Bài học kinh doanh từ phim Tầng lớp Itaewon bất kỳ ai cũng có thể áp dụng

Đã 5 năm kể từ khi tập cuối của Tầng lớp Itaewon (Itaewon Class) lên sóng vào ngày 21/03/2020. Bộ phim hiện vẫn giữ vững vị trí trong top 10 những bộ phim có nhiều người xem nhất kể từ năm 2018 đến nay, và vẫn là một series đáng ôn lại về nhiều khía cạnh, chẳng hạn như sự thức thời trong việc lên án nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt xu hướng tính dục tại xã hội Hàn, hay đặc biệt là những bài học kinh doanh vô cùng hữu ích.

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (19)

Tầng lớp Itaewon (Itaewon Class – 2020) kể về câu chuyện khởi nghiệp của anh chàng Park Saeroyi bằng quán pub DanBam, cùng những người bạn đồng hành đáng tin cậy. Ảnh: JTBC

Kể từ khi bộ phim ra mắt, hàng năm vẫn có đều đều những bài viết được đăng tải trên blog của các chuyên gia hoặc LinkedIn để bóc tách những bài học kinh doanh của Tầng lớp Itaewon, ghi nhận nhiều những kinh nghiệm sáng giá về tư duy cần có của một doanh nhân, về việc quản lý tài chính lẫn nguồn lực nhân sự. Điều đó khẳng định rằng năm năm kể từ khi phim lên sóng, những bài học từ Tầng lớp Itaewon vẫn chưa hề lỗi thời, và rất có thể sẽ tiếp tục được nhắc lại trong tương lai.

Tầng lớp Itaewon (Itaewon Class) dạy về những phẩm chất cần thiết của một doanh nhân

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (12)

Nam chính Park Saeroyi (giữa) cùng những đồng nghiệp quán DanBam. Ảnh: JTBC

Tư duy làm kinh doanh là góc nhìn, là nhận thức của một cá nhân, hướng đến việc tạo ra giá trị bằng cách nhận diện và nắm bắt cơ hội, đưa ra quyết định với thông tin hạn chế, đồng thời duy trì sự linh hoạt và kiên cường trong những điều kiện bất định và phức tạp. Nhân vật chủ chốt Park Saeroyi chính là một người sở hữu tư duy kinh doanh điển hình.

Anh là một người có tầm nhìn và quyết tâm đạt được tầm nhìn đó, thể hiện qua việc anh có bản kế hoạch năm năm, mười năm và mười lăm năm, với những bước mà anh muốn thực hiện để dần dần phát triển doanh nghiệp, từ trước cả khi anh mở quán pub DanBam. Việc có kế hoạch phần nào đó sẽ giống như bản đồ, cho phép con người bóc tách đích đến thành những trạm dừng thành tựu nho nhỏ để từng bước đạt được, từng bước vững chắc hơn.

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (8)

Ảnh: JTBC

Tuy nhiên, điều đáng học hỏi nhất ở nhân vật này chính là sự…nghiệp dư trong kế hoạch của Park Saeroyi. Anh có tầm nhìn rõ ràng nhưng bản kế hoạch vẫn chưa được hình thành mạch lạc, doanh nghiệp cũng vì thế mà có lúc thành, lúc bại và đó cũng chính là phần để những nhà khởi nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như Park Saeroyi liên tục xem xét, điều chỉnh và thích nghi để tồn tại. Bộ phim căn dặn khả năng đánh giá, nhận thức và kinh nghiệm còn quan trọng hơn kỹ thuật lên kế hoạch xuất sắc ngay từ ban đầu.

Đây cũng chính là điểm thể hiện được sự linh hoạt cần có của một doanh nhân. Một người có thể theo sát kế hoạch, nhưng đồng thời cũng phải sẵn sàng chỉnh sửa nó khi cần thiết thay vì cứng nhắc. Park Saeroyi đã lên menu, đã lắp đèn xong đủ hết cả, nhưng khi Jo Yi Seo góp ý nhất định phải thay đổi lại, anh cũng sẵn lòng và không bài xích. Sự thay đổi là cần thiết, và như Park Saeroyi, chúng ta cũng cần cân nhắc sự thay đổi khi gặp phải vật cản, cũng như tiếp thu những ý kiến đóng góp làm sao để cuối cùng vẫn dẫn đến kết quả mong muốn.

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (22)

Quán DanBam gặp khá nhiều rắc rối, nhưng Park Saeroyi cùng những người đồng nghiệp luôn kiên trì, nhấn mạnh niềm giữa các đối tác. Trên hình là khi quán bị những đối tác gây sức ép, nhưng Park Saeroyi khẳng định anh sẽ tiếp tục triển khai theo kế hoạch, thể hiện sự tin tưởng và kiên trì vào tầm nhìn của mình kể cả trong tình huống dễ dao động. Ảnh: JTBC

Thêm vào đó, ngay từ đầu phim, Park Saeroyi đã thể hiện bản thân là một người kiên trì, sống đúng với các giá trị của mình dù gặp nhiều biến cố trong cuộc sống có thể khiến anh trở thành một người trả thù bằng cách cực đoan. Điều này định nghĩa kiên trì trong quá trình khởi nghiệp, chính là hướng đến những giá trị đúng và tốt đẹp trong những bước đầu đầy rủi ro và bất định.

Trong một doanh nghiệp, khắp các chương trình tìm kiếm tài năng trẻ để nuôi dưỡng họ thành những quản lý tương lai (management trainee) và đóng góp lớn vào sự mở rộng của doanh nghiệp cũng ngày một xuất hiện nhiều cụm từ “kiên trì” trong phẩm chất cần thiết của một ứng viên – đó là kiên trì để vượt qua những thử thách hàng ngày trong công việc, trong một môi trường cần sự cộng tác với nhiều người, mỗi người có một phong cách làm việc khác nhau.

Những bài học kinh doanh và tài chính không hề lạc hậu sau 5 năm từ Tầng Lớp Itaewon

1. Đầu tư và tiết kiệm là đánh đổi sự hưởng thụ của hiện tại cho cơ hội của tương lai

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (15)

Ảnh: JTBC

Khi cha Park Saeroyi mất, anh dự định sẽ trả thù hung thủ bằng cách trở thành đối thủ của tập đoàn lớn. Và mọi doanh nghiệp đều cần phải có vốn. Saeroyi đã sử dụng số tiền bảo hiểm của cha để đầu tư vào chứng khoán thay vì sử dụng để hưởng thụ hay chi trả cho lối sống của mình dù lúc đó anh có rất nhiều khó khăn, từ đó, nhận lại cổ tức và chênh lệch giá làm công cụ tài chính bảo vệ cho bản thân mình và doanh nghiệp trong tương lai.

Ngoài khoản tiền bảo hiểm, Saeroyi còn đa dạng hóa hạng mục vốn của mình bằng cách tiết kiệm. Số tiền thù lao anh kiếm được từ những công việc chân tay rất thấp, mỗi lần nhận lương với khoản tiền nhỏ như không thấp vào đâu so với việc khởi nghiệp. Tuy vậy, anh vẫn kiên trì tích góp từ những khoản nhỏ nhất. Tầng lớp Itaewon đã chứng minh được hiệu quả của việc tích tiểu thành đại. Số tiền khi Park Saeroyi mở quán pub là do anh tiết kiệm được, còn số lợi nhuận từ đầu tư được dùng để phát triển doanh nghiệm sau này.

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (9)

Cha của Park Saeroyi để lại cho anh khoản bảo hiểm lớn. Trong lúc khốn khó, Park Saeroyi vẫn quyết tâm để dành số tiền đó cho việc đầu tư. Ảnh: JTBC

Bộ phim Tầng lớp Itaewon ra mắt vào năm 2020, đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Khi việc giãn cách xã hội khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt, nhiều người có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn khi dịch bệnh dần lắng xuống. Đây cũng là lúc thị trường có nhiều biến động: nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa, giá mặt bằng giảm, tạo ra cơ hội vàng cho những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính vững chắc.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ nguồn vốn để tận dụng những cơ hội đó. Việc không có kế hoạch tiết kiệm và dự trữ tài chính khiến nhiều người bỏ lỡ thời điểm vàng để đầu tư hoặc cầm cự qua giai đoạn suy thoái. Đây không chỉ là bài học trong giai đoạn đầu khởi nghiệp mà còn có thể áp dụng cho bất kỳ doanh nghiệp nào khi thị trường đi xuống. Một quỹ dự phòng đủ lớn có thể giúp doanh nghiệp vượt qua thời kỳ khó khăn, nắm bắt cơ hội và duy trì sự tồn tại trong biến động.

2. Hãy có một chuyên gia tài chính cá nhân dù bạn đã tự học cách đầu tư kỹ lưỡng

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (16)

Những ngày phải chịu án, Park Saeroyi vẫn luôn đọc sách kinh doanh để khởi nghiệp. Anh tự học rất nhiều, nhưng sau này vẫn có chuyên gia tài chính sát cánh. Ảnh: JTBC

Một điều thực tế về Tầng lớp Itaewon là bộ phim khuyên với những người trẻ hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư, có thể học hỏi cách Park Saeroyi tìm đến Lee Ho Jin – một người giúp đầu tư hộ, quản lý quỹ, đặc biệt là với khoản quỹ lớn, bởi tự học có rất nhiều rủi ro. Người này sẽ tìm hiểu lý do đầu tư, tìm kiểm thời cơ hành động phù hợp, cũng như giúp thúc đẩy bạn tái đầu tư lợi nhuận của mình đúng lúc. Bạn có thể trao đổi với họ về những mong muốn và thủ thuật tài chính mình đã tự học được, để từ đó tìm ra chiến lược hay phương hướng hợp lý nhất.

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (7)

Ảnh: JTBC

Một số những thủ thuật đầu tư hay ho mà khán giả có thể học được từ Tầng lớp Itaewon, dưới sự phối hợp của Park Saeroyi và Lee Ho Jin là:

  • Nhà đầu tư chứng khoán cần nhanh nhạy không chỉ qua biểu đồ mà còn cập nhật thông tin thời sự, vì giá cổ phiếu chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, bao gồm hình ảnh thương hiệu. Ví dụ, cổ phiếu công ty giải trí có thể sụt giảm do scandal của thần tượng.
  • Tuy nhiên, không phải lần giảm giá nào cũng là cơ hội mua. Cần đánh giá khả năng phục hồi. Park Saeroyi mua cổ phiếu Jangga khi công ty vướng scandal, nhận định hình ảnh công ty bị ảnh hưởng ngắn hạn nhưng chất lượng sản phẩm vẫn tốt. Kết quả, cổ phiếu hồi phục và mang lại lợi nhuận.
  • Đầu tư dài hạn nên chọn công ty có uy tín thay vì chạy theo cổ phiếu mới tăng nóng. Áp dụng quy tắc Pareto 80/20: tập trung vào doanh nghiệp top 20%, dù cổ phiếu đắt nhưng chiếm 80% giá trị lợi nhuận.

3. Thành công đến từ cộng đồng

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (18)

Ảnh: JTBC

Muốn mở doanh nghiệp để đánh bại tập đoàn Jangga, nhưng Park Saeroyi cũng học chính những bài học kinh doanh từ CEO Jang, bởi sự căm ghét chủ quan cũng không khiến anh phủ nhận tài năng và những kinh nghiệm mà mình có thể nhận được từ vị CEO này. Đồng thời, anh cũng không ngừng mở rộng mối quan hệ với các chuyên gia xung quanh, luôn tiếp cận họ bằng sự chân thành để tạo dựng những kết nối giá trị.

Không chỉ tập trung vào sự phát triển của riêng mình, Park Saeroyi còn chủ động hỗ trợ các hộ kinh doanh trong con hẻm nơi quán pub của anh tọa lạc. Khi cả khu phố cùng phát triển, sức hút của nơi này cũng tăng lên, mang đến nhiều lý do để khách hàng ghé thăm và khám phá các hàng quán. Thay vì cạnh tranh, Saeroyi tạo ra một hệ sinh thái kinh doanh mà tất cả các bên cùng có lợi.

Hy vọng khán giả cũng sẽ có tài dùng người xuất sắc như Park Saeroyi trong Tầng lớp Itaewon

Sức bền và sức bật của doanh nghiệp mà Park Saeroyi làm chủ không chỉ đến từ năng lực cá nhân của anh, mà còn từ một đội ngũ tài năng trung thành, những người đã sát cánh bên anh ngay từ những ngày đầu. Họ không chỉ góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển mà còn là minh chứng cho nghệ thuật lãnh đạo của Park Saeroyi. Bộ phim khắc họa cách anh trân trọng nhân viên, coi họ không chỉ là nguồn lực quý giá của công ty mà còn là bạn bè, gia đình và những người đồng hành, dạy những bài học sâu sắc về nghệ thuật lãnh đạo và quản trị nhân sự.

1. Nhìn nhận tài năng của nhân sự từ thái độ và khả năng phát triển

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (6)

Choi Seung Won và Ma Hyun Yi đều là những nhân viên gặp khó trong xin việc vì những định kiến đối với họ. Ảnh: JTBC

Park Saeroyi hiểu được một con người không nên bị định nghĩa bởi lỗi lầm trong quá khứ của họ, bởi chính bản thân cậu cũng là một người chịu hình phạt oan ức khi bị đuổi học vì lỡ gây gổ với một tên bắt nạt có quyền thế. Anh nhìn vào tiềm năng của con người chứ không phải hồ sơ cá nhân và vết tích quá khứ của họ.

Điển hình là Ma Hyun Yi, một người chuyển giới từng bị đuổi việc vì khách hàng kỳ thị, nhưng với Park Saeroyi, anh chỉ nhìn nhận thấy tài năng của vị đầu bếp này, và Hyun Yi cũng đã chứng minh được giá trị của mình, trở thành bếp trưởng của quán DanBam, và sau này là giám đốc của tập đoàn IC của Park Saeroyi.

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (5)

Ảnh: JTBC

Hay như Choi Seung Kwon, một cựu tù nhân, được Saeroyi tin tưởng cho làm việc tại DanBam, và dù không có nhiều kinh nghiệm, anh đã chứng minh sự thạo việc của mình nhờ có thái độ tốt. Cả với nhân vật Kim Toni, anh được trao cơ hội làm việc tại quán dù gặp nhiều khó khăn trong việc nói tiếng Anh. Sau này, anh đã cải thiện ngôn ngữ được rất nhiều khi được trao cơ hội.

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (4)

Ảnh: JTBC

Cũng từng chính những chi tiết này mà nam chính Park Saeroyi chứng minh khả năng dẫn dắt đội ngũ, phân bổ đúng người, đúng việc xuyên suốt bộ phim. Điều đáng nói rằng Park Saeroyi không hẳn là một nhân vật thông minh xuất chúng, nhưng lại rất giỏi trong việc thuyết phục những chuyên gia làm việc cho mình. Đây là hai phẩm chất cần có đối với một người lãnh đạo: Kỹ năng con người, dùng người cần trội hơn cả chuyên môn về ngành.

2. Trân trọng những nhu cầu của nhân viên

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (23)

Ma Hyun Yi thi đấu để cải thiện tay nghề nấu ăn, Park Saeroyi đã có mặt để ủng hộ. Ảnh: JTBC

Ở tập 3 phim Tầng lớp Itaewon, Park Saeroyi chủ động bảo vệ Choi Seung Kwon khỏi những vị khách hàng thô lỗ, thậm chí khuyến khích anh không nên hạ mình, nhẫn nhịn chiều lòng những vị khách như vậy, dù rằng DanBam là quán pub, kinh doanh dịch vụ – một ngành hàng luôn xem khách hàng là thượng đế. Ở tập 6, anh cùng những nhân viên ăn mừng chiến thắng của Ma Hyun Yi khi vị đầu bếp dần cải thiện được tay nghề nấu ăn của mình, kèm lời khẳng định rằng dù chuyện khó khăn đến đâu, họ vẫn sẽ làm được nếu có nhau.

Anh đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất của nhân viên, là nhu cầu được đảm bảo an toàn, nhu cầu mối quan hệ, tình cảm, nhu cầu được kính trọng và nhu cầu được thể hiện bản thân. Về lâu dài, chính điều này đã làm nên một môi trường làm việc lành mạnh cho quán DanBam, tăng sự tin tưởng và tình cảm của các nhân viên, và mỗi nhân viên càng tự chủ động lan toả danh tiếng nơi làm việc của mình, lôi kéo thêm nhân tài.

3. Tầm quan trọng của việc cảm thông với nhân viên

bzvn-bai-hoc-kinh-doanh-tu-tang-lop-itaewon (21)

Park Saeroyi không chỉ là chủ quán, mà còn là một người bạn đồng hành với những nhân viên. Ảnh: JTBC

Làm việc, có không ít những khoảnh khắc sơ suất khiến nhân viên phạm lỗi. Có một cảnh trong phim, khi nhân viên mắc sai lầm, thay vì trừng phạt, Park Sae Ro Yi tha thứ và khuyến khích họ nỗ lực hơn nữa, từ đó, Tầng lớp Itaewon truyền tải tầm quan trọng của sự tha thứ.

Môi trường làm việc đề cao sự tha thứ có thể ảnh hưởng tích cực đến hành vi học hỏi của nhân viên, giảm ý định rời bỏ công ty và gia tăng mức độ cam kết của họ. Ngược lại, việc không thực hành sự tha thứ có thể gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng ở mọi cấp độ của tổ chức, khi nhân viên trở nên xa cách, dẫn đến hiệu suất làm việc kém hoặc thậm chí rời bỏ doanh nghiệp. Một nền văn hóa doanh nghiệp thiếu sự tha thứ sẽ dễ rơi vào những mâu thuẫn tiêu cực và làm suy giảm hiệu quả tổ chức theo thời gian.

Chính sự tha thứ và cảm thông mà Park Saeroyi có với những nhân viên, đồng nghiệp của mình trong Tầng lớp Itaewon đã khiến họ gắn bó với anh từ những ngày DanBam còn là một quán pub nhỏ, đến khi nơi này đã trở thành tập đoàn IC hùng mạnh. Họ gắn bó với Park Saeroyi bằng sự chân thành lẫn trung thành, đồng thời đủ tin tưởng và thoải mái với anh để đóng góp ý kiến và cùng đẩy nhau phát triển.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm