Sau khoảng hai tuần công chiếu, hàng loạt review từ khắp thế giới điều cho rằng DreamWorks có khả năng sẽ chất đầy bảng thành tích của họ bằng giải thưởng danh giá nhờ bộ phim hoạt hình Robot Hoang Dã (The Wild Robot), bất chấp một năm có đối thủ mạnh như Inside Out 2 từ Disney Pixar. Đây cũng có thể là bộ phim giúp DreamWorks có cơ hội đối đầu với Pixar sau loạt thất bại liên tiếp tại giải thưởng hàn lâm.
Số lượng đánh giá 5 sao trên các chuyên trang review phim như Rotten Tomatoes và IMDb cho Robot Hoang Dã (The Wild Robot) thực sự là pha châm ngòi sự tò mò về bộ phim hoạt hình mới nhất từ nhà DreamWorks. Liệu “mồi câu” của chú bé trên logo DreamWorks đã thực sự là món ngon mới, đủ thu hút khán giả đến rạp sau thất bại nặng nề với Kung Fu Panda 4?
May mắn là đúng vậy đấy. “Mồi câu” của hãng sản xuất phim sau chuỗi phim không được đánh giá cao, hóa ra nằm ở một cốt truyện vô cùng dễ đoán, nhưng lại chạm đến khán giả và “tốn” nước mắt hơn bao giờ hết.
VUI VUI: Lịch sử “tranh đấu” giữa hai hãng sản xuất hoạt hình DreamWorks Animation và Pixar tại Oscars cho hạng mục Phim hoạt hình xuất sắc nhất. In đậm là phim từ DreamWorks Animation:
Qua danh sách trên, có thể thấy DreamWorks đã “chào thua” Pixar liên tiếp đúng một thập kỷ. Tuy nhiên, tình hình hiện đang vô cùng khả quan cho DreamWorks nhờ tác phẩm Robot Hoang Dã (The Wild Robot), có cả giá trị thương mại lẫn nghệ thuật. Sắp tới, tại Lễ trao giải Oscar 2025, Pixar và DreamWorks có thể gặp lại nhau trên bảng đề cử với các tác phẩm sau:
|
The Wild Robot – Robot Hoang Dã là một bộ phim cho mọi lứa tuổi, theo đúng nghĩa đen
Rất nhiều bộ phim hoạt hình được giới thiệu là “dành cho mọi độ tuổi”. Tuy nhiên thị trường ngày càng nhiều các tác phẩm chứa đựng những câu chuyện quá sâu sắc mà trẻ con khó lòng hiểu được. Tuy nhiên, Robot Hoang Dã (The Wild Robot) lại làm đúng như những gì mình giới thiệu.
Robot Hoang Dã (The Wild Robot) được chuyển thể từ một cuốn sách thiếu nhi. Nhiều bộ phim chọn cách làm mới câu chuyện bằng những cú twist bất ngờ hay những chi tiết khác với tác phẩm gốc. Nhưng Robot Hoang Dã (The Wild Robot) đã không làm điều này. Tác phẩm hoạt hình theo sát quyển sách gốc ở mọi mặt.
Nội dung có thể tóm lược đơn giản là: “Bị hỏng tàu và trôi dạt vào một hòn đảo hoang vu, một cô robot tên Roz phải học cách sinh tồn với môi trường trên đảo. Khi đang dần hòa nhập với những con vật, Roz cũng dần học cách trở thành mẹ của một chú ngỗng con mồ côi.”
Chính câu tóm tắt cũng đã spoil kết cục bộ phim: Nàng robot Roz làm quen và hòa hợp với động vật trên đảo, chú ngỗng con sẽ trưởng thành an ổn, và Happy Ending! Mọi sự êm đẹp đúng như những gì bạn nghĩ về một bộ phim hoạt hình của DreamWorks.
Hoạt hình vốn nên là thế đấy! Món ăn dành cho mọi lứa tuổi, để những người lớn với trí óc phức tạp như chúng ta có một bóng cây nhân văn để trú tạm trước guồng quay mưu sinh khắc nghiệt, để các em nhỏ học được những bài học đơn giản nhưng đầy ý nghĩa. Mỗi người khi bước vào rạp xem phim hoạt hình dành cho mọi lứa tuổi như Robot Hoang Dã (The Wild Robot), họ đang lắp vào cho mình đôi mắt và khối óc của trẻ thơ. Vì sao phải cố gắng “ép chín” cốt truyện qua những phát triển nhân vật cao siêu, để rồi giải quyết nửa vời?
Robot Hoang Dã (The Wild Robot) không phạm phải lỗi đó. Bộ phim là một món ăn tinh thần cần và đủ cho đối tượng khán giả ngoài rạp. Chính đạo diễn Chris Sanders nói về dụng ý của ông: “Câu chuyện có vẻ ngọt ngào và đơn giản, nhưng bên trong là những cảm xúc vô cùng phức tạp, và chúng tôi muốn điều đó được thể hiện qua hình ảnh.”
Có lẽ đó là lợi ích từ một series phim mới, chưa đòi hỏi DreamWorks phải đưa ra một vũ trụ to lớn như Kung Fu Panda đã kéo dài 4 phần, hay How To Train Your Dragon, The Boss Baby… (Cá nhân tôi cũng kỳ vọng họ sẽ khéo tay hơn một chút, vì họ đã dự định làm The Wild Robot phần 2). Vì vậy, bạn có thể yên tâm rằng Robot Hoang Dã (The Wild Robot) sẽ là một bộ phim ngọt ngào và ấm áp dành cho bạn, lấy lại niềm tin về hoạt hình của DreamWorks.
Một cái nhìn thân thiện hơn với những trí thông minh nhân tạo
Artificial Intelligence (AI), hay trí tuệ nhân tạo là cụm từ vừa gây hứng thú, vừa gây khiếp sợ ở thời điểm hiện tại. Là một trợ thủ, nhưng đồng thời cũng là một đối thủ với con người khi chúng có quyền năng thay thế ta với năng suất lao động vượt trội.
Có lẽ bạn đã nghe, hoặc tham gia vào, những cuộc trò chuyện về tương lai của AI gần đây. AI dường như xuất hiện ở khắp mọi nơi, mọi lúc.
Có người cảm thấy AI hữu dụng, yêu thích sự hiệu quả của công nghệ mới, nhưng sẽ không bao giờ có thể “kết bạn” với trí thông minh nằm trong màn hình. Người không muốn tận dụng AI xem chúng là thứ đáng bài trừ. Họ khiếp sợ những sản phẩm hình ảnh, video thật giả lẫn lội từ những “dây thần kinh” làm từ chì, cao su và điện. Và không thiếu những lời tiên tri cho rằng robot với trí thông minh nhân tạo sẽ cướp đi công ăn việc làm của loài người.
Cũng vì góc nhìn đó với robot trên phim ảnh gần đây không quá thân thiện, nên việc Roz là một cô robot dễ mến, đặt trong bối cảnh hành trình làm mẹ của một chú ngỗng con khiến Robot Hoang Dã (The Wild Robot) dễ gợi cảm xúc hơn cho khán giả.
Từ một cô robot thông minh, với trí tuệ nhân tạo đủ tối tân để tiếp nhận mọi mệnh lệnh và hoàn thành chúng, cô lại gặp khó khăn khi… làm mẹ. Cũng bối rối và phạm lỗi liên tục. Chẳng phải con người cũng như vậy sao?
Trong Robot Hoang Dã (The Wild Robot), chúng ta cảm nhận được sự ưu việt của công nghệ, nhưng đồng thời, cảm nhận được sự “tối tân” khi là một tạo vật có cảm xúc. Roz rồi cũng trải qua những khủng hoảng về nhân dạng (identity crisis), dần biết đến sự hi sinh cho cộng đồng. Dẫu vậy, sự phát triển này rất giống với thiết lập ban đầu của cô: Sinh ra là để giúp đỡ mọi người.
Có lẽ, sau hằng hà sa số những bộ phim về kỷ nguyên lạnh lẽo nơi robot ngự trị, nơi robot kiểm soát và xâm chiếm con người, chúng ta cũng cần một robot “người” hơn để không hiểu lầm về những tạo vật này. Sự phát triển vô cùng tự nhiên của Roz khiến tôi nhớ về Wall-E và Eva, những chú robot biết yêu của Disney Pixar.
Review Robot Hoang Dã: Phim thành công vì mang đến thông điệp chạm đến người xem
Một lỗi thường phạm phải với những bộ phim gần đây, chính là bị lậm phải chất “woke”.
Hiểu đại khái, “Woke” là sự cố gắng kêu gọi nâng cao nhận thức của mọi người về các vấn đề văn hóa, xã hội như phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, biến đổi môi trường. Song, cách thực hiện quá trực diện, thiếu tinh tế. Chẳng hạn như thay đổi màu da của nhân vật trong nguyên tác với kỳ vọng khiến các diễn viên da màu được công nhận.
Ở Robot Hoang Dã (The Wild Robot), đội ngũ biên kịch của bộ phim cũng mong muốn truyền tải thông điệp vì xã hội, nhưng họ có cách làm khéo léo và lắng đọng hơn nhiều. Tác hại của con người với môi trường được cài cắm với khả năng khiến mọi người tự giác ngộ cho riêng họ mà không cần bất kỳ lời thoại nào như: “Tất cả là do con người đã tàn phá môi trường, đã đe dọa đến cuộc sống của chính họ và của thiên nhiên.”
Chú cáo Fink chỉ có một lời thoại duy nhất về một mùa đông băng giá kỷ lục. Khi Roz và Fink đi giải cứu những con vật và mang về tổ ấm chung, ta nhận ra được tương lai mà con người phải đối mặt nếu không thay đổi sự tàn phá với môi trường ở hiện tại: Một mùa đông lạnh giá đến mức những con vật với lớp lông và mỡ dày như gấu còn có thể chết cóng. Thiểu số sống sót và được Roz, Fink cứu kịp thời. Con người sẽ ra sao trước sự biến đổi đó? Bao nhiêu phần trăm sẽ chống chọi được?
Hay như khi ngỗng con Mỏ Sáng, cậu đã lớn và cất cánh lên chuyến di cư đầu tiên của cậu, cậu rời hòn đảo hoang vu và bay đến một vùng đất lạ. Mà không, đó đâu phải là nơi xa lạ. Cây cầu Golden Gate còn ở kia, chỉ khác là nước biển đã dâng cao đến mức nhấn chìm gần hết cây cầu. Bạn thấy mình ở đâu trong tương lai đó, khi diện tích sống của con người bị thu hẹp?
Bộ phim không bao giờ đưa ra câu trả lời. Đến phút cuối cùng của bộ phim, con người vẫn làm hại động vật, sống cùng cây quả tự trồng trong nhà kính của riêng họ. Họ vẫn nằm trong pháo đài công nghệ, xi măng và gạch đỏ cách biệt với thiên nhiên. Những câu hỏi mà bộ phim nêu ra, sẽ là để cho những khán giả trả lời với tương lai, bằng những hành động ở hiện tại.
Một điểm khác biệt nhỏ nữa giúp Robot Hoang Dã (The Wild Robot) dễ chạm tới khán giả là vì những nhân vật chính của bộ phim là động vật – những động vật thực thụ, không phải một chú cáo đeo cà vạt trong Zootopia, hay chú sư tử đứng bằng hai chân của Madagascar. Những loài vật trong tự nhiên, trong nguyên dạng và hành vi thông thường của chúng, hoá ra lại trở thành những người truyền tải bài học dễ chạm đến con người hơn phiên bản nhân hoá. Vì sau cùng, chúng chính là những nạn nhân đầu tiên của biến đổi khí hậu, khi thiên nhiên chính là mái nhà của chúng.
REVIEW PHIM CHIẾU RẠP:
REVIEW PHIM DUNE: HÀNH TINH CÁT 2 ĐANG GÂY “BÃO CÁT” TOÀN CẦU
REVIEW ALIEN: ROMULUS – PHẦN KINH DỊ NHẤT DÒNG PHIM QUÁI VẬT KHÔNG GIAN
Harper’s Bazaar Việt Nam