Đất nước Nhật Bản có lịch sử hình thành và phát triển rất lâu dài với nhiều giá trị quý giá. Câu chuyện về hệ tư tưởng, những quan điểm chính trị cũng như văn hóa của xứ sở Phù Tang luôn là một trong những điều thú vị khiến cả thể giới tò mò. Nếu là một người yêu đất nước mặt trời mọc, chắc chắn bạn không thể bỏ qua 5 tựa sách hay về văn hóa Nhật Bản dưới đây.
1. Truyện cổ Nhật Bản: Những truyện cổ tích hé lộ lối sống xưa
Đa số các cốt truyện trong Truyện cổ Nhật Bản xoay quanh những điều kỳ ảo, hư cấu xảy ra trong cuộc sống thường nhật. Các nội dung thường tập trung vào những điều xấu xa, hậu quả gây ra, những người tốt và những điều nhận được khi làm các việc tốt qua từng câu chuyện với những nhân vật được nhắc đến.
Truyện cổ Nhật Bản thường có nhiều hình ảnh ẩn dụ, những biểu tượng đặc trưng của mỗi câu chuyện. Tinh thần của mỗi câu chuyện là một lời chỉ bảo, khuyên răn mọi người hướng đến những điều tốt đẹp, chân thành, lương thiện. Hầu hết các câu truyện đều mong muốn mang lại những bài học bổ ích, phê phán những thói xấu xa và dạy bảo mọi người có chí thì nên, luôn giúp đỡ và đối xử tốt với những người khác trong cuộc sống, không gây hại hay làm ảnh hưởng đến bất kỳ ai để nhận được nhiều thành quả tốt đẹp hơn.
Cuốn sách Truyện cổ Nhật Bản gồm 56 truyện nhỏ. “Người con gái tuyết”, “Giọng nói bị đông cứng”… kể về những câu chuyện mùa đông, hay “Những ông bồ tát địa tạng”, “Lửa đêm giao thừa” lấy bối cảnh đêm cuối năm lạnh lẽo. Người nông dân Nhật Bản thường tin rằng đêm giao thừa và ngày Tết là mốc thời gian đặc biệt quan trọng nên thời điểm đó thường xảy ra những việc trọng đại. Như trong truyện “Ngọn lửa trong đêm giao thừa” khi đêm cuối năm kết thúc, chuyển sang ngày Tết cũng là bắt đầu năm mới vậy.
Cuốn sách sử dụng các tranh vẽ do giáo sư Akaba Suekichi ủy thác và sắp xếp từ trang bìa cho đến mục lục, cấu thành quyển sách. Trong cuốn sách xuất hiện nhiều dụng cụ sinh hoạt trong đời sống người dân Nhật Bản mà nay không còn được thấy nhiều.
2. Lược Sử Phát Triển Dân Quyền Nhật Bản: Sách hay về chính trị Nhật Bản
Uehara Etsujirō (1877 – 1962) là một chính trị gia người Nhật Bản. Ông viết cuốn sách này những mong độc giả sẽ thấy được khái lược sự phát triển của nền hiến chính Nhật Bản (tức sự phát triển dân quyền Nhật Bản).
Hầu hết sử gia và nhà hiến pháp Nhật Bản đều chủ trương sự ra đời của chính thể lập hiến Nhật Bản không phải xuất phát từ đòi hỏi của nhân dân, mà xuất phát từ chính phủ. Trong số quốc dân cũng không ít người đồng thuận với chủ trương ấy.
Theo Uehara Etsujirō, đó là tư duy sai lầm do không khảo xét kỹ càng sự thực lịch sử, cũng như không thấu hiểu rõ nhân tình thế thái. Chính thể lập hiến của Nhật Bản được ra đời không phải nhờ chính phủ, mà là từ một bộ phận quốc dân hay toàn thể quốc dân nỗ lực phấn đấu giành được.
Nguồn gốc chính thể lập hiến Nhật Bản và tư tưởng dân quyền là do quốc dân muốn giải thoát khỏi sự áp bức của các nước Âu Mỹ, giành lấy địa vị bình đẳng, bảo toàn độc lập, chứ không phải do một cá nhân hay một thiểu số người xây dựng lên được. Quốc dân Nhật Bản do chịu sự áp bức của liệt cường, đã dốc hết sức bình sinh, tranh giành địa vị bình đẳng, bảo toàn độc lập, mở rộng quyền tự do hoạt động. Nhờ thế tư tưởng dân quyền tự nhiên được hoài thai trong nước, được lấy làm nền tảng xây dựng chính thể lập hiến. Còn lý do khiến tư tưởng dân quyền được thúc đẩy và kiện toàn, là vì quốc dân muốn đả phá chế độ giai cấp đặc thù trong nước, muốn đòi thiết lập chế độ tứ dân bình đẳng.
3. Võ Sĩ Đạo – Linh Hồn Nhật Bản
Võ sĩ đạo là một bộ luật bất thành văn chi phối đời sống và hành động của các nhà quý tộc Nhật Bản (các samurai, tức thị vệ của các lãnh chúa)… Giới samurai trau dồi võ nghệ, họ trung thành với lãnh chúa của mình, lãnh đạm trước cái chết và nỗi đau đớn.
Tinh thần Võ sĩ đạo là quốc hồn quốc túy, là truyền thống dân tộc lâu đời của Nhật Bản, một trong những bí quyết làm cho nước này trở thành cường quốc quân sự châu Á đầu tiên từ cuối thế kỷ XIX và siêu cường kinh tế thế giới trong nửa sau thế kỷ XX. Tác giả Võ sĩ đạo: Linh hồn Nhật Bản – Tiến sĩ Inazo Nitobe, là người đầu tiên giới thiệu Võ sĩ đạo ra thế giới.
Sách viết bằng tiếng Anh, xuất bản lần đầu năm 1900, lập tức gây tiếng vang lớn trên thế giới, là trước tác kinh điển nhất về Võ sĩ đạo, cho tới nay đã dịch ra hàng chục thứ tiếng (kể cả tiếng Nhật) và in hơn 100 lần. Dịch giả dịch theo bản tiếng Anh và có đối chiếu tham khảo bản tiếng Trung (dịch từ tiếng Nhật) để nâng cao tính chính xác.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi cho các bạn đọc chưa hiểu nhiều về nước Nhật và về các điển tích văn học, lịch sử châu Âu thời xưa, cuốn sách hay về văn hóa Nhật Bản này có bổ sung các chú thích tương ứng với nội dung ở cuối trang.
4. Nhật Bản Qua Lăng Kính Người Việt Đầu Thế Kỷ XX: Sách hay về giao thoa văn hóa Việt – Nhật
Kể từ sau cuộc Minh Trị duy tân thành công, người Việt đã có mối quan tâm đến Nhật Bản nhiều hơn, điều đó cũng được thể hiện qua các bài viết về Nhật Bản được đăng trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX. Hầu hết các bài viết dù khảo cứu, dịch thuật… bất kỳ vấn đề gì, thì dung lượng dành cho thời kỳ Minh Trị duy tân vẫn là nhiều nhất, thậm chí có những bài chuyên bàn về vấn đề tài chính hay hiến pháp thời kỳ Duy tân.
Ngoài những lời ca tụng có cánh dành cho công cuộc duy tân của Nhật Bản thì đi sâu vào từng vấn đề cụ thể các tác giả người Việt cũng có sự phê phán, chê trách một vài vấn đề trong thực tiễn quá trình triển khai Duy tân của Nhật Bản. Thậm chí còn từ những lỗi lầm, những vấn đề đáng phê phán đó mà kêu gọi và chỉ ra cho độc giả nhằm khuyên răn nên tránh đi vào những vết xe đổ Nhật đã gặp phải.
Qua các tài liệu nghiên cứu, mối quan hệ bang giao Việt Nhật có lịch sử từ rất lâu đời, từ thế kỷ VIII thời nhà Đường đô hộ An Nam, có một vị quan nhà Đường gốc Nhật là Abe no Nakamaro sang An Nam làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ. Và bẵng đi một khoảng thời gian rất dài, mãi đến cuối thế kỷ XVI trở về sau, sử liệu Nhật, Việt mới bắt đầu ghi chép mối quan hệ giao thiệp giữa hai nước.
Có thể nói sử liệu Việt Nam do bị thất tán nhiều thành ra sự ghi chép về mối quan hệ bang giao giữa hai nước thực sự không có quá nhiều, dẫn tới hiện nay việc nghiên cứu mối quan hệ bang giao này chủ yếu dựa vào những sử liệu của Nhật, có thể kể đến một vài tư liệu Nhật Bản đáng chú ý về chủ đề này như An Nam kỷ lược cảo, Thông hàng nhất lãm…
Ngược lại, khi nói đến tư liệu thành văn của người Việt viết về Nhật Bản phải mãi tới thế kỷ XIX với cuốn sách Nhật Bản kiến văn lục viết bằng Hán văn của Trương Đăng Quế. Cuốn sách này hiện đang lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từng được GS. Kim Vĩnh Kiện khảo cứu và dịch sang tiếng Nhật, sau này được học giả Ngô Thế Long dịch, đăng trên tạp chí Hán Nôm, và GS. Trần Ích Nguyên (Đài Loan) cũng có những nghiên cứu sâu hơn.
Sang đến đầu thế kỷ XX, trước tình hình thế giới có sự biến động lớn, đặc biệt công cuộc Minh Trị duy tân của Nhật Bản chấn động địa cầu đã dẫn đến nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản của Việt Nam cũng nhiều hơn, các cuộc Đông du được diễn ra tiêu biểu như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… và thông qua các nguồn tư liệu sách báo từ Trung Quốc, từ Pháp viết về Nhật Bản, người Việt cũng bắt đầu có những mối quan tâm nhiều hơn và sâu hơn đến Nhật, điều đó được thể hiện qua nguồn tư liệu trên báo chí hồi đầu thế kỷ XX của Việt Nam viết về những vấn đề có liên quan đến Nhật khá nhiều.
5. Lịch Sử Tư Tưởng Nhật Bản
Mọi người Việt Nam trong khi hãnh diện với nền văn hóa cổ truyền của dân tộc, và trong khi thiết tha với công cuộc phục hưng những tinh thần truyền thống của Đông phương – dù chúng ta vẫn niềm nở tiếp nhận thâu hóa các ngành văn minh kỹ nghệ Âu Mỹ – thì chúng ta không thể nào không nghiên cứu tìm hiểu đến những nước láng giềng, nhất là những nước cùng một nguồn gốc văn hóa với dân tộc chúng ta. Nhật Bản là một trong số các nước láng giềng ấy.
Nghiên cứu các ngành văn hóa tư tưởng của Nhật Bản, ngoài mục đích tìm hiểu những điểm dị đồng giữa hai dân tộc Việt – Nhật, còn có một lợi ích khác là sẽ nhờ đó rút tỉa những kinh nghiệm thích ứng với hoàn cảnh dân tộc trong việc tiếp nhận văn hóa ngoại quốc, hầu cải tiến và xây dựng xứ sở.
Lịch sử tư tưởng Nhật Bản được Đông Phương xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1965, là thành quả nghiên cứu trong gần 10 năm sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản của Thích Thiên Ân. Sau hơn 50 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên, cuốn sách hay vẫn còn nguyên giá trị và là tài liệu tham khảo hữu ích khi tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và tư tưởng Nhật Bản.
Nhân kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018) và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973-2018), Lịch sử tư tưởng Nhật Bản được tái bản. Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích, cung cấp cho độc giả những thông tin quý giá về: nước Nhật Bản thời cổ đại, tư tưởng truyền thống, tôn giáo (Phật giáo, Nho giáo, Thần đạo) và tư tưởng Nhật Bản thời cận và hiện đại.
TIN LIÊN QUAN VỀ VĂN HÓA NHẬT
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam