Bộ phim hoạt hình Thiếu Niên và Chim Diệc (tựa tiếng Anh: The Boy and the Heron) đã mang lại giải thưởng Quả cầu vàng đầu tiên cho Studio Ghibli.
Tuy nhiên, nhiều người đặt ra nghi vấn liệu bộ phim có xứng đáng với thành tích này. Bởi rất nhiều khán giả đã gãi đầu gãi tai sau khi xem phim, cho rằng phim tối nghĩa, khó hiểu, và có lẽ chỉ được đề cử giải thưởng vì nó là bộ phim đánh dấu sự trở lại của nhà làm phim lỗi lạc Hayao Miyazaki sau khi ông ở ẩn cả một thập kỷ.
Tuy nhiên, theo tôi thì bộ phim này rất xứng đáng với những đề cử dành cho nó. Vì đây là một tuyệt tác điện ảnh tìm cách diễn giải thế giới nội tâm của con nít, đặc biệt là những đứa trẻ bị thương tổn, bằng hình ảnh và âm thanh.
*Lưu ý: Bài review phim Thiếu Niên và Chim Diệc này có spoiler về phim. Xin đừng đọc nếu bạn chưa xem phim.
Hành trình trưởng thành của thiếu niên bị thương tổn tâm lý
Nhân vật chính của Thiếu Niên và Chim Diệc, đúng như tên gọi của bộ phim, là cậu bé Mahito Maki.
Ngay từ khi phim mở màn, chúng ta đã được giới thiệu rằng Mahito bị tổn thương tâm lý (trauma). Cậu đang sống trong chiến tranh. Cậu mất mẹ Hisako trong biển lửa khi còn chưa trưởng thành. Có lẽ cậu tự trách bản thân vì không cứu được mẹ, cho dù đã chạy hết tốc lực đến bệnh viện đang bốc cháy để tìm mẹ.
Sau đó, bố cậu cưới dì Natsuko – em gái mẹ cậu. Dì Natsuko rất yêu thương Mahito, vì cậu là con trai duy nhất của chị gái cô. Nhưng Mahito lại lạnh lùng xa cách Natsuko, như bao đứa trẻ cảm thấy người mẹ quá cố của mình đã bị thay thế, và cảm thấy có lỗi khi gọi một người phụ nữ khác là mẹ.
Đến khi dì Natsuko đang mang thai biến mất trong ngôi tháp cổ, cậu bàng hoàng lo sợ vì cho rằng mình đã đẩy dì đến bước đường cùng. Nên cậu quyết tâm phải đuổi theo dì để xin lỗi và đưa dì về nhà.
Bước vào tòa tháp cổ, cậu rơi vào một thế giới song song đầy hiểm nguy rình rập. Được hộ tống bởi con chim diệc có thể hóa thân thành gã đàn ông lắm lời hai mặt, Mahito phải tìm cách sống sót.
Chuyến phiêu lưu của thiếu niên Mahito trong thế giới song song được đạo diễn Hayao Miyazaki miêu tả là hành trình của sự trưởng thành. Một cậu bé bị vùi dập trong đau thương tìm cách ngoi lên khỏi những sóng gió trong đời, để học nói lời cảm ơn đến những người đã giúp đỡ mình, và xin lỗi chân thành những người mình đã tổn thương, để rồi vững vàng đối mặt với tương lai.
Cho dù không quá hiểu ý nghĩa của mọi chuyện đã xảy ra trong phim, khán giả dễ dàng cảm nhận được tinh thần tích cực, lạc quan của Mahito và khâm phục nghị lực của cậu ấy. Trên hết, đây là thông điệp mà đạo diễn Hayao Miyazaki muốn truyền tải.
BẠN CÓ BIẾT?Trên thực tế, tựa đề phim ở tiếng Nhật và khi chuyển ngữ khác nhau. Trong tiếng Nhật, bộ phim được đặt tên là 君たちはどう生きるか, có nghĩa là “Bạn sống như thế nào”, do lấy cảm hứng từ một cuốn sách viết năm 1937. Ngay từ cái tên, chúng ta đã thấy rằng bộ phim xoay quanh việc định hướng lẽ sống. Những người thường xem phim Nhật chắc hẳn nhận ra rằng quốc gia này yêu thích các tác phẩm nghệ thuật mang tính triết lý, và điều này cũng được phản ánh trong những tác phẩm của Studio Ghibli từ trước đến nay. |
Thế giới quan của trẻ con khó giải thích
Cái hay của Miyazaki là ông đã làm nên một bộ phim lấy tầm nhìn của trẻ con để làm thế giới quan, để khán giả một lần nữa có thể nhìn đời qua lăng kính tuổi thơ khi đắm mình vào cuộc phiêu lưu của Mahito.
Bộ óc của những đứa trẻ đặt ra luật lệ kỳ lạ để giúp chúng diễn giải những điều khó hiểu
Còn nhớ, khi nhỏ, tôi đã đặt ra hàng loạt giới hạn kỳ cục cho bản thân. Ví dụ khi bước đi trên gạch, tôi chỉ được giẫm chân vào những ô trống trên gạch, không được phép chạm mũi chân vào những đường biên của viên gạch. Hay khi mặc áo khoác thì phải mặc theo một kiểu cách nhất định. Bây giờ tôi nhớ rằng bản thân đã làm những điều ấy nhưng không thể hiểu được tại sao nữa!
Còn bạn, bạn có tự hỏi vì sao chơi nhảy lò cò phải thảy thun vào ô này trước mà không phải ô kia? Vì sao trò chơi cá sấu lên bờ, chỉ cần lên cột thì đã là “lên bờ an toàn”, dù trong thực tế cá sấu hoàn toàn dễ dàng bò lên bờ và kéo con mồi của nó xuống nước? Hay vì sao qua sông nửa chừng không được phép quay đầu về bờ?
Tất cả những trò chơi thuở bé, khi nhìn lại, đều có những luật chơi dường như vô nghĩa. Ấy thế nhưng chúng ta thời thơ bé đã chấp nhận rằng luật chơi này là điều hiển nhiên.
Thế giới song song của Mahito trong phim Thiếu Niên và Chim Diệc cũng vậy. Chim hải âu phải ăn lũ Warawara để sống, chim vẹt bắt người lấy thịt, cậu bé không được phép bước chân vào phòng sinh nở của dì Natsuko,… mọi chuyện vô nghĩa như những luật chơi trong các trò chơi trẻ con, nhưng được những người trong thế giới song song chấp hành vô điều kiện.
Sâu xa hơn, có thể cho rằng cuộc chơi ở đây của thiếu niên Mahito là cuộc đời, là quá trình trưởng thành. Cậu không biết phải đối mặt với cuộc sống ra sao, nên cậu đã tự vạch ra trong đầu những luật lệ cổ quái như để giúp bản thân vượt qua những chướng ngại vật.
Mahito được chữa lành tổn thương từ người mẹ quá cố
Trong thế giới song song đầy rẫy nguy hiểm, Mahito liên tục được cứu bởi cô bé Himi, người có sức mạnh siêu nhiên là điều khiển lửa.
Dần dần, khán giả phát hiện rằng Himi chính là người mẹ Hisako đã qua đời của cậu bé Mahito. Bà sống trong thế giới song song dưới hình hài một đứa trẻ, và sẽ trở lại thế giới hiện thực ở một cột mốc thời gian khác, để lớn lên và sinh ra Mahito.
Việc nhân vật Himi xuất hiện, hướng dẫn Mahito đi tìm người dì thất lạc, để rồi cậu có thể thốt lên hai chữ “mẹ Natsuko”, như nói lên quá trình chữa lành tổn thương tâm trí của cậu trong hành trình trưởng thành. Bởi vì mẹ đã đồng ý, cho phép cậu, nên cậu mới có thể mở lòng gọi dì Natsuko là người mẹ mới của mình.
Hoặc, nếu xem thế giới song song này như thế giới trong mơ của Mahito, cũng có thể diễn giải rằng cậu hy vọng mẹ sẽ đồng hành cùng mình trên mọi nẻo đường. Vì vậy mà Mahito nghe lời Himi hoàn toàn, không hề đặt ra câu hỏi trước những hướng dẫn của Himi, như cách những đứa trẻ con thường nghe lời bố mẹ dạy dỗ.
Bên cạnh đó, có thể diễn giải sức mạnh siêu nhiên của Himi rằng Mahito hy vọng mẹ mình không chết, mà có thể điều khiển lửa để thoát thân khỏi cơn cháy bệnh viện.
Đạo diễn Hayao Miyazaki giải thích rằng mình đã đưa rất nhiều chi tiết từ tuổi thơ của bản thân vào bộ phim Thiếu Niên và Chim Diệc, do đó bộ phim này mang tính chất tự sự cao. Như Mahito, đạo diễn có người cha làm việc cho xưởng chế tác vũ khí, phải di tản vì Thế chiến II. Còn nhân vật Himi, cũng như nhiều nhân vật nữ chính mạnh mẽ khác trong phim Ghibli, được xây dựng theo mẹ của đạo diễn, người mà ông miêu tả là vô cùng mạnh mẽ và có chính kiến.
Có lẽ, cũng như Mahito, đạo diễn Hayao Miyazaki cũng ước nguyện rằng linh hồn của mẹ mình vẫn đang tồn tại ở một thế giới nào đó, và ông có thể gặp lại bà trong những giấc mơ hàng đêm.
Có thể xem đi xem lại bộ phim Thiếu Niên và Chim Diệc nhiều lần
Còn rất nhiều những điều có thể sẻ chia về nội dung phim. Bởi vậy theo đa phần các nhà phê bình, Thiếu Niên và Chim Diệc là bộ phim có thể xem đi xem lại nhiều lần. Ở mỗi lần xem, khán giả sẽ lại chiêm nghiệm ra một điều gì đó mới.
Bên cạnh đó, những thước phim đẹp như tranh vẽ siêu thực của bộ phim cũng là yếu tố hấp dẫn. Những cảnh phim làm tôi nhớ đến tranh vẽ của các danh họa Siêu thực (Surrealism) như Salvador Dalí hay René Magritte. Cho dù cốt truyện tối nghĩa nhưng chỉ cần xem cảnh đẹp cũng khiến ta phải mê mệt.
Do đó mà theo tôi, bộ phim hoàn toàn xứng đáng với những đề cử và giải thưởng đã nhận được.
Nếu chưa xem Thiếu Niên và Chim Diệc bởi đã đọc những review khắt khe khác, hãy cho bộ phim một cơ hội, bạn nhé.
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam