Polo đã vượt lên ranh giới của một môn thể thao đơn thuần để trở thành một phong cách sống của giới thượng lưu. Mỗi giải đấu polo đều hội tụ nhiều nhân vật chính yếu trong các hoàng tộc, tập đoàn kinh tế lớn. Những trận polo cùng các bữa tiệc sang trọng với champagne và lễ phục lộng lẫy đã trở thành một phần không thể thiếu của giới thượng lưu. Bởi đó là nơi gặp gỡ, kết giao những mối quan hệ chính trị, kinh doanh lớn của giới nhà giàu trên toàn thế giới.
Thú vui tao nhã của giới quý tộc
Vì sao người ta yêu thích môn mã cầu? Cây viết Yi Li Dawson của tạp chí Lifestyle Asia từng miêu tả: “Tôi nghĩ rằng đây là một trong những môn thể thao khó nhất. Để chơi nó, bạn phải có cả 2 kỹ năng là cưỡi ngựa điêu luyện và sử dụng chiếc gậy đánh bóng một cách chính xác, không phạm luật mà vẫn ghi được bàn thắng. Chưa kể là bạn còn phải phối hợp với đồng đội để thi đấu trong thời gian ngắn, tốc độ cao”. Còn tác giả Horace A.Laffaye cho rằng lý do khiến giới quý tộc châu Âu cho tới hiện nay vẫn yêu thích môn này là bởi nó thể hiện các phẩm chất của những người ưu tú: Người chơi phải có các phẩm chất mạnh mẽ, thông minh, linh hoạt và cả sự kiên nhẫn, tính đồng đội”. Cũng bởi vậy, mà nhiều thế hệ trong những gia đình quý tộc như Hoàng gia Anh với Thái tử Charles cùng hai Hoàng tử William và Harry vẫn luôn có niềm đam mê đặc biệt với polo.
Xem một trận polo không đơn giản là xem hai đội thi đấu để ghi bàn. Với nhiều người, một trận polo còn là dịp để ngắm những chú ngựa tuyệt hảo nhất thi đấu. Ngựa để chơi polo là những giống ngựa thuần chủng, không những phải nhanh mà còn phải điềm tĩnh và hiểu ý người điều khiển nó. Mà ngựa luôn là thú vui tao nhã của giới quý tộc lắm tiền nhiều của. Và nếu bạn đủ điều kiện để chơi hoặc thưởng thức những trận đấu polo như một thú vui thì thế giới sẽ chào đón bạn. Để học chơi polo, trung bình người ta phải chi ra từ vài chục đến vài trăm bảng Anh một ngày. Chi phí nhập môn cho trang phục, gậy đánh polo, mũ bảo hiểm, ủng, áo bảo hộ, yên ngựa chuẩn… giá phải vài nghìn bảng Anh. Đó là chưa tính đến chi phí cho ngựa và phí tham gia câu lạc bộ thường niên! Mọi môn thể thao đều có thể đi kèm phong cách đặc biệt với thời trang. Riêng polo là một phong cách sống thực sự bởi nó hòa trộn hai yếu tố quý tộc và cao cấp.
Cơn sốt polo ở châu Á
Những giá trị của giới thượng lưu phương Tây xuất hiện ngày càng nhiều ở phương Đông. Không chỉ dùng đồ hiệu, xe sang, giới nhà giàu châu Á cũng bắt đầu tìm đến polo. Cộng đồng polo mới ở châu Á không hẳn là những người có xuất thân quý tộc hay ở mức siêu giàu. Nhưng “phú quý sinh lễ nghĩa”, họ sẵn sàng bỏ ra những khoản tiền lớn khẳng định vị thế mới của mình.
Lần lượt vào năm 2004 và 2005, hai trung tâm của môn chơi này tại quốc gia đông dân nhất thế giới là Sunny Time Polo Club ở Bắc Kinh và Nine Dragons Hill Polo Club ở Thượng Hải được thành lập. Đặc biệt, với giới nhà giàu ở châu Á, polo như một cuộc đầu tư dài hơi cho vị thế của thế hệ sau. Sunny Time Polo Club không chỉ là điểm hẹn của người chơi polo ở Đại lục mà còn là lò đào tạo một thế hệ người chơi polo mới của châu Á. Những công tử, tiểu thư từ 5-9 tuổi, con của các tài phiệt Trung Quốc bắt đầu luyện chơi polo ở đây. Để được vào học, bố mẹ họ phải mua thẻ hội viên với mức giá khoảng 15 nghìn đô-la Mỹ và thêm 500 đô-la Mỹ cho các khoản phí phát sinh khác. “Polo dạy cho con gái của tôi phong thái của giới quý tộc, từ cách hành xử, phong cách thời trang cho tới những kỹ năng thể thao mà môn này đem lại”, mẹ của một cô bé 10 tuổi đang theo học polo ở Bắc Kinh cho biết.
Để cập nhật về mốt chơi polo ở châu Á, người viết hỏi anh bạn đồng nghiệp người Đài Loan làm việc cho một đài truyền hình tư nhân: “Dân nhà giàu ở Đài Loan mấy năm nay vẫn chơi polo chứ? Trong bối cảnh sức nóng của thị trường xa xỉ châu Á đang nguội dần…”. Một ngày sau, anh trả lời tôi: “Không thể phủ nhận rằng giới nhà giàu bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế và lối sống của họ, đặc biệt là ở Trung Quốc cũng ít nhiều “hạn chế” hơn. Nhưng các “tín đồ” polo ở Đài Loan vẫn đều đặn tham dự các giải đấu ở Đại lục, thậm chí cả châu Âu hay Mỹ. Xa xỉ, cao cấp hay quý tộc luôn là giấc mơ mà những người bắt đầu bước lên toa tàu “giàu có” mơ cho đến khi không còn có thể mơ…”.
Thú vui tao nhã của giới thượng lưu
Sức hút và quyền lực của môn thể thao polo không chỉ nằm trong sự ganh đua trên sân cỏ mà còn thể hiện ở nhiều khía cạnh ngoài sân đấu. Điều dễ nhận thấy là không ai dự một giải đấu polo chỉ để xem đội thắng đội thua. Những người hâm mộ chân chính, các thường dân có thể đến xem và cổ vũ hết mình. Nhưng bên cạnh đó còn có một giá trị khác của giải đấu polo, nằm đằng sau một hàng rào trắng, tại khu vực VIP.
Đó là nơi bạn sẽ tìm thấy Alexa Chung đang tám chuyện với Poppy Delevingne, còn Will Young cố gắng để dạy cho các cô nàng về phong cách hiện đại. Các thành viên của giới thượng lưu hay giới nhà giàu mới nổi đến giải đấu trong những chiếc xe sang trọng bậc nhất, với bộ cán lộng lẫy nhất trong các bữa tiệc sau giải đấu. Đó là nơi họ bắt tay, trò chuyện với những tỷ phú, các ngôi sao từ khắp nơi trên thế giới.
Đó là chốn hội hè miên man với các màn trình diễn giải trí, đấu giá từ thiện và nhiều hoạt động khác. “Polo là cách thể hiện họ giàu cỡ nào. Tới chơi hoặc xem một trận polo, anh mặc gì, đi xe gì và ngồi ở khu vực bàn tiệc nào, uống loại champagne hay whisky nào. Tất cả những điều đó đều được để ý”, Steve Wyatt, chủ sân polo Nine Dragons Hill Polo Club lý giải trong một bài báo của BBC.
Quà tặng và giải thưởng xa xỉ
Tại giải The Kent & Curwen Royal Charity Polo Cup 2014, hãng trang sức Tiffany & Co. là nhà tài trợ chính đã tặng cho các cầu thủ những chiếc hộp màu xanh ngọc với món quà lưu niệm tuyệt đẹp bên trong. Ngoài ra, Tiffany & Co. cũng trao tặng giải thưởng The Tiffany & Co Most Valuable Player cho Hoàng tử Henry xứ Wales.
Bài: Độc Cầm. Ảnh: Getty Images, tư liệu