Sies Marjan đã bị đóng cửa.

Một câu chuyện thành công của làng thời trang xa xỉ Mỹ

Sàn runway đầy màu sắc của Sies Marjan. Ảnh: Getty Images

Đối với giới yêu thời trang Việt Nam, Sies Marjan có lẽ là một cái tên xa lạ. Nhưng những ai thường xuyên theo dõi tuần lễ thời trang New York hẳn sẽ biết đến cái tên này.

Sies Marjan là một cái tên non trẻ. Mới ra đời cách đây 5 năm, nhưng nó mau chóng được giới yêu thời trang để ý đến.

Một phần, vì Sies Marjan là thương hiệu đậm tính may đo couture, nổi bật giữa hàng loạt các thương hiệu Mỹ. Một câu chuyện thành công trong hàng tá các thương hiệu xa xỉ bắt nguồn từ Mỹ, nơi vốn ưa chuộng ready-to-wear và phong cách thể thao hơn cả. Thương hiệu kết hợp nhuần nhuyễn phong cách cool girl của New York, chút hip của streetwear, và nét trau chuốt của thời trang xa xỉ. Trang phục của hãng xuất hiện trên các tạp chí thời trang, cũng như trên đường phố New York.

Một phần khác, vì nhà thiết kế Sander Lak cũng là một nhân vật có tên tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường Central Saint Martins, anh làm việc tại Marc Jacobs, Phillip Lim và Balmain. Sau đó, anh nắm cương vị giám đốc sáng tạo tại Dries Van Noten trong suốt 5 năm. Nhà thiết kế cũng thắng giải thưởng tài năng sáng tạo trẻ của CFA Swarovski Award năm 2018.

Một thương hiệu có hầu bao nặng ký (tưởng như vậy)

Nhà thiết kế Sander Lak trên thảm đỏ lễ trao giải CFDA 2017. Ảnh: Getty Images

Không chỉ gây ấn tượng về mặt mỹ thuật, Sies Marjan và Sander Lak còn khiến nhiều nhà thiết kế đố kỵ vì nguồn tài chính “khủng” của mình.

Thương hiệu do hai tỷ phú Howard và Nancy Marks đỡ đầu. Hai tỷ phú này có gia tài ước tính lên đến 2 tỷ đô, là người xếp hạng thứ 370 trên bảng danh sách tỷ phú của Mỹ do Forbes xếp hạng. Họ còn là bạn thân của Warren Buffett, nhà đầu tư tài chính nổi tiếng của Mỹ.

Ước mơ của Howard và Nancy Marks là tạo nên một thương hiệu thời trang couture xa xỉ cho Mỹ. Họ tìm thấy sự đồng cảm tại Sander Lak. Năng lượng của anh, viễn tưởng của anh, gu thẩm mỹ của anh khiến họ xiêu lòng.

Ngay lập tức, Sander Lak nhận một văn phòng thật đẹp ở Quận thời trang Mỹ. Anh bắt đầu vung bút, cho ra những bộ sưu tập đầy màu sắc rực rỡ. Mới chỉ đầu năm 2020, thương hiệu Sies Marjan của anh còn đỡ đầu cho một buổi triển lãm nghệ thuật tại bảo tàng Guggenheim. Giống như cách các ông lớn của ngành thời trang đỡ đầu cho triển lãm tại bảo tàng Met hàng năm.

Và bỗng nhiên, mọi chuyện chấm dứt

Hậu trường Sies Marjan RTW Thu Đông 2019

Nhiều người có thể tiên đoán sự phá sản của các tập đoàn lớn, già cỗi, khó níu kéo khách hàng. Ví dụ như J.Crew hay Barneys New York. Nhưng không ai có thể đoán rằng Sies Marjan sẽ đóng cửa vĩnh viễn, khi nó có lượng fan hùng hậu đến như vậy.

Nhưng có lẽ, vấn đề lớn nhất của Sies Marjan chính là các nhà đầu tư của nó.

Nhiều người lầm tưởng rằng các nhà đầu tư có tiền tỷ vô cùng hào phóng và rộng lượng. Họ sẽ cho phép thương hiệu có thời gian lớn lên, chịu lỗ trong giai đoạn đó, để xây dựng một điều gì đó thật lớn lao cho tương lai.

Thực chất, suy nghĩ này rất xa vời thực tế. Các nhà đầu tư luôn quan tâm về lợi ích đạt được so với đồng tiền họ bỏ ra. Không phải tự nhiên mà họ trở thành tỷ phú, nếu cứ vung tiền đầu tư! Đúng rằng họ có thể chịu lỗ trong một thời gian đầu, nếu như kinh doanh có triển vọng trong tương lai. Do dịch cúm corona, nhu cầu mua sắm thời trang đã giảm nặng. Có lẽ Howard và Nancy Marks không cảm thấy Sies Marjan sẽ mang lại lợi nhuận như ý, và vì vậy quyết định rút vốn.

Tất nhiên, thị trường vẫn có những nhà đầu tư thiên thần (angel investor).

Đây đích thị là nhóm người đầu tư không vì lợi nhuận, mà vì đồng cảm với tôn chỉ của một thương hiệu. Í dụ như Renzo Rosso. Ông đã mua lại thương hiệu Maison Margiela năm 2002. Từ đó đến nay, Maison Margiela chưa một lần có lời! Nhưng thương hiệu vĩnh viễn là một trong những cái tên avant garde nhất của làng thời trang.

Tương lai nào cho Sies Marjan?

Có lẽ nhà thiết kế Sander Lak sẽ phải làm điều giống như Zac Posen đã từng: Đi xin việc tại một tập đoàn thời trang nào khác. Hoặc tìm một nhà đầu tư cùng chí hướng, có hầu bao đủ “sâu” để giúp anh trụ vững qua cơn đại dịch.

Một giải pháp nữa là phải sành sỏi hơn trong khâu quảng bá, chứ không thể chỉ trông chờ vào nhà đầu tư. Một gương mẫu là các cú bắt tay giữa thương hiệu cao cấp với thương hiệu bình dân, ví dụ Moschino x McDonald, hoặc giữa couture và streetwear dạng phiên bản limited khiến các fan cuồng lên đi tìm mua.

Cuối cùng, có lẽ anh nên tìm thuê văn phòng ở một địa điểm rẻ hơn Quận thời trang ngay giữa trung tâm New York để cắt giảm chi phí.

>>> Xem thêm: LIỆU VICTORIA BECKHAM CÓ PHẢI ĐÓNG CỬA THƯƠNG HIỆU RIÊNG?

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm