Quảng cáo trong thời trang: KOL khác với Influencer như thế nào?

KOL và Influencer là hai từ khóa thường gặp trong quảng cáo thời trang, mỹ phẩm hiện đại, nhưng thực chất chúng có ý nghĩa có phần khác biệt

Quảng cáo trong thời trang: KOL khác với Influencer như thế nào?

Thuật ngữ KOL và Influencer ngày càng xuất hiện nhiều trong quảng cáo thời trang, mỹ phẩm. Ảnh: Fashion Voyage 3

Ngành quảng cáo nói chung và quảng cáo thời trang nói riêng đang ngày một dựa dẫm vào một thế hệ mới: Những nhân vật nổi tiếng không phải là ngôi sao hạng A. Nếu cách đây vài chục năm, chỉ có các diễn viên, ca sỹ hay người mẫu mới có thể xuất hiện trong các chiến dịch quảng bá. Thì bây giờ, những nhân vật nổi tiếng qua mạng xã hội dần dần xuất hiện bên cạnh họ.

Tại Việt Nam, những nhân vật nổi tiếng từ mạng xã hội này thường được gọi chung chung là KOL hay influencer. Nhưng, trong ngôn ngữ quảng cáo của thế giới, có sự khác biệt tương đối rõ rệt giữa hai đối tượng này. Vậy, bạn hiểu gì về thuật ngữ KOL và influencer?

Influencer là gì?

Quảng cáo trong thời trang: KOL khác với Influencer như thế nào?

Có thể ví các hoa hậu, hoa khôi với influencer tại Việt Nam. Ảnh: Fashion Voyage 3

Influencer, trong tiếng Anh có nghĩa là những người có sức ảnh hưởng. Đây là những người có khả năng chi phối ý kiến đám đông.

Như vậy, bất kỳ ai nổi tiếng, có một lượng fan hùng hậu trên mạng xã hội, sẵn sàng mua những sản phẩm họ đề nghị hay sử dụng dịch vụ họ lựa chọn, đều có thể được gọi là một influencer.

Nhưng trong thuật ngữ quảng cáo hiện đại, influencer thường được sử dụng để ám chỉ những nhân vật nổi tiếng nhờ mạng xã hội: Các blogger, vlogger, hot girl… Họ được nhiều người theo dõi vì truyền cảm hứng qua lối sống đẹp.

KOL (Key Opinion Leaders) là gì?

KOL viết tắt cho Key Opinion Leaders, có nghĩa là những người dẫn dắt ý kiến đám đông. Họ cũng là những người có sức ảnh hưởng trong thị trường.

Tuy nhiên, khác với những influencer chỉ nổi danh trên mạng xã hội, KOL được ngưỡng mộ vì họ là chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định nào đó. Vì lý do này, đôi khi họ không nổi tiếng về mặt đại chúng. Tuy vậy, tiếng nói của họ lại vô cùng được kính trọng trong giới chuyên môn.

Trong giới thời trang, các KOL có thể là các nhiếp ảnh gia, các nhà thiết kế thời trang. Trong giới làm đẹp, đó là bác sỹ da liễu, các nghệ sỹ trang điểm và tạo mẫu tóc. Và tất nhiên là các biên tập viên thời trang, làm đẹp. Họ được biết đến vì chất lượng công việc, chứ không đơn giản chỉ vì có một lượng fan hùng hậu trên mạng xã hội.

Trang-Le-10

Chị Trang Lê và anh Công Trí đều là những KOL. Một người là nữ doanh nhân mang về những show truyền hình thời trang, làm đẹp hàng đầu. Một người là nhà thiết kế mang thời trang Việt đi khắp toàn cầu.

Do là chuyên gia trong một lĩnh vực, những KOL nổi tiếng nhất trong địa hạt của mình có thậm chí có đủ sức nặng để xoay chuyển cả một thị trường.

Lấy một ví dụ cực đoan: Elon Musk. Anh là nhà sáng tạo thiên tài, sáng lập nên những công ty như Tesla, SpaceX… Và cũng là một người ủng hộ tiền ảo. Mỗi khi nói gì về tiền ảo, anh có thể đủ sức khiến các đồng tiền ảo tăng hoặc giảm giá bất ngờ.

Hoặc, Kylie Jenner. Tuy nổi tiếng qua show truyền hình Keeping Up With the Kardashians, Kylie Jenner khẳng định vị thế của mình là một nữ doanh nhân trẻ tuổi với thương hiệu Kylie Cosmetics. Năm 2018, khi Kylie Jenner đặt một câu hỏi bâng quơ trên Twitter, “Thời buổi này hình như chẳng ai dùng SnapChat nữa”, một loạt fan của cô đã xóa tài khoản, và cổ phiếu SnapChat rớt không phanh.

Quảng cáo trong thời trang: KOL khác với Influencer như thế nào?

Kylie Jenner, vừa là một KOL do là doanh nhân thông minh, vừa là influencer triệu fan trên mạng xã hội. Ảnh: Instagram @kyliejenner

Sự khác biệt giữa KOL và Influencer

Các influencer nổi tiếng nhờ lượng fan họ có được trên mạng xã hội. Còn KOL thì không. Mục tiêu của họ là tập trung cho chuyên môn của mình. Sự nổi tiếng trên mạng xã hội chỉ là một phụ phẩm đi kèm với chuyên môn của họ.

Các KOL chân chính cũng hiếm khi tiếp nhận hợp đồng quảng cáo. Nếu có, họ sẽ chỉ bắt tay với những sản phẩm, dịch vụ mà họ cảm thấy là có thể thực sự giúp thị trường trở nên tốt đẹp hơn. Vì nếu quảng cáo vô tội vạ cho những dịch vụ, sản phẩm không đáng tin cậy, họ có thể làm mất danh dự của bản thân.

Ảnh: Dan Winters/National Geographic

Lấy một ví dụ: Angelina Jolie. Tuy tạo dựng tên tuổi ở địa hạt điện ảnh, trong nhiều thập kỷ đổ lại, Angelina Jolie chuyên tập trung cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện. Cô không sở hữu bất kỳ tài khoản mạng xã hội nào. Và cô cũng chỉ ký hợp đồng quảng cáo cùng những thương hiệu tập trung vào những chiến dịch xã hội – ví dụ chiến dịch cứu loài ong mà Guerlain bắt tay cùng UNESCO.

Có thể thấy, các KOL chân chính hoạt động hoàn toàn trái ngược với influencer. Vì mục đích của influencer là xây dựng tên tuổi qua lượng fan trên mạng xã hội. Sức ảnh hưởng của influencer tỉ lệ thuận với lượng fan mà họ đã dày công xây dựng. Họ không nhất thiết là chuyên gia trong bất kỳ lĩnh vực nào. Tất nhiên, cũng có những KOL có tài khoản mạng xã hội được nhiều người theo dõi.

Những con số chứng tỏ sức ảnh hưởng của Key Opinion Leaders

Một khảo sát thị trường cho thấy 92% người tiêu dùng tin tưởng vào lựa chọn của các KOL hơn là chiến dịch quảng cáo thông thường. Vì vậy, có được sự hậu thuẫn của một KOL sẽ giúp các thương hiệu tiếp cận người dùng nhanh chóng hơn.

Tuy vậy, 61% các thương hiệu lại khó tìm được KOL cho những chiến dịch quảng bá. Vì sự khắt khe của các KOL, họ không dễ dàng gì bắt tay với các thương hiệu.

>>> Xem thêm: KHÔNG CÓ 1 TRIỆU FAN TRÊN INSTAGRAM? ĐỪNG LO. ĐÃ ĐẾN THỜI CỦA MICRO INFLUENCER/KOL

Trích Netbase Quid
Tạp chí thời trang Harper’s Bazaar Việt Nam

Xem thêm