Show hẹn hò Heart Signal gây tranh cãi vì tôn sùng tính tư tưởng sính ngoại

Một cảnh trong show hẹn hò "Heart Signal" khiến Gen Z tức giận vì tư tưởng sính ngoại, cho thấy sự thay đổi trong giới trẻ Trung Quốc.

Show hẹn hò Heart Signal đã bước vào mùa 7. Ảnh: Weibo

Chương trình thực tế hẹn hò vẫn chưa bao giờ là một show hết hot, dù là tại Hàn Quốc hay Trung Quốc. Đặc biệt những năm gần đây, các show Trung Quốc có lợi thế là tạo ra tỷ lệ thành đôi rất cao sau chương trình, thậm chí có những cặp bền vững hơn hai năm. Trong số những show hẹn hò xứ Trung được quan tâm là Heart Signal. Đã bước vào mùa thứ bảy, show truyền hình thực tế này vẫn rất hot. Song, một cảnh gần đây đã bị Gen Z xứ Trung chỉ trích.

Show hẹn hò Heart Signal đang rất hot tại Trung Quốc bỗng bị phản ứng ngược

Ảnh: Weibo

Heart Signal mùa 7 có những người tham gia là các du học sinh. Trong một phân cảnh, ba người tham gia thảo luận về kinh nghiệm du học và các thành phố yêu thích của họ tại Vương quốc Anh. Họ dùng luân phiên cả tiếng Trung và tiếng Anh để trò chuyện.

Cư dân mạng nhanh chóng dán nhãn hành vi này là giả tạo và không cần thiết. Phân cảnh trên đã gây ra một làn sóng chế giễu trên mạng xã hội. Nhiều người đăng video bắt chước, nhại lại giọng nói của các người tham gia chương trình. Một số video thu hút đến 1,2 triệu lượt xem và tiếp tục làm dấy lên sự tranh cãi.

Liên quan đến sự việc, từ khóa “Có chương trình hẹn hò nào dành cho những người mới tốt nghiệp phổ thông hạng hai không?” (有没有二本恋综) đã nhanh chóng thu hút sự chú ý trên Weibo, thu về 110 triệu lượt xem và chiếm vị trí hàng đầu trong danh sách tìm kiếm phổ biến của nền tảng này trong sáu tiếng đồng hồ liên tiếp.

Có một sự thật là đa số các nhân vật tham gia show hẹn hò này đều xuất thân từ các ngôi trường danh giá hàng đầu Trung Quốc, hoặc là những du học sinh đậu trường nổi tiếng thế giới. Nếu như ở mùa trước, khán giả xem truyền hình ủng hộ đội hình tinh hoa này thì năm nay, họ lại tẩy chay bởi sự vụ nói tiếng Anh tràn lan.

Những tranh cãi cho thấy tư tưởng của giới trẻ ngày một thay đổi

Ảnh: Weibo

Các chương trình hẹn hò của Trung Quốc từ lâu đã bị ám ảnh với lối sống thượng lưu. Họ thường có những người chơi không chỉ đẹp trai, xinh gái mà còn tự hào về trình độ học vấn ấn tượng, sự nghiệp thành đạt, địa vị xã hội quyền lực – kiểu người sẽ xuất hiện trong danh sách 30 Under 30 của Forbes. Do đó, nhiều chương trình hẹn hò có chấp niệm với việc miêu tả một chuyện tình lãng mạn như trong văn học ngôn tình hay truyện cổ tích. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo nên những “Hoàng tử” và “Bạch Tuyết” mà ai cũng muốn sánh đôi.

Ra mắt vào năm 2018, Heart Signal đã thu hút khán giả là những người Trung Quốc trẻ tuổi đầy tham vọng, vào thời điểm Trung Quốc đang ở vị thế thuận lợi để vượt qua Hoa Kỳ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Mùa đầu tiên đã thành công vang dội vì khán giả trẻ ngưỡng mộ những người ưu tú hào nhoáng được miêu tả trên màn ảnh – bất kể họ có thật hay không.

Nhưng với nền kinh tế đang bất ổn, tình trạng thất nghiệp tăng cao, khán giả không còn tin vào phiên bản cuộc sống hào nhoáng này nữa.

“Tôi không thể xem chương trình này nữa. Nó hoàn toàn tách biệt với người bình thường”, người dùng Xiaohongshu 1535995199 viết. “Nó giống như những bộ phim truyền hình thần tượng vậy. Những người bình thường đã kiệt sức với cuộc sống thường ngày của họ, và những nhân vật này có thể trở nên nổi tiếng chỉ bằng cách đi hẹn hò lãng mạn”.

Ảnh: Weibo

Ngoài ra, với sự trợ giúp của Internet, khán giả có thể dễ dàng khám phá ra sự thật đằng sau những viễn cảnh cổ tích và những con người được miêu tả trong các chương trình này. Nhiều người tham gia các mùa Heart Signal trước đã bị phát hiện gian lận, hoặc lợi dụng chương trình để xây dựng danh tiếng. Điều này đã phá vỡ ảo tưởng của người xem.

Phản ứng dữ dội phản ánh sự thay đổi lớn trong tư duy của những người trẻ Trung Quốc về cuộc sống. Thay vì khao khát lối sống thượng lưu không thể đạt được, nhiều người hiện tập trung hơn vào những gì trong tầm tay. Các thuật ngữ như “hạnh phúc nhỏ nhưng chắc chắn” (小确幸) và triết lý “nằm thẳng” (躺平) ngày càng phổ biến, cho thấy việc giới trẻ không còn đam mê sự hào nhoáng chương trình vẽ ra.

TIN LIÊN QUAN:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm