Như Harper’s Bazaar đã đăng tin, Chanel đã tăng giá hàng loạt các mẫu túi xách hậu dịch cúm COVID-19. Đại diện của Chanel đã chính thức xác nhận thông tin này. Nhà mốt Pháp cho biết, “giá bán sẽ tăng từ 5 đến 17% và chỉ áp dụng cho một số ít sản phẩm của Chanel”.
Theo phân tích từ Purseblog, trang thông tin về túi xách hàng hiệu, thì mức giá tăng dao động nhiều hơn thế. Dòng Boy Bags có mức giá tăng thấp nhất, chỉ 4–5%. Có lẽ vì đây là dòng túi mới, còn khá đại trà và được xem là một sản phẩm entry level (tức cho người bắt đầu tiếp cận Chanel). Nhưng các dòng Classic Flap tăng đột biến. Trong số đó, giá của mẫu Mini Square Flap Bag tăng đến tận 25%.
Một mẫu túi Chanel classic flap thuộc loại All Black
Mức giá mới sẽ được bắt đầu áp dụng tại Châu Âu và Trung Quốc, trước khi lan truyền đến các quốc gia khác. Chanel cũng cho biết rằng các mẫu túi giới hạn theo mùa, quần áo may mặc sẵn, giày dép và dòng mỹ phẩm sẽ không tăng giá.
Lời giải thích từ Chanel
Trong giai đoạn khó khăn này, việc tăng giá một mặt hàng xa xỉ đến mức trung bình khoảng 17% như Chanel khiến nhiều người gãi đầu gãi tai. Có phải Chanel đang tìm gách gỡ hòa cho những tháng bị lỗ do đóng cửa nhưng vẫn trả lương lực lượng nhân viên đều đặn? Hay tìm cách đánh vào xu hướng mua sắm bù của những khách hàng đang thỏa thích shopping hậu dịch cúm?
Nhà mốt Pháp phủ nhận. “Dịch cúm không liên quan gì đến quy trình định giá của Chanel”, nhà mốt trả lời. Theo Chanel, thương hiệu tái định giá các sản phẩm hai lần một năm.
Theo lời biện giải của Chanel thì có vẻ như những chi phí liên quan đến việc giãn cách xã hội, đình trệ công việc sản xuất, cũng như khó mua được nguyên vật liệu mới là lý do trước nhất cho lần tăng giá đột biến này. “Trong những thời gian khó khăn như thế này, rất quan trọng để Chanel tiếp tục ủng hộ những nghệ nhân làm nên sản phẩm của chúng tôi. Giá trị của chiếc túi Chanel cũng vì vậy mà phản ánh tay nghề thủ công và kỹ thuật truyền thừa của họ”.
Chanel kiên quyết rằng việc thay đổi giá là cả một quá trình phức tạp, mất nhiều thời gian để thực hiện và chỉ được áp dụng sau một thời gian dài đắn đo. Không có chuyện thương hiệu thay đổi giá bất thình lình chỉ vì dịch cúm.
Bí ẩn đằng sau cách định giá thời trang xa xỉ
Khi nói về phương thức định giá thời trang xa xỉ, không hề có một công thức dễ áp dụng nào. Nhìn chung, cách định giá dựa vào những yếu tố sau:
- Chất lượng: Thiết kế thời trang, chất lượng của nguyên vật liệu cao cấp, tay nghề thủ công của các nghệ nhân chế tác sản phẩm đều góp phần tạo nên chất lượng sản phẩm.
- Truyền thống: Việc một thương hiệu hay một sản phẩm đã đứng vững gót trong thương trường góp phần tăng giá trị cho sản phẩm. Vì người tiêu dùng có thể tin tưởng vào chất lượng của nhà mốt.
- Độc quyền: Đây có lẽ là điểm mấu chốt quan trọng nhất. Sản xuất sản phẩm quá ít, doanh số thấp không thể giúp các nhà mốt vận hành. Sản xuất quá nhiều thì dẫn đến việc “đụng hàng thời trang” và giảm trị giá thương hiệu.
Các yếu tố tài chính khác bao gồm chi phí bộ máy hành chính, vận chuyển, tỷ giá ngoại tệ, chi phí quảng cáo… nhưng không đóng vai trò quan trọng bằng ba yếu tố ở trên. Và thương hiệu đảm bảo các khách hàng hiểu rõ những giá trị này qua các chiến dịch quảng cáo và truyền thông.
>>> Xem thêm: 4 CHIẾC TÚI XÁCH CHANEL ĐẦU TƯ SINH LÃI TỐT HƠN VÀNG
Qua việc tăng giá, có thể nói rằng việc sở hữu túi xách Chanel sẽ ngày càng khó khăn. Đây là một phần của yếu tố độc quyền. Những người đã sở hữu túi Chanel hiện tại sẽ ngày càng vui vẻ vì sản phẩm của mình mang lại giá trị đầu tư rất cao. Những người chưa kịp sở hữu sẽ hối hả chen chân đi mua để tránh việc thương hiệu tiếp tục tăng giá.
Dựa trên hàng người đứng chờ dài dằng dặc trước cửa hàng Chanel tại Trung Quốc, chúng ta có thể tin rằng Chanel sẽ là một trong những thương hiệu trở lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết hậu dịch cúm.
Harper’s Bazaar Việt Nam