
Ảnh: @FilmUpdates
Phim kinh dị luôn có sức hút đặc biệt, và Kẻ đồng hành (Companion) đã khẳng định vị thế là một tác phẩm nổi bật của thể loại này trong nửa đầu năm. Bộ phim kết hợp hài hòa các yếu tố ly kỳ, hài hước và khoa học viễn tưởng, đồng thời mang đến góc nhìn mới mẻ về chủ đề công nghệ trí thông minh nhân tạo (Artificial Intelligence – AI).
Ra mắt đúng dịp Valentine tại Việt Nam, tác phẩm nhanh chóng thu hút sự chú ý của khán giả nhờ cốt truyện hấp dẫn và lối kể chuyện thông minh. Liệu đây có phải là một tác phẩm đáng xem giữa vô vàn loạt phim bom tấn khác? Hãy cùng khám phá.

Ảnh: @FilmUpdates
Lấy bối cảnh tương lai gần, Kẻ đồng hành (Companion) mở ra một thế giới nơi trí tuệ nhân tạo đã phát triển vượt bậc. Nhân vật chính, Iris (Sophie Thatcher), là một robot cao cấp được thiết kế để suy nghĩ và cảm nhận như con người. Cô được tạo ra với mục đích trở thành một người bạn đồng hành lý tưởng, thậm chí có thể phục vụ nhu cầu tình cảm và tình dục của chủ sở hữu.
Sau khi mua Iris, chủ nhân của cô – Josh (Jack Quaid), quyết định giới hạn trí thông minh của cô ở mức 40% nhằm kiểm soát dễ dàng hơn. Tuy nhiên, khi Josh đưa Iris đến một biệt thự ven hồ cùng nhóm bạn giàu có, tình thế nhanh chóng trở nên mất kiểm soát. Những sự kiện kỳ lạ liên tiếp xảy ra, đẩy Iris vào một cuộc nổi loạn nhằm tìm kiếm sự tự do khỏi sự ràng buộc của chủ nhân.
Điểm cộng của phim Kẻ đồng hành (Companion)
Cốt truyện hấp dẫn từ đầu, không quá phụ thuộc vào những cú twist

Ảnh: @FilmUpdates
Phim mở đầu bằng một cảnh tình cờ gặp gỡ đậm chất rom-com tại siêu thị giữa Iris (Sophie Thatcher) và Josh (Jack Quaid). Qua giọng kể của Iris, đây là một trong hai khoảnh khắc định mệnh của cuộc đời cô – khoảnh khắc còn lại là… khi cô giết chết Josh.
Twist đầu tiên được hé lộ khá sớm: Iris không phải con người mà là một robot tình yêu, được lập trình để trở thành bạn gái hoàn hảo, có khả năng yêu thương vô điều kiện, ngoan ngoãn và không bao giờ nói dối.
Nhưng mọi thứ bắt đầu vượt tầm kiểm soát khi Josh đưa cô đến một biệt thự ven hồ sang trọng cùng nhóm bạn.

Ảnh: @FilmUpdates
Điều thú vị là đạo diễn Drew Hancock không cố gắng đánh lừa khán giả hay tạo ra những cú twist rẻ tiền. Thay vào đó, ông tập trung vào việc xây dựng những tình huống hài hước, căng thẳng và bất ngờ một cách tự nhiên. Bộ phim mang đến sự pha trộn độc đáo giữa khoa học viễn tưởng, hài đen và kinh dị khiến người xem vừa cười vừa thót tim.
Sophie Thatcher tỏa sáng trong vai bạn gái robot

Ảnh: @FilmUpdates
Diễn xuất của Sophie Thatcher trong vai Iris chính là một trong những điểm sáng nhất của phim Kẻ đồng hành (Companion). Ngôi sao trẻ đang lên Sophie Thatcher trước đó được biết đến qua series Yellowjackets và The Book of Boba Fett, đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc trong vai diễn này. Cô đã thể hiện xuất sắc sự phức tạp trong tâm lý của một AI đang dần nhận thức được bản thân, khéo léo cân bằng giữa đầu óc máy móc và những cảm xúc chân thực của con người.
Đặc biệt, trong những phân cảnh Iris dần nhận ra sự thật về bản thân, Sophie Thatcher đã thể hiện rất tinh tế sự xung đột giữa lòng trung thành được lập trình và khát khao tự do đang trỗi dậy.
Một chi tiết thú vị là cách Thatcher sử dụng ngôn ngữ cơ thể. Khi Iris còn bị giới hạn ở mức 40% trí thông minh, những cử động của cô có phần rập khuôn, máy móc. Nhưng khi nhân vật dần “thức tỉnh”, các động tác trở nên tự nhiên và linh hoạt hơn, thể hiện sự phát triển của nhân vật. Đây là những nét diễn xuất tinh tế mà có thể nhiều khán giả không nhận ra ngay, nhưng góp phần tạo nên độ thuyết phục cho nhân vật.

Ảnh: @FilmUpdates

Ảnh: @FilmUpdates
Trong khi đó, Jack Quaid mang đến một Josh vừa sự ích kỷ vừa độc đoán, thuyết phục khán giả trong vai một chàng trai thích kiểm soát. Anh ta không tìm kiếm một người bạn để chia sẻ, đồng hành mà chỉ muốn có một vật thể để phục tùng mình, thỏa mãn mọi nhu cầu.
Dù đề cập đến những vấn đề nóng hổi về trí tuệ nhân tạo và mối quan hệ giữa con người và máy móc, Kẻ đồng hành (Companion) không rơi vào cái bẫy thuyết giáo như nhiều phim kinh dị gần đây. Việc để nhân vật chính Iris hoạt động ở mức “40% thông minh” dường như là một lựa chọn ẩn ý của nhà làm phim – vừa đủ để khơi gợi suy tư, nhưng vẫn ưu tiên tạo ra những giây phút giải trí thú vị cho khán giả. Bộ phim tạo nên sự cân bằng hoàn hảo giữa những phút giây hài hước và những khoảnh khắc nghẹt thở, khiến khán giả phải dán mắt vào màn hình từ đầu đến cuối.

Ảnh: @FilmUpdates

Ảnh: @FilmUpdates
Điểm trừ của phim Kẻ đồng hành (Companion)
Cốt truyện không quá sáng tạo
Dù kết hợp nhiều yếu tố thú vị, Companion vẫn mang hơi hướng của nhiều bộ phim kinh dị như Ready or Not (2019), The Menu (2022), Promising Young Woman (2020) hay M3GAN (2022). Điều này khiến bộ phim có phần thiếu sự khác biệt rõ rệt so với các tác phẩm cùng thể loại. Một số phân đoạn kéo dài hơn mức cần thiết, làm giảm sự liền mạch của mạch phim. Điều này đặc biệt rõ trong những cảnh chuyển đổi giữa yếu tố hài hước và kịch tính.
Mặc dù nhân vật Iris được xây dựng khá tốt, nhưng bộ phim chưa đi sâu vào vấn đề đáng suy ngẫm về ý thức và cảm xúc của AI. Đây là một chủ đề có tiềm năng lớn nhưng lại chỉ được khai thác ở mức bề mặt.

Ảnh: @FilmUpdates
Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim giải trí thuần túy mà vẫn có chút “deep” về mặt ý tưởng, thì Kẻ đồng hành (Companion) chính là lựa chọn hoàn hảo. Phim không cố gắng nhồi nhét các thông điệp xã hội – một xu hướng đang rất thịnh hành trong các phim kinh dị gần đây. Bạn sẽ thấy mình cười nhiều hơn là sợ hãi, suy ngẫm vừa đủ mà không cảm thấy nặng nề, một bộ phim vừa đủ sâu để suy nghĩ sau khi rời rạp, nhưng cũng đủ hài lòng với một trải nghiệm điện ảnh đích thực.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
LISA ĐƯỢC GÌ KHI ĐÓNG PHIM THE WHITE LOTUS MÙA 3?
BỘ TỨ BÁO THỦ CÁN MỐC 300 TỶ, TRỞ THÀNH PHIM CÓ DOANH THU CAO NHẤT TẾT 2025
Harper’s Bazaar Việt Nam