![Ngoài hoa mẫu đơn, những di sản văn hoá phi vật thể thời Đường cũng mang đến cảm giác thẩm mỹ cao cấp của Trung Quốc](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-15.jpg)
Quốc Sắc Phương Hoa đã tôn vinh nét đẹp truyền thống của thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc phong kiến. Từ việc chế tác hương, trồng hoa mẫu đơn, đến thêu thùa, làm quạt giấy và trang điểm, tất cả những kỹ thuật truyền thống này lần lượt xuất hiện trong phim, khiến người xem như đang đóng vai một người qua đường lạc vào thời kỳ thịnh vượng của nhà Đường.
1. Phương pháp chế tác hương thời Đường
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-2.jpg)
Ảnh: Weibo MangoTV
“Hương” để lại ấn tượng sâu đậm qua từng tập phim Quốc Sắc Phương Hoa.
Ở tập 11, Mẫu Đơn cùng Thắng Ý trò chuyện đêm khuya, trong khi Thắng Ý chuyên tâm luyện chữ, Mẫu Đơn thì tĩnh tâm chế tác hương Bách Khắc, giới thiệu với Thắng Ý về những công dụng đặc biệt của loại hương này.
Tập 12, Tôn Đại Nương dạy Mẫu Đơn cách làm hương mẫu đơn, với quá trình chế tác gồm năm bước được thể hiện chi tiết, từ chọn nguyên liệu đến pha chế, mỗi bước đều ngập tràn tinh thần thủ công mỹ nghệ, thể hiện sâu sắc truyền thống làm hương thời Đường.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-1.jpg)
Mẫu Đơn còn sử dụng hương để tĩnh tâm. Trong làn khói mờ ảo, cô loại bỏ những suy nghĩ tạp nhiễu, dần dần bình tĩnh lại để đối mặt với khó khăn. Ảnh: Weibo MangoTV
Dưới Đường triều, hương là một phần quan trọng trong mọi tầng lớp xã hội, là biểu tượng của địa vị, gu thẩm mỹ và thế giới tinh thần.
Tại thành Tràng An phồn thịnh, trong các phủ đệ của quan lại, giới quý tộc thường xuyên đốt hương Bách Khắc, vừa thể hiện vị thế, vừa tạo không gian thanh lịch cho các bữa tiệc. Hương Bách Khắc còn cho thấy cách cổ nhân dùng hương để đo thời gian (Câu thoại kinh điển: thời gian đốt một nén hương, chỉ 1 canh giờ).
Trong cung đình, những lư hương lớn tỏa hương trầm và long diên hương, nâng cao sự trang trọng của các buổi lễ và quý phái của hoàng gia. Các văn nhân, nho sĩ yêu thích việc thắp hương trong thư phòng để đọc sách, thưởng thức hương và làm thơ vẽ tranh, coi hương như một chất xúc tác để kích thích cảm hứng sáng tạo.
Còn ở dân gian, mặc dù hương không phải là thứ xa xỉ, nhưng nó thấm nhuần vào cuộc sống của người dân, dù là dùng túi thơm để xua muỗi hay vào dịp Tết lễ thắp hương cúng tổ tiên. Tất cả đều là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thời xưa.
2. Nghệ thuật thêu thùa thời Thịnh Đường
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-3.jpg)
Ảnh: Weibo MangoTV
Quốc Sắc Phương Hoa đã chinh phục khán giả bằng những trang phục tinh xảo, làm bật lên thẩm mỹ và kỹ thuật thêu thùa thời nhà Đường.
Tưởng Trường Dương thường khoác lên chiếc áo dài cổ tròn, với chi tiết thêu tinh tế, thể hiện đẳng cấp của một công tử thế gia; trong khi Hà Duy Phương mặc trang phục thêu họa tiết mẫu đơn, từng cánh hoa và chi tiết nhụy hoa sống động, khiến vẻ đẹp kiều diễm của mẫu đơn được giữ mãi trên tà áo.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-5.jpg)
Ảnh: Weibo MangoTV
Một điểm nhấn nổi bật trong trang phục của Tưởng Trường Dương là họa tiết “mã bay cánh vững liên châu” trên chiếc áo đỏ đất.
Họa tiết này có nguồn gốc từ văn hóa Hy Lạp, Ba Tư và Trung Á. Sau khi theo con đường tơ lụa đến Trung Nguyên, qua bàn tay khéo léo của các thợ thủ công thời Đường, nó đã được bản địa hóa và trở thành một phần quan trọng trong trang trí trang phục.
Họa tiết “mã bay” ở thời Đường đặc biệt chú trọng đến tính thẩm mỹ trang trí, với đôi cánh xếp sát vào người, đối xứng mềm mại, kết hợp với họa tiết liên châu, tượng trưng cho sự liên tục, thịnh vượng và sự hòa hợp giữa văn hóa Đông và Tây.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-6.jpg)
Ảnh: Weibo MangoTV
Trong tập 4, Tưởng Trường Dương thay đổi trang phục, mặc chiếc áo dài cổ tròn nền xanh, với họa tiết chính là hình “Lăng Dương Công Dạng”, lấy cảm hứng từ mẫu họa tiết đối chim và vương miện của Ba Tư. Hai con chim đứng đối diện nhau, tạo dáng thanh thoát, dưới chân là các bệ hoa nhỏ, vòng ngoài là những hoa cỏ cuộn tròn, bao phủ tầng tầng lớp lớp, mang đến một vẻ đẹp vừa cầu kỳ, vừa tinh tế, thể hiện sự theo đuổi đỉnh cao của kỹ nghệ trong trang phục quý tộc thời Đường.
Họa tiết này không chỉ phản ánh sự sáng tạo nghệ thuật của các thợ thủ công về thiên nhiên mà còn thể hiện sự tiếp thu và sáng tạo lại văn hóa ngoại lai trong nghệ thuật thêu thùa thời Đường.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-4.jpg)
Ảnh: Weibo MangoTV
Ngoài yếu tố thêu thùa, bộ phim Quốc Sắc Phương Hoa cũng đề cao kỹ thuật nhuộm vải thời Đường như nhuộm vết chàm và nhuộm sáp. Biết rằng trang phục trong phim chắc chắn không được làm bằng kỹ thuật này, song chúng mô phỏng kỹ thuật cổ xưa một cách hoàn hảo.
3. Trang điểm phong cách nhà Đường trong phim Quốc Sắc Phương Hoa
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-8.jpg)
Ảnh: Weibo MangoTV
Dù là vẻ đẹp lộng lẫy của công chúa Lý Ấu Trinh hay sự duyên dáng tinh tế của nữ chính Hà Duy Phương, mỗi nhân vật nữ trong phim đều có phong cách trang điểm đặc trưng, thể hiện thẩm mỹ của nhà Đường.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-9.jpg)
Ảnh: Weibo
Phụ nữ thời Đường tập trung vào lớp nền trắng sáng và mịn màng, phù hợp với quan niệm thẩm mỹ “cứ trắng là đẹp” của thời kỳ đó. Tuy nhiên, để dung hòa giữa thẩm mỹ xưa và nay, phim Quốc Sắc Phương Hoa tạo lớp trang điểm cho các nhân vật nữ rất tự nhiên, trong suốt, giúp làn da trông mịn màng và trắng sáng nhưng không bị bột.
Hình dáng lông mày thường là dáng mày ngắn cong, mày liễu hay mày nước sóng, với đường cong mềm mại và linh động. Chẳng hạn như Hà Duy Phương có hàng mày hình lưỡi liềm, đuôi mày hơi nhướng lên, cho thấy cá tính lạc quan.
Ở phần trang điểm mắt, phụ nữ nhà Đường sử dụng sắc đỏ nâu để tạo chiều sâu rõ rệt khi nhấn mí, kèm theo đường kẻ mắt dài khiến cho đôi mắt trông to hơn.
Môi lại có nhiều kiểu vẽ, như môi anh đào, môi cánh hoa,… mỗi kiểu đều tôn vinh vẻ đẹp kiều diễm của phụ nữ thời Đường.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-7.jpg)
Ảnh: Weibo
Đặc trưng nổi bật nhất của phong cách trang điểm thời nhà Đường chính là bông hoa điền đỏ được vẽ hoặc đính lên trán, giữa lông mày hoặc má, có nhiều hình dạng như hoa sen, cánh hoa, chim nhỏ, cá nhỏ,… không chỉ tăng thêm sự tinh xảo cho lớp trang điểm mà còn có tác dụng che đi khuyết điểm của làn da. Trong Quốc Sắc Phương Hoa, Hà Duy Phương có hoa điền trên trán và hai nốt đỏ ở khóe miệng tạo nên sự hòa hợp thú vị, khiến cho tổng thể lớp trang điểm thêm phần sức sống.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-10.jpg)
Ảnh: Weibo
Điều đáng chú ý là tất cả các nhân vật nữ đều không đeo khuyên tai. Chi tiết này hoàn toàn phù hợp với phong tục khi đó. Thời Đường chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan niệm Nho giáo “Thân thể, tóc tai đều do cha mẹ cho”, vì vậy phụ nữ sẽ không xỏ lỗ tai và không đeo khuyên tai, tránh làm tổn hại đến thân thể trời ban. Bù lại, họ sẽ chăm trang trí mái tóc.
4. Quạt giấy truyền thống
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-11.jpg)
Ảnh: Weibo
Trong Quốc Sắc Phương Hoa, chiếc quạt không chỉ là vật dụng thường nhật trong tay các nhân vật mà còn chứa đựng những cảm xúc của nhân vật. Đội ngũ sản xuất đã chú trọng đến nghiên cứu lịch sử cũng như tính cách của các nhân vật để thiết kế những chiếc quạt thật sự phù hợp.
Đầu phim, khi Hà Duy Phương cầm một chiếc quạt tròn trong ngày cưới, đây là lễ nghi Khước Phiến Lễ. Theo phong tục, phụ nữ khi kết hôn thường cầm quạt tròn để che mặt, tượng trưng cho sự viên mãn và hài hòa trong hôn nhân.
Tuy nhiên, chiếc quạt mà Hà Duy Phương cầm không chọn các họa tiết phong cảnh núi non hay hình ảnh cầu chúc tình yêu đôi lứa, mà là một bức tranh vẽ cảnh người phụ nữ trồng hoa mẫu đơn. Bức tranh này lấy cảm hứng từ tác phẩm Nam Đường Tiên Cơ Văn Hội Đồ với khung cảnh các nàng tiên hội tụ. Thiết kế này liên kết chặt chẽ với cốt truyện khi mẹ của Hà Duy Phương là người giỏi trồng mẫu đơn và không thể tiễn con gái trong đám cưới vì bệnh nặng. Vì vậy, chiếc quạt này chính là biểu tượng cho tình cảm của người mẹ.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-12.jpg)
Ảnh: Weibo
Chiếc quạt lụa của Tưởng Trường Dương thể hiện sự lộng lẫy của nghệ thuật làm quạt thời nhà Đường. Quạt tròn sử dụng xương quạt khắc tinh xảo bằng ngà, mặt quạt là lụa in hoa mẫu đơn với họa tiết lấy cảm hứng từ quạt cung đình thời Đường, các chi tiết chạm vàng lộng đầy sang trọng.
![](https://bazaarvietnam.vn/wp-content/uploads/2025/01/di-san-van-hoa-phi-vat-the-trong-quoc-sac-phuong-hoa-13.jpg)
Ảnh: Weibo
Còn chiếc quạt lông được làm từ lông ngỗng ở trên, kiểu dáng có nguồn gốc từ quạt lông của văn nhân trong tranh Tây Viên Nha Tập Đồ thời Tống. Vừa có tác dụng xua nóng lại vừa là biểu tượng cho khí chất văn nhân. Trong bộ phim, khi Tưởng Trường Dương cầm quạt, có lúc là để che nắng, có lúc là lắc nhẹ giữa tiệc, tất cả động tác của anh đều thể hiện phong độ và sự tao nhã của một người đàn ông thời Đường.
Đường triều là giai đoạn đỉnh cao của quạt giấy. Trong Quốc Sắc Phương Hoa, mỗi lần chiếc quạt mở ra hay vung lên không chỉ thổi làn gió mát mùa hè mà còn khắc họa đậm đà nét văn hóa thâm sâu của thời nhà Đường. Khán giả hoàn toàn cảm nhận được tinh hoa văn hóa thanh nhã trong cuộc sống của triều đại thịnh vượng.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
ĐÓNG QUỐC SẮC PHƯƠNG HOA, TRƯƠNG NHÃ KHÂM TĂNG 20KG ĐỂ THỂ HIỆN VẺ ĐẸP TRONG SÁCH SỬ
LÝ HIỆN GIẢM 10KG ĐỂ ĐÓNG PHIM QUỐC SẮC PHƯƠNG HOA
ĐI DU LỊCH TRUNG QUỐC THƯỞNG LÃM MẪU ĐƠN TRONG PHIM
Harper’s Bazaar Vietnam