Khi mở ra tờ lịch đầu năm mới, ít nhiều bạn hay tôi đều nghĩ đến thời gian, nghĩ đến những ngày đã qua, bây giờ và sắp tới. Một số người trong chúng ta lại tìm đến chốn tâm linh để xin một cây xăm, cầu một quẻ bói về vận hạn, dẫu có tin hay không tin ở chính mình. Mà giả như bạn là người tự tin, có thể vào thời khắc giao thừa, bạn lại bần thần mường tượng một viễn cảnh không biết tốt đẹp hay u ám trong năm mới, hoặc day dứt về một điều nào đó trong năm cũ đã làm sai, hoặc đáng làm mà không làm!
Quá khứ bầm dập hay huy hoàng đều có sức mạnh khống chế ta, trong khi lo lắng thái quá hay lạc quan hão về tương lai cũng luôn rình rập biến ta thành nô lệ cho chúng.
Ngày hôm qua đã qua!
So với hiện tại và tương lai, quá khứ là một phần đời lớn, bám sâu cuộc sống mỗi người nhất. Những dịp lễ, Tết, giỗ tộc, những ngày kỷ niệm… là dịp gia đình, dòng họ, bạn bè họp mặt, quá khứ được nhắc nhớ và trân trọng.
Thế nhưng, ở mặt khác, do hình thành từ trí nhớ, quá khứ sẽ ám ảnh ta dai dẳng bằng những niềm thương, nỗi ân hận, day dứt khôn nguôi về những sai lầm, va vấp đã qua. Ưu tư một cách cực đoan vì quá khứ luôn dẫn đến tâm lý hoang mang, sợ sệt, không dám chấp nhận rủi ro.
Sheryl Sandberg, nữ giám đốc tác nghiệp của Facebook cho rằng người phụ nữ thành công là do biết tính toán rủi ro, không vì dao động cảm tính từ thất bại của quá khứ mà đưa ra những quyết định bất cẩn.
Cũng cần nhớ, cho dù bạn nghĩ đến quá khứ với những suy nghĩ tích cực, ao ước thời gian quay lại để thực hiện những việc tốt chưa kịp làm, nó vẫn gây khó cho hiện tại, nếu đó mãi chỉ là… ao ước.
Rocker cựu trào Mick Jagger từng thổ lộ “Quá khứ là chốn tuyệt vời tôi không muốn xóa nhòa hay hối tiếc, nhưng tôi lại không muốn mình bị nó cầm tù”.
Hai chữ ao ước “giá như” chính là “lưỡi dao” gọt bớt từng mảnh thời gian quý báu của hiện tại. Nghệ thuật sống với quá khứ là cần biết đẩy những bất hạnh xuống tận cùng đáy ký ức, đưa những điều làm bạn vui, hài lòng lên “top” trên. Như thế, mỗi khi thi thoảng nhớ lại, bạn sẽ chạm mặt ngay niềm vui, kỷ niệm đẹp, không kịp nhớ đến những nỗi buồn.
Hãy xem những niềm vui nỗi buồn trong quá khứ, thậm chí là thất bại hay khổ đau là món quà “lạ” trời ban. Bà Arianna Huffington, Tổng biên tập tờ Huffington Post, đã nhận được từ mẹ mình một lời khuyên quý báu là nên trân trọng món quà ấy: “Thất bại không phải là mặt đối lập của thành công, mà là một bước trên con đường tiến tới thành công”.
Điều gì đoán định tương lai?
Có lẽ một đặc điểm của phụ nữ là hay… lo lắng về những ngày phía trước, về mai sau. Những người cả lo về tương lai lúc nào cũng bị ám ảnh chuyện rủi sẽ xảy ra cho mình, cho gia đình và cho quãng đời phía sau. Ở thái cực khác, có người lại sống như thể những điều mình tính toán, mong ước đã nằm gọn trong tay.
Cả hai mẫu người này thường tự làm khó đường công danh sự nghiệp của mình. Thực tế, đến 40% những dự cảm lo lắng là sẽ không bao giờ xảy ra cả.
Steve Jobs rất thích câu nói của thế giới khúc côn cầu: “Tôi luôn lao đến những nơi quả bóng sắp sửa đến, không phải nơi nó vừa ở đó”. Theo ông, thành công của Apple là “mang tương lai về hiện tại” và cái “tầm” của người thành đạt là xem xét, phân tích quá khứ và hiện tại rồi kết hợp với hoạch định tương lai để quyết, chứ không “cả nghĩ” về tương lai như “tầm” của người hay lo lắng.
Nghệ thuật sống với tương lai là hoạch định cho nó. Đó là vũ khí để bạn không trở thành nô lệ thời gian, là bước quan trọng để đảm bảo cho tài chính, sự nghiệp và các mối liên hệ xã hội, tiền đề dẫn đến hạnh phúc và thành công. Phụ nữ thành đạt biết đặt quá khứ và hiện tại vào đúng “vị trí” của chúng để tạo tác động tốt cho tương lai.
Nữ điêu khắc gia Mai Thu Vân đã có cái nhìn về tương lai rất tinh tế khi chia sẻ về sự động viên cuộc sống mẹ-con gái của chị với người mẫu Hà Đăng. Chị nói với con rằng mình không phải là người quá tài ba, xuất sắc để biết trước tương lai, nên cứ định hướng trước một năm, hay nửa năm cũng được, mỗi một chặng đường mình làm tốt nhất có thể, rồi sẽ có những cánh cửa được mở ra.
Còn theo Mary Kate McGrath, Tổng biên tập tờ PureWow: “Nếu tôi không dùng giấy bút để vạch ra từng khoảng thời gian nào đó cho từng việc thì sẽ không bao giờ có được điều mình muốn”.
Trân trọng món quà Hiện tại
Có điều thú vị là trong tiếng Anh, từ “present” mang cả hai ý nghĩa “hiện tại” và “món quà”. Trớ trêu là trong cuộc sống, “món quà” ấy ít được người ta nghĩ đến nhiều như với quá khứ và tương lai.
Sarah Kauss, CEO đương nhiệm của S’well, doanh nghiệp sản xuất các chai đựng nước với thiết kế thời trang, thân thiện với môi trường. Trong nhiều năm, cô luôn giữ thói quen viết nhật ký mỗi ngày. Khi viết lại những suy nghĩ sau mỗi sự kiện, những trở ngại đã gặp, cô thường so sánh những quãng thời gian khác nhau trong cuộc đời mình. Những câu hỏi cứ lặp đi lặp lại cho đến lúc cô nhận ra mình đang mất dần những sở thích riêng. Để có thể sống trọn vẹn từng ngày với hiện tại, cô trở lại một vài sở thích cá nhân từng bỏ quên khi bị chìm vào núi công việc như tập yoga, chèo thuyền…
Theo tiến sỹ Susan Heitler, ai càng biết tận dụng những sự kiện có giá trị chuyển tiếp thời gian, càng hạn chế được nhiều ảnh hưởng do quá khứ và tương lai mang lại, đồng thời cũng làm những khoảnh khắc sống hiện tại giá trị thêm. Đi kèm kỹ năng khai thác tốt các sự kiện chuyển tiếp, nghệ thuật sống với hiện tại còn là:
– Chia nhỏ thời gian mà sống nghĩa là tìm niềm vui trong từng khoảnh khắc, từ làm việc giải trí đến thư giãn.
– Sống chậm để hạn chế sai sót do tính khí bất định gây ra điều phải ân hận trong tương lai.
– Định thần, tập trung, hiểu việc mình đang làm, dù là việc rất nhỏ để không bị những hệ lụy từ quá khứ áp đặt.
– Cố gắng tìm (chủ động) và làm cho được (cố gắng, kiên trì) điều mình thích (hưởng thụ niềm vui).
– Chọn phương án lên đường, thực hiện những chuyến du lịch ngắn, dài làm bộ lọc gạn đi tàn dư dằn vặt ở quá khứ hay lo lắng đến tương lai.
Chuyên gia tâm lý Rosemary K.M. Sword gợi ý 3 điều mỗi người nên làm vào ngày 31 tháng 12 là “nhìn lại năm cũ, tái tạo niềm vui trong hiện tại và hoạch định cho năm mới”.
Vậy hỡi những bà chủ thời gian, các bạn định thực hiện những điều này bằng cách nào?
Người nổi tiếng nói:
George Orwell: “Ai kiểm soát được quá khứ sẽ điều khiển được tương lai”.
Winston Churchill: “Ai để quá khứ và hiện tại xung đột, kẻ ấy sẽ mất tương lai”.
Bil Keane: “Hôm qua là quá khứ, ngày mai là tương lai nhưng hiện tại là món quà”.
Bài: Trần Trung. Ảnh: Getty images